9X Việt sinh thường con 4kg, chồng Nga mặt trắng bệch vì sợ, can vợ đừng đẻ nữa
Ốm nghén quá nặng nên chị Ngọc Nhàng bị viêm họng cấp tính sốt hơn 39 độ suốt một tuần. Khi nhập viện cũng là lúc thai mới được 7 tuần tuổi, bác sĩ đã nói vợ chồng chị có khả năng mất bé.
Đầu năm 2019, chị Ngọc Nhàng (29 tuổi, Nha Trang) và anh Korobkin Daniil (29 tuổi, Nga) đã có một đám cưới vô cùng hạnh phúc, ngọt ngào sau câu chuyện tình đầy biến cố. Giữa năm 2019, anh chị hạnh phúc khi chào đón công chúa nhỏ đầu lòng Jasmin – trái ngọt hạnh phúc của cả 2. Đến bây giờ, bé Jasmin đã được 7 tháng tuổi đáng yêu, kháu khỉnh nhưng chị vẫn không thể nào quên được câu chuyện mang bầu và đi sinh đặc biệt của mình.
Vợ chồng chị Ngọc Nhàng và anh Daniil.
Mang thai 7 tuần, bác sĩ nói có khả năng mất con
Chị Ngọc Nhàng cho biết, sau 2 năm làm bạn và yêu nhau, anh Daniil đã cầu hôn chị trong chuyến du lịch ở Phuket (Thái Lan) và con gái Jasmin là kết quả tình yêu trong chuyến du lịch ấy.
Vì muốn có con nên từ lúc đi du lịch về chị mua liền mấy chục que thử thai để thử mỗi ngày. Và cuối cùng, chiếc que thử thai với vạch thứ 2 màu đỏ cũng đã hiện lên trước mắt chị. Dù rất mờ nhưng nó cũng đủ khiến chị khóc vì quá đỗi hạnh phúc. Trong khi đó, chồng chị lại cười rạng rỡ với tín hiệu đầu tiên biết mình chuẩn bị lên chức.
“Chồng mình lúc đó cười quá trời kêu “vợ đừng khóc con nghe thấy đó”. Mình nghe mà đang khóc lại không nhịn được cười. Lúc đó Jasmin được gần 3 tuần tuổi thôi”, chị Nhàng chia sẻ.
Mang thai lần đầu tiên nên chị Nhàng gặp khá nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt với bản tính con nít của 2 vợ chồng nên việc có thêm một em bé trong gia đình nhỏ khiến cả 2 cảm thấy vừa lạ vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đó là kết quả tình yêu của cả 2 nhưng lại lo vì không biết có chăm sóc con thật tốt hay không.
3 tháng đầu mang thai có lẽ là khoảng thời gian chị Nhàng không bao giờ quên được bởi cơn ốm nghén dày vò khiến chị không ăn uống được gì và sút hẳn 10kg, . Hễ ăn gì chị cũng nôn, thậm chí mùi thức ăn thoáng qua thôi cũng khiến chị nôn. Ngày nào chị cũng như người say rượu đầu đau không dứt. Chính vì ốm nghén nặng quá mà khi thai được 7 tuần, chị phải nhập viện gấp và được bác sĩ thông báo có khả năng mất bé vì sốt quá cao.
“Nhiều khi đau quá không chịu được mình muốn đập đầu vô tường luôn. Vì ốm ngén quá nặng nên mình bị viêm họng cấp tính sốt 39 độ hơn trong suốt 1 tuần. Lúc đó mình nhập viện, thai mới 7 tuần tuổi, bác sĩ nói có khả năng bé mất vì mình sốt quá cao mà không dám dùng thuốc nặng. Nhưng rồi thật may mắn Jasmin khỏe mạnh đã cùng mình vượt qua”, chị Nhàng nhớ lại.
Chị Nhàng bị nghén nặng khi mang thai 3 tháng đầu.
