Ả Rập Saudi trả giá
Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo Ả Rập Saudi có thể cạn tiền mặt trong vòng 5 năm nếu giá dầu vẫn dao động ở mức 50 USD/thùng
Chính phủ Ả Rập Saudi hôm 28-12 tuyên bố sẽ tăng 50% giá bán xăng nội địa, đồng thời bãi bỏ hàng loạt biện pháp trợ giá sau khi ghi nhận mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục – 98 tỉ USD năm 2015. Con số này dự kiến đạt mức 87 tỉ USD trong năm 2016. Không chỉ xăng mà điện, nước, dầu diesel và dầu hỏa cũng bị tăng giá. Trợ giá là vấn đề nhạy cảm ở Ả Rập Saudi bởi người dân nước này quen sử dụng xăng dầu, điện, nước giá thấp.
Cuộc chiến giá dầu
Ả Rập Saudi hiện là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với 90% nguồn thu ngân sách đến từ sản phẩm này. Tuy nhiên, giá dầu lao dốc mạnh thời gian qua khiến ngân sách nước này hao hụt nặng. Ngoài ra, Riyadh cho biết họ phải chi tiêu nhiều hơn dự tính vào các khoản như an sinh xã hội, lương bổng cho người lao động và quân đội.
Để đối phó, nước này kêu gọi cắt giảm 14% ngân sách năm 2016 – từ 260 tỉ USD xuống còn 224 tỉ USD. Ả Rập Saudi còn áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính hiện tại, trong đó có thiết lập trần ngân sách, rà soát lại chi tiêu công cho các dự án… Các nhà chức trách cũng hy vọng có thể tăng nguồn thu bằng cách đánh thuế giá trị gia tăng và thu phí những “mặt hàng độc hại”, như thuốc lá và nước giải khát.
IMF cho rằng Ả Rập Saudi cần giá dầu ở mức 106 USD/thùng để cân bằng ngân sách Ảnh: AP
Có thể nói Ả Rập Saudi đang phải trả giá vì theo đuổi cuộc chiến giá dầu nhằm giữ thị phần. Bằng cách không chịu giảm sản lượng khai thác ngay cả khi nguồn cung trên thị trường thừa mứa khiến giá dầu giảm mạnh, nước này hy vọng có thể đẩy các đối thủ, trong đó có các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, vào cảnh thua lỗ để rút khỏi thị trường.
Dù vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây nhận định Riyadh có thể cạn tiền mặt trong vòng 5 năm tới nếu giá dầu dao động ở mức 50 USD/thùng. Theo IMF, nước này cần giá dầu ở mức 106 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu xa vời bởi giá dầu vào dịp cuối năm 2015 có lúc xuống dưới 35 USD/thùng, so với mức trên 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014.
Nga bức xúc
Chính sách trên không chỉ gây chia rẽ mạnh mẽ trong nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà còn khiến không ít nhà sản xuất dầu bên ngoài chỉ trích. Mới nhất, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 28-12 cáo buộc Ả Rập Saudi làm mất ổn định thị trường dầu mỏ thế giới bằng việc tăng nguồn cung thêm 1,5 triệu thùng/ngày.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24, quan chức này dẫn dự báo của các chuyên gia cho rằng cán cân cung cầu của thị trường dầu mỏ có thể cân bằng trở lại vào nửa cuối năm 2016. Tuy nhiên, những yếu tố như Iran đẩy mạnh xuất khẩu sau khi được dỡ bỏ trừng phạt có thể tác động đến thị trường. Có thể hiểu được bức xúc này bởi Nga đang là một trong những nước bị thiệt hại nặng khi giá dầu lao dốc không phanh.
Trong trường hợp không có sự nhượng bộ nào nhằm cắt giảm nguồn cung, các nhà đầu tư dự báo giá dầu có thể giảm còn 25, 20 hoặc thậm chí là 15 USD/thùng trong năm 2016. Ông Jeffrey Currie, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc Ngân hàng Goldman Sachs, nhận định dầu có nguy cơ giảm còn 20 USD/thùng trong trường hợp nhu cầu sụt giảm do mùa đông ở Bắc bán cầu không quá lạnh. “Chúng tôi dự báo tình trạng thừa mứa dầu sẽ tiếp diễn trong năm tới” – ông Jeffrey Currie nói với trang Bloomberg.
