9 triết lí đáng suy ngẫm trong phim Hàn “Mama Fairy and the Woodcutter”
Hàm ẩn trong cốt truyện hài hước và tưởng như đơn giản của Mama Fairy and the Woodcutter là những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người.
Ấn tượng đầu tiên của khán giả về Mama Fairy and the Woodcutter (tạm dịch: Kê Long Tiên Nữ Truyện) hẳn là cốt truyện độc đáo, sự hài hước duyên dáng cùng dàn nhân vật từ chính đến phụ đều “không bình thường”. Nhưng nếu chú ý kĩ, ta dễ nhận ra câu chuyện tình yêu đậm màu giả tưởng cũng như trong cách xây dựng mỗi nhân vật của bộ phim này ẩn chứa rất nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, cách sống, về vị thế của con người trong thế giới này.
1. “Con người mạnh mẽ lắm.”
Thần tiên, nếu có thật, có lẽ thường sẽ cảm thấy loài người chúng ta thật yếu đuối. Không phép thuật, không bất tử, không có năng lực đặc biệt. Vũ Khúc trong Mama Fairy and the Woodcutter là một vị tiên như thế. Thương cảm cho một người làm thấp cổ bé họng bị ức hiếp, cô đã ra tay phóng hỏa nhà người chủ, khiến hắn nổi giận cướp luôn lương thực của người làm. Đối với hành động của Vũ Khúc, Sun Ok Nam ( Moon Chae Won) đã hỏi một câu thế này: “ Sao cô không tin tưởng con người? Con người mạnh mẽ lắm.”
Vũ Khúc đã “ra tay nghĩa hiệp” nhưng không ngờ khiến sự việc càng tệ hơn.
Con người có thể không bất tử, không phép thuật, nhưng chính vì bị giới hạn bởi tạo hóa, con người mới càng có được những loại ý chí và sức chịu đựng mà thần tiên khó bề hiểu được. Một câu nói ngắn gọn của Ok Nam nhưng đủ sức khiến ta phải suy nghĩ nhiều về vị trí của con người trong thế giới này.
2. Thương người như thể thương thân
Đây chừng như là “chân lý” mà mỗi bộ phim đều hướng đến, nhưng Mama Fairy and the Woodcutter chừng như vận dụng thông điệp này khá triệt để. Nàng tiên Sun Ok Nam, với trái tim nhân hậu và luôn lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui hẳn nhiên là điển hình tiêu biểu nhất. Nàng tốt bụng và tinh tế trong từng chuyện nhỏ nhặt, không bao giờ nề hà việc chăm sóc người xung quanh, và luôn tâm niệm phải biết yêu thương người khác.
Rồi thì nam phụ Kim Geum ( Seo Ji Hoon), người đầu tiên cho Ok Nam một chỗ trú chân giữa Seoul ồn ã, rồi thì cô tiên chủ tiệm phong cách hơi quái nhưng tấm lòng hiếm ai sánh được đã cho mẹ con Ok Nam chỗ ở và giúp cô một công việc, hay đến cả những nhân vật phụ như dàn tiên nhân núi Gyeryong bị mất tiền phải đi rửa bát thuê nhưng trong cách bà chủ đối xử với họ vẫn ấm áp tình người.
Trông thì đanh đá thế thôi chứ chị đây tốt bụng lắm!
Có thể nói, những bộ phim truyền tải thông điệp về đồng cảm và giúp đỡ như Mama Fairy and the Woodcutter không hề thiếu, nhưng vẫn luôn tạo được hảo cảm nhờ tính nhân văn và cảm giác ấm áp khơi gợi trong lòng mỗi khán giả mỗi lúc theo dõi phim.
3. Mỗi con người trên thế gian này đều đặc biệt
Trong Mama Fairy and the Woodcutter, nhân vật Kim Geum hiện lên với hình tượng một “soái ca ngầm” đúng chuẩn. Vừa chăm chỉ, vừa lương thiện, vừa chân thành, vừa vui tính. Nhưng ít ai biết rằng Kim Geum lạc quan của bây giờ trước đây từng bị cô lập, trêu chọc, dọa đưa vào viện tâm thần vì thường một mình nói chuyện với các con vật. Không ai tin khả năng kì lạ đó của cậu, mãi cho đến khi gặp được nàng tiên nữ Sun Ok Nam, Kim Geum tìm thấy được ở cô sự đồng cảm sâu sắc.
Không chỉ Kim Geum, mỗi nhân vật trong phim đều đặc biệt và thậm chí quái dị theo một kiểu khác nhau. Người thì ưa sạch thái quá, người thì có những ý thích kì lạ, người thì quá ngây thơ, mỗi nhân vật từ chính đến phụ đều sở hữu một cá tính riêng không lẫn vào đâu được. Mà đâu chỉ trên phim, nhìn vào thực tế, mỗi con người chúng ta chính là một cá thể đặc biệt và duy nhất, không thể thay thế. Việc tôn trọng cái đặc biệt ở mỗi cá nhân, miễn rằng nó không gây hại, là điều cần thiết và nhân văn cần được nhiều người hơn nữa hưởng ứng.