Không chỉ vậy, cả thai kỳ chị còn bị đau người nặng nề, chân bị phù lên nhiều. Đến bây giờ nhớ lại chị vẫn chưa hết ám ảnh. Tuy nhiên nhờ có gia đình, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ và đặc biệt ông xã ở bên quan tâm mà chị vượt qua khoảng thời gian bầu bí kinh khủng đó.
Suốt thai kỳ, chế độ dinh dưỡng của chị đều do chồng, mẹ chồng và mẹ đẻ thay nhau chăm sóc. Buổi sáng chồng chị phụ trách cho chị ăn nhiều trái cây, buổi trưa mẹ chị phụ trách nấu các món ăn tẩm bổ theo cách của người Việt Nam còn buổi tối mẹ chồng chị nấu các món ăn của người Nga. Mỗi tuần vợ chồng chị lại đi khám bác sĩ một lần để theo dõi sự phát triển của con cũng như nhờ bác sĩ tư vấn những vấn đề khúc mắc.
Sau 3 tháng đầu ốm nghén, sức khỏe tốt hơn nên chị chăm chỉ tập gym, đi bơi, phơi nắng kết hợp với chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin, cung cấp đủ chất đạm, bổ xung thêm canxi, chất sắt.
Video đang HOT
“Chồng với mẹ chồng mình chăm sóc kĩ lắm. Công việc chính của mình chỉ là ăn, ngủ, đi bơi, tập gym, nghỉ ngơi, còn lại tất cả mọi việc đã có chồng rửa chén, giặt đồ, lau nhà, ..
Anh ngày nào cũng mát xa giúp mình, nói thật nhiều lời yêu thương, hôn bụng mình và nói chuyện để Jasmin biết ba mẹ mong chờ ngày được gặp em ấy thế nào vì suốt 9 tháng siêu âm em ấy đều che chân che tay không thấy được mặt.
Còn mẹ chồng mình nấu mỗi ngày 1 món mới để giúp mình cảm thấy ngon miệng, có thể ăn nhiều hơn. Bà còn chuẩn bị tất cả đồ sơ sinh cho Jasmin từ quần áo, khăn bông, sữa tắm… để mình không phải vất vả đi chọn lựa”, chị Nhàng chia sẻ niềm hạnh phúc làm mẹ của mình.
Cả thai kỳ chị tăng 15kg.
Sinh thường con so 4kg, chồng Nga mặt trắng bệch nhìn vợ trong phòng sinh
Chị Nhàng kể, chị sinh bé Jasmin khá bất ngờ ở tuần thứ 38. Hôm trước ngày sinh, chị có cẩn thận đi khám bác sĩ nhưng chưa có dấu hiệu sinh nên chị được hẹn lại tuần sau. Yên tâm với lịch hẹn, chị chẳng bận tâm gì cho đến sáng hôm sau ngủ dậy bất ngờ bị vỡ ối.
“Sáng ngủ dậy mình thấy chỗ nằm ướt nước, chồng mình trêu tè dầm rồi đỡ vô phòng vệ sinh cá nhân thay đồ. Xong xuôi mình lên giường ngủ tiếp ai ngờ 1 tiếng sau mình bắt đầu đau dữ dội, chồng mình sợ quá gọi cả nhà tới. Mẹ bảo mình đã vỡ ối, có dịch hồng rồi nên mình lật đật đi tới bệnh viện sinh em bé mà chưa kịp trang điểm gì hết”, chị Nhàng cười.
Bị vỡ ối bất ngờ nên chị chưa kịp trang điểm để đi sinh.
Ngày chị Nhàng sinh cũng có 7 ca chuyển dạ khác nhưng chị là người đau la nhiều nhất. Nhiều bác sĩ lo ngại chị la mất sức, đau quá sẽ không sinh thường được nhưng cuối cùng là 1 trong 2 người sinh thường được và là người sinh con có cân nặng nhất buổi sáng ngày hôm ấy. Bé Jasmin chào đời nặng tận 4kg khiến bác sĩ nào cũng trầm trồ, khen ngợi cả 2 mẹ con chị.