Trung Quốc chuộng dầu Nga
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) vào tuần rồi công bố Nga đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của nước này trong tháng 11 – lần thứ ba trong năm nay. Theo số liệu của GAC, Trung Quốc mua trung bình 949.925 thùng dầu/ngày từ Nga trong tháng rồi, nhiều hơn so với 886.950 thùng/ngày từ Ả Rập Saudi. Trước đó, sản lượng dầu thô xuất khẩu từ Ả Rập Saudi sang Trung Quốc trong năm 2014 đạt 50 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với năm trước đó. Ngược lại, theo GAC, con số này của Nga tăng 36% lên 34 triệu tấn.
Báo Junge Welt (Áo) nhận định bước đi trên cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Trong khi Trung Quốc lo ngại về ảnh hưởng chính trị tiêu cực từ Ả Rập Saudi thì việc chuyển hướng của Bắc Kinh giúp Nga hạn chế được tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Ngoài ra, diễn biến này còn cho thấy mối quan hệ đối tác phát triển trong thương mại, năng lượng và những lĩnh vực kinh tế khác giữa Moscow và Bắc Kinh. M.Xuân
Video đang HOT
HUỆ BÌNH
Theo_Người lao động
10 sự kiện khiến cả thế giới thay đổi trong năm 2015
Tạp chí National Interest đã bình chọn 10 sự kiện quốc tế quan trọng nhất trong năm 2015. Một số câu chuyện có thể vẫn tiếp tục là những điểm nóng trong năm 2016.
Dưới đây là 10 sự kiện do National Interest bình chọn:
10. Ả Rập Saudi can thiệp quân sự vào Yemen
Vào tháng 3/2015, Ả Rập Saudi đã tiến hành không kích người hàng xóm Yemen với sự giúp đỡ của 9 nước khác, chủ yếu là các quốc gia Ả Rập. Hành động này là nhằm đáp trả việc quân nổi dậy Houthi đánh chiếm thủ đô Sana'a của Yemen và buộc Tổng thống Yemen Abdu Rabbu Mansour Hadi phải bỏ trốn sang Ả Rập Saudi.
Nhóm Houthis cũng hỗ trợ các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, người đã bị lật đổ sau Mùa Xuân Ả Rập và từng có mối quan hệ tốt với Riyadh. Sự kiện này cũng khiến Mỹ bị ràng buộc. Washington lo sợ rằng việc can thiệp quân sự có thể trở thành tình trạng sa lầy cũng như giúp tổ chức Al Qeada ở bá đảo Ả Rập, kẻ thù của Houthis và Mỹ, hưởng lợi từ tình trạng hỗn loạn.
Tuy nhiên, tham vọng ngăn chặn sự rạn nứt với Riyadh đã thất bại và Mỹ đành phải cung cấp thông tin tình báo, vũ khí cũng như máy bay nạp nhiên liệu trên không cho Ả Rập Saudi đồng thời không quên nhắc nhở nước này giảm tối thiểu thương vong cho dân thường. Đúng như dự đoán, Al Qeada đã phần nào lợi dụng được tình trạng này. Trong một diễn biến tích cực, lệnh ngừng bắn 7 ngày được ban bố và có hiệu lực cho đến bây giờ để các đàm phán hòa bình có thể diễn ra.
9. Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, theo một đường 9 đoạn mà nước này tự đặt ra. Bắc Kinh luôn cố tìm cách chứng minh cho tuyên bố của mình bằng việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên chính các bãi đá ngầm. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn xây đường băng và các cơ sở quân sự ngay trên những hòn đảo mới hình thành đó.
Mỹ không có vị trí gì trong việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, song Washington khẳng định luận điệu và hành động của Bắc Kinh ở khu vực này là hoàn toàn đi ngược với luật pháp quốc tế. Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng các hòn đảo mới này để ngăn chặn quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Tháng 10 vừa qua, sau nhiều lần nhắc lại tuyên bố về việc "Mỹ sẽ đưa máy bay, tàu tuần tra và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép", một tàu khu trục của Mỹ đã tuần tra trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đã phản đối động thái này và coi đó là "sự kích động nghiêm trọng cả về chính trị và quân sự".
Lợi ích kinh tế của khu vực tranh chấp này là vô cùng lớn. Hơn 5 nghìn tỷ USD giá trị thương mại được đưa qua Biển Đông mỗi năm cũng như kho tài nguyên sinh vật biển và dầu mỏ dồi dào ở đây. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu Bắc Kinh có thay thế Washington trở thành cường quốc chi phối khu vực hay không?
8. Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ giữa cơn suy thoái kinh tế
Bắc Kinh đã tạo ra làn sóng sốc cho thị trường tài chính toàn cầu trong tháng 8 khi quyết định hạ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Các quan chức Trung Quốc cho biết bước đi này là nhằm đưa đồng nhân dân tệ quay trở lại đúng thực với giá trị thị trường, một điều mà các chính phủ phương Tây đã thúc giục Bắc Kinh làm trong nhiều năm qua.
Nhiều nhà đầu tư coi việc hạ giá là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trên đà tụt giảm nhanh hơn báo cáo và Bắc Kinh đang sử dụng đồng tiền để lấy lại tăng trưởng như trước kia. Đến tháng 10, Trung Quốc báo cáo tăng trưởng quý ba đạt mức 6,9%, cao hơn kỳ vọng nhưng vẫn dưới mức 10% trung bình mà Bắc Kinh đạt được trong ba thập kỷ qua.
Mặc dù dấu hiệu phục hồi kinh tế không mấy sáng sủa nhưng IMF mới đây vẫn đưa nhân dân tệ vào đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ quốc tế, mở cánh cửa cho các giao dịch tài chính tiền tệ ở mức độ toàn cầu rộng lớn hơn. Tuy nhiên các nhà đầu tư và các chính phủ vẫn cảm thấy lo lắng khi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục xu thế giảm trong thời gian tới và cả mức tăng trưởng toàn cầu cũng vậy.
Vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11 khiến cả thế giới bàng hoàng.
7. Thế giới nỗ lực đạt thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu
Khí hậu thế giới đang thay đổi từng ngày theo khía cạnh tốt là nhờ các hoạt động có ý thức hơn của con người. Nhưng các chính phủ lại quá chậm trong việc giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng. Hiệp ước Kyoto 1992 lịch sử đã không đạt được mức cắt giảm khí thải như đã cam kết và không chỉ riêng Mỹ là người từ chối thực hiện hiệp ước này.
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Copenhagen 2009 khai mạc với nhiều pháo hoa, kèn trống nhưng lại bị phản đối gay gắt và không đem lại kết quả gì nhiều. Mới đây, cuối tháng 11 vừa qua, 195 nước tụ họp ở Paris tham gia Hội nghị biến đổi khí hậu mới đã may mắn tránh được số phận như Copenhagen 2009. Sau hai tuần đối thoại sâu sắc, họ đã đưa ra được Hòa ước Khí hậu Paris, đây là hiệp định đầu tiên gần như tất cả các quốc gia tham gia đều cam kết cắt giảm khí thải nhà kính. Tài liệu dài 31 trang này đã giải quyết được phần nào thách thức về biến đổi khí hậu, tuy nhiên, một số nhà hoạt động môi trường vẫn chỉ trích rằng thỏa thuận này là quá ít và quá muộn.
Để đạt được sự đồng lòng này, các nhà đàm phản đã bỏ lại khá nhiều chi tiết để tiến hành bàn bạc sau. Kể cả sau này các điều khoản này có đạt được thì sự thành công của Hòa ước nói trên vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào quyết tâm của các chính phủ trong việc thực hiện, làm luật và tiến hành các bước giảm phụ thuộc vào các loại năng lượng truyền thống. Các chính trị gia trong nước có thể là yếu tố cản trở chính đối với quá trình này.
6. Nga can thiệp quân sự vào Syria
Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua của Syria khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và khoảng 9 triệu người phải rời bỏ quê hương, đã có một sự thay đổi đột biến vào cuối tháng 9 khi Nga bắt đầu tiến hành các cuộc không kích từ căn cứ ở Syria mà không hề thông báo trước. Moscow khẳng định rằng việc can thiệp quân sự này là nhằm tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Các hoạt động của Nga không đồng nhất với Mỹ và các nước đồng minh, làm dấy lên mối lo ngại về những đối đầu không báo trước giữa hai bên.
Sự lo lắng đó đã thành hiện thực khi cuosoi tháng 11 vừa qua, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom S-24 của Nga, khiến một phi công thiệt mạng. Chính quyền Ankara cho rằng máy bay Nga đã vi phạm không phận nước này và phớt lờ các cảnh báo của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Nga đều chối bỏ các cáo buộc nói trên và cho rằng Ankara cố tình "khiêu khích có kế hoạch".
