Ả Rập Saudi thừa nhận thi thể nhà báo Khashoggi bị phi tang
Trong bối cảnh áp lực từ cộng đồng quốc tế ngày càng lớn dần liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, một quan chức Ả Rập Saudi cấp cao đã tiết lộ phiên bản mới nhất về câu chuyện diễn ra trong Lãnh sự quán của nước này tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AP.
Theo SCMP dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Ả Rập Saudi, ban đầu mục tiêu của chính phủ là thuyết phục ông Jamal Khashoggi trở về nước. Đây là một phần trong chiến dịch ngăn không cho các quốc gia đối địch tuyển dụng những người Ả Rập Saudi bất đồng chính kiến với Riyadh. .
Để làm việc này, Phó Giám đốc Cục Tình báo Tổng thống Ahmed al-Asiri đã lập một đội 15 người từ các lực lượng an ninh, tình báo để tới gặp Khashoggi tại Lãnh sự quán ở Istanbul và thử thuyết phục vị nhà báo trở về Ả Rập Saudi.
Theo kế hoạch, nhóm này có thể giữ Khashoggi tại một cơ sở bí mật bên ngoài Istanbul trong “một khoảng thời gian”. Nếu Khashoggi cương quyết từ chối quay trở lại Ả Rập Saudi, nhóm sẽ phải thả ông ra.
Video đang HOT
Người được Thổ Nhĩ Kỳ cho là đặc vụ Ả Rập Saudi Maher Mutreb (đánh dấu đỏ) đi vào Lãnh sự quán trước khi nhà báo Jamal Khashoggi biến mất. Hình ảnh camera an ninh quay hôm 2.10. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, mọi việc đã đi quá giới hạn khi nhóm đặc vụ bắt đầu vượt quá mệnh lệnh ban đầu và sử dụng bạo lực. Jamal Khashoggi đã bị đẩy vào văn phòng của Tổng Lãnh sự và bị một đặc vụ có tên Maher Mutreb yêu cầu phải trở về nước. Thế nhưng, ông Khashoggi đã từ chối, đồng thời cảnh báo rằng vị hôn thê Hatice Cengiz đang chờ ở bên ngoài và sẵn sàng báo với các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nếu bản thân không trở ra.
Theo lời vị quan chức giấu tên nói trên, khi Khashoggi bắt đầu lớn tiếng, nhóm đã bị hoảng và tiến tới khống chế, khóa cổ và bịt miệng vị nhà báo.
“Họ cố ngăn không cho ông ấy kêu lên. Thế rồi, ông ấy tử vong”, vị quan chức cấp cao tiết lộ. “Mục đích ban đầu của nhiệm vụ không phải là hạ sát Jamal Khashoggi”.
Khi được hỏi liệu nhóm đặc vụ có khiến Khashoggi chết vì ngạt thở hay không, vị quan chức giấu tên cho rằng: “Trong tư thế đó, bất kỳ ai ở độ tuổi của Jamal Khashoggi cũng sẽ tử vong”.
Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.
Để che dấu sai lầm, nhóm đặc vụ đã cuốn thi thể của Khashoggi trong một tấm thảm, đưa lên một chiếc xe của Lãnh sự quán. Chiếc xe này sau đó đã được chuyển cho một “cộng tác viên địa phương” để phi tang. Còn tại Lãnh sự quán, chuyên gia pháp y có tên Salah Tubaigy thực hiện công tác xóa dấu vết về vụ việc.
Trong khi đó, một đặc vụ có tên Mustafa Madani đã lấy đồ, đóng giả làm vị nhà báo xấu số đi ra cửa sau để đánh lừa các con mắt bên ngoài rằng Jamal Khashoggi đã rời khỏi Lãnh sự quán. Sau đó, Madani đã tới quân Sultanahmet (Istanbul) để vứt bỏ toàn bộ chỗ quần áo và vật dụng này.
Sau sự việc, nhóm đã viết báo cáo sai sự thật với cấp trên, nói dối rằng Jamal Khashoggi đã được thả về. Trước khi vụ việc vỡ lở, toàn bộ 15 đặc vụ đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, Riyadh vẫn đang tiến hành điều tra, xác định xem thi thể của nhà báo Jamal Khashoggi đã được chôn giấu ở đâu.
Theo SCMP, lời giải thích này đang thu hút nhiều sự hoài nghi khi nó đặt ra vấn đề rằng: tại sao Riyadh phải cử tới 15 người, bao gồm cả các sĩ quan quân đội và một chuyên gia về pháp y – giải phẫu, chỉ để thuyết phục Khashoggi tự về nước?
Trái ngược với câu chuyện từ vị quan chức cấp cao Ả Rập Saudi giấu tên, theo Reuters dẫn lời giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị sát hại, thi thể của Jamal Khashoggi đã bị phân thành nhiều phần và có thể đã bị bỏ tại Khu rừng Belgrad, gần thành phố Istanbul và một địa điểm hẻo lánh gần thành phố Yalova, cách Istanbul 90km về phía nam. Một quan chức cấp cao ở Ankara khẳng định việc xác định chuyện gì xảy ra với thi thể Jamal Khashoggi sẽ “sớm được làm rõ”.
Theo Danviet
Sau vụ nhà báo Khashoggi, Đức cân nhắc lại về Ả Rập Saudi
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass vào hôm qua (20.10) cho rằng Berlin không nên thông qua bất kỳ hợp đồng bán vũ khí nào cho Ả Rập Saudi cho đến khi cuộc điều tra cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi kết thúc.
Xe tăng Leopard 2 A7 của Đức. Ảnh: Eric Piermont.
"Không có lý do gì để thông qua các hợp đồng mua bán trong khi chi tiết về vụ việc Khashoggi vẫn chưa được làm rõ", Ngoại trưởng Mass nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Tagesthemen thuộc kênh truyền hình quốc gia. Theo RT, ông Mass dường như muốn nhắc tới việc Berlin quyết định bán các hệ thống pháo cho Riyadh vào hồi tháng trước.
"Miễn là cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và chúng ta không biết chuyện gì xảy ra (trong Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul - PV), không có lý do gì để vô tư thông qua bất kỳ hợp đồng xuất khẩu vũ khí nào tới Ả Rập Saudi".
Trước đó vào ngày 2.10, sau khi đi vào Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm lấy giấy tờ phục vụ cho việc kết hôn, ông Jamal Khashoggi đã mất tích. Sau đó, các nhà điều tra Ả Rập Saudi tuyên bố nhà báo này đã tử vong trong một cuộc ẩu đả. Đồng thời, Riyadh cho biết 18 công dân Ả Rập Saudi liên quan tới sự việc đã bị bắt giữ. Người đứng đầu cơ quan tình báo Ả Rập Saudi Ahmad Assiri và cố vấn cao cấp Saud al-Qahtani của Thái tử Mohammed bin Salman cũng đã bị sa thải.
Theo Danviet
Tin nóng: Nghi phạm giết nhà báo Khashoggi chết đột ngột, bí ẩn Một trong các nghi phạm nghi liên quan đến cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi cũng vừa thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi bí ẩn ở thủ đô Riyadh, theo báo Thổ Nhĩ Kỳ. Mashal Saad al-Bostani (phải) - một nghi phạm nghi liên quan đến vụ giết hại nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi...