Ác mộng khủng khiếp của nữ sinh thoát “tử thần” Ebola
Dù thoát khỏi “tử thần” Ebola, cô gái phải đối mặt với nỗi ác mộng khủng khiếp không kém, đó là sự kỳ thị của cộng đồng và người thân.
Cô gái Kadiatou Fanta đang theo học một trường đại học y ở Guinea, Tây Phi, và cô là một người vô cùng may mắn khi sống sót khỏi dịch Ebola đang hoành hoành, cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người ở khu vực này. Thế nhưng sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần Ebola, cô phải đối mặt với một cơn ác mộng khác tồi tệ không kém.
Các giáo sư tại trường y không muốn cô có mặt trong lớp học của họ. Bạn trai của Fanta ruồng rẫy cô. Hàng ngày, cô gái 26 tuổi này chỉ biết lặng lẽ ăn một mình, ngủ một mình. Ngay cả các thành viên trong gia đình cũng không dám chạm vào người cô, mặc dù cô đã khỏi bệnh Ebola từ vài tháng trước.
Một trung tâm điều trị Ebola ở Sierra Leone
Đã không còn những ngày cô vật vã đau đớn trong những cơn sốt khủng khiếp và liên tục nôn ra máu. Và mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận hoàn toàn bình phục, cô vẫn có cảm giác như quái vật Ebola vẫn đang thiêu đốt cuộc đời mình.
Cô gái này tâm sự trong tuyệt vọng: “Ebola đã hủy hoại cả cuộc đời tôi, mặc dù giờ đây tôi đã được chữa khỏi. Không ai muốn đứng cạnh tôi dù chỉ một phút vì họ sợ rằng sẽ nhiễm bệnh”.
Mối ác cảm này cứ tồn tại dai dẳng, mặc dù mọi người đều biết rằng virus Ebola chỉ lan truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với thể dịch của người bệnh, chẳng hạn như máu, nước bọt, nước tiểu, phân hoặc mồ hôi.
Khi ca nhiễm Ebola đầu tiên trong năm nay xuất hiện ở Guinea hồi tháng Ba, không ai có thể nghĩ được rằng họ sẽ phải đối mặt với một đại dịch khủng khiếp có tốc độ lây lan nhanh như vậy ở vùng đất Tây Phi này.
Nhân viên y tế đang chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm Ebola
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 1.013 người và lây nhiễm trên hơn 1.700 người khác. Trong những đợt bùng phát trước đây, tỉ lệ tử vong của dịch Ebola lên tới 90%, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho biết tỉ lệ sống sót trong đại dịch này lên tới một nửa.
Vì hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Ebola nên các bệnh nhân chỉ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như truyền nước để chống mất nước. Nếu họ có thể chống chọi đủ lâu để cơ thể sản sinh ra đủ kháng thể tiêu diệt virus, họ sẽ sống sót, mặc dù họ vẫn có thể tiếp tục mắc các chủng Ebola khác trong tương lai.
Video đang HOT
Các chuyên gia y tế hy vọng rằng những “bằng chứng sống” như Fanta sẽ góp phần khuyến khích người dân trong các ngôi làng đến các cơ sở y tế để điều trị, thay vì giấu bệnh tại nhà, thờ cúng thần linh và tiếp tục truyền bệnh cho người thân.
Tại Sierra Leone, người thanh niên 20 tuổi Sulaiman Kemokai vừa được cho ra khỏi trung tâm cách ly Ebola sau khi điều trị ở đây gần 4 tuần. Giờ đây anh vẫn cảm thấy đau nhức các khớp, nhưng cơ thể anh đang dần khỏe lên mỗi ngày.
Sulaiman Kemokai là một trong những người may mắn sống sót sau khi mắc Ebola
Kemokai nhớ lại: “Khi tôi bị ốm, tôi rất sợ phải đến bệnh viện, thế nên tôi giấu gia đình và giấu các nhân viên y tế. Thế nhưng 4 ngày sau, khi không còn giấu được nữa, tôi gần như ngã gục. Một chiếc xe cấp cứu Ebola đến và đưa tôi tới trung tâm”.
Thế nhưng sau khi Kemokai ra viện, người dân trong làng vẫn không dám tiếp xúc với anh, mặc dù các nhân viên y tế khẳng định rằng những người đã xuất viện không còn nguy cơ lây nhiễm Ebola cho cộng đồng.
Nữ sinh Fanta cho biết cô bị nhiễm Ebola khi đang thực tập tại một phòng khám và tiếp nhận một bệnh nhân có các triệu chứng mà các bác sĩ nghi là sốt rét. Cô nhận thấy các dấu hiệu của Ebola ở bệnh nhân này, nhưng giống như các phòng khám khác ở Guinea, cô không hề có găng tay hay khẩu trang bảo hộ.
Khoảng 2 tuần sau, cô bắt đầu bị tiêu chảy và nôn ra máu rồi được đưa đến trung tâm điều trị. Thông tin về việc cô gái này đang phải nằm tại trung tâm điều trị Ebola nhanh chóng lan truyền trong ngôi làng ở Tanene, nơi cô đang sống cùng với đại gia đình của mình.
Các bệnh nhân được cấp giấy chứng nhận sức khỏe sau khi khỏi bệnh Ebola
Ngay sau khi biết tin cô bị nhiễm Ebola, người bạn trai vẫn thường đến đón cô hàng ngày biến mất, và vài tháng sau, ngay cả khi cô đã khỏi bệnh, anh ta vẫn không dám trả lời điện thoại của cô.