Về mặt ngoại giao, sự can thiệp quân sự của Nga đã gợi lên một nỗ lực tìm cách thiết lập đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của tất cả các bên, các cuộc đàm phán này vẫn chưa tìm được sự đồng thuận chung bởi trong khi Moscow muốn Assad ở lại thì Washington và đồng minh lại muốn Tổng thống Syria ra đi.
5. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận
Sau 7 năm đàm phán, Mỹ và 11 quốc gia cuối cùng đã đạt được thỏa thuận TPP trong tháng 10, đây là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử thế giới. TPP là một phần quan trọng của chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền Obama, có thể tạo ra các quy định thương mại kiểm soát tới 40% giá trị kinh tế toàn cầu.
Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Quyền xúc tiến thương mại (TPA). Giờ đây ông Obama đã có TPP, ông phải thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật để TPP có thể đi vào hiện thực. Các nhà chỉ trích đã soạn sẵn những lập luận tại sao Quốc hội không nên thông qua việc áp dụng TPP. Việc bỏ phiếu để giúp TPP chính thức có hiệu lực có thể sẽ phải lùi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
4. EU từ chối yêu cầu cứu trợ của Hy Lạp
Alexis Tsipras trở thành Thủ tướng Hy Lạp hồi tháng 1/2015 với cam kết sẽ đưa nước này thoát khỏi món nợ khổng lồ. Mặc dù đã cố gắng thuyết phục các quốc gia châu Âu xóa nợ cho Hy Lạp dựa trên sự đoàn kết cũng như thử cô lập cường quốc EU là Đức bằng cách khơi lại các ký ức về chủ nghĩa phát xít nhưng EU vẫn từ chối đưa cho Tsipras những gì mà ông muốn.
Sau đó, Thủ tướng Hy Lạp lại cố gắng củng cố hình ảnh của mình bằng cách thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 7, theo đó 61% người dân Hy Lạp bỏ phiếu bày tỏ mong muốn EU hỗ trợ. Tuy nhiên châu Âu vẫn rất cứng rắn, khẳng định Hy Lạp chỉ nhận được sự trợ giúp nếu đồng ý cải cách kinh tế sâu rộng. Ông Tsipras đã nhắm mắt làm ngơ điều kiện đó.
Nhưng một tuần sau đó, khi không có ai tham gia bỏ phiếu cũng như phải đối mặt với sự sụp đổ của nền kinh tế Hy Lạp, ông Tsipras buộc phải chấp nhận lời đề nghị của EU. Dù đã giành thắng cử trong tháng 9 nhưng nền kinh tế Hy Lạp vẫn gặp rắc rối và không mấy khởi sắc. Kinh tế Hy Lạp đã giảm 25% so với 5 năm trước, tỷ lệ thất nghiệp là gần 25% và những nghi ngờ về khả năng trả nợ của Hy Lạp vẫn còn tồn tại nhiều trên khắp châu Âu. Vì vậy, vấn đề nợ công và khả năng gây sốc của Hy Lạp đối với hệ thống tài chính toàn cầu sẽ sớm quay trở lại nghị trường trong năm tới.
3. Đàm phán về Chương trình Hạt nhân Iran đã đạt được thỏa thuận
Bắt đầu từ năm 2002 nhưng phải đến tháng 7 năm nay các nước đàm phán mới đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran. Được gọi là Kế hoạch hành động chung (JCPOA), cả nhóm P5 1 và Iran đều không đạt được tất cả mọi điều theo ý muốn trong hiệp định này. Iran được gỡ bỏ cấm vận nhưng phải từ bỏ 97% kho uranium đã được làm giàu, giảm số máy ly tâm xuống còn 2/3 và đóng cửa một lò phản ứng nước nặng. Iran cũng phải đồng ý cho IAEA tới thanh tra và nếu nước này vi phạm JCPOA thì các lệnh trừng phạt sẽ được tái áp đặt ngay lập tức.
Trong khi đó, để lấy được chữ ký của Iran, nhóm các nước P5 1 đã đồng ý gỡ bỏ các điều khoản cấm vận từ 10 đến 15 năm. Nhà Trắng cho rằng thỏa thuận này sẽ ngăn chặn Iran không sản xuất vũ khí hạt nhân trong hơn một thập kỷ, gia tăng thời gian trì hoãn khiến Tehran có thể thay đổi quyết định. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng thỏa thuận này đã thất bại vì không thể đi đến kết quả cuối cùng, đó là buộc Iran phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
2. Khủng bố IS tấn công 3 lục địa
Khi Tổng thống Obama trả lời một cuộc phỏng vấn ngày 12/11 khẳng định sự tồn tại của IS trong lòng Trung Đông, ông không hề ngờ rằng chỉ sau đó 1 ngày, cả thế giới phải bàng hoàng khi tổ chức khủng bố này mở rộng hoạt động của mình ra bên ngoài lãnh thổ quê nhà. Ba nhóm những kẻ khủng bố IS đã tấn công 4 địa điểm khác nhau ở Paris khiến 130 người thiệt mạng.
