9X giâm loài rau thuốc, tốt vù vù, hái ngọn bán như tôm tươi
Anh Vàng Vạn Hiếu, sinh năm 1997, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) trồng 500m2 cây dược liệu ngũ gia bì.
Trong khi chờ phần rễ đủ thời gian thu hoạch bán làm thuốc, gia đình anh Hiếu đã hái những ngọn non cây ngũ gia bì bán làm rau ăn lẩu, rau xào và hái đến đâu bán hết đến đó bởi loài rau thuốc này đang được nhiều người rất ưa chuộng.
Là mảnh đất có nhiều tiềm năng về phát triển các loại dược liệu quý, những năm gần đây, người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) tích cực trồng nhiều loại cây dược liệu như: Đương quy, Tam thất… Trong đó, có hộ anh Vàng Vạn Hiếu, sinh năm 1997, là một trong những hộ đi đầu trong phát triển trồng cây Ngũ gia bì – loại cây đặc sản của địa phương theo hướng hàng hóa.
Vườn ngũ gia bì của hộ anh Vàng Vạn Hiếu, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Anh Hiếu đang cùng với người nhà hái ngọn non rau ngũ gia bì để kịp giao cho thương lái.
Là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở xã Quyết Tiến. Bao đời nay gia đình anh Vàng Vạn Hiếu đều gắn với việc làm nương rẫy, trồng ngô, lúa, mặc dù chịu khó lao động nhưng thu nhập rất thấp. Từ năm 2015, sau khi học xong THPT, Hiếu ở nhà giúp gia đình làm nông nghiệp.
Những năm gần đây, nhận thấy bà con quanh vùng đều khá lên nhờ trồng rau, nhất là trồng cây dược liệu kết hợp làm rau ăn. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Hiếu bàn bạc với gia đình trồng và nhân rộng diện tích cây ngũ gia bì gai.
Chia sẻ về ý tưởng trồng rau thuốc ngũ gia bì gai này, Hiếu cho biết: “Quyết Tiến là vùng đất rất phù hợp với cây ngũ gia bì, cây ở đây không cần phải chăm bón nhiều, cho năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Nhiều nơi khác họ đến lấy giống về trồng, nhưng do điều kiện không phù hợp nên chất lượng và mẫu mã cây ngũ gia bì không đẹp…”.
Theo chia sẻ kinh nghiệm trồng ngũ gia bì của anh Hiếu, thời điểm để trồng cây ngũ gia bì tốt nhất là vào tháng 10-11 hàng năm; cách trồng khá đơn giản, chỉ cần giâm bằng cành xuống đất rồi tưới ẩm. Cây ngũ gia bì cho thu hoạch quanh năm bằng cách hái ngọn non.
Cây ngũ gia bì trồng lâu năm có thể thu hoạch phần rễ làm thuốc. Hiện nay, nhà anh Hiếu đang có 5.000m2 trồng cây ngũ gia bì. Bình quân một tháng, vườn ngũ gia bì cho thu hoạch rau non trong 15 ngày, mỗi ngày, anh Hiếu bán ra thị trường 100 bó, cho thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Ngũ gia bì là loại cây thuốc có trong danh mục các bài thuốc y học cổ truyền đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường và ngành Đông y. Những năm gần đây, người dân ở địa bàn huyện Quản Bạ và các khu vực xung quanh khá ưa chuộng dùng loại cây này trong bữa ăn hàng ngày. Cây ngũ gia bì có thể ăn sống, ăn kèm món lẩu, làm món rau xào… tùy khẩu vị của mỗi người.
Từ khi cây ngũ gia bì cho thu nhập, anh Hiếu không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nhân rộng diện tích và mong muốn phát triển loại cây này thành hàng hóa từ việc nâng cao chất lượng, đảm bảo trồng rau an toàn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh việc trồng ngũ gia bì, gia đình Hiếu còn nuôi thêm 4 con trâu vỗ béo, từ nguồn vốn vay 209 của HĐND tỉnh và trồng 350 cây đu đủ lấy quả. Từ mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Từ việc trồng ngũ gia bì của anh Hiếu đã giúp tạo việc làm tại chỗ, góp phần vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh kết hợp với việc tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn dược liệu quý.
Theo Lê Hải (Báo Hà Giang)
Cú điện thoại "cứu" cuộc đời cô gái Mông suýt đốt giấy nhập học
Tưởng không thể đi đại học vì đỗ 28,5 điểm mà nhà không có tiền, Chấu (Hà Giang) bất ngờ nhận được cuộc gọi giúp từ người lạ.
Hai năm trước, nhận kết quả báo đỗ Đại học Luật Hà Nội với 28,5 điểm - là thí sinh duy nhất của toàn huyện Quản Bạ, Hà Giang có điểm trên 20, Sùng Thị Chấu buồn khôn tả vì bố mẹ chẳng hiểu đỗ đại học là gì, anh trai thì bảo: "Đừng đi học nữa, ở nhà chăn dê thôi".
Chấu là con thứ 5 trong gia đình có 10 anh chị em ở thôn Cán Hồ, xã Thái An, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Bố mẹ cho chị em Chấu đi học vì ở trường có cơm ăn. Ảnh: Lệnh Thắng.