“Đau quá mình la nát cái bệnh viện luôn. Sau 5 tiếng ngập tràn tiếng hét của mình, Jasmin ra đời gần 4kg sinh thường. Về sau chồng mình nghe y tá nói mấy chị khác không la hét nhưng lúc sinh không rặn được nên phải mổ 5 người. Sinh xong bác sĩ, y tá ai cũng khen Jasmin con so mà gần 4kg và khen mình giỏi vì sinh thường được.
Thế nhưng mình vẫn mắc cười nhất là chồng vô phòng sinh, chứng kiến vợ sinh con, mặt chồng mình trắng bệch, nếu không có y tá đỡ là xỉu tại chỗ rồi. Tận mắt nhìn vợ chịu đau đớn và sinh con, anh nói rằng anh vừa trải qua một bộ phim kinh dị nhất trong đời nên thương mình lắm. Ngày xưa yêu 100 thì bây giờ yêu gấp ngàn lần”, chị Nhàng chia sẻ.
Bé Jasmin chào đời nặng 4kg bằng phương pháp sinh thường.
Sau sinh, mẹ chồng phải về Nga chăm bà ngoại ốm, còn mẹ đẻ chăm bé 1 tháng đổ bệnh vì thức đêm nhiều nên chồng chị vừa phải trông con vừa phải trông vợ. Cả 2 cứ chia nhau chăm con trong khoảng thời gian chị ở cữ.
Lần đầu làm bố mẹ nên 2 vợ chồng chị đều gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn trong cách bế ẵm con, đặc biệt Jasmin 2 tháng đầu không chịu nằm giường, phải đặt nằm trên người ba mẹ mới chịu ngủ nên 2 vợ chồng chị không có thời gian để ngủ, 2 mắt cứ thâm quầng và quay cuồng với con khóc, con khát sữa, con đòi đi vệ sinh. Dẫu vất vả nhưng anh chị lại cảm thấy yêu nhau hơn.
Ông xã người Nga luôn đỡ đần chị chăm sóc con gái.
Hiện tại, bé Jasmin đã được 7 tháng tuổi, bố mẹ 2 bên vẫn mong muốn anh chị có một bé trai sau 3-4 năm nữa nhưng chồng chị đã nói một câu khiến chị thực sự cảm động “có em và Jasmin là anh hạnh phúc lắm rồi. Anh không quan trọng chuyện con gái hay con trai. Anh không muốn em phải chịu nỗi đau như vậy 1 lần nào nữa!”. Đó là câu nói hơn tất thảy những lời ngôn tình chị đã từng xem trong phim và chị hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình.
Hình ảnh đáng yêu của bé Jasmin.
Theo thoidaiplus.giadinh.net.vn
7 loại bánh ăn vặt vừa ngon vừa bổ lại giúp giảm nghén cho bà bầu
Những loại bánh bổ dưỡng, ít đường sẽ giúp mẹ bầu thỏa mãn cơm thèm ăn vặt mà không lo tăng cân quá mức hay nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nào cũng có những thời điểm đói bất chợt giữa các bữa chính. Đây là khi mẹ rất thèm ăn vặt nhưng lại e ngại vì lời khuyến cáo không nên ăn nhiều bánh kẹo ngọt khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Trên thực tế, không phải loại bánh kẹo nào cũng không tốt cho mẹ bầu. Mẹ hãy thử tham khảo những món bánh ăn vặt được làm từ nguyên liệu có lợi cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi dưới đây.
1. Bánh cracker (bánh quy giòn)
Bánh cracker giòn tan, mặn mặn là giải pháp giảm nghén hữu hiệu cho mẹ bầu trong những tháng đầu thai kỳ. Nhai vài chiếc bán giữa giờ cơm sẽ giúp mẹ bầu đỡ lạt miệng, đắng miệng và buồn nôn. Tuy nhiên, để chọn một loại bánh cracker thích hợp cho bà bầu, mẹ nên chú ý thành phần dinh dưỡng trong bánh. Nên tránh xa những loại bánh nhiều đường, muối và các chất phụ gia bảo quản.
