90% chất thải nguy hại không biết đi đâu, về đâu
Đổi chất thải nguy hại từ hộ gia đình lấy quà tại Ngày hội tái chế TP.HCM – Ảnh: Mai Vọng
PGS.TS Lê Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – đã cho biết như vậy tại hội thảo Hiện trạng và lựa chọn công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam diễn ra vào ngày 7.12 tại TP.HCM.
Theo Thông tư 12/2011/TT-BTNMT, chất thải nguy hại được phân loại theo 19 nhóm nguồn và dòng thải chính. Đó là các chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than; ngành sản xuất hóa chất vô cơ, hữu cơ, ngành nhiệt điện, luyện kim, vật liệu xây dựng và thủy tinh; chế biến gỗ, giấy và bột giấy; chế biến da, lông và dệt nhuộm; từ ngành y tế và thú y; từ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã hết hạn sử dụng; từ hộ gia đình; dầu thải, nhiên liệu lỏng, dung môi hữu cơ; từ bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau;…
Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, hiện số liệu về tổng lượng chất thải nguy hại hằng ngày tại TP.HCM có nhiều con số khác nhau, có số liệu nói 320 tấn/ngày, nhưng theo điều tra của cá nhân ông thì có đến 460 tấn/ngày.
Video đang HOT
Năng lực xử lý chất thải nguy hại của các công ty tại TP.HCM chỉ có thể xử lý được khoảng 10% trên tổng lượng chất thải đó, như vậy 90% còn lại không biết đi đâu, về đâu, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, có thể có một lượng chất thải nguy hại chưa được xử lý đã được thu gom chung với chất thải công nghiệp và có thể một phần nào đó đã đi vào trong bãi rác sinh hoạt. Nếu như vậy thì nguy hại cho các bãi rác này, vì nó là chất độc hại, khi xâm nhập vào rác sinh hoạt hữu cơ, sẽ làm cho bãi rác không xẹp xuống theo thời gian mà vẫn cứ cao như ban đầu.
Ông Hải cũng cho biết, cái khó hiện nay là các doanh nghiệp có nguồn chất thải nguy hại tự kê khai nguồn thải và họ không biết đó có phải là chất thải nguy hại hay không, vì hệ thống để phân tích chất thải nguy hại chưa được phát triển tốt và năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế.
Ông nói thêm, muốn biết chất thải đó có ở ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định hay không thì phải mang đi phân tích, nhưng thiết bị để phân tích của Việt Nam hiện nay còn quá hạn chế. Điều này dẫn đến một là định tính, hai là định lượng rồi kê khai đại ra và thông thường thì lượng kê khai thấp hơn nhiều so với thực tế.
Một lo ngại khác từ Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, đó là hiện nay chưa có quy định về quản lý chất thải công nghiệp không nguy hại, đặc biệt là bùn thải, vì vậy đang xuất hiện xu hướng chuyển mã bùn thải từ nguy hại thành không nguy hại của các chủ nguồn thải nhằm giảm nhẹ chi phí xử lý.
Nhận xét về hiện trạng công nghệ xử lý chất thải nguy hại hiện nay, PGS.TS Lê Thanh Hải nói: Nhìn chung, số lượng chất thải nguy hại được thu gom và xử lý bởi các đơn vị do Tổng cục Môi trường cấp phép chưa đáp ứng được yêu cầu về xử lý chất thải nguy hại tại Việt Nam.
Công nghệ xử lý cũng không đồng bộ, một số chất thải chỉ áp dụng công nghệ tiền xử lý. Mức độ tự động hóa cũng không cao do chi phí đầu tư thấp và một phần do trình độ công nghệ.
PGS.TS Lê Thanh Hải cho rằng, việc xử lý chất thải nguy hại hiện đang là vấn đề bức xúc còn lớn hơn xử lý rác thông thường. Để thu gom và xử lý triệt để chất thải nguy hại, mỗi tỉnh thành cần có ít nhất một nơi xử lý tập trung.
Theo TNO
Hà Nội xây mới, mở rộng nhiều khu xử lý chất thải
Từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 13 bãi đổ bùn thải thoát nước xây mới hoặc mở rộng 15 khu xử lý chất thải rắn.
Hướng đến môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp, Hà Nội sẽ xây mới và mở rộng thêm nhiều
khu vực xử lý chất thải (Ảnh minh họa)
Trong phiên làm việc diễn ra sáng 6-12, HĐND TP.Hà Nội (kỳ họp 6, khóa XIV) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại, thu gom và xử lý theo các công nghệ: tái chế, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh theo 3 vùng: Vùng 1 gồm đô thị nội đô lịch sử khu vực từ vành đai 2 đến sông Nhuệ, khu đô thị Mê Linh - Đông Anh, khu đô thị Đông Anh, khu đô thị Yên Viên - Long Biên - Gia Lâm, khu đô thị Sóc Sơn, thị trấn Kim Hoa, thị trấn Nỉ, thị trấn Phù Đổng, khu vực nông thôn huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm. Chất thải rắn vùng 1 được xử lý tại các khu xử lý: Nam Sơn, Việt Hùng, Kiêu Kỵ, Phù Đổng, Cầu Diễn.
Vùng 2 gồm một phần chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4 (gồm đô thị thuộc các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, quận Hà Đông), đô thị Phú Xuyên, các thị trấn Thường Tín, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa và khu vực nông thôn các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Rác vùng này được xử lý tại các khu Cao Dương, Châu Can, Mỹ Thành, Hợp Thanh, Vân Đình, Đông Lỗ.
Vùng 3 gồm một phần chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4 (gồm đô thị thuộc các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức), đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai các thị trấn sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn các thị trấn Tây Đằng, Phùng, Liên Quan, Phúc Thọ cũ và các khu vực nông thôn các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, ngoại thị Thị xã Sơn Tây. Rác thải vùng này được xử lý tại các khu Đồng Ké, Núi Thoong, Lại Thượng, Đan Phượng, Xuân Sơn.
Hà Nội dự kiến quy hoạch 17 khu xử lý chất thải rắn cho toàn thành phố và 29 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải. Đồng thời, xây dựng 6 trạm trung chuyển chất thải rắn phục vụ cho các loại chất thải rắn. Sử dụng công nghệ tiên tiến (đốt, tái chế) đảm bảo vệ sinh môi trường phù hợp với từng loại chất thải rắn, hạn chế việc chôn lấp nhằm giảm nhu cầu đất cho chôn lấp. Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2020, Thành phố sẽ xây dựng 13 bãi đổ bùn thải thoát nước xây mới hoặc mở rộng 15 khu xử lý chất thải rắn.
Dự kiến, tổng mức đầu tư để thực hiện Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là khoảng 107.573 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động tổng hợp từ các nguồn lực đầu tư: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại từ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển của TP Hà Nội, mở rộng các hình thức BOO, BOT, PPP.
Theo ANTD
Chưa đủ giấy phép đã khai thác titan Dù chưa đủ giấp phép theo quy định, nhưng Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh (gọi tắt là Đức Cảnh) đã cho khai thác titan ở thôn Thiện Ái 2, xã Hòa Thắng (H. Bắc Bình, Bình Thuận). Theo ông Trần Vũ Minh Tùng- Trưởng phòng khoáng sản (Sở TN-MT) Bình Thuận, thì dự án titan Đức Cảnh rộng 64 ha, được...