ADB triển khai sáng kiến tiếp cận vaccine phòng COVID-19
Ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo triển khai sáng kiến trị giá 9 tỉ USD mang tên “Quỹ Tiếp cận vaccine châu Á và Thái Bình Dương” (APVAX), nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và công bằng cho các quốc gia thành viên đang phát triển khi họ mua và phân phối vaccine ngừa bệnh COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc). Ảnh: Yicai Global/TTXVN
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho rằng các quốc gia đang phát triển là thành viên của ADB đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân và cần tài chính để đặt mua vaccine cũng như lên những kế hoạch phù hợp để quản lý quá trình tiêm chủng.
Theo đó, ADB triển khai sáng kiến APVAX nhằm hỗ trợ quá trình mua và vận chuyển vaccine từ nhà sản xuất tới các quốc gia thành viên cũng như đầu tư cho hệ thống phân phối, các cơ sở trữ đông và các thiết bị cần thiết. ADB sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để triển khai chương trình này.
Video đang HOT
Thông qua chương trình này, ADB cũng có thể sẽ cung cấp tài chính cho việc phát triển hoặc mở rộng năng lực sản xuất vaccine ở các quốc gia thành viên đang phát triển. ADB còn dành khoản 500 triệu USD cho Qũy nhập khẩu vaccine để hỗ trợ giảm thiểu các nguy cơ thanh toán và tạo điều kiện cho các hoạt động nhập khẩu vaccine.
Hiện các quốc gia châu Á đang nỗ lực để đảm bảo hành triệu liều vaccine cho người dân trong khu vực, với mục tiêu triển khai tiêm chủng và bắt đầu chặng đường dài khôi phục trạng thái bình thường, giúp các nền kinh tế hồi phục sau tác động của đại dịch COVID-19.
ADB dự báo kinh tế khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm trong năm 2020 nhưng có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc hồi phục nhanh hơn dự kiến bất chấp diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường. Năm 2021, kinh tế khu vực được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng 6,8%.
Hồi tháng 4, ADB đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 20 tỉ USD để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển khắc phục những tác động của đại dịch và tinh giản một số quy trình thủ tục nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh hơn và linh hoạt hơn. ADB đã cam kết 14,9 tỉ USD dưới hình thức các khoản vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm 9,9 tỉ USD hỗ trợ ngân sách giải ngân nhanh từ chương trình Giải pháp ứng phó đại dịch COVID (CPRO) và hỗ trợ cho khu vực tư nhân.
Trong tháng 11 vừa qua, ADB cũng đã công bố hỗ trợ kỹ thuật bổ sung trị giá 20,3 triệu USD để thiết lập các hệ thống nhằm cho phép phân phối vaccine công bằng và hiệu quả trên khắp châu Á và Thái Bình Dương.
UAE, Maroc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc)
Ngày 9/12, Bộ Y tế Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết vaccine tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của công ty dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) được thử nghiệm tại UAE đạt hiệu quả đến 86%.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc). Ảnh: Yicai Global/TTXVN
Trong tuyên bố do hãng thông tấn nhà nước WAM đăng tải, Bộ Y tế UAE thông báo kết quả trên, viện dẫn báo cáo phân tích giữa kỳ cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ở giai đoạn 3, tức là giai đoạn cuối trước khi chính thức được cấp phép sử dụng. Báo cáo cho thấy không có mối lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn, song không nêu rõ liệu các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm có gặp tác dụng phụ hay không. Hiện chưa rõ thông báo trên chỉ bao gồm kết quả thử nghiệm tại UAE hay cả ở Trung Quốc và những nước khác. Bộ Y tế UAE cũng cho biết đã chính thức đăng ký vaccine nói trên, nhưng không cho biết thêm chi tiết về việc này.
Tháng 7 vừa qua, UAE đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm loại vaccine bất hoạt của Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) - công ty con của Sinopharm, với sự tham gia của 31.000 tình nguyện viên đến từ 125 nước. Các tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 - 60 tuổi đã được tiêm 2 liều vaccine trong cuộc thử nghiệm này. Vaccine của Sinopharm đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại một vài nước trong khi công ty vẫn đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vaccine này tại những nước khác.
* Trong khi đó, chính quyền Maroc đang xúc tiến chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 bắt đầu từ tháng 12 này với mục tiêu tiêm phòng cho 80% số người trưởng thành và chủ yếu sử dụng vaccine của Sinopharm. Ngày 8/12, Hoàng cung Maroc thông báo Quốc vương Mohammed VI đã chỉ thị rằng tất cả công dân nước này sẽ được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 miễn phí.
Thủ tướng Saad Dine El Otmani hồi tháng trước cho biết Maroc dự kiến đưa vào sử dụng vaccine của Sinopharm trong những tuần tới, ngay khi giai đoạn 3 thử nghiệm kết thúc. Theo ông, Maroc cũng đã đặt hàng các liều vaccine từ hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh cũng như đang đàm phán với các hãng sản xuất vaccine khác.
* Cùng ngày 8/12, Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaleya, Alexander Gintzburg cho biết Nga dự kiến sản xuất ít nhất 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng bắt đầu từ tháng 1/2021. Trung tâm Gamaleya đã phát triển vaccine Sputnik-V, vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới được cơ quan y tế quốc gia phê duyệt.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cùng ngày thông báo RDIF và Trung tâm nghiên cứu Gamaleya đã chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất vaccine Sputnik V tại Ukraine. Tuyên bố viết: "RDIF và Trung tâm nghiên cứu Gamaleya đã sẵn sàng sản xuất vaccine ở Ukraine và nộp các giấy tờ để được cơ quan quản lý nhà nước (Ukraine) cấp phép".
* Trả lời phỏng vấn của truyền thông Italy ngày 9/12 khi được hỏi về các vaccine của Nga và Trung Quốc, Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke cho biết hai nước chưa đề nghị cơ quan này cấp phép cho các vaccine của họ và nếu hai nước đề nghị cấp phép vaccine, EMA sẽ nghiên cứu cũng như xem xét các dữ liệu. Bên cạnh đó, bà Cooke cũng tuyên bố không chịu bất cứ sức ép để đẩy nhanh các thủ tục cấp phép cho vaccine của các hãng dược phẩm lớn trên thế giới như Moderna hay Pfizer.
Hàn Quốc không vội tiêm vaccine ngừa Covid-19, chờ theo dõi tác dụng phụ Hàn Quốc có cách tiếp cận khá thận trọng mặc dù nước này đang phải căng mình chống dịch và hệ thống y tế có nguy cơ bị quá tải vì bệnh nhân Covid-19. Ngày 8/12, Hàn Quốc thông báo đã ký hợp đồng cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho 44 triệu dân vào năm 2021 nhưng sẽ không vội vàng tiêm chủng...