Ác quỷ trong vai nữ giáo viên P.2
Vẻ nhâng nháo của Thuận.
Bà ơi sao mẹ Thuận ác thế? Sao mẹ Thuận đốt nhà bác Hưng, giết chị Thảo Hiền?
Kỳ 2: Lời thú tội trong đêm giao thừa: Tức em, trả thù anh
Khi mới bị bắt, mặt Thuận đanh lại, cong cớn dọa một điều tra viên áp giải mình: “Danh dự của tôi lớn lắm, các ông biết chứ?”. Trước nỗi phẫn uất của người dân xung quanh, mặt chị ta không hề biến sắc, trái lại còn nhâng nháo, thách thức. Người được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với Thuận khi chị ta bị đưa về Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội trong một thời gian dài là thiếu tá Đào Trung Hiếu. Biết “đối thủ” của mình là một người có trình độ, thiếu tá Hiếu hiểu rằng đó là một cuộc “so găng” không hề đơn giản, nhất là khi vụ án xảy ra đã lâu, những gì thuộc về vật chứng đã bị đám cháy thiêu rụi, ngoại trừ những bản ảnh hiện trường và nỗi đau hiển hiện của thân nhân gia đình anh Hưng – chị Hà.
Đòn cân não đầu tiên được tung ra với Thuận, khi chị ta đang ngồi trong phòng làm việc ở số 7 Thiền Quang, các điều tra viên tình cờ đưa Hoàng Hải Tiệp và Bùi Tiến Hà đi ngang qua. Rất nhanh nhưng cũng đủ để họ kịp nhận ra và gặp nhau ở ánh mắt thoáng có phần bối rối. Một giây thôi nhưng cũng đủ để thiếu tá Hiếu hiểu rằng chị ta đang mất bình tĩnh và hoang mang. Nhưng Thuận cũng lấy lại được phong độ rất nhanh, chỉnh sửa tư thế ngồi và thái độ lại tỏ ra bất cần như lúc đầu. Thuận cười nói, trả lời từng câu hỏi một cách trơn tru, ráo hoảnh về vụ cháy nhà anh Hưng. Khi được hỏi: “Vì sao nhà cũ của chị chỉ cách nhà anh Hưng khoảng 500 mét và nhận được điện thoại báo cháy vào giữa đêm, mà tới tận 7 giờ sáng hôm sau chị mới tới xem thế nào?”, Thuận không suy nghĩ, trả lời rất nhanh, thể hiện bản chất gian ngoan, ác độc: “Tôi nghĩ là đằng nào cũng chết rồi, đến thì giải quyết được gì”. Trả lời xong Thuận hơi khựng lại vì biết mình hớ. Đòn cân não thứ hai được tung ra. Khi những tấm di ảnh của các nạn nhân được đặt lên bàn, Thuận không dám nhìn vào đó, chị ta chỉ lướt qua chừng nửa giây rồi vội vàng lảng sang chỗ khác, từ đó cho đến hết buổi làm việc Thuận không dám ngoái lại thêm lần nào nữa.
Dù Nguyễn Thị Thuận cố tỏ ra lạnh lùng và kiên quyết “đổ bê tông” trước những câu hỏi nhạy cảm nhưng thiếu tá Hiếu nhận thấy chị ta vẫn là một phụ nữ, mang những tâm sự rất đàn bà mà nếu biết cách khơi gợi thì có thể mở gút mắc trong lòng. Chuyện về trường lớp, việc giảng dạy, về con cái được chia sẻ rất nhiều giữa điều tra viên và đối tượng. Bàn về đề tài này, Thuận vô cùng sôi nổi, dường như chỉ chạm đến vấn đề ấy, chi ta mới trở về vẻ hồn nhiên đích thực của một cô giáo yêu nghề. Cuối buổi chiều làm việc hôm ấy, Thuận nhỏ nhẹ: “Cho tôi gặp bố”. Ông C. – bố Thuận – một cán bộ tỉnh Yên Bái – được đưa đến. Thuận xin lỗi bố mẹ và ủy quyền giải quyết việc tài sản, đất đai cho bố. Bản tường trình đầu tiên về tội lỗi của mình đã được Thuận ngồi viết cắm cúi, rất dài. Đó là một đêm giao thừa. Ngoài đường phố, mọi người nô nức đi chơi còn Thuận phải đối diện với tội ác của mình trong bốn bức tường giam. Cái giá phải trả của chị ta quả là đắt.
Nguyên nhân đầu tiên được Thuận kể lại là do nghi ngờ chồng mình có quan hệ với một phụ nữ khác, chị ta đã nổi cơn ghen vì thế mà tình cảm vợ chồng liên tiếp mâu thuẫn. Dù rất nhiều lần cất công theo dõi nhưng không thu được chứng cứ gì, Thuận bất lực ngồi viết “nhật ký theo dõi chồng”. Khi thấy những đổ vỡ khó có thể hàn gắn, Thuận cũng tìm cho mình niềm vui khác: cặp kè với một người đàn ông tên S., vốn học cùng Đại học tại chức Kinh tế với chị ta. Nhưng đó cũng chỉ là cuộc tình thoáng qua, không để lại dư âm gì. Mối quan hệ này, anh Tuấn cũng biết nên tình cảm vợ chồng Thuận càng lúc càng rạn nứt, cho đến khi không chịu đựng được nhau nữa, họ quyết định ly thân. Anh Tuấn thuê nhà nơi khác ở, còn Thuận và con trai vẫn sống tại nhà cũ. Khi anh Hưng lựa lời khuyên răn Thuận, mong vợ chồng Thuận đoàn tụ, chị ta đã nổi cơn điên vì cho rằng anh Hưng bênh em trai nên đã nhờ Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp ra tay cho bõ tức. Hoảng Hải Tiệp thấy cháy lớn cũng gọi cho cứu hỏa 114 báo nhưng đã ngắt máy ngay sau khi kết nối.
Người đàn bà máu lạnh
Video đang HOT
Suốt hai năm trời Nguyễn Thị Thuận cũng như Bùi Tiến Hà, Hoàng Hải Tiệp đều thành khẩn khai nhận tội lỗi. Thế nhưng, đến khi được đưa ra xét xử tại Tòa án Quân khu Thủ đô, cả ba đều đồng loạt cho rằng mình bị bức cung, bị đánh đập. Riêng Nguyễn Thị Thuận thì tự trang bị cho mình bộ mặt nhâng nháo, đôi lúc chị ta còn quay xuống thách thức thân nhân bị hại, những người một thời cũng là người thân thiết của chị ta. Ba tấm di ảnh được đặt ở bàn đầu tiên kèm theo những lời kêu khóc đau đớn của thân nhân bị hại không làm Thuận thay đổi thái độ. Bản chất dã man của chị ta được thể hiện tột cùng trong cả hai phiên xét xử sơ và phúc thẩm. Rất đông người tham dự phiên tòa, trong đó cánh báo chí cũng chiếm lượng lớn, nhưng trước một rừng ống kính máy ảnh, Thuận vẫn nhếch mép cười, đứng bắt chéo chân, thỉnh thoảng lại giơ bàn tay lên ngắm nghía, vô cảm trước nỗi đau đang ngùn ngụt dâng của gia đình nạn nhân. Thậm chí, Thuận còn quay lại nhìn một cách trâng tráo vào những tấm di ảnh. Thái độ phản cảm ấy làm tất cả phiên tòa phẫn uất.
Cả hai phiên xử có thể nói là hỗn loạn, bi thương chưa từng thấy. Xen lẫn tiếng vị đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng là tiếng khóc ai oán của ông bà nội ngoại cháu Thảo Hiền, của cô dì chú bác, của bạn bè anh Hưng, chị Hà và sự phẫn uất của những người tham dự… Nguyễn Thị Thuận nhận án chung thân, Bùi Tiến Hà 20 năm tù, Hoàng Hải Tiệp 18 năm. Lời sau cùng, Thuận nói rằng sai lầm lớn nhất trong đời chị ta là đã lấy anh Nguyễn Chí Tuấn làm chồng. Không một chút ăn năn, chẳng một giây hối hận, người đàn bà ác độc đó thậm chí cũng không phút nào quay mặt lại tìm đứa con trai bé bỏng. Chị ta đã tự chọn cho mình con đường vào vòng lao lý, tự nguyện rời bỏ núm ruột của mình chẳng mảy may suy nghĩ, chỉ vì thói ghen tuông, cay cú rất đàn bà của mình.
“Gieo nhân nào gặt quả nấy”, Nguyễn Thị Thuận đã gây ra tội ác tày trời và những gì thị phải nhận lấy hôm nay là kết cục xứng đáng. Đứa con trai duy nhất của chị ta rất nhiều lần ôm cổ bà nội và nói: “Bà ơi sao mẹ Thuận ác thế? Sao mẹ Thuận lại đốt nhà bác Hưng, giết chị Thảo Hiền?”. Câu hỏi tưởng là ngây thơ của con trẻ ấy, Nguyễn Thị Thuận có trả lời được không.
Theo 24h
Ác quỷ trong vai nữ giáo viên
Cách đây gần năm năm, một vụ án làm chấn động dư luận đã xảy ra tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đang đêm, ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Chí Hưng - chị Bùi Thu Hà bốc cháy dữ dội. Anh Hưng chết tại chỗ do bỏng nặng, chị Hà và con gái là bé Thảo Hiền, 6 tuổi, tử vong tại bệnh viện 1 tuần sau đó. Gần một năm điều tra, vụ án tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt, nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc, cuối cùng các điều tra viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) Công an Hà Nội đã tìm ra kẻ thủ ác.
Kỳ 1: Thảm án trong đêm
Quê gốc Khoái Châu, Hưng Yên, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hưng cùng các anh em trai ở lại Hà Nội lập nghiệp. Anh Hưng công tác tại Công ty trắc nghiệm bản đồ quân đội, còn chị Hà vợ anh là tiến sĩ văn học. Gia đình anh chị chung tiền với vợ chồng người em là Nguyễn Chí Tuấn mua hai mảnh đất cạnh nhau, ngay đầu thôn Phú Mỹ và xây hai căn nhà để ở.
Bi kịch một gia đình
Thời điểm xảy ra vụ cháy, nhà anh Hưng đã xây xong, còn nhà anh Tuấn vẫn đang hoàn thiện. Đêm 24 rạng sáng 25/1/2008 nghe tin nhà anh trai cháy, anh Tuấn vội vàng thuê taxi phóng về (thời điểm này Tuấn sống ly thân với vợ là Nguyễn Thị Thuận), tới nơi chỉ thấy lửa bao trùm và mùi xăng nồng nặc. Người dân thôn Phú Mỹ kéo đến chật kín đường, cảnh sát PCCC cũng có mặt. Anh Tuấn bủn rủn chân tay dùng chìa khóa riêng mở cửa, cùng một người em trai lao vào cứu vợ chồng anh Hưng và cháu Thảo Hiền. Trong nhà tắm ở tầng 2, chị Hà vẫn đang dang hai tay ra che chắn cho cô con gái nhỏ trước ngọn lửa hung dữ. Chị mở hai vòi nước xối xả để chống lại cái nóng nhưng vô ích. Người em trai bế được chị Hà ra ngoài trong tình trạng bỏng nặng, còn anh Tuấn ôm cháu Thảo Hiền, nhanh chóng đưa hai nạn nhân đi cấp cứu.
Đã từng khám phá nhiều trọng án nhưng vụ hoả hoạn kinh hoàng trong đêm khiến tất cả các thành viên trong gia đình bé nhỏ ấy ra đi đau đớn luôn là nỗi ám ảnh thường trực đối với những người tham gia điều tra. Trung tá Trần Ngọc Hà - Đội trưởng Đội Trọng án Phòng CSĐTTP về TTXH Công an Hà Nội - nhớ lại: "Khi đến bệnh viện lấy sinh cung chị Hà và cháu Thảo Hiền, chúng tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt đau đớn của hai nạn nhân, nhìn chúng tôi như muốn hỏi họ đã làm gì nên tội mà lại phải chịu nỗi đau quá lớn này. Khi tôi hỏi chị Hà có nghi ngờ ai đốt nhà mình không, chị lắc đầu, từ khóe mắt ứa ra hai dòng lệ". Qua tìm hiểu, được biết vợ chồng anh Hưng sống hòa nhã với đồng nghiệp, không có mâu thuẫn gì với ai, vì vậy khả năng bị trả thù do mâu thuẫn trong công việc không thể xảy ra, vợ chồng anh cũng chẳng nợ nần tiền bạc bất cứ ai... Gần một năm trời câu hỏi về hung thủ luôn luẩn quẩn trong đầu các điều tra viên.
Thiếu tá Đào Trung Hiếu - Đội phó Đội chống tội phạm công nghệ cao Phòng CSĐTTP về TTXH Công an Hà Nội, người được giao nhiệm vụ khám phá vụ án lúc đó - kể lại: "Có tuần tôi ra khỏi nhà cả 7 ngày vào giữa đêm mò mẫm xuống khu vực hiện trường để tìm hiểu vào thời điểm ấy còn có hàng quán nào mở, người dân quanh đó sinh hoạt ra sao... nhưng không tìm ra manh mối. Nhiều lần tâm sự với Tuấn - em trai Hưng, tôi được anh này tâm sự nhiều về cuộc sống riêng với cô vợ là giáo viên và nguyên nhân khiến hai người ly thân. Khi đó, trong suy nghĩ của tôi cũng chẳng gợn lên chút nghi ngờ nào về người em dâu này, bởi cô ta chẳng có mâu thuẫn gì với vợ chồng anh Hưng, thậm chí Thuận còn là hàng xóm và bạn từ thuở chăn trâu với chị Hà từ hồi hai người còn ở quê nhà Yên Bái. Sau này, Thuận dạy ở Trường tiểu học Xuân Phương, Từ Liêm. Hai người thân thiết như chị em và cũng chính chị Hà là người làm mối cho Thuận lấy anh Tuấn. Thời điểm xảy ra cháy, Thuận và con trai đang ở ngôi nhà cũ cách hiện trường chừng 500m, còn vợ chồng anh Hưng cùng con gái đã dọn đến nhà mới. Vợ chồng Tuấn có một con trai năm nay lên 9 tuổi.
Nguyễn Thị Thuận và căn nhà anh Hưng bị lửa thiêu cháy.
Điều khiến tất cả mọi người trong gia đình chị Hà - anh Hưng thấy thắc mắc, khó hiểu là trước cái chết đau đớn của cả gia đình anh chồng nhưng Thuận vẫn tỏ thái độ bình thản, lạnh lùng. Vụ cháy xảy ra vào lúc nửa đêm 24 rạng ngày 25/1/2008 nhưng cho tới 7 giờ sáng hôm sau Thuận mới từ nhà mình tới hiện trường, mặc dù nhận được tin báo từ sớm. Trong suốt một tuần liền, khi mẹ con chị Hà được cấp cứu tại Viện bỏng Quốc gia, Thuận chỉ ghé thăm một lần, rất nhanh rồi đi, thậm chí không lướt qua giường bệnh của cháu Thảo Hiền. Trong đám tang anh Hưng, mặc cho những người thân kêu khóc thảm thiết, Thuận vẫn bình thản nghe điện thoại gọi về từ Yên Bái và cười nói hô hố. "Tiếp xúc với gia đình nạn nhân, chúng tôi đã nắm được những bất thường ấy, nhưng đi sâu tìm hiểu thì thấy Thuận với vợ chồng anh Hưng không xích mích gì, có chăng chị ta chỉ mâu thuẫn với chồng về chuyện tình cảm và hai người đã ly thân mà thôi. Các đồng nghiệp nơi Thuận dạy cũng nói cô ta rất tâm huyết với nghề, nhiều năm đạt thành tích trong giảng dạy, không ai thấy cô ta có biểu hiện gì hoang mang sau vụ cháy cả" - thiếu tá Đào Trung Hiếu nhớ lại.
Tuy chưa có bằng chứng về sự liên quan của Thuận với vụ cháy nhưng trong suy nghĩ của các điều tra viên đã cảm thấy hơi băn khoăn về con người này. Lại những ngày tháng bí mật tìm hiểu, xác minh, họ vẫn thấy quy luật sinh hoạt của Thuận không có gì thay đổi, chẳng có gì bất thường. Nhưng những tình tiết nghi ngờ diễn ra khi xâu chuỗi lại càng khẳng định thêm mối nghi ngờ, đó là việc ngay sau khi nhà cháy, Thuận nhận được điện thoại báo tin do một người đang trông coi công trình xây dựng nhà mình tên Bùi Tiến Hà gọi tới. Không biết nội dung ra sao nhưng kéo dài tới 5 phút. Vì sao biết tin sớm thế nhưng tới tận 7 giờ sáng hôm sau, cho con ăn uống đàng hoàng xong Thuận mới đủng đỉnh tới hiện trường, trong khi tất cả những người hàng xóm sống ở đó thấy cháy đã nỗ lực hết mình để cứu giúp các nạn nhân?
