“Ác mộng” mang tên giúp việc về quê ăn Tết
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cận kề, nỗi lo tìm người giúp việc của nhiều gia đình tại Hà Nội lại tái diễn. Chi phí dịch vụ giúp việc ngày Tết cũng theo đó mà tăng giá chóng mặt. Biết thế nhưng nhiều người vẫn phải “buốt ruột” ngậm ngùi móc “hầu bao”.
Nhiều gia đình trẻ “khủng hoảng” khi giúp việc nghỉ Tết
Khi Tết vắng “osin”
Còn khoảng nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày với nhiều người là dịp xả hơi sau 1 năm lao động mệt mỏi. Nhưng với những gia đình có người già, trẻ nhỏ thì không khác gì “ác mộng”, bởi giúp việc không chỉ nghỉ 9 ngày mà có khi lên tới… cả tháng.
Chị Nguyễn Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc kể lại: “Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2015, giúp việc nhà tôi hứa chắc như đinh đóng cột là mùng 6 sẽ lên. Tuy nhiên, tôi “mỏi mắt” chờ đến chiều mùng 6 vẫn không thấy bóng chị ấy đâu. Gọi điện thoại thì giúp việc trả lời “con chị chưa hết kỳ nghỉ Tết, chị xin nghỉ thêm 1 tuần”. Chị Vân Anh ấm ức nói, gia đình chị có con nhỏ, bố mẹ chồng lại lớn tuổi, không thể thiếu người chăm sóc. Nghỉ Tết vợ chồng có thể cố gắng lo liệu được nhưng đến ngày đi làm, con không có người chăm, giúp việc thay thế cũng không tìm được. Mọi việc trong nhà đảo lộn hoàn toàn.
Không muốn bị động do vắng “osin” như gia đình chị Vân Anh, nên dù chưa đến Tết, gia đình chị Phạm Minh Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) đã tất bật liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm tìm người thay thế. “Thời điểm này, các trung tâm đều đồng loạt tăng giá, có nơi hợp lý, có nơi bất hợp lý. Biết là may rủi nhưng có còn hơn không. Hy vọng với sự chủ động, năm nay gia đình tôi sẽ được đón Tết vui vẻ. Kỳ nghỉ Tết năm trước với tôi như “cực hình”. Hai vợ chồng tôi tìm đủ mọi cách mới cho con ăn được. Ngặt nỗi, lo được cho con thì việc nhà chất cao như núi. Không có người lo cơm nước, hàng quán đóng cửa nghỉ Tết, chúng tôi lại không thể ăn đồ ăn sẵn mãi được. Mệt mỏi và căng thẳng vô cùng” – chị Nguyệt than thở.
Hãy tìm đến những công ty uy tín
Thời điểm này, các trung tâm cung ứng dịch vụ giúp việc gia đình khá đắt khách. Khảo sát giá cả tại một số trung tâm được biết, mức trung bình 50 nghìn đồng/giờ và 200 nghìn đồng/ngày, ngày Tết 80 nghìn đồng/giờ và 500 nghìn đồng/ngày. Riêng các ngày từ 29 đến mùng 2 có nơi báo giá 150 nghìn đồng/giờ và 1 triệu đồng/ngày.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, thời điểm cuối năm, giá dịch vụ giúp việc gia đình luôn tăng do cung không đủ cầu. Việc tăng phí môi giới cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, yêu cầu công việc của mỗi gia đình là khác nhau, không có định mức cụ thể, nên chi phí cho giúp việc ngày Tết cũng khác nhau. Các gia đình có thể hạn chế được mức phí dịch vụ môi giới bằng cách liên hệ sớm với các trung tâm uy tín, lựa chọn gói dịch vụ phù hợp, thỏa thuận rõ ràng, tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy”.
Video đang HOT
Tình trạng đảo lộn cuộc sống gia đình vì thiếu người giúp việc dịp cuối năm không phải là chuyện hiếm. Tết đến, ai cũng muốn được đoàn tụ cùng gia đình. Việc nghỉ Tết của những người làm công việc giúp việc gia đình là quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, giúp việc gia đình là một nghề tương đối đặc thù.
Thông thường, các gia đình và giúp việc thường tìm đến nhau qua sự giới thiệu của người quen. Yêu cầu đối với công việc chỉ thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng ràng buộc rõ ràng. Người giúp việc chưa được đào tạo, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm với công việc, người sử dụng lao động lại không thực hiện những ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, thì những chuyện bi hài trên vẫn tiếp diễn.
Theo_An ninh thủ đô
Hết chỗ, xếp hàng bay đêm về quê ăn Tết
Nỗi lo dồn ứ tại sân bay vào dịp Tết đang hiển hiện vì tình trạng lệch đầu sân bay, hay tăng thêm cả nghìn chuyến như Tân Sơn Nhất. Trước nhu cầu đi lại, về quê ăn Tết tăng cao, cộng với tình hình căng thẳng tại các sân bay, điều hành bay, rất nhiều chuyến bay có thể bị chậm và hành khách sẽ phải bay đêm.
Mệt mỏi đi máy bay ngày Tết
Để tăng thêm năng lực điều hành khai thác, Cục Hàng không Việt Nam hiện chủ trì phối hợp các đơn vị quản lý bay, các cảng hàng không để tăng thêm số lần cất hạ cánh mỗi giờ, tăng số lượng phục vụ khách qua các nhà ga đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện khẩn ngày 17/12: tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân đi lại, không để hành khách không kịp về đón Tết do thiếu phương tiện đi lại.
Trên thực tế, chuẩn bị cho việc đi lại dự kiến tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, cách đây hơn 2 tuần, các hãng hàng không đã thông báo về việc tăng thêm hàng nghìn chuyến bay nội địa.
Cụ thể, Vietnam Airlines tăng thêm khoảng 800 chuyến và VietjetAir tăng hơn 1.000 chuyến bay, tức tổng cộng hơn 1.800 chuyến (gồm cả một số đường bay quốc tế), tương ứng với khoảng trên 300.000 chỗ. Jetstar Pacific cũng tăng hơn 20 chuyến trên các đường bay nội địa.
Các hãng hàng không tăng thêm cả nghìn chuyến bay dịp Tết (ảnh Tuổi trẻ)
Tất nhiên, đường bay TP.HCM đi các địa phương dịp trước tết là tăng chuyến nhiều nhất, vào cao điểm Tết có thể lên tới 240-250 chuyến/ngày.
Trong khi đó, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, bình thường, mỗi ngày sân bay này phục vụ khoảng 570 chuyến, cuối năm và dịp Tết sẽ tăng lên 660 chuyến; cao điểm Tết có thể lên đến 720 chuyến. Kéo theo đó, tổng số hành khách đi máy bay dự báo tăng lên 100.000 lượt/ngày, cao hơn 20.000 lượt so với ngày thường.
Như vậy, với lượng khách bay tăng khoảng 15% so với dịp Tết năm ngoái, sân bay Tân Sơn Nhất đang phải phục vụ thêm hàng nghìn chuyến bay, cũng như hàng chục nghìn hành khách đổ về quê ăn Tết. Đó là chưa kể việc sắp xếp lịch bay, khả năng điều hành cất hạ cánh, điều hành mặt đất còn hạn chế,... trong khi số lượng chuyến bay tăng lên rất dễ dẫn tới việc phải thay đổi giờ bay, chậm, hủy.
Trao đổi với PV, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thừa nhận lo ngại này. Ông nói rằng, việc người dân đi máy bay tăng mạnh dịp Tết thì các cảng hàng không, các hãng cần phối hợp tìm biện pháp triển khai phục vụ khách, chứ không thể bảo khách quay sang đi đường bộ, đường sắt được. Trong bối cảnh này, khả năng cao là tình trạng chậm chuyến, giảm chất lượng phục vụ sẽ xảy ra trong đợt cao điểm Tết - ông Cường nhận định.
Cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt khách những ngày cuối năm (ảnh Zing)
Đại diện các hãng hàng không cũng cho hay, trước nhu cầu đi lại, về quê ăn Tết tăng cao, hãng sẽ không hủy chuyến bay. Song, với tình hình căng thẳng về khai thác tại các sân bay và điều hành bay như hiện nay, nhiều chuyến có thể phải bay đêm, miễn sao hành khách kịp về nhà đón Tết.
