92 người chết vì bão số 9
Thiệt hại do bão số 9 gây ra tiếp tục tăng lên. Tính đến sáng 1/10, đã có 92 người chết, 19 người mất tích và 199 người bị thương.
Hơn 300 người chết, mất tích, bị thương
Quảng Ngãi và Kon Tum là những địa phương có người chết nhiều nhất (Quảng Ngãi: 27 người chết, Kon Tum: 21). So với hôm qua (30/9), số người chết tại Quảng Ngãi đã tăng thêm 4 người.
Tính đến sáng 1/10, đã có 92 người chết do bão số 9
Số người chết tại Nghệ An cũng tăng cao với 9 người. Các địa phương khác như Hà Tĩnh: 4 người chết; Quảng Bình: 1; Quảng Trị: 5; Huế: 6; Đà Nẵng: 3; Quảng Nam: 5; Bình Định: 6; Phú Yên: 01; Đắc Nông: 2; Lâm Đồng: 2.
Trong số 19 người mất tích, Nghệ An có 1; Quảng Bình: 1; Quảng Trị: 6; Đà Nẵng: 1; Quảng Ngãi: 4; Bình Định: 3; Kon Tum: 2; Gia Lai: 1.
Ngoài ra có 199 người bị thương, trong đó Hà Tĩnh có 2 người; Quảng Bình: 4; Quảng Trị: 33; TT. Huế: 23; Đà Nẵng: 10; Quảng Ngãi: 82; Bình Định: 29; Phú Yên: 3; Đắk Lắk: 9; Lâm Đồng: 3; Gia Lai: 1.
Ngoài thịêt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng tiếp tục tăng cao khi có đến hàng nghìn ngôi nhà bị cuốn trôi, sập, tốc mái; trạm y tế, trường học, cơ quan làm việc cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng ngàn ha hoa màu đã ngập úng hoàn toàn trong nước và không còn khả năng thu hoạch.
Hiện các vùng thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam còn bị mất điện chưa khôi phục được. Chỉ riêng tỉnh Quảng Nam mới chỉ cấp điện lại cho trung tâm hành chính tỉnh và một số cơ quan, đơn vị, bệnh viện, nhà máy nước, khu công nghiệp.
Riêng tại Kon Tum hiện đang mất điện toàn bộ khu vực.
Giao thông đường bộ vẫn tắc nghẽn
Giao thông trên các tuyến đường huyết mạch tiếp tục bị đình trệ trong vài ngày qua đến tận bây giờ. Tính đến sáng 1/10, đã có tới 26 điểm trên đường Hồ Chí Minh bị tắc hoàn toàn do sạt lở, có đoạn sạt dài 50 – 150m, sâu từ 3,5 – 10m.
Ngoài ra, quốc lộ 19C có 98 điểm sạt lở với chiều dài 19.723m, cầu Kon Brai trôi 3 nhịp giữa , gẫy 2 trụ và 1 mố; đèo Măng Đen và đèo Vihôlăk bị sạt lở nặng.
Giao thông đường bộ vẫn bị tê liệt sau bão
Video đang HOT
Quốc lộ 49A: 25 điểm tắc đường do sạt lở, cây đổ với khối lượng sạt lở 2.963m3; Quốc lộ 46 có 16 điểm sạt lở; Quốc lộ 14 có cầu Diên Bình, Đăk Tô và một số đoạn bị ngập không đi lại được.
Hiện giao thông trên các tuyến quốc lộ này bị ách tắc hoàn toàn. Chính phủ đã điều động quân đoàn số 3 bắc cầu phao tạm phục vụ đi lại.
Mưa chuyển hướng ra Bắc Trung Bộ
Mưa ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên đã bắt đầu giảm. Hiện mưa đã chuyển hướng ra khu vực Bắc Trung Bộ.
Lượng mưa đo được từ 19h ngày 29/9 đến 19h ngày 30/9 tại Hải Tân (Quảng Trị): 148mm; Mỹ Chánh (Quảng Trị): 78mm; Tà Lương (TT. Huế): 124mm; Phong Mỹ (TT.Huế): 107mm; Nam Đông (TT. Huế): 30mm; Thượng Nhật (TT. Huế): 26mm; Trà My (Quảng Nam): 66mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi): 16mm.
Kết hợp với nước lũ đã dâng cao từ trước, lượng mưa như trên khiến lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và sông Hương đạt đỉnh lũ lịch sử từ năm 1964. Hiện nay, do mưa bắt đầu giảm nên lũ đang xuống; lũ sông La và sông Gianh đang lên.
Mực nước sông Gianh tại Mai Hóa lúc 7h tối ngày 30/9 là 6,19m trên BĐ3 0,19m. Dự báo, ngày 1/10 lũ sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng đạt đỉnh ở mức 6,8m và tiếp tục trên mức BĐ3 0,8m.
Quảng Bình: Bão chưa qua lốc đã tới
Cơn lốc có cường độ gió rất mạnh đã làm 120 ngôi nhà bị tốc mái, 2 trường học bị phá hại nặng nề và nhiều cột điện cao thế bị gãy. Ngoài ra, cơn lốc này còn tạo ra một cột sóng lớn đánh vỡ một đoạn đê khá dài ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.
Cơn lốc có cường độ mạnh ập đến bất ngờ đã khiến nhiều ngôi nhà ở thành phố Đồng Hới bị tốc mái.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến ngày 1/10/2009, toàn tỉnh có 1 người chết (ông Nguyễn Quốc Tưởng, huyện Bố Trạch bị ngã chết trong khi chằng chống nhà), 1 người mất tích (ông Nguyễn Ngọc Lê, công nhân đường sắt cung ga Ngân Sơn trong lúc đi tuần bị rơi xuống sông), 10 người bị thương (gồm 2 người ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch 1 người, huyện Bố Trạch 2 người, huyện Quảng Ninh 2 người và 3 người ở huyện Lệ Thủy).Toàn tỉnh có 30 ngôi nhà bị sập, 1.112 nhà bị tốc mái và hư hỏng (nặng nhất là huyện Quảng Trạch với 457 nhà, Lệ Thủy 250 nhà).
Mực nước tại các sông ở Quảng Bình đang ở mức cao khiến 30.051 ngôi nhà bị ngập nước (có nơi ngập sâu trên 1 mét đến 1,5 mét như ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), nhiều địa phương bị chia cắt cục bộ do lũ.
Lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã khiến Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Đồng Hới bị nước nhấn chìm.
Bão số 9 đã khiến 276.321 m3 đất, đá, bê tông thủy lợi sạt lở và 63.810 m3 đường giao thông ở Quảng Bình bị sạt lở; 50 cột điện gãy đổ; 950 ha hoa màu bị hư hỏng; 36.573 cây lâm nghệp đổ, gãy và 140 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khá nặng; đặc biệt có 1.020 tấn thóc của bà con nông dân bị ướt…
Ngoài ra có 58 phòng học của các địa phương ở tỉnh bị tốc mái, trạn y tế, hội trường, trường mần non bị tốc mái 49 cái… Thiệt hại sơ bộ ước tính do bão số 9 gây ra tại Quảng Bình đến thời điểm này là gần 90 tỷ đồng.
Theo Vietnamnet
Bão đánh "bay" tàu nghìn tấn vào... đại lộ
(Dân trí) - Chỉ được 30 phút chống chọi với gió to sóng lớn, chiếc mỏ neo mạn phải cùng 3 tấn xích đứt phựt, chìm vào lòng biển, con tàu Thành An 27 trọng tải hơn 1.000 tấn cùng 7 thuyền viên đành nhắm mắt trôi theo sự cuồng nộ của những con gió...
Khi cơn bão Ketsana (bão số 9) đổ bộ vào Đà Nẵng trưa 29/9, không chỉ có một mình tàu Thành An 27 bị đánh bật lên... đại lộ Nguyễn Tất Thành, gần 20 con tàu khác đang neo ở vịnh Đà Nẵng cũng có số phận tương tự.
Những con tàu tải trọng trên 1 vạn tấn cũng chịu thua sức mạnh của thiên nhiên, phải buông xuôi theo sự điều khiển của cơn bão để cập bến Đà Nẵng theo cái cách mà không ai có thể tưởng tượng nổi.
Thuyền trưởng tàu Thành An 27, Nguyễn Văn Thắng (quê Thái Bình) chưa hết bàng hoàng trước cơn nguy cấp mà cả đời đi biển của anh giờ mới "được" chứng kiến. "Cả 7 anh em chúng tôi neo ngoài vịnh Đà Nẵng, tưởng an toàn nhưng cũng chỉ được một lúc. Đang vật lộn trong bão để gia cố lại tàu thì thấy tàu chợt nghiêng về mạn trái, neo bên phải đứt. Không dám để neo trái một mình chịu đựng sức gió, chúng tôi không còn cách nào khác đành kéo nốt lên mà gồng mình chịu bão... Và cuối cùng, cả con tàu lớn bị đánh dạt lên tận... đường phố".
Tàu Luks VN09 trọng tải 2.000 tấn là một trong những con tàu đầu tiên "được" bão số 9 đưa vào bờ từ vịnh Đà Nẵng.
Các ngư dân Đã Nẵng đã đi kiếm sống ngay khi bão tan, bên cạnh những con tàu nằm chềnh ềnh gần cửa sông Hàn.
Người dân Đà Nẵng ra xem những con tàu lần đầu tiên xuất hiện trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, điều mà cơn bão Xangsane năm 2006 "chưa" làm được.
Trong số gần 20 con tàu được bão "đưa" vào bờ, có những con tàu tải trọng lên đến 13.000 tấn.
Chiếc chân vịt của những chiếc tàu hàng vạn tấn giờ mắc cạn trên những đám cỏ ven bờ.
Chưa bao giờ, các thuỷ thủ trên tàu Thành An 27 được đặt chân lên bãi cát khi cập bến, bởi với tải trọng cả ngàn tấn, họ chỉ cập bờ khi có những bến tàu đủ độ sâu.
"Nhất thuỷ, nhì hoả"... những con tàu vài nghìn tấn cũng thua sức nước.
Những con tàu mắc cạn như những toà lâu đài ven bờ biển Đà Nẵng...
...lạ lẫm trong ánh đèn của đại lộ Nguyễn Tất Thành.
Người ta chỉ còn nhận ra những tín hiệu tàu "còn sống" nhờ ánh đèn le lói chạy bằng máy nổ.
Những con tàu mắc cạn và các bức tường đổ nát - tác phẩm của cơn "siêu bão" trong năm 2009 này.
Rất nhiều người đi xuống tận mép nước để đi vòng quanh con tàu mắc cạn để hình dung được sức mạnh của cơn bão này.
Thuỷ thủ tàu Thành An 27 ngắm phố phường từ lan can tàu.
Thuỷ thủ các tàu mắc cạn thông tin về gia đình trong ánh đèn vàng của TP Đà Nẵng.
Cầu thang của các con tàu mắc cạn hướng thẳng xuống bãi cát của quận Liên Chiểu.
Vết đánh dấu mực nước của các con tàu được "nghỉ ngơi" trong thời gian sắp tới.
Việt Hưng