Người ở trọ bí ẩn
Ban chuyên án quyết định đi đường vòng, tìm hiểu về những người xung quanh Thuận. Tất cả các mối quan hệ của gia đình anh Hưng, anh Tuấn trước đã rà soát, nay được kiểm tra kỹ hơn. Không chỉ có bạn bè thân quen mà kể cả những người đã từng trông coi hộ nhà hai anh lúc xây cũng được tìm lại. Và ban chuyên án đã tìm ra người trông coi nhà anh Tuấn khi xây dựng là Bùi Tiến Hà (SN 1959, quê Yên Bái) cùng một người nữa thỉnh thoảng đến ở với Hà là Hoàng Hải Tiệp. Trước thời điểm xảy ra vụ cháy, Tiệp đang ở nhờ nhà Thuận, nhưng sau đó anh ta biến mất một cách khó hiểu.
Ban chuyên án chỉ nắm được thông tin duy nhất là trong thời gian ở nhà Thuận, Tiệp có đi học nghề nấu ăn. Vậy thì nhiều khả năng chỉ có Trường Trung cấp du lịch Hà Nội, mỗi khóa học là 2 năm. Dùng phép loại trừ, các anh suy đoán Tiệp chỉ có thể nhập học vào khoảng năm 2007 hoặc 2008 mà thôi. Sau nhiều ngày tìm kiếm, trong số gần chục sinh viên tên Tiệp, các điều tra viên đặc biệt chú ý đến hồ sơ của người có tên Hoàng Hải Tiệp (SN 1980, người dân tộc Tày, quê Yên Bái), đồng hương với Thuận. Khi tấm ảnh của Tiệp được đem tới cho những người hàng xóm nhà Thuận thì họ đều khẳng định người trong ảnh đã từng ở nhà Thuận vào thời điểm trước khi vụ cháy xảy ra.
Tìm đến nhà Tiệp ở Yên Bái, các điều tra viên nắm được anh ta có hoàn cảnh thật éo le. Bố Tiệp bỏ hai mẹ con từ lúc Tiệp còn là đứa trẻ đỏ hỏn để đi theo người đàn bà khác. Bà N., mẹ Tiệp, làm thuê kiếm tiền nuôi con bằng nghề quét vôi. Trong mắt bà Tiệp là đứa con ngoan ngoãn, vâng lời. Tìm hiểu qua bạn bè thời phổ thông với Tiệp, các điều tra viên được biết Tiệp khá hiền lành, ít nói, bản tính thật thà, chất phác. Tốt nghiệp cấp ba, Tiệp thi vào Khoa Chế biến thực phẩm Trường Trung cấp Du lịch. Tại Hà Nội, anh ta còn đi làm thêm ở các nhà hàng, vừa có tiền nuôi mình vừa gửi về cho mẹ. Tìm đến nhà bà N. tìm hiểu thông tin về con trai bà, các điều tra viên được biết Tiệp mới gửi tiền cho mẹ mua xe máy, anh ta còn đưa cả cô người yêu làm ở một nhà hàng về ra mắt. Bà N. đã nghĩ đến cảnh được bế bồng cháu nội. Lại khéo léo hỏi chuyện thu nhập của một người làm thuê ở nhà hàng làm sao có thể trang trải được cuộc sống đắt đỏ ở thủ đô, bà N. nói ngay: "Mấy tháng trước cháu Tiệp được chị Thuận ở Mỹ Đình cho ở nhờ không lấy tiền". Các điều tra viên thở phào, vì đây chính là nút mở cho vụ án tưởng chừng bế tắc gần một năm nay.
Từ Yên Bái trở về, các anh bắt đầu mở vụ án từ mắt xích Hoàng Hải Tiệp. Xác minh nơi Tiệp đang làm việc tại một nhà hàng trên phố Bảo Khánh thu được thông tin quan trọng: số điện thoại Tiệp đang dùng chính là số máy đã gọi vào tổng đài báo cháy ở nhà anh Hưng, tuy nhiên người dùng số này đã ngắt ngay khi có kết nối. Mở rộng điều tra, công an nắm thêm thông tin Tiệp có một người đồng hương tên Bùi Tiến Hà. Ở Yên Bái, nhà Hà và nhà Tiệp gần nhau, Hà sinh năm 1959 nên Tiệp gọi bằng chú. Thời điểm Tiệp xuống Hà Nội học cũng là lúc Hà đến trông coi công trình cho gia đình Thuận. Đã có lần Tiệp gọi điện thoại về quê xin số điện thoại của Hà để hai chú cháu liên lạc với nhau.
Sáng hôm ấy, Tiệp được triệu tập tới cơ quan công an làm việc. Dù cố tỏ ra lì lợm, dọc đường không hề tỏ ra sợ hãi, nhưng nét trầm tư cho thấy anh ta đang suy nghĩ rất nhiều. Tiệp cho biết, anh ta là cháu của người thợ xây nhà cho Thuận là Bùi Tiến Hà. Một vài lần tới thăm Hà, Tiệp quen biết Thuận và được chị ta cho ở nhờ không lấy tiền.
Ân hận muộn màng
Đã từng nhiều lần trực tiếp trò chuyện với Tiệp, đích thân đại tá Nguyễn Đức Chung (hiện là Giám đốc Công an TP. Hà Nội) được nghe anh ta tâm sự về nguyên nhân tại sao lại giúp Thuận đốt nhà. Trước câu hỏi: "Từ khi về Hà Nội, cháu có làm điều gì sai không?", Tiệp ngồi nghĩ ngợi hồi lâu rồi viết một mạch bản khai nhận tội. Anh ta thú nhận: "Gần một năm nay cháu sống trong sợ hãi, cháu biết có ngày này, cháu có tội".
Chuyện bắt đầu từ khi Tiệp đến thăm Bùi Tiến Hà đang trông coi công trình nhà Thuận. Thời điểm đó, Thuận đang ly thân với chồng là Nguyễn Chí Tuấn. Anh Hưng đã khuyên Thuận nên xin lỗi Tuấn để vợ chồng quay về đoàn tụ nhưng Thuận không nghe, cho rằng anh Hưng bênh em trai nên quyết định trả thù. Ngày 20/1/2008, Thuận nói với Bùi Tiến Hà: "Cháu rất tức vợ chồng ông Hưng vì luôn bênh em trai. Chú mua ít xăng về giúp cháu đốt nhà ông Hưng cho bõ tức". Thấy Hà lưỡng lự, Thuận bảo: "Chú cứ đốt đi, nếu xảy ra chuyện gì cháu chịu trách nhiệm". Do ông Hà chưa làm ngay, Thuận nhờ Tiệp ra tay và hứa hẹn: "Chị xây nhà xong, mày xuống ở với chị, chị không lấy tiền nhà". Tiệp đồng ý, nhận 50.000 đồng từ Thuận để đi mua xăng. Chiều 24/1/2008, Tiệp nói với Bùi Tiến Hà: "Tối nay hành động". Theo kế hoạch, tối cùng ngày Tiệp và Hà mang xăng tới cửa nhà anh Hưng. 3 giờ sáng 25/1/2008, Hà cảnh giới bên ngoài, còn Tiệp đổ xăng qua khe cửa sắt nhưng không được vì có rèm che. Bùi Tiến Hà vào nhà Thuận, lấy chiếc thước nhôm hình hộp rỗng ở giữa lùa qua khe cửa, Tiệp rót xăng vào chiếc thước. Sau khi đổ hết can xăng, Tiệp châm diêm đốt rồi cả hai chạy vào nhà Thuận. Ngọn lửa bùng lên trong đêm tối khiến cả gia đình ba người tử vong do bỏng nặng.
Cùng thời điểm bắt Hoàng Hải Tiệp, Ban chuyên án cũng bắt giữ Bùi Tiến Hà và Nguyễn Thị Thuận. Hôm đó, người dân thôn Phú Mỹ đổ ra đường chật cứng. Họ vô cùng bất ngờ khi kẻ thủ ác lại là Nguyễn Thị Thuận, bị bắt ngay sau khi vừa xong tiết dạy ở trường. Trong đám đông xôn xao ấy có một người ở gần nhà Thuận thở phào nhẹ nhõm, anh này chính là người từng bị gọi hỏi vì tình nghi liên quan đến vụ cháy và suốt nhiều tháng trời phải sống trong nỗi thị phi của những người xung quanh. Tội ác của Thuận cuối cùng được lý giải bằng một nguyên nhân rất đơn giản, rất đàn bà: vì ghen!
(Còn tiếp)
Theo 24h