Ả rập Xê út: Vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến là một ’sai lầm khủng khiếp’
Giới chức Ả rập Xê út cuối tuần qua nói rằng, vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi là “một sai lầm khủng khiếp” và là một phần trong hoạt động mờ ám.
Nhà báo Jamal Khashoggi, khoảng 60 tuổi, là một nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ Ả rập Xê út.
Trả lời phỏng vấn Fox News, Ngoại trưởng Ả rập Xê út Adel al-Jubeir nói: “Đây là một sai lầm khủng khiếp. Một thảm kịch kinh hoàng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình ông Khashoggi. Chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của họ. Thật không may là một sai lầm khủng khiếp đã xảy ra và tôi đảm bảo với họ rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho việc này sẽ bị trừng trị”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ả rập Xê út khẳng định thêm, giới chức nước này không biết nhà báo Khashoggi đã bị sát hại như thế nào và liệu xác của ông ấy đã được chuyển đi đâu. Ngoại trưởng Jubeir nói rằng, Thái tử Mohammed bin Salman cũng không hề hay biết nên cũng không liên quan trách nhiệm trong vụ việc.
“Đây là một hoạt động mà một số cá nhân đã vượt thẩm quyền và trách nhiệm mà họ có. Họ đã mắc sai lầm khi sát hại Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán và cố che giấu sự việc”, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói.
Bình luận của người đứng đầu ngành ngoại giao đưa ra không lâu sau khi giới chức nước này đưa ra những giải thích trái ngược nhau về các tình tiết liên quan đến vụ nhà báo Khashoggi.
Trong lời xác nhận đầu tiên, một công tố viên Ả rập Xê út cho biết, ông Khashoggi thiệt mạng trong một vụ cãi cọ, xô xát với một số công dân Ả rập Xê út bên trong lãnh sự quán. Tuy nhiên, theo lời một quan chức chính phủ giấu tên đưa ra hồi cuối tuần qua, một nhóm gồm 15 người thuộc lực lượng an ninh và tình báo Ả rập Xê út đã được cử tới thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10 để gặp nhà báo Khashoggi. Nhóm người này đã đe dọa đánh thuốc mê và bắt cóc nhà báo Ả rập Xê út trước khi sát hại ông do có hành động chống trả.
Video đang HOT
Cũng theo nguồn tin trên, để che đậy vụ việc, nhóm người Ả rập Xê út đã bọc thi thể ông Khashoggi trong một tấm thảm, đưa ra ngoài bằng xe của lãnh sự quán và trao cho một “tòng phạm” địa phương để phi tang. Một thành viên trong nhóm đã mặc quần áo của ông Khashoggi để đóng giả ông và rời khỏi lãnh sự quán tại Istanbul.
Nhà báo Jamal Khashoggi, khoảng 60 tuổi, là một nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ Ả rập Xê út. Ông sống lưu vong ở Mỹ từ năm 2017 và là cây viết bình luận của Washington Post.
Ông mất tích hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Istanbul. Khoảng 2 tuần sau vụ mất tích của ông, giới chức Ả rập Xê út thừa nhận nhà báo này đã thiệt mạng trong lãnh sự quán sau một vụ xô xát.
Vụ việc đang khiến quan hệ giữa Ả rập Xê út và phương Tây căng thẳng, nhiều nước cảnh báo sẽ trừng phạt Riyadh.
Minh Phương
Theo Dân Trí
Nhà báo Ả-rập Xê-út mất tích có quan hệ với Qatar?
Một cơ quan tình báo hàng đầu Ả-rập Xê-út bị nghi là đứng sau vụ thẩm vấn và có thể đã bắt cóc nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở Thổ Nhĩ Kỳ với nghi vấn rằng người này có quan hệ với Qatar, đối thủ trong khu vực của Riyadh sau cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh năm ngoái.
Nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh: Reuters)
CNN dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết, những người bị nghi đứng sau vụ mất tích bí ẩn của của ông Khashoggi ở lãnh sự quán Ả-rập Xê-út tại Istanbul ngày 2/10, dường như được chỉ đạo bởi một quan chức cấp cao trong Tổng cục tình báo tổng thống (GIP), cơ quan tình báo chính của Ả-rập Xê-út.
Một nguồn tin nói rằng quan chức trên có thể có liên quan tới vòng tròn quyền lực của Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, CNN vẫn chưa có nguồn tin chính xác là liệu ông bin Salman có liên quan tới vụ việc hay không dù trước đó hãng tin này dẫn lời một số quan chức Mỹ nhận định rằng chiến dịch này sẽ không thể thực hiện nếu Thái tử không hay biết gì về kế hoạch.
Nguồn tin thứ 2 nói rằng quan chức cấp cao trên tự sắp xếp và điều đội ngũ dưới quyền ông tới thẩm vấn ông Khashoggi do có nghi ngờ nhà báo này có quan hệ với Qatar, đối thủ trong khu vực của Riyadh sau cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh năm 2017. Hiện cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy ông Khashoggi có mối liên hệ với Doha, theo CNN.
Căng thẳng giữa Qatar và Ả-rập Xê-út bùng phát vào tháng 6 năm ngoái khi liên minh các nước do Ả-rập Xê-út dẫn đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao và cô lập kinh tế với Qatar vì cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Qatar đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Đến nay, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn chưa được giải quyết triệt để và căng thẳng giữa Doha và Riyadh vẫn chưa lắng dịu.
Nguồn tin thứ 3 nói rằng người lên kế hoạch chiến dịch liên quan tới nhà báo Khashoggi dường như đã không trình báo rõ ràng trước với Riyadh, động thái đã đẩy chính phủ Ả-rập Xê-út vào thế bị động và không có đầy đủ thông tin rõ ràng trong nhiều ngày qua.
Ngày 16/10, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thái tử bin Salman cho biết Ả-rập Xê-út đã bắt đầu điều tra và sẽ mở rộng quy mô nếu cần thiết và sẽ đưa ra câu trả lời sớm nhất.
Jamal Khashoggi, một cây viết bình luận cho Washington Post, xuất hiện lần cuối cùng là khi vào lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở Istanbul ngày 2/10 lấy giấy tờ kết hôn. Hôn thê của ông chờ bên ngoài và khẳng định rằng không thấy ông đi ra kể từ đó dù phía Riyadh trước đó nói khẳng định rằng ông đã sống sót rời khỏi lãnh sự quán.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, Jamal Khashoggi có thể đã bị một biệt đội gồm 15 sát thủ sát hại và Ả-rập Xê-út phải chịu trách nhiệm cho việc này. Istabul cho biết họ nắm giữ các video và băng ghi âm có thể làm bằng chứng chứng minh ông Jamal đã bị sát hại.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho CNN hình ảnh hộ chiếu của 7 nghi phạm nằm trong biệt đội sát thủ. Những hình ảnh này được chụp vào ngày 2/10. Trong danh sách này có một số nhân vật có liên quan tới chính quyền Ả-rập Xê-út, hoặc nghi là có quan hệ với Thái tử bin Salman.
Trong thông báo ngày 16/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng các điều tra viên Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện khám xét bên trong tòa nhà lãnh sự quán trong 9h đồng hồ và cho biết một số vật liệu tại tòa nhà dường như đã bị sơn lên để che giấu những thứ bên dưới.
"Chúng tôi hy vọng có thể đi đến kết luận hợp lý càng sớm càng tốt, vì cuộc điều tra đang xem xét nhiều vật dụng như chất độc và những nơi có chất độc bị loại bỏ bằng cách sơn lên", ông Erdogan nói.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Tiết lộ nghi vấn cuộc ẩu đả trước khi bị sát hại của nhà báo Ả rập Trong khi Ả rập Xê út đang phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, một quan chức chính phủ đã đưa ra một lời giải thích hoàn toàn khác về những tình tiết liên quan tới vụ việc này. Nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh: Getty) Theo Reuters,...