9X bỏ phố về quê khởi nghiệp, thất bại liên tục và cái kết bất ngờ
Chàng kỹ sư bỏ việc ở thành phố về quê khởi nghiệp, thất bại nối tiếp không làm anh nhụt chí, giờ đây chàng trai 9X đã có doanh thu 400 triệu đồng/tháng nhờ sự kiên trì xoay sở với loại cây đặc trưng ở quê nhà.
Người trẻ rời bỏ công việc làm thuê, rời phố về quê khởi nghiệp ngày càng nhiều. Để có được thành công trước hết phải dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi gian khó. Mỗi người có một lựa chọn, một hướng đi và bí quyết khởi nghiệp gặt ‘trái ngọt’ trên mảnh đất quê hương của họ là gì? Infonet xin giới thiệu hành trình bỏ phố về quê khởi nghiệp của những bạn trẻ.
Liên tục khởi nghiệp nhưng đều thất bại
Năm 2017, tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, chàng trai trẻ quê Quảng Nam Ngô Tấn Quyền (sinh năm 1994) trở thành kỹ sư làm việc cho một hãng cơ khí lớn với thu nhập ổn định.
Đang làm kỹ sư ở một công ty cơ khí lớn, Ngô Tấn Quyền bỏ việc, bỏ phố, về quê khởi nghiệp….
Thế nhưng chỉ sau 1 năm, Quyền lại quyết định nghỉ việc để bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn của mình để tự tìm lối đi riêng cho mình.
Tìm hiểu trên mạng, Quyền rất ấn tượng với mô hình trồng rau sạch thủy canh trên sân thượng. Cảm thấy mô hình có tiềm năng, Quyền đã quyết định làm dù không có kiến thức về nông nghiệp nhưng vừa học vừa làm.
Tháng 8/2018 về quê khởi nghiệp, những hợp đồng đầu tiên nhận được giúp cho Quyền có khí thế để thuê thêm 1-2 người phụ làm. Thấy mô hình có triển vọng ở Đà Nẵng nên Quyền đã thuê mặt bằng để làm mô hình giúp khách có thể tham khảo trực tiếp và quyết định làm.
Song, vừa thuê mặt bằng triển khai thì gặp khó khăn do mưa kéo dài, không thi công được. Việc trang trải chi phí thuê mặt bằng, trả nhân công hàng tháng khiến Quyền không đủ ’sức’ nên đành vay mượn để duy trì. Nhưng cả mùa mưa không nhận được đơn hàng nào, chàng trai trẻ lại xoay sang nhận thiết kế trang trại trồng rau sạch do có sẵn chuyên môn về cơ khí.
Chàng trai trẻ về quê khởi nghiệp với cây đặc trưng ở quê hương – cây dó bầu…
Hướng đi này cũng không tồn tại được lâu khi mỗi năm cũng chỉ nhận được vài công trình, làm xong lãi được vài đồng thì khách lại nợ tiền. Quyền trả mặt bằng thuê ở Đà Nẵng và ‘ôm’ khoản nợ hơn 100 triệu đồng.
Rồi Quyền lại xoay sang bán dược liệu, làm bộ hộp gỗ xông trầm hương… nhưng đều phải dừng lại do chưa lường hết những nguy cơ có thể xảy ra.
Video đang HOT
Khởi nghiệp thành công với loại cây đặc trưng ở quê nhà
Tưởng chừng như cánh cửa khởi nghiệp khép lại, bất ngờ một lần có khách hàng đặt gia công bộ đốt nhang không tăm trầm hương. Nghe thấy trầm hương, Quyền mới sực nhớ quê mình có rất nhiều trầm hương (dó bầu).
Quyền rủ bạn làm cùng, chạy xe lên Tiên Phước cách nhà vài chục cây số, đến từng nơi sản xuất trầm hương để biết giá thành. Nhưng lúc đó trong túi chỉ có vài triệu đồng, trong khi giá trầm hương cao trên trời, toàn hàng chục triệu đồng mỗi cân.
Sau nhiều lần thất bại, Quyền đã gặp được ‘người đồng hành’ là anh Lê Minh Quốc (bên phải) trên con đường khởi nghiệp của mình.
Quyền quyết đinh làm cho xong hộp xông trầm hương, còn nhang trầm hương phải kiếm được nguồn để sản xuất; vừa bán được hộp và nhang không tăm luôn.