Với gia đình có 10 đứa con như nhà họ, bữa ăn sang lắm chỉ là mèn mén (bột ngô), thì Chấu "học hết lớp 12 là quá nhiều rồi, lo mà đi làm nương rẫy, hay cưới chồng như các bạn". Cô thiếu nữ thử bàn với gia đình xuống Hà Nội vừa học đại học vừa đi làm, người mẹ cầm tay cô khóc: "Con à, nhà mình chỉ ăn rau còn đói cái bụng, bố mẹ không thể cho con đi học".
Khi Chấu định đốt bỏ giấy báo nhập học và nhiều tập bằng khen - đã sạm màu bởi khói than và bồ hóng, trong đó có giải 3 quốc gia môn địa lý - thì có một đoàn từ thiện Hà Nội lên thăm địa phương. Họ đồng ý giúp Chấu xuống Hà Nội học, dự định thuê nhà cho cô ở.
Bà Ngô Thị Nhàn (Thanh Trì, Hà Nội), một người thường xuyên đi làm từ thiện, nghe được tin đã gọi điện thoại cho Chấu. Cuộc điện thoại dài hơn chục phút với cô gái trẻ xa lạ đã khiến bà quyết định đón cô về ăn ở cùng, vì nhận ra sự nỗ lực trong giọng nói có phần rụt rè, hiền lành của cô.
"Chấu bằng tuổi con gái út của tôi. Việc nuôi thêm một đứa con gái cũng không quá to tát, chỉ thêm bát thêm đũa. Chấu chăm chỉ, tôi càng không hối hận với quyết định này", bà Nhàn tâm sự.
Chấu nhớ nóc nhà, mẹ cha và các em hàng đêm. Niềm mong mỏi duy nhất của cô là học xong giúp gia đình có cơm, có thịt. Ảnh: NVCC.
Đầu tháng 9.2017, Chấu xuống thủ đô. Ngày đầu nhập học, bà Nhàn lo lắng bởi sắc mặt của Chấu tái đi khi nhìn thấy dòng xe cộ đi lại, cô bấu chặt lấy tay bà mỗi lần sang đường, đơ người không dám vào thang máy. Đoàn từ thiện đã mua xe đạp điện cho Chấu đi học, nhưng nhìn thấy cảnh đấy, mọi người thống nhất để cô đi xe bus.
Mọi thứ với Chấu ở đây đều xa lạ, từ cái bếp gas, cho đến những tia nước nóng từ vòi hoa sen, những bữa cơm có thịt, có hải sản. "Em chạnh lòng vì nhớ bố mẹ, nhớ các anh chị em. Họ chỉ mong có đủ mèn mén ăn qua mùa đông chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ có thịt, cá để ăn cả", Chấu rớm nước mắt kể.
Hai năm trôi qua, Sùng Thị Chấu giờ đây trở thành một sinh viên năng nổ ở khoa Luật tổng hợp, Đại học Luật Hà Nội. Cô thường tham gia thảo luận các môn học bằng sự tự tin, khác hẳn vẻ ngoài rụt rè, giản dị của cô thiếu nữ vùng cao nghèo khổ.
"Giáo án của tôi tại lớp Chấu hay bị 'cháy' vì những câu hỏi hóc búa của em ấy", cô Nguyễn Thanh Hương, giảng viên khoa Khoa lý luận chính trị, Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ.
Còn trong mắt bạn bè, Chấu chăm chỉ, ham học hỏi và luôn có những suy nghĩ đặc biệt. Ngoài giờ ở lớp, đi thư viện hay đi xe bus, cô cũng thường mải đọc sách đến mệt ngủ. Tháng 11.2018, Chấu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng bằng khen vì thành tích là một trong những học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc.
Ở nhà bà Nhàn, Chấu được dành phần lớn thời gian cho việc học. Nghỉ lễ bà ngỏ ý cho tiền về quê song cô không nhận, vì không muốn bà tốn kém vì mình thêm nữa.
Chấu đang sống cùng gia đình bà Nhàn ở Thanh Trì (Hà Nội), được gia đình nuôi ăn ở. Vì là người dân tộc khó khăn nên cô không mất tiền học phí. Ảnh: Lệnh Thắng.
"Chấu nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và khỏe lắm, có những chuyến chúng tôi đi từ thiện các địa phương, Chấu giúp khuân hàng tấn đồ, bằng 2 người thường", người phụ nữ ngũ tuần kể.
Hai năm rồi, nhiều đêm Chấu thức giấc, trong mơ cô thấy mình được sà vào lòng mẹ và cuộc sống gia đình không còn khó khăn như trước nữa. "Đây là động lực duy nhất thôi thúc em cố gắng nhiều hơn", Chấu nói.
* Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Lệnh Anh Thắng (Vnexpress)
Rong ruổi theo những mùa hoa, thu vài trăm triệu mỗi năm từ "lộc trời" Ở thế giới của loài ong không có sự lười biếng. Có lẽ vì thế mà những người thợ nuôi ong huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn luôn là những người chăm chỉ, cần mẫn và rất tỉ mỉ. Vất vả chăm sóc, rong ruổi quanh năm kiếm nguồn hoa cho ong, nhưng khi nâng những cầu ong nặng trĩu trên tay, óng...