2. Bánh cookie (bánh bích quy)
Thành phần của bánh cookie thường gồm bột mì, bơ, sữa, vừng, chocolate, mứt hóa quả... Đây là những loại nguyên liệu giàu dinh dưỡng, nhanh chóng bổ sung năng lượng và thỏa mãn cơn thèm ăn cho mẹ bầu. Tuy vậy, mẹ bầu lưu ý chỉ nên ăn lượng bánh vừa phải để tránh tình trạng đầy bụng và dư chất béo cũng như lượng đường, dễ dẫn đến tăng cân, béo phì, tiểu đường thai kỳ.
3. Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt
Mỗi ngày mẹ bầu có thể bổ sung thêm vài lát bánh mỳ làm từ ngũ cốc nguyên hạt trong bữa phụ của mình. Thay vì bánh mỳ làm từ bột mì trắng, bánh mỳ ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và các loại vitamin A, B sẽ cung cấp một lượng carbohydrate đáng kể, giúp giảm cảm giác đói bụng thường xuất hiện ở giai đoạn cuối thai kỳ. Thành phần giàu chất xơ và các vitamin cũng giúp mẹ đối phó với chứng táo bón thai kỳ, giảm buồn nôn trong giai đoạn đầu.
4. Bánh quế
Không chứa nhiều tinh bột, bánh quế có thể được ăn kèm với nhiều loại trái cây giúp bổ sung chất xơ, vitamin cần thiết cho cơ thể của mẹ và bé khi mang thai. Chị em nên lựa chọn những loại bánh quế với thành phần lượng đường ít, để đảm bảo mức đường trong máu luôn ở trạng thái ổn định.
5. Bánh waffle
Những chiếc bánh nướng thơm ngon này khá mỏng manh và không chứa nhiều tinh bột. Ngoài ra, mẹ có thể ăn kèm với rất nhiều loại trái cây để giúp tăng lượng chất xơ và vitamin cho cơ thể. Một ít mật ong để tạo hương vị cũng không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên giới hạn số lượng bánh vừa phải để không làm tăng đường huyết.
6. Bánh bao
Không chỉ các loại bánh "Tây" mà mẹ bầu cũng có thể lựa chọn loại bánh ăn vặt đậm chất Việt như bánh bao. Bánh bao ăn khi còn nóng giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, không có quá nhiều bột ở lớp bên ngoài, một chiếc bánh bao nhân mặn cỡ nhỏ sẽ là bạn đồng hành lý tưởng cho mẹ bầu trong các bữa phụ. Ngược lại, đối với các loại bánh bao nhân ngọt, mẹ nên hạn chế ăn so với nhân mặn vì đồ ngọt thường khiến mẹ nhanh no mà cũng rất mau đói trở lại. Ngoài ra, những thức ăn chứa nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
7. Bánh bò
Món ăn truyền thống này cũng là lựa chọn khá hợp lý cho các mẹ bầu. Tuy nhiên, do thành phần của món bánh bò thường chứa nhiều bột gạo, mẹ nên ăn một miếng cỡ vừa, không nên nuông chiều bản thân vì có thể làm tăng lượng đường huyết, nhất là với những mẹ có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. Nếu mẹ đang mê mẩn món bánh bò chan nước cốt dừa thì lại càng nên giới hạn khẩu phần ăn, vì nước cốt dừa cung cấp nhiều chất béo.
Theo Giadinh.net.vn
Rất nhiều sản phụ sinh mổ nhưng không phải ai cũng biết hết những nguy cơ của cuộc đại phẫu này Bất cứ mẹ nào cũng có thể phải sinh mổ vì nhiều lí do. Nắm rõ những kiến thức cơ bản về cuộc đại phẫu này sẽ giúp mẹ chuẩn bị sẵn sàng cả về tâm lý lẫn thể chất để quá trình đón bé yêu được suôn sẻ nhất. Ngoài việc người mẹ chủ động lựa chọn phương pháp sinh mổ thì...