Vô tình được bạn bè giới thiệu, Quyền gặp được anh Lê Minh Quốc là một người chuyên buôn bán trầm tự nhiên. Quyền được anh Quốc chia sẻ về cây dó bầu và trầm hương. Vì sao lại có loại vài triệu, có loại vài chục triệu đồng. Nghe cách anh chia sẻ chân thành, cảm giác tin tưởng được nên Quyền muốn hợp tác.
Quyền ngỏ ý đề nghị lấy hàng bán, khi thu hồi vốn sẽ trả tiền sau không ngờ anh Quốc đồng ý. Cuối năm 2020, đầu năm 2021 gần Tết, Quyền lấy thử nhang nụ của anh Quốc về bán thử và được khách hàng khen đánh giá tốt và khách cũ lại quay lại lấy thêm về dùng. Quyền chia sẻ các bài viết giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, bất ngờ có ngày bán được tới 60-70 triệu đồng.
Với khát vọng mang trầm hương quê mình vươn tới khắp mọi miền đất nước, Quyền cùng anh Quốc bắt tay đầu tư xây dựng thương hiệu trầm hương tự nhiên của riêng mình.
Khi ấy, Quyền đã có chút vốn nhưng chưa trả nợ số tiền trước đây vay khởi nghiệp mà đi vay thêm 50 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp về góp cùng anh Quốc đầu tư mua sắm thêm máy móc.
Những chiếc vòng trầm hương là một trong số các sản phẩm đang được thương hiệu trầm hương Quốc Quyền bán trên thị trường có giá từ 900.000 đến vài triệu đồng, tùy mẫu.
Đầu năm 2022, nhà xưởng và văn phòng cũng đã xây dựng xong trên diện tích đất rộng khoảng 100m2 ngay tại quê nhà xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Tính đến nay, mỗi người góp vốn khoảng 300 triệu đồng.
Hiện ở xưởng sản xuất của Quyền có 7 công nhân làm sản phẩm từ cây dó bầu như nhang nụ, nhang cây, nhang không tăm, bột trầm và gia công các loại vòng đeo tay. Sản phẩm trầm hương Quốc Quyền ngày càng được nhiều người biết đến, đặt mua.
Nhờ đó, trầm hương Quốc Quyền hiện có 4 mối sỉ lấy hàng năng suất cao, nhiều cộng tác viên bán hàng và khoảng 250-300 đơn hàng mỗi tháng phục vụ khách hàng lẻ ở khắp mọi nơi.
Quyền chia sẻ, doanh thu hiện tại đạt khoảng 400 triệu đồng/tháng từ bán sỉ và bán lẻ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đạt khoảng 30% doanh thu. Đến nay, Quyền đã trả hết nợ và bắt đầu có chút tích lũy cho bản thân.
Thường xuyên phân tích, chia sẻ cách nhận biết về trầm hương tự nhiên giúp Quyền có thêm nhiều khách hàng mới.
Về quê khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng cùng khoản nợ, có được chút thành quả như ngày hôm nay, Quyền nhớ lại đã từng trải qua những giây phút hỗn loạn, không biết đi đâu về đâu khi tiền thì không có, khởi nghiệp ban đầu thất bại. Cảm giác chông chênh như ở bờ vực.
Qua hành trình khởi nghiệp của mình, Quyền chia sẻ với các bạn trẻ đã dám nghĩ thì dám làm, đừng đưa ra dự định mà không làm. Đặc biệt, làm bất cứ thứ gì cũng cần kiên định, khi thất bại không được chán nản.
Bỏ phố về quê khởi nghiệp từ chính cây đặc trưng ở quê hương, đem lại công ăn việc làm cho bản thân và anh em, bạn bè, xóm giềng, Quyền cảm thấy hạnh phúc vô cùng!.
Tuổi trẻ xứ Dừa tự hào tiến bước dưới cờ Đảng - Bài 2: Xung kích trong phát triển kinh tế
Xác định khởi nghiệp là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn của Bến Tre đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành, tạo môi trường thuận lợi "tiếp lửa" cho đoàn viên, thanh niên trên con đường lập nghiệp.
Từ đó đã truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ tự tin trong lao động, sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Đồng Khởi.
Đa dạng các mô hình
Những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Bến Tre đã được triển khai đến tận các ấp, khu, phố. Nhờ vậy, nhiều thanh niên đã mạnh dạn, tự tin triển khai các mô hình, dự án khởi nghiệp làm giàu trên chính quê hương.
