9X tiết lộ về gu thời trang ở Triều Tiên
“Tôi nghĩ người Triều Tiên bị ám ảnh về thời trang hơn nhiều so với dân Hàn Quốc”, một cô gái sinh năm 1990 từng sống nhiều năm ở Triều Tiên cho biết.
Tôi đã sống ở Triều Tiên 20 năm và dù chẳng bao giờ dành quá nhiều sự quan tâm cho thời trang, tôi vẫn có thể chỉ ra vài thay đổi trong phong cách ăn mặc của người dân Triều Tiên trong suốt thời gian ấy.
Tôi ra đời vào năm 1990. Thời điểm đó nền kinh tế Triều Tiên đang phải trải qua rất nhiều khó khăn và thậm chí không đủ khả năng cung ứng cho nhu cầu của người dân trong nước.
Nhờ sự xuất hiện của thị trường chợ đen mà nhiều người dân nơi tôi ở bắt đầu mua bán các sản phẩm, trong đó có quần áo và giày dép, mà họ thu lượm được từ các nhà máy. Tôi tin rằng đây chính là bước phát triển đầu tiên cho ngành công nghiệp thời trang độc lập.
Video đang HOT
Một cô gái trong trang phục áo sáng màu, váy ngắn và giày
cao gót tại một ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Hồi đầu những năm 90, phần lớn mọi người đều mặc quần áo được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tới năm 1995, thị trường bắt đầu mở rộng và các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc bắt đầu xâm nhập thị trường Triều Tiên. Ngay từ ngày đầu tiên đi học mẫu giáo, tôi đã được mặc một chiếc váy được sản xuất ở Trung Quốc, cùng đôi giày với các họa tiết hoa lá đặc biệt.
Sau thời gian đó ở Triều Tiên, mọi học sinh từ tiểu học đến đại học đều phải mặc đồng phục. Cũng bởi các quy định về đồng phục mà luôn có một nhóm học sinh, sinh viên đứng ở cổng trường mỗi ngày để kiểm soát việc ăn mặc của những người còn lại. Những học sinh từ chối mặc đồng phục sẽ bị phạt. Tuy nhiên, rất nhiều người hoàn toàn không hứng thú với những bộ đồng phục cứng nhắc theo quy định. Họ ưa chuộng loại quần áo nhiều mẫu mã được sản xuất ở Trung Quốc.
Vì vậy, ngay cả khi biết trước rằng sẽ bị phạt, nhiều sinh viên vẫn cố gắng tìm cách vi phạm quy định về đồng phục. Bởi tất cả đều đi theo trào lưu này, nên cuộc chạy đưa xem ai sở hữu trang phục đẹp và đắt đỏ nhất nhanh chóng hình thành.
Khi tôi học lớp 3, chính phủ bắt đầu ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn về việc mặc đồng phục, vì thế chúng tôi phải nghĩ ra các cách mới để “vượt rào”. Biện pháp tốt nhất là mua những bộ quần áo có màu sắc và thiết kế tương tự với đồng phục trường. Vì vậy, khi loại vải sáng màu và mềm mại của nước ngoài được xuất khẩu sang Triều Tiên, nó nhanh chóng trở thành loại mốt được mọi học sinh yêu thích.
Bước sang năm 2000, các bộ phim tình cảm của Hàn Quốc bắt đầu phủ sóng Triều Tiên. Các nữ nhân vật chính trong phim thường mặc quần jeans ống loe, và ngay lập tức, tạo thành một làn sóng mới không chỉ với người lớn, mà còn tác động tới cả quan điểm thời trang của trẻ con. Tất nhiên, rất nhiều ngôi trường đã cố gắng ngăn học sinh mặc loại trang phục này. Nhưng bất chấp điều đó, quần jeans ống loe vẫn ngày một phổ biến tại Triều Tiên.
Cuối cùng, những người lớn từng cố gắng ngăn cản các loại mốt mới này ở trường tôi cũng phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, cùng thời điểm có tới 80 % bạn bè cùng lứa say mê quần jeans ống loe, rất nhiều học sinh khác cũng tỏ ra chán nản với loại mốt này. Loại quần ấy không biến mất hoàn toàn, nhưng mọi người không còn phát cuồng vì nó như trước.
Những bộ phim Hàn Quốc phải mất từ 3 tới 5 năm sau ngày sản xuất mới đến được tay chúng tôi. Sự chênh lệch về thời gian khiến mọi người không nhận ra rằng, loại thời trang đang được lưu hành tại Triều Tiên đã lạc mốt ở Hàn Quốc.
Trong khi người dân ở những khu vực khác gần biên giới thích mua quần áo và vật dụng Trung Quốc, các thương hiệu thời trang đến từ những quốc gia châu Âu lại ngày một nổi tiếng ở Bình Nhưỡng. Từ khi ông tôi còn là một công chức ở Bình Nhưỡng, cha mẹ tôi đã thường xuyên được đến thăm thành phố. Nhờ đó, cha tôi có cơ hội mua cho tôi đồ dùng của những thương hiệu nổi tiếng như Adidas hay Lacoste.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng có cơ hội được mặc trang phục của các thương hiệu quốc tế.
Phần lớn những người ở độ tuổi từ 30 tới 40 đều rất ưa chuộng đồ đã qua sử dụng có xuất xứ từ Nhật Bản. Chúng không chỉ có chất lượng cao mà còn sở hữu mẫu mã đẹp mắt hơn rất nhiều so với đồ Trung Quốc. Còn những người trên 50 tuổi, họ thường không quan tâm đến thời trang, mà chỉ mặc lại quần áo của con cháu.
Theo quan điểm của riêng tôi, đàn ông Triều Tiên có xu hướng ăn mặc thanh lịch hơn phụ nữ. Họ từ chối mặc trang phục màu sáng. Thay vào đó, nam giới thích diện những bộ quần áo có thể khiến người khác nghĩ rằng họ là quan chức.
Vài năm trước khi tôi rời Triều Tiên, kiểu trang phục mùa đông điển hình, với áo khoác lót bông, trở nên phổ biến. Mặc dù được sản xuất trong nước, chúng vẫn có chất lượng và giá thành đáng ngạc nhiên. Trong khi một kg gạo có giá 3.000 won, người dân phải bỏ ra từ 100.000 đến 150.000 won để sở hữu một chiếc áo chần bông cho mùa đông. Nếu không phải một quan chức cấp cao hoặc doanh nhân thành đạt, bạn đừng bao giờ mong mình có thể sở hữu chiếc áo ấy.
Tôi nghĩ người Triều Tiên thậm chí còn bị ám ảnh về thời trang hơn người Hàn Quốc, bởi những thứ họ mặc thể hiện tình hình kinh tế của đất nước.
zing.vn