Afghanistan: Cảnh cùng cực của những cô gái đi tù vì bị hiếp
Hai trường hợp bạo lực thu hút sự chú ý của dư luận đã gây phản đối kịch liệt cả ở trong và ngoài Afghanistan về sự đối xử với phụ nữ nước này. Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo ngại rằng chiến dịch quân sự của phương Tây giảm bớt đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế không còn quan tâm đến điều đó nữa.
Liệu có bao nhiêu phụ nữ ở Afghanistan vẫn phải chịu đựng trong câm lặng, dù đã 10 năm sau khi Taliban bị lật đổ?
Bên ngoài, đó là một ngày mùa đông đầy nắng. Những quả núi nhấp nhô phía trên thành phố in bóng giữa bầu trời xanh không một gợn mây. Nhưng bên trong ngôi nhà là toàn một màu đen với những tấm rèm che kín để hàng xóm láng giềng không thể nhòm ngó.
Đây là ngôi nhà an toàn ở Kabul, nơi Gulnaz và đứa con nhỏ của cô trú thân. Những người phụ nữ ở đây yêu cầu giữ kín danh tính để phòng trường hợp nhà của họ bị đốt rụi.
Mới 21 tuổi, Gulnaz vừa được ra khỏi nhà tù, nơi cô hạ sinh con gái Moska. Gulnaz dường như trẻ hơn tuổi nhưng có ánh nhìn lạnh lùng như cách cô kể câu chuyện đời mình.
Gulnaz đi tù ở một trại giam dành cho phụ nữ Kabul sau khi chồng của người em họ cưỡng hiếp cô. Vụ việc bị khui ra ánh sáng khi một Gulnaz chưa chồng mà lại có chửa. Cảnh sát tới và bắt cả Gulnaz lẫn tên yêu râu xanh. Theo luật của Afghanistan, cô cũng bị kết tội “thông dâm”, với bản án lên tới 12 năm tù.
Khi vụ việc bị dư luận nước ngoài lên án, Tổng thống Hamid Karzai đã can thiệp và Gulnaz được ân xá.
Video đang HOT
Gulnaz cho biết, giờ đây cô chỉ muốn về nhà với gia đình. Để làm được điều đó, cô sẵn sàng lấy người đàn ông đã cưỡng hiếp cô – nếu không, gia đình họ sẽ trở thành kẻ thù.
Vấn đề đối với Gulnaz là, nếu kẻ hiếp dâm kia không lấy cô – hoặc không thể đáp ứng một khoản hồi môn đáng kể – “vết nhơ” đối với danh dự gia đình cô sẽ còn đó, có lẽ với những hậu quả chết người đối với Gulnaz và con cô. Điều đó có nghĩa là cô không bao giờ có thể trở về nhà.
Là một người mẹ đơn thân, không có nghề nghiệp hay bằng cấp, chỉ có vài cách để một phụ nữ có thể sống sót ở Afghanistan mà không có sự hỗ trợ từ gia đình.
Một luật sư người Mỹ ở Kabul, Kim Motley, đã nhận vụ của Gulnaz. Hiện cô đang cố gắng quyên tiền để cô gái có thể bắt đầu một cuộc đời mới, bằng cách nào đó, ở một nơi nào đó, nếu Gulnaz không thể về nhà.
Được cứu khỏi bạo lực
Sahar Gul, 15 tuổi, là một trường hợp khác. Hiện cô đang được điều trị trong bệnh viện và quá đau đớn để kể lại.
Được gả bán cho một người đàn ông 30 tuổi vì một khoản hồi môn 4.500 USD, Sahar bị chồng nhốt trong một căn hầm suốt nhiều tháng, bị anh ta và gia đình bỏ đói và tra tấn. Và mãi đến giờ, cô vẫn không hiểu thực sự vì đâu nên nỗi.
Sahar có thể vẫn chưa trò chuyện được, nhưng các vết thương trên người cô nói lên tất cả. Những vết bỏng trên cánh tay và trên cơ thể mảnh dẻ của cô, một bên mắt sưng vù, những búi tóc bị giật đứt. Một bàn tay nhỏ đầy sẹo với một chiếc móng bị rút lìa.
Cảnh tra tấn này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận không chỉ ở Afghanistan mà cả từ bên ngoài.
Nhưng có lẽ, Sahar vẫn là người may mắn, theo một cách nào đó. Cô không chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bạo lực như một số cô dâu khác. Thay vào đó, cô được cảnh sát giải cứu khỏi cảnh ngục tù. Vì vậy, cô không bị tuyên một thứ tội được gọi là “vi phạm đạo đức” như nhiều phụ nữ trẻ khác.
Câu chuyện của Sahar và của Gulnaz là tột cùng. Nhưng nó khiến người ta băn khoăn liệu có bao nhiêu phụ nữ ở Afghanistan vẫn phải chịu đựng trong câm lặng, dù đã 10 năm sau khi Taliban bị lật đổ.
Có nhiều luật cấm bạo lực nhằm vào phụ nữ, nhưng thực thi chúng là rất khó. Truyền thống và gia đình, hoặc danh dự cộng đồng thường được coi là quan trọng hơn nỗi cơ cực hoặc bất hạnh của một cá nhân.
Nghèo đói và thiếu giáo dục cũng có nghĩa là hôn nhân ở tuổi vị thành niên vẫn rất phổ biến.
Khi Sahar cố gắng thoát khỏi những kẻ tra tấn thì dường như chính những người hàng xóm đã đem cô trở về nhà chồng, trước khi cảnh sát can thiệp.