Chị Dương Thị Tuyết Nhung (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) khởi nghiệp thành công với nghề sản xuất hoa kiểng tại "Vương quốc hoa kiểng". Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Từng tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty ở thành phố lớn nhưng anh Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992, ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp "du lịch xanh" tại quê nhà. Năm 2020, homestay Maison du Pays de Bến Tre (tạm dịch là Ngôi nhà xứ sở quê hương) ra đời. Theo anh Thịnh, khó khăn lớn nhất khi lập nghiệp là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Bằng tiền tích góp và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của đoàn viên, anh đã trang trí lại nhà, xây thêm phòng cho khách du lịch nghỉ lại. Ngoài nghỉ ngơi trong không gian miệt vườn, đi bộ dưới những rừng dừa, homestay Maison du Pays de Bến Tre còn mang đến những trải nghiệm thú vị và thân tình chỉ nơi xứ Dừa mới có.
Theo đó, khách có thể tham quan làng bánh phồng Sơn Đốc, nhà thờ La Mã, đi hái bưởi, hái dừa, thưởng thức dừa tươi tại chỗ, dừng chân ở những cánh đồng rau sạch để mua rau tự làm cơm. Đặc biệt, Maison du Pays de Bến Tre cũng "thết đãi" khách du lịch những đặc sản địa phương như: bánh khọt nước cốt dừa nhân tép đậu xanh, bánh cúng lá dứa, bánh chuối mì quết bốc, cơm nếp ăn kèm tép rang dừa hay muối mè... Anh Thịnh kết còn kết nối với nhiều thanh niên trong xã để tạo thêm địa điểm tham quan vườn dừa, tổ chức các tour, tuyến gắng với sản phẩm sẵn có tại địa phương. Trung bình mỗi tháng, homestay của anh đón từ 15 - 20 đoàn khách (mỗi đoàn từ 15 - 20 khách).
Sau khi khởi nghiệp thành công và trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất hoa cảnh tại "Vương quốc hoa kiểng" Chợ Lách, chị Dương Thị Tuyết Nhung (xã Vĩnh Thành) chia sẻ, 6 năm trước, được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Đoàn thanh niên, chị đã mạnh dạn đầu tư mua thêm cây phôi hoa giấy (cây làm gốc ghép) để ghép các loại hoa giấy đủ màu bán vào dịp Tết. Nhờ chí thú làm ăn, chị đã hoàn trả được nguồn vốn vay, đồng thời còn liên kết với nông dân trong xã để thu mua trực tiếp sản phẩm, dần mở rộng qui mô sản xuất. Hiện nay mỗi năm, cơ sở của chị cung cấp cho thị trường hơn 100 nghìn sản phẩm hoa cảnh các loại. Khi khởi nghiệp thành công, chị Nhung chủ động hỗ trợ vốn, con giống, kỹ thuật, thậm chí bao tiêu các sản phẩm hoa cảnh... cho các thanh niên trong xã.
Từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp
Anh Phan Thành Phước, Phó Bí thư Huyện đoàn Mỏ Cày Bắc cho hay, thời gian qua để hỗ trợ lớp trẻ trên địa bàn phát triển kinh tế, Huyện đoàn luôn phát huy tích cực vai trò nòng cốt trong phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp, lao động sáng tạo thông qua nhiều hoạt động như: tổ chức các Hội thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên; đa dạng các hình thức kết nối ý tưởng, dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng; duy trì hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ "Khởi nghiệp tiên phong" cấp huyện với 15 thành viên nòng cốt.
Theo anh Phan Thành Phước, từ 2018 đến nay, toàn huyện đã có 194 ý tưởng, dự án khởi nghiệp; là môi trường để ươm mầm cho phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên. Từ đó, phát hiện ra các nhân tố mới, tiêu biểu trong khởi nghiệp để ươm tạo, hỗ trợ phát triển. Thời gian tới, Huyện đoàn Mỏ Cày Bắc tiếp tục giới thiệu, lan tỏa các mô hình khởi nghiệp; tăng cường tuyên truyền chủ trương khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh; phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tạo môi trường để thanh niên phát huy tính sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động...
Huyện đoàn phấn đấu trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 sẽ xây dựng mới 5 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong thanh niên; tổ chức ít nhất 5 chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp; xây dựng thành công 2 mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu; hỗ trợ ít nhất 5 hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô sản xuất và thành lập doanh nghiệp.