Khi được khẳng định không còn virus Ebola trong người, cô tiếp tục quay trở lại trường đại học Gamal Abdel Nasser để học. Thế nhưng ngay tại ngôi trường đào tạo về ngành y này, các giáo sư vẫn không muốn cô có mặt trong lớp, dù cô đã trình ra giấy chứng nhận sức khỏe.
Cô cho biết: “Trong khi các bạn đã chuyển sang học chương trình mới, tôi vẫn chưa được làm bài thi của kỳ cũ. Các giáo sư nói rằng họ sẽ cho tôi thi vấn đáp qua điện thoại.”
Giờ đây cô đang phải sống dựa vào khoản tiền ít ỏi mà bố mẹ dành dụm và gửi lên cho cô mỗi tháng, trong khi cô vẫn tiếp tục ấp ủ giấc mơ hoàn thành chương trình đại học của mình.
Cô nói: “Tôi muốn chăm sóc bệnh nhân. Lý do khiến tôi vẫn còn sống và nói chuyện như ngày nay là vì các bác sĩ đã chăm sóc và cứu mạng tôi.”
Theo Khampha
Khủng bố bằng "bom bẩn" Ebola: Ác mộng toàn cầu? (Kỳ 1)
Nhiều người lo ngại bọn khủng bố sử dụng bom bẩn chứa virus Ebola để gây ra đại họa trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đại dịch Ebola đang bùng phát ở châu Phi mà thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng loại virus khủng khiếp này để chế tạo "bom bẩn" phục vụ cho âm mưu đen tối của chúng.
Một số người đã nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó virus Ebola sẽ được sử dụng như một loại vũ khí sinh học trong tay những kẻ khủng bố, và loại vũ khí đáng sợ này sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng trên toàn thế giới.
Kể từ khi đại dịch Ebola bắt đầu bùng phát ở Guinea vào tháng Ba năm nay, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 1000 người ở 4 quốc gia Tây Phi và lây nhiễm trên tổng cộng hơn 1.700 người, với tỉ lệ tử vong có thể lên tới 90%.
Đại dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người ở Tây Phi
Sự lây lan khủng khiếp của đại dịch Ebola đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới phải vào cuộc và tuyên bố Ebola là tình trạng khẩn cấp toàn cầu khi cho rằng đây là đợt bùng phát khủng khiếp nhất của loại virus được phát hiện trên người từ năm 1976 tới nay.
Theo Cơ quan Sinh học-Y tế Liên bang Nga (FMBA), nguy cơ virus Ebola được sử dụng để chế tạo vũ khí sinh học không phải là không có thật.
Trong một cuộc họp báo tổ chức gần đây ở Moscow, ông Vladimir Nikiforov, Cục trưởng Cục nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Đào tạo nâng cao của FMBA khẳng định: "Nguy cơ đó là có thật".
Hãng tin RIA-Novosti dẫn lời chuyên gia này nói: "Trong thực tế, loại virus này có thể được sử dụng ở dạng xịt và có thể gây ra rắc rối vô cùng lớn".
Theo ông Nikiforov, mặc dù thế giới đã có Công ước Vũ khí Chất độc và Sinh học từ năm 1972, song việc theo dõi các âm mưu chế tạo vũ khí sinh học, đặc biệt là với các tổ chức khủng bố, là vô cùng khó khăn.
Vũ khí sinh học có thể được chế tạo ở những phòng thí nghiệm nhỏ (Ảnh minh họa)
Ông nói: "Vũ khí sinh học không hề giống như vũ khí hạt nhân. Để chế tạo được bom hạt nhân, người ta cần phải có mỏ urani, lò phản ứng hạt nhân và nhiều trang thiết bị khác. Trong khi đó, vũ khí sinh học có thể được chế tạo trong một phòng thí nghiệm nhỏ được ngụy trang dễ dàng".
Trong bối cảnh các tổ chức khủng bố và Hồi giáo cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới, ông Nikiforov thừa nhận rằng ông "không thể đảm bảo được rằng một số quốc gia không chuẩn bị những loại vũ khí sinh học như vậy".
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Sun của Anh, chuyên gia nhân loại học Peter Walsh thuộc Đại học Cambridge cho rằng thế giới cần phải thực sự cảnh giác với mối đe dọa từ bom Ebola.
Ông Walsh cảnh báo rằng bọn khủng bố có thể "chế loại virus này thành dạng bột", cho vào bom và kích nổ nó ở những thành phố đông dân cư, gây ra đại dịch Ebola trên toàn cầu và cướp đi sinh mạng của vô số nạn nhân.
Bom bẩn chứa Ebola có thể gây ra thảm họa nếu được sử dụng ở các thành phố đông đúc
Trong khi đó, hôm thứ Năm tuần trước, cựu quan chức y tế Nga Gennady Onischenko cho rằng không thể loại trừ khả năng có bàn tay can thiệp của con người trong đợt bùng phát dữ dội của đại dịch Ebola lần này tại Tây Phi.
Ông Onischenko nói: "Tôi rất lo ngại về mức độ lan tỏa và sự ghê gớm của tình hình đại dịch Ebola khi có quá nhiều người chết như vậy. Tôi không loại trừ khả năng có bàn tay can thiệp của con người ở đây. Liệu có gì đó do con người tạo ra trong trận dịch Ebola này hay không?".
Theo Khampha
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử: Lây qua đường hô hấp Hơn 1.700 người mắc virus Ebola trong đó gần 1000 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi. Theo Bộ Y tế, virus Ebola lây lan rất nhanh, 90% số người mắc virus này sẽ tử vong. Trước tính chất nguy hiểm của dịch Ebola, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế...