9X tật nguyền và bí quyết nuôi chim bồ câu kiếm hàng trăm triệu/năm
Bị bệnh thấp khớp bẩm sinh dày vò thân xác gần 20 năm qua, làm việc gì cũng đều khó khăn nhưng chàng thanh niên ấy vẫn quyết tâm vượt qua số phận, biết cách làm giàu trên mảnh đất mình sinh ra với nghề nuôi chim bồ câu.
Anh trở thành một trong những nông dân tiên phong về làm kinh tế giỏi ở tỉnh Nam Định…
Nghị lực phi thường.
Chàng thanh niên mà chúng tôi muốn nhắc đến là anh Trần Văn Thắng (SN 1993, trú tại xóm Phượng Tường 2, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ở thôn Phượng Tường, và cả dân quanh vùng ai nấy đều cảm phục anh Thắng, bởi tuy số phận không may mắn nhưng anh vẫn có ý chí quyết tâm vượt qua trở ngại bệnh tật, vươn lên làm giàu. Không chỉ tính toán giỏi trong cách làm ăn mà anh Thắng còn là chàng trai năng động dám nghĩ, dám làm….
Anh Trần Văn Thắng (SN 1993, trú tại xóm Phượng Tường 2, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh bị tật nguyền do di chứng của bệnh thấp khớp bẩm sinh nhưng vẫn vươn lên để làm giàu khiến nhiêu người nể phục với mô hình nuôi chim bồ câu.
Dưới những tia nắng nhẹ của buổi sáng sớm mùa thu hắt qua tán lá của vườn cây vào từng dãy chuồng nuôi chim bồ câu là một chàng thanh niên cao chưa đến 1m3 đang loay hoay cho từng đôi chim câu ăn uống. Tuy thao tác có vẻ khó khăn nhưng ẩn sâu trong bóng dáng con người đó là cả một nghị lực đáng trân trọng của chàng thanh niên Trần Văn Thắng.
Nhớ lại kí ức không may mắn, anh Trần Văn Thắng kể, năm 8 tuổi anh bị căn bệnh thấp khớp và vài năm sau đó căn bệnh ngày càng nặng khiến anh phải dừng việc học hành để tập trung vào việc chữa trị. Dù được gia đình đưa đi chữa trị khắp mọi nơi nhưng căn bệnh thấp khớp quái ác đó không thể nào khỏi dứt điểm được và để lại di chứng lâu dài, cứ trái gió trở trời là khiến anh đau nhức đến mức phải nằm liệt giường.
Chim bồ câu nuôi khoảng từ 5-6 tháng là bắt đầu sinh sản. Chim bồ câu non sau khi nở nuôi khoảng 40 ngày là xuất bán được. Trong quá trình nuôi con non, chim bồ câu bố mẹ vẫn đẻ và ấp trứng.
Video đang HOT
Khi đi khám bác sỹ kết luận là anh Thắng bị bệnh viêm cột sống dính khớp, căn bệnh này không thể chữa khỏi và phải sống chung cả đời. Thương bố mẹ làm lụng vất vả mới có tiền chạy chữa cho mình, anh Thắng quyết tâm phải tìm một việc gì đó, phù hợp với hoàn cảnh của mình để làm kiếm tiền, phần nào bớt đi gánh nặng cho gia đình.
Đầu tiên anh Thắng xin vào xưởng gỗ gần nhà để học nghề chạm trổ, vì học việc nên mỗi tháng thì cũng chỉ kiếm được 50.000 đồng vào thời điểm năm 2009. Dù thu nhập ít ỏi, với nghị lực của mình chàng thanh niên cao chưa tới 1m3 vẫn kiên trì bám trụ học nghề. Sau một thời gian cố gắng thì thu nhập của anh Thắng cũng tăng dần lên, rồi đến mức cũng đủ trang trải tiền thuốc thang chữa bệnh cho chính mình hàng tháng.
Mô hình thoát khó, vươn lên làm giàu
“Vì làm nghề chạm trổ phải ngồi thường xuyên một chỗ, mà mình lại bị bệnh khớp nên càng làm thì bệnh càng nặng ra. Sau mấy năm, lưng bị gù hẳn ra khiến việc đi lại rất khó khăn nên buộc tôi phải tìm một công việc khác, phù hợp với hoàn cảnh của mình hơn”, anh Thắng nhớ lại.
Do căn bệnh thấp khớp khiến anh Thắng cao chưa đến 1m3 và đi lại khó khăn.
Qua tìm hiểu trên sách báo, anh Thắng nhận thấy chim bồ câu dễ nuôi, ít bị bệnh tật và nuôi có thu nhập. Từ đó, anh dành thời gian để nghiên cứu về cách nuôi chim bồ câu, hy vọng sẽ đem lại thu nhập nho nhỏ đủ trang trải các khoản sinh hoạt mà phù hợp với sức khỏe hiện tại của mình. Động lực lớn nhất giúp anh vượt qua mọi mặc cảm là nhìn bố mẹ đã vất vả bao năm mà chưa được một ngày nghỉ ngơi, khiến anh luôn tự nhủ phải thật cố gắng để bố mẹ bớt khổ.
Đầu năm 2014, anh Thắng mua hơn 20 đôi chim bồ câu về nuôi thử nghiệm, thấy đàn chim phát triển tốt nên anh vui mừng khôn xiết, Sau một thời gian chăm sóc đàn chim đạt tới quy mô 150 đôi và ước mơ tự kiếm được một khoản thu nhập hàng tháng đối với anh Thắng sẽ gần hơn bao giờ hết nếu đàn chim không mắc bệnh lạ mà chết.
“Sau khi bị bệnh, đàn chim cứ chết dần chết mòn, bao nhiêu công sức tiền bạc đổ hết vào đàn chim bỗng nhưng mất hết. Lúc đó chán nản vô cùng và bản thân thì rơi vào sự bế tắc, nhiều lúc còn nghĩ quẩn”, anh Thắng tâm sự.
Hiện nay, mỗi tháng, anh Thắng bán ra thị trường bán từ 300 đến 400 đôi chim bồ câu các loại,thu về hàng chục triệu đồng.
Không nản lòng, anh ngày đêm tìm hiểu trên tivi, mua các loại sách, báo để nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim bồ câu, học hỏi kinh nghiệm nuôi chim bồ câu. Trong quá trình tìm hiểu anh vỡ lẽ ra nhiều điều và hiểu hơn về đặc tính, quá trình sinh trưởng của chim bồ câu. Sau đó, anh tìm đến các cơ sở bán giống chim bồ câu uy tín để mua 200 đôi chim câu giống về nuôi tiếp. Thấy chim đẻ được lứa đầu khỏe mạnh anh tiếp tục phát triển đàn..
Hiện tại, trong chuồng nhà anh Thắng có hơn 700 đôi chim bồ câu bố mẹ, mỗi tháng trung bình bán từ 300 đến 400 đôi chim bồ câu các loại. Giá chim giống khoảng 180.000 đồng/đôi, giá bồ câu thịt anh bán trên 140.000 đồng/đôi, sau khi trừ chi phí mỗi tháng anh thu lãi khoảng gần 15 triệu đồng từ mô hình này.
Trong quá trình nuôi, anh Thắng không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi chim bồ câu, cũng như đi thăm quan các mô hình nuôi chim bồ câu cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.
Anh Thắng tâm sự, tuy nuôi chim câu đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng anh không dám mở rộng thêm nữa vì sức khỏe hiện tại của anh không cho phép.
Hiện, anh Thắng chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục duy trì mô hình nuôi chim bồ câu, có đủ tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày cũng như tiền thuốc thang.
“Mỗi tháng tiền thuốc của tôi hết khoảng 3 triệu, nhờ nuôi đàn chim này mà tôi không những có thể tự lo cho bản thân mà còn có thêm một số tiền lớn. Nhiều người nói công việc này vượt ngoài sức lực của tôi, nhưng cố gắng thì hoàn toàn có thể làm được”, anh Thắng vui vẻ nói.
Theo Danviet
"Ép" bồ câu ấp trứng giả, mỗi tháng lãi 12 triệu đồng
Anh Nguyễn Văn Mười, thôn Núm, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) luôn duy trì đàn bồ câu sinh sản 200 đôi, đàn bồ câu hậu bị từ 40-50 đôi.Từ bán chim bồ câu giống, chim bồ câu thịt, gia đình anh Mười có lãi đều đặn 12 triệu đồng mỗi tháng.
Năm 2008, sau khi tìm hiểu mô hình nuôi chim bồ câu Pháp từ một người bạn ở Bắc Ninh, anh Nguyễn Văn Mười, thôn Núm, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang liền bắt tay vào nghề với mong muốn làm sao thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.
Là một người tỷ mỷ, chịu khó tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu tập tính của chim bồ câu, rồi dần can thiệp vào tập tính của chúng để thay đổi thói quen của chim, nhằm nâng cao năng xuất, khai thác tối đa hiệu quả mà chúng mang lại.
Đàn chim bồ câu hậu bị của gia đình anh Nguyễn Văn Mười.
Đến nay, quy mô đàn bồ câu của gia đình anh Mười luôn duy trì trên 200 đôi chim sinh sản, khoảng 40-50 đôi chim hậu bị. Mỗi tháng sinh sản được khoảng 160 đôi chin con. Bình quân một đôi chim ra ràng bán với giá 120.000 đồng/đôi, chim hậu bị 2 tháng tuổi 160.000 đồng/đôi. Như vậy, trừ chi phí anh Mười được lãi khoảng 12 triệu/tháng.
Anh Mười cho biết, ban đầu anh chỉ nuôi thí điểm vài chục đôi bồ câu sinh sản trong điều kiện nuôi thả tự nhiên thì 45 ngày mới được một lứa. Hơn nữa, nuôi quần thể, chim sống bầy đàn không kiểm soát được cặp nào sinh sản tốt, cặp nào sinh sản kém, nhất là những con trống cồ (hay làm dập trứng và dẫm chết chim con).
Trong điều kiện bình thường một đôi chim bố mẹ chỉ đẻ hai trứng và nuôi tối đa hai chim con nhưng với cách can thiệp của anh, mỗi cặp chim bố mẹ có thể nuôi tối đa 3-4 chim con/lứa. Cứ như vậy, trang trại nhà anh ngày càng mở rộng, số lượng đàn bồ câu ngày càng đông.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, anh Nguyễn Văn Mười cho biết, để đàn chim sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, định kỳ cần phòng bệnh cho đàn chim và vệ sinh khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đặc biệt người nuôi chim bồ câu cần biết cách phòng bệnh.
"Chim bồ câu chủ yếu mắc 3 bệnh chính là Newcasle, đậu và bệnh về đường hô hấp. Chính vì vậy, hàng năm cần tiêm phòng cho đàn chim bồ câu bằng các loại văcxin. Thức ăn chủ yếu của chim bồ câu là thóc, ngô và thức ăn hỗn hợp tùy theo giai đoạn mà trộn theo tỷ lệ nhất định. Giai đoạn chim non nếu chim ăn nhiều loại thức ăn nào thì tăng thêm loại đó trong khẩu phần ăn, nếu chim hậu bị chuẩn bị vào đẻ thì khống chế khẩu phần thức ăn tránh cho ăn nhiều dẫn đến chim quá béo sẽ đẻ kém...", anh Mười chia sẻ kỹ thuật nuôi chim bồ câu.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi chim bồ câu, giờ đây anh Mười có thể hoàn toàn chủ động về kỹ thuật. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Mười vẫn không ngừng học hỏi, để tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, hàng năm tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nói chung và nuôi chim bồ câu nói riêng.
Với quy mô đàn như vậy anh Nguyễn Văn Mười nhận thấy vẫn chưa đủ cung ứng chim thương phẩm cho các thương lái, chim giống cho các hộ chăn nuôi nên anh dự định năm tới sẽ tăng quy mô đàn, đầu tư thêm một máy ấp trứng để rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Theo Danviet
Kỹ sư bỏ nghề về nuôi chim bồ câu, lứa đầu trắng tay sau là tỷ phú Bỏ công việc kỹ sư ở Hà Nội với thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng, anh Phan Minh Hồng quyết định về khu 2, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ nuôi chim bồ câu Pháp khiến ai cũng bất ngờ. Về nuôi chim bồ câu, ngay lứa đầu anh đã "trắng tay" khi lỗ hơn 500 triệu đồng,...