Tại huyện duyên hải Thạnh Phú, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu năm 2022, huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, đề ra 3 trụ cột chính gồm: xây dựng Thạnh Phú thành địa phương khởi nghiệp; tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, đối với trụ cột xây dựng Thạnh Phú thành địa phương khởi nghiệp, huyện phấn đấu đến năm 2025, phát triển ít nhất 30 doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập và duy trì 5 câu lạc bộ, đội, nhóm khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp đảm bảo đồng bộ, kịp thời; đổi mới, tăng cường đa dạng hóa hình thức tương tác, đối thoại, tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp thông qua đối thoại, gặp mặt định kỳ; phát huy vai trò của cơ quan quản lý ngành và cơ quan đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp...
Tạo đà bứt phá nhanh, phát triển bền vững
Trong giai đoạn 2021-2025, Bến Tre đã đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng tỉnh thành "Địa phương khởi nghiệp", đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số; chuyển trọng tâm từ khởi nghiệp thoát nghèo, khởi nghiệp làm giàu sang khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp bằng "trí tuệ" kết hợp sức mạnh "công nghệ" dựa trên "tài nguyên bản địa". Đồng thời, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để bứt phá nhanh, bền vững.
Anh Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992) khởi nghiệp "du lịch xanh" tại quê nhà ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre với homestay Maison du Pays de Bến Tre (tạm dịch là Ngôi nhà xứ sở quê hương). Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Để thực hiện mục tiêu trên, việc hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp với đầy đủ các thành tố và hình thành cho ra mắt Không gian đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub) đã tạo động lực để thúc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp tỉnh được hình thành và hoạt động tích cực; qua đó hướng dẫn, động viên, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh, đội ngũ chuyên gia, các tổ chức tư vấn... Công tác hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp, việc hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp được tư vấn thường xuyên tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp theo hình thức online hoặc trực tiếp tại các chương trình Cà phê khởi nghiệp hàng tháng...
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre Lâm Như Quỳnh, những khái niệm và các vấn đề liên quan đến chương trình "Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp" dần thấm sâu vào suy nghĩ và được cụ thể hóa bằng hành động của đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong toàn tỉnh. Đến nay, số lượng các dự án, ý tưởng khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng nhiều, xu hướng tham gia khởi nghiệp dần được trẻ hóa. Nhiều người trẻ khởi nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre cho biết, từ năm 2016 đến nay, khởi nghiệp là phong trào lớn của thanh niên địa phương. Ngoài việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các cuộc thi và tìm kiếm ý tưởng dự án khởi nghiệp, hàng năm, Tỉnh Đoàn còn kết nối với các nhà đầu tư, các sở, ngành để đưa sản phẩm của thanh niên ra thị trường. Từ năm 2016 - 2022, hơn 200 đoàn viên, thanh niên đã "hiện thực hóa" các dự án trong thực tế. Trên nền tảng đó, trong nhiệm kỳ 2022-2027, Tỉnh Đoàn đã xây dựng đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, chương trình được các sở, ngành cùng ngân hàng trên địa bàn cam kết đồng hành để hỗ trợ thanh niên.
Thực hiện chương trình "Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp" giai đoạn 2016 - 2020, Bến Tre đã phát triển mới hơn 26 nghìn hộ kinh doanh, hơn 2.800 doanh nghiệp, 2.046 đơn vị trực thuộc với tổng vốn đăng ký khoảng 33.193 tỷ đồng (tăng gấp đôi về số doanh nghiệp và hơn 4 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015), đạt 108,7% mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2025, Bến Tre phấn đấu phát triển mới 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 600 doanh nghiệp khởi nghiệp; thu hút 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tập trung thu hút 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2 tỷ USD.
Để triển khai có hiệu quả chương trình này, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị, UBND tỉnh, các cấp ủy, ngành đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển mạnh công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, trong quản trị doanh nghiệp; đổi mới phương thức hỗ trợ và tiếp cận doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi. Đồng thời, lấy khoa học và công nghệ, công nghệ số và chuyển đổi số làm nền tảng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, kinh tế xanh, phát triển nhanh và bền vững. UBND tỉnh, các cấp ủy, ngành cần chuyển từ tư duy "quản lý" sang tư duy "đồng hành" và "phục vụ", tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tác phong, lề lối, làm việc; tập trung giải quyết, xử lý công việc khẩn trương, trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, hiệu quả; tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Chàng trai gây sốc khi thừa nhận càng khởi nghiệp càng nghèo Mới đây, một chàng trai sau 2 năm khởi nghiệp đã thừa nhận càng khởi nghiệp càng nghèo dần và bây giờ là nghèo hẳn. Những chia sẻ này nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Sau 2 năm thuê đất khởi nghiệp với nông nghiệp, Hậu cho biết càng làm càng nghèo dần và bây giờ là nghèo hẳn....