Nhưng thực tế, những hoạt động tấn công của IS đã diễn ra từ trước đó rất lâu. Hồi tháng 7, một kẻ đánh bom liều chết, trung thành với IS đã giết 33 người ở Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa biên giới với Syria. Ba tháng sau, hai kẻ đánh bom tự sát,một trong số đó là anh trai của kẻ tấn công Suruc, đã khiến 120 người thiệt mạng trong một cuộc diễu hành hòa bình ở Ankara.
Ngày 31/10, một quả bom cài trên máy bay chở khách của Nga đã phát nổ khiến máy bay rơi ở bán đảo Sinai làm toàn bộ 224 người thiệt mạng. Sau đó, ngày 2/12, một đôi vợ chồng có liên quan đến tư tưởng Hồi giáo của IS, đã xả súng giết chết 14 người ở thành phố San Bernardino, bang California, Mỹ. Những cuộc tấn công liên hoàn trên đã khiến thế giới phải nhìn nhận lại cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời dấy lên câu hỏi về tình hình năm 2016 sẽ ra sao khi IS vẫn tồn tại.
1. Khủng hoảng tị nạn làm "điên đảo" châu Âu
Một thập kỷ trước, các chuyên gia đã cho ra đời cuốn sách với tựa đề "Tại sao châu Âu sẽ thống trị trong thế kỷ 21". Song đến năm 2015, châu Âu khó có thể giải quyết những vấn đề của riêng mình chứ đừng nói đến việc lãnh đạo thế giới. Khi vẫn còn đang thoi thóp trong cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng thì EU đã phải đón nhận làn sóng nhập cư của gần 1 triệu người tị nạn.
Hầu hết họ muốn trốn thoát khỏi thảm cảnh của cuộc nội chiến ở Syria hay tình trạng bất ổn, bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi. Số khác là những người nhập cư kinh tế muốn tìm kiếm các cơ hội việc làm mới. Số lượng quá lớn người đổ vào châu Âu đã dẫn đến những câu chuyện và hình ảnh đau lòng về số phận con người. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng này đã cho thấy sự khác biệt rất lớn trong nội bộ các quốc gia châu Âu về cách giải quyết vấn đề nhập cư.
Sự kiện này cũng tạo ra các vấn đề chính trị xuyên Đại Tây Dương. Tháng 9 vừa qua, chính quyền Obama tuyên bố sẽ tiếp nhận ít nhất 10.000 người tị nạn Syria trong năm 2016. Nhưng sau vụ tấn công Paris và San Bernardino, nhiều chính trị gia địa phương, cấp bang hay chính phủ đã lên tiếng phản đối người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ. Cho đến khi cuộc nội chiến Syria vẫn tiếp diễn và nền kinh tế châu Âu vẫn thu hút những người tìm việc thì áp lực về người tị nạn và nhập cư lên EU vẫn sẽ hiện hữu.
Các câu chuyện đáng chú ý khác trong năm 2015 còn có quyết định thay đổi và giữ binh lính Mỹ ở lại Afghanistan đến hết năm 2016 của Tổng thống Obama; các cuộc đàm phán hòa bình ở Colombia; căng thẳng leo thang ở Bờ Tây và Jerusalem; phát hiện mảnh vỡ máy bay 370 của hãng hàng không Malaysia trên đảo Reunion; tai nạn ở thánh địa Mecca hay việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách một con.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả James M. Lindsay và Maurice R. Greenberg đến từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tuệ Minh (Lược dịch)
Theo Vietnam
Sau Ramadi, Iraq quyết quét sạch IS trong năm 2016 Chính phủ Iraq nhấn mạnh chiến thắng ở thành phố Ramadi là bàn đạp để đẩy lùi IS cũng như giành lại quyền kiểm soát thành trì Mosul và đưa ra "cú đấm thép" với nhóm khủng bố mặc dù giới chuyên gia cảnh báo Iraq chưa thể thoát khỏi IS trong năm 2017. Sau một tuần chiến đấu, lá cờ Iraq đã...