‘Ác mộng’ gặp họ hàng dịp Tết, người trẻ Hàn quyết không về nhà
Số lượng thanh thiếu niên Hàn Quốc muốn đón Tết một mình, tránh xa các cuộc gặp mặt gia đình ngày càng đông.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên Korea Times về câu chuyện người trẻ Hàn né tránh gặp mặt cha mẹ, họ hàng ngày Tết và dành thời gian ở một mình hay tụ họp với những người xa lạ cùng sở thích.
Dịp Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc, cảnh tượng thường thấy là đường cao tốc chật cứng phương tiện, những dòng xe cộ nối đuôi nhau đi lại. Các gia đình hối hả di chuyển để kịp về tham dự buổi họp mặt cả dòng họ đầu năm. Nhiều cửa hàng, quán ăn đóng cửa im lìm.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên xứ kim chi ngày càng cao và xu hướng sống một mình được nhiều cá nhân lựa chọn, số người không có nhu cầu về thăm nhà, gặp mặt họ hàng dịp đầu năm cũng tăng theo.
Một số không muốn bị căng thẳng khi phải nghe những câu hỏi riêng tư từ họ hàng. Những người khác chỉ muốn tận dụng khoảng thời gian được ở một mình.
Cùng với đó là sự xuất hiện của các sự kiện cộng đồng được tổ chức cho những người trẻ Hàn trốn tránh ngày Tết tụ tập bên gia đình.
Những cuộc hội họp gia đình đầu năm vô tình trở thành “nỗi ác mộng” với người trẻ khi người lớn thường xuyên hỏi những câu riêng tư.
Theo một cuộc khảo sát chung của trang web thông tin việc làm Job Korea và Albamon, 6 trong số 10 thanh niên Hàn Quốc cho biết họ muốn không tham dự các buổi gặp gỡ và dành kỳ nghỉ Tết Nguyên đán một mình.
Trong hơn ba năm, BooknPub, một cửa hàng sách ở Seoul, đã mở cửa xuyên Tết và tổ chức các buổi họp mặt văn hóa “cho những ai muốn tìm kiếm lựa chọn thay thế ý nghĩa cho lễ kỷ niệm gia đình truyền thống”.
Những người tham gia sẽ cùng thảo luận về chuyện đọc sách, ăn tối và trò chuyện cùng nhau để vơi bớt cảm giác cô đơn, xa lạ vào đầu năm mới. Những dịp lễ được nghỉ dài ngày ở Hàn Quốc vào năm nay, BooknPub cũng dự tính hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ.
“Ban đầu, tôi làm sự kiện vì nhu cầu cá nhân, rồi tôi tiếp tục tổ chức nhiều thêm vì có nhiều khách hàng có mong muốn tương tự”, Kim Jong-hyun (37 tuổi), chủ hiệu sách, cho hay.
“Các thành viên trong gia đình tôi không dành nhiều thời gian bên nhau dịp lễ Tết, còn tôi muốn ở cửa hàng của mình. Vì vậy, tôi làm việc xuyên Tết và làm điều gì đó ngẫu hứng nhưng ý nghĩa cho khách hàng”, Kim nói thêm.
Cách đây vài năm, lượng khách đến cửa hàng sách của Kim vào ngày Tết còn đông hơn so với những ngày khác trong năm. Khách hàng thừa nhận họ không biết đi đâu trong những ngày lễ khi sống một mình hoặc ở cách xa nhà cha mẹ.
“Một số nói rằng họ ‘né’ về nhà để không phải nghe những người thân cằn nhằn. Trong khi truyền thông chỉ tập trung đưa tin số lượng đông đảo về nhà ăn Tết, có đến hơn phân nửa khách hàng của tôi nói họ không ở cùng bố mẹ trong kỳ nghỉ”, Kim nói.
Thay vì ở bên gia đình dịp Tết, người trẻ Hàn Quốc chọn ra khách sạn ở, tham gia các sự kiện cộng đồng.
Đối với phụ nữ ở Hàn Quốc, áp lực lại càng đè nặng tại các cuộc họp mặt gia đình. Ngoài những câu hỏi liên quan đến hôn nhân và công việc, các cô gái còn phải làm rất nhiều việc vặt, điều chủ yếu do thành viên nữ trong nhà đảm nhận.
“Ngày càng có nhiều người đi đến khách sạn ở vào những ngày đầu năm để có thời gian cho bản thân. Với những người phụ nữ, họ cảm thấy không thoải mái với hàng tá việc nhà chồng chất mà nữ giới bị mặc định phải làm”, Lee Suh-hyun, một nhà viết kịch bản, đánh giá.
“Do đó, tôi mở một website là nơi mọi người chia sẻ quan điểm về những điều không công bằng trong các buổi họp mặt đầu năm như vậy. Với nhiều nội dung liên quan đến bất bình đẳng xảy ra với nữ giới trong gia đình gia trưởng, người dùng sẽ không còn thấy việc nói lên những điều họ bức xúc về kỳ nghỉ Tết là điều cấm kỵ nữa”, Lee nói.
Theo news.zing.vn
Giá thịt lợn tăng cao, người miền Bắc 'đụng'... trâu, bò ăn Tết
Thay vì "đụng lợn" như mọi năm, dịp Tết năm nay nhiều gia đình ở Thái Bình, Hải Phòng chọn cách "đụng" trâu, bò, nghé vì giá thịt lợn quá cao.
Video: Giá thịt lợn tăng cao, người dân Hải Phòng đụng trâu ăn Tết
Bao năm qua, cứ gần Tết Nguyên đán là nhiều gia đình ở các vùng quê Bắc Bộ lại rủ nhau "đụng" lợn ăn Tết. Năm nay, bà con vẫn duy trì truyền thống đó nhưng có thay đổi khi thay vì chung nhau mổ lợn, họ chuyển sang "đánh đụng" trâu, bò.
Ở cái làng Hiệp Lực thuộc xã An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình), 'đụng' lợn đã thành truyền thống từ bao đời. Cả năm bận rộn, người công việc đồng áng, người việc ở xa, đến Tết họ tập trung về nhà và 'đụng' lợn.
Tầm 4 gia đình chung nhau mua con lợn khoảng 80kg làm thịt, lòng dồi chế biến tại chỗ rồi chia nhau mang về nhà ăn Tết. Tình làng nghĩa xóm vì thế mà được góp phần duy trì bền vững.
Năm nay, do giá lợn tăng cao, lại hiếm, anh Tú và 3 gia đình họ hàng thay vì đụng lợn bàn nhau mua hẳn con bê chừng 1 tạ để 'đụng' ăn Tết. Con bê được mua với giá 15 triệu, mỗi nhà chi gần 4 triệu là đã có hơn chục kg thịt bê tươi ngon, cộng với món lòng mề nội tạng nhậu lai rai mấy ngày Tết.
Sáng 19/1, được người quen giới thiệu, phóng viên VTC News tìm đến lò mổ trâu bò chuyên nghiệp tại thôn Bạch Xa Làng, xã Nam Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng), đúng lúc nhóm 6 người đang xúm quanh con nghé non vừa mua hơn 18 triệu đồng. Họ là những người bạn thân thiết với nhau ở thôn quê, đang chuẩn bị cỗ Tết.
Ông Nguyễn Thế Tiến - người trong nhóm cho biết, mọi năm, gia đình ông cùng 3-4 hộ khác chung nhau một con lợn để ăn Tết. Tuy nhiên năm nay, giá lợn quá cao, chất lượng thịt cũng khó kiểm soát nên ông và 5 hộ khác quyết định mua chung con nghé về làm thịt.
" Chúng tôi là những người thân thiết với nhau. Đầu tháng 12 âm lịch, mấy anh em ngồi lên ý tưởng đụng nghé dịp Tết. Hỏi giá từ một hộ chăn nuôi trong xã, thấy mức giá 90.000 đồng/kg thịt hơi là hợp lý nên ai cũng nhất trí đặt mua. Đến hôm nay, xung quanh khu vực nhà tôi chưa thấy ai đụng lợn nhưng có 3-4 nhóm đụng nghé. Dự kiến sáng 20/1, một nhóm khác cũng mượn sân nhà tôi để làm nghé trữ thịt cho mấy ngày Tết", ông Tiến cho biết.
4 người thợ mỗi người mỗi việc thao thác thoăn thoắt, con nghé gần 2 tạ nhanh chóng được xẻ ra từng quày.
Cũng theo ông Tiến, hộ chăn nuôi cung cấp nghé cho nhóm có khoảng 7-8 con nghé, được chăn thả ngoài đồng nên đảm bảo "sạch". Con nghé ông mua về đụng nặng gần 2 tạ, có giá 18 triệu đồng, trung bình mỗi người chỉ tốn 3 triệu đồng.
So với giá thịt lợn hiện tại, thịt nghé rẻ hơn. Mặc dù không gói được bánh chưng nhưng thịt nghé có thể dùng làm nhiều món như giò, món xào, luộc, hay để ăn lẩu...