Căng mình phục vụ
Chính vì thế, đề phòng tình trạng không hạ cánh được do sân bay đông đúc phải bay vòng hoặc xếp hàng chờ đường lăn mới được bay trong giai đoạn cao điểm Tết, Cục Hàng không vừa yêu cầu các tàu bay, kể cả tàu bay quốc tế có đầu vào tại sân Tân Sơn Nhất, phải chở thêm dầu.
Đồng thời, các hãng cũng cần tăng số lượng tàu bay hay đổi sang tàu bay to để tăng tải phục vụ khách.
Hiện bản thân các hãng hàng không đã triển khai các công tác chuẩn bị phục vụ mùa cao điểm Tết.
Vietnam Airlines cho biết đã rà soát, xây dựng quy trình phối hợp tăng cường linh hoạt cơ sở hạ tầng và trang thiết bị (quầy, cửa lên máy bay, trang thiết bị phục vụ mặt đất,...) trong trường hợp chuyến bay bất thường.
Các hãng hàng không căng mình phục vụ hành khách tăng đột biến vào dịp Tết
Ban lãnh đạo Vietjet đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác của hãng tại sân bay Tân Sơn Nhất; làm việc với các công ty phục vụ mặt đất, sân bay, rà soát công tác phục vụ bổ sung nguồn lực, trang thiết bị phục vụ hành khách, hành lý và máy bay. Sân bay Tân Sơn Nhất đã tăng thêm các quầy thủ tục, máy soi chiếu an ninh được mở thêm, bố trí hợp lý luồng, tuyến phục vụ.
Jetstar Pacific chủ động tăng thêm thời gian chờ tại đầu sân bay từ 30 phút lên 35 phút đối với sân bay lớn và sân bay lẻ tăng từ 35 lên 40 phút nhằm giảm chậm chuyến vì lý do máy bay đến muộn do tắc nghẽn.
Các hãng hàng không còn triển khai làm thủ tục trực tiếp qua website, trên điện thoại hoặc quầy làm thủ tục tự động nhằm giảm tải, hành khách không phải chờ đợi quá lâu tại sân bay.
Các cảng hàng không cũng triển khai hàng loạt công việc. Sân bay Tây Sơn Nhất bố trí phân luồng khách khi làm thủ tục và đặt thêm các kios để khách tự check-in, ngưng hoạt động một số quầy phục vụ ăn uống gần khu làm thủ tục; di dời, bố trí lại sảnh B, tăng diện tích xếp hàng lên gần gấp đôi; lắp thêm một máy soi chiếu an ninh, đưa vào hoạt động một sảnh đón taxi; bổ sung 3 điểm cấp nước uống miễn phí và 800 ghế ngồi tại khu vực phòng chờ của khách...
Tại Nội Bài, đã có xe bus miễn phí phục vụ hành khách nối di chuyển giữa nhà ga quốc tế và quốc nội.
Ông Võ Huy Cường nhấn mạnh, các sân bay cần tập trung hướng dẫn hành khách, đặc biệt là với bà con lần đầu đi máy bay, tránh ùn tắc; song, vẫn phải duy trì các cửa soi chiếu an ninh, đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối, không vì đông đúc mà làm qua loa, để xảy ra tình trạng mất an ninh an toàn.
Với hành khách, nên đến sớm trước giờ bay do thời gian chờ làm thủ tục có thể lâu hoặc phát sinh sự cố ngoài ý muốn. Ngoài ra, cần hạn chế người nhà đưa tiễn, khiến nhà ga thêm chật chội.
Theo_VietNamNet
TP Hồ Chí Minh: Gần 65.000 vé xe Tết đã được bán Gần 65.000 vé xe Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đã được bán ra cho người dân tại Bến xe Miền Đông. Đó là thông tin được ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông thông tin với báo Hànộimới sáng ngày 19-1. Theo đó, đối với vé xe ủy thác cho bến xe bán vé thì đã bán được...