Trong một văn phòng tĩnh lặng đầy sách ở Kabul, một thế giới cách xa những hỗn loạn trong bệnh viện và căn nhà an toàn tăm tối kể trên, Tiến sĩ Sima Samar là Giám đốc Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan. Từ lâu, bà đã mạo hiểm với mạng sống của chính mình khi nói ra những nguyên tắc mà bà tin chắc – bình đẳng và công bằng.
Câu trả lời của Tiến sĩ Samar rất rõ ràng: Bà và các đồng nghiệp ở Afghanistan sẽ tiếp tục đấu tranh để cải thiện cuộc sống của những phụ nữ như Gulnaz và Sahar.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Samar cũng như nhiều người khác lo ngại rằng cộng đồng quốc tế có thể không còn muốn thúc đẩy về nữ quyền ở Afghanistan, khi phương Tây muốn cắt giảm chiến dịch quân sự của họ tại đây.
Khi các binh sĩ phương Tây không còn tuần tra trên đường sá Afghanistan thì dư luận quốc tế càng dễ bỏ qua những gì diễn ra đằng sau những cánh cửa khóa chặt và những tấm rèm che kín ở một nơi xa xăm.
Theo VietNamNet
"Chân kiềng" cho hoà bình Afghanistan lung lay
Những hệ lụy từ vụ đánh bom làm 55 người thiệt mạng tại Kabul đang gây thêm căng thẳng cho quan hệ giữa Afghanistan và nước láng giềng Pakistan, đồng thời cản trở chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm bình ổn khu vực trước khi lực lượng quốc tế rút quân vào cuối năm 2014.
Vụ đánh bom làm 55 người thiệt mạng tại Kabul.
Vụ đánh bom khiến Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phải rút ngắn chuyến đi Châu Âu để trở về giải quyết tình hình trong nước. Hôm 7.12, Tổng thống Karzai cáo buộc nhóm cực đoan Lashkar-e-Jhangvi - có căn cứ tại Pakistan - là thủ phạm. Bằng chứng mà ông Karzai đưa ra là lời tự thú của một người đàn ông tự nhận là thành viên nhóm khủng bố trên. Tên này đã gọi điện đến các phương tiện đại chúng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ngôi đền Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Kabul và một vụ tấn công khác diễn ra cùng ngày 6.12, làm 4 người Shiite thiệt mạng tại thành phố miền bắc Mazar-e-Sharif. "Chúng tôi đang điều tra và sẽ trao đổi với Chính phủ Pakistan về vấn đề này" - ông Karzai nói.
Dư luận lo ngại tuyên bố của Tổng thống Afghanistan sẽ làm trầm trọng hơn căng thẳng với Pakistan, trong bối cảnh quốc gia láng giềng này vừa tẩy chay hội nghị quốc tế về tương lai Afghanistan để phản đối vụ "bắn nhầm" của NATO. Những sự kiện gần đây còn làm phát sinh mâu thuẫn giữa Afghanistan, Pakistan và Mỹ - vốn tạo nên thế "chân kiềng" cho cuộc chiến chống khủng bố suốt 1 thập kỷ qua tại khu vực Nam Á. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Abdul Basit kêu gọi Kabul chia sẻ bất cứ bằng chứng nào về việc nhóm Lashkar-e-Jhangvi là thủ phạm. "Chính phủ và nhân dân Pakistan rất đau buồn và sát cánh cùng người anh em Afghanistan vào thời điểm khó khăn này" - ông Basit nói.
Tổng thống Karzai bắt đầu cứng rắn chỉ trích Pakistan từ vài tháng trước, sau khi một kẻ đánh bom liều chết - vờ là đặc sứ hoà bình của Taliban - ám sát cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani - người đảm trách sứ mệnh đạt thoả thuận hoà bình với phiến quân. Các quan chức Afghanistan cho biết vụ ám sát được lên kế hoạch tại ngoại ô thành phố Quetta (Pakistan) - nơi các lãnh đạo Taliban trú ẩn. Afghanistan đã chia sẻ bằng chứng với Pakistan, song hợp tác giữa hai bên để điều tra về vụ ám sát vẫn không mấy khả quan.
Vụ đánh bom ở Kabul còn làm lộ những lỗ hổng an ninh tại thủ đô Afghanistan và gây quan ngại lớn về tương lai của nước này một khi quân đội nước ngoài rút đi. Lực lượng vũ trang Afghanistan dù đã nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh tại Kabul trong hơn 1 năm qua, song vẫn để các tay súng lọt qua những trạm kiểm soát dày đặc và thực hiện nhiều vụ tấn công tinh vi. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan đã làm phát sinh làn sóng bạo lực phe phái tại Afghanistan, khiến thường dân trở thành mục tiêu chỉ vì là thành viên của một nhóm tôn giáo nào đó. Tuy nhiên, các vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo Shiite thiểu số tại Afghanistan rất hiếm khi xảy ra.
Theo Lao Động
Cựu điệp viên CIA kể chuyện tìm diệt Taliban Hầu hết mọi người ít biết tới những nhân vật như Henry Crumpton, là vì "Hank" - biệt danh của ông - phần lớn cuộc đời phục vụ cho Cục tình báo Trung ương Mỹ. Giờ đã "nghỉ hưu", cựu sỹ quan tình báo CIA 44 tuổi này đã tiết lộ về những chiến dịch quân sự nhổ tận gốc phiến quân Taliban...