" Còn 5 ngày nữa mới tới Tết Nguyên đán nên đụng nghé lúc này hơi sớm. Tuy nhiên gia đình tôi dự định làm cơm tất niên trong chiều nay (19/1) mời mọi người tới ăn, nên làm luôn. Nếu chờ sát Tết thì nhà ai cũng làm tất niên, sẽ không có cảnh anh em quây quần ăn với nhau bữa cơm cuối năm", ông Tiến nói.
Con nghé của họ được xử lý chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, bao gồm cả giết mổ, pha xẻ, lọc, cân và chia thịt cho 6 người.
Ông Nguyễn Bá Thảo, 70 tuổi, người phụ trách công việc này, cho biết năm nào vào dịp này, ông cũng luôn chân luôn tay, nếu không phải làm lợn đụng, nghé đụng thì cũng giết mổ gia súc để bán ngoài chợ.
Những quày thịt tương ngon được lọc xương kỹ càng cho khách hàng ăn Tết.
Dịp cận Tết năm nay, có khoảng 20 nhóm đụng nghé nhờ đến ông Thảo. Vừa thoăn thoắt lọc từng thớ thịt bám vào xương sườn, ông vừa trò chuyện: "Nghé có thể sử dụng được mọi bộ phận, chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Giá lợn tăng cao nên mọi người đụng nhau con nghé, vừa để thay đổi khẩu vị ngày Tết, vừa tiết kiệm tiền mà anh em cũng vui vẻ".
Con nghé gần 2 tạ của nhóm ông Tiến sau khi làm xong được hơn 90kg thịt. Những chỗ thịt mông, thịt thăn ngon được chọn để xay giò. Mỗi gia đình được 2 chiếc giò, mỗi chiếc 1kg. Số thịt còn lại được chia đều cho 6 nhà, mỗi nhà khoảng 13kg thịt nghé tươi ngon.
Một người trong nhóm "đụng" nghé tính toán, giá thịt nghé trên thị trường là 240 nghìn đồng/kg, nếu nhân với 13kg đã hơn 3,1 triệu. Mỗi nhà còn được 2 kg giò, tính ra mua nghé về 'đụng' vẫn rẻ hơn so với mua ngoài chợ mà thịt tươi ngon hơn, kiểm soát được chất lượng, độ an toàn.
Ngoài thịt, mỗi nhà còn được 2 chiếc giò nghé (1 kg/chiếc).
Cùng chọn phương án "đụng nghé thay lợn" Tết này, nhóm 6 người của ông Phạm Huy Pha (xã Đông Hưng, Tiên Lãng) dự kiến thuê người giết con nghé sữa nặng hơn 1 tạ vào sáng 20/1. Họ sống ở 4 xã khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết trong công việc.
"Thịt nghé dễ ăn, được chăn thả ngoài đồng, không dùng cám tăng trọng nên đảm bảo vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Pha nói, nhẩm tính rằng con nghé trên sau khi lọc sẽ còn khoảng 60kg thịt với giá thịt là 230.000 đồng/kg.
Cách đây nhiều năm, gia đình ông Pha thường nuôi lợn để thịt ngày Tết. Khi các con trưởng thành, xây dựng gia đình, chỉ còn 2 vợ chồng ở cùng nhau, họ thường mua thịt ngoài chợ hoặc "đụng" với người quen để có thịt ăn trong mấy ngày Tết. Tết năm ngoái, ông Pha cùng mọi người đụng bò, bê.
" Nghé vùng này thịt ngon, được phân phối sang các quận, huyện khu vực TP Hải Phòng. Khoảng nửa tháng trước, chúng tôi đặt cọc, chọn nghé của một hộ gia đình chăn thả ở xã gần nhà. Nhiều năm ăn thịt nghé nên tôi thường chọn con lưng có cật, 4 bắp đùi to, trường con sẽ có nhiều thịt", ông Pha hồ hởi chia sẻ kinh nghiệm.
Sau khi mổ nghé xong, ông Pha cũng tổ chức tất niên, mời anh em, bạn bè tới ăn cỗ để chuẩn bị đón năm mới.
MINH KHANG - NGUYỄN HUỆ
Theo vtc.vn
Rau mất giá 500 đồng/kg, nông dân mất Tết Tại các địa phương ở miền Trung, vụ rau Tết năm nay, nông dân chưa kịp mừng vì rau được mùa thì lại lo lắng khi giá rau xuống thấp. Điệp khúc "được mùa, mất giá" một lần nữa khiến người nông dân mất vui trong dịp Tết năm nay. Đang vào cao điểm thu hoạch nhưng tại nhiều cánh đồng rau xanh...