4. Vạn vật đều có linh hồn và đáng được trân trọng
Kim Geum có khả năng nói chuyện với động vật, Sun Ok Nam có thể trò chuyện với cây cối. Khi được nàng chăm sóc và thủ thỉ trò chuyện, hoa sẽ nở, cây sẽ lớn nhanh. Khi được Kim Geum giúp đỡ, kiến sẽ cảm ơn và côn trùng sẽ ca ngợi. Như thế, mỗi một sinh mệnh có “sự sống” như côn trùng hay thực vật đều xứng đáng được trân trọng và chăm sóc. Đối xử tốt với những sinh vật quanh mình, cũng chính là một cách khiến cuộc sống đẹp hơn và bản thân ta cảm thấy hạnh phúc.
5. Đừng chối bỏ bản thân
Giáo sư Jung Yi Hyun ( Yoon Hyun Min) từng yêu cầu Sun Ok Nam đừng tự gọi mình là tiên nữ, cô làm theo, và hậu quả là cô bị đau bụng đến ngất đi. Đau bụng là hình phạt thần tiên phải chịu nếu làm trái luật trời, ở đây điều Sun Ok Nam đã phạm chính là chối bỏ thân phận tiên nhân của mình. “Tôi nói mình là tiên nữ vì tôi chính là tiên nữ.”, Sun Ok Nam từng nói như thế. Cô không có quyền lựa chọn thân phận của mình, không thể chối bỏ bản chất bên trong bất chấp ngoài miệng có nói thế nào chăng nữa. Kinh nghiệm “đau thương” của Sun Ok Nam chính là thông điệp sống rõ ràng nhất: đừng chối bỏ bản thân mình, nếu chính ta cũng không tin tưởng và trân trọng bản thân, sẽ còn ai làm được điều đó nữa?!
Video đang HOT
Chỉ vì không chịu nhận là tiên nữ, Sun Ok Nam bị đau bụng đến ngất đi.
6. Điều chúng ta sợ nhất chính là bị lãng quên
Thường nghe, điều con người ta sợ nhất không phải cái chết, mà là bị lãng quên. Bị lãng quên mới chính là cái chết thực sự, là sự xóa bỏ tồn tại cuối cùng và vĩnh viễn. Mama Fairy and the Woodcutter bảo chúng ta rằng, không chỉ con người, thần tiên cũng sợ bị lãng quên. Sun Ok Nam đã rất đau khổ khi người nàng nhận là chồng lại nhất quyết không chịu tin vào thân phận của nàng, sau đó càng sầu hơn khi nghĩ đến nếu viễn cảnh một ngày không còn ai trên đời tin vào sự tồn tại của thần tiên, vậy thần tiên tồn tại có ý nghĩa gì?
Tiên nữ thất vọng vì người nàng nhận là phu quân lại không hề nhớ nàng là ai.
Tuy chỉ đặt trong bối cảnh phim, nhưng Sun Ok Nam phải chăng đã nói lên nỗi lòng của đại đa số chúng ta? Việc được tồn tại dài lâu trong kí ức của một ai đó, nhất là ai đó ta yêu thương, thực sự là một đặc ân mà không phải ai cũng may mắn có được.
7. Vạn sự vô thường, điều gì cũng có thể xảy ra
Cũng không tình cờ khi hai nhân vật nam chính phụ đều được xây dựng là người trong ngành khoa học tự nhiên. Nếu như Kim Geum vì đồng điệu cảm xúc mà chừng như chấp nhận sự thật về thân thế của nàng tiên Sun Ok Nam khá dễ dàng, thì giáo sư Jung của chúng ta, bất chấp trải qua bao nhiêu sự kiện kì lạ, bất chấp sự thật rành rành trước mắt là anh nhìn thấy nàng tiên trong nhân dáng thật là một cô gái trẻ đẹp chứ không phải một bà lão phúc hậu, anh vẫn tìm mọi cách biện giải hay chối bỏ sự thật vin vào cớ hoang tưởng chẳng hạn. Nhưng thật không may, sự thật chính là sự thật.
Trong Mama Fairy and the Woodcutter, thần tiên, hạy hậu kiếp của thần tiên, hoàn toàn có thể sống giữa người phàm mà nhiều khi chính bản thân họ cũng không hay biết thân phận của chính mình. Trải qua hàng trăm năm, những hóa kiếp của thần tiên thuở nào nay cùng tụ họp tại Seoul hiện đại, chính là duyên nợ, có phần trớ trêu nhưng cũng thật thú vị. Vậy mới nói vạn sự trên thế gian đều vô thường, nào ai biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì?!
Ai mà ngờ bộ ba “bụi đời” này là thần tiên?!
8. Kí ức có thể lãng quên, nhưng cảm xúc sẽ chẳng thể nào nhầm lẫn
Dựa trên nền tảng thần tiên sống trà trộn trong thế giới người phàm, Mama Fairy and the Woodcutter tha hồ phức tạp hóa các mối quan hệ và khiến khán giả “xoắn não” nhờ một “chiêu” mang tên “luân hồi chuyển kiếp”. Vốn mang đặc thù “xem”, ta thường dựa vào ngoại hình mà phán đoán nhân vật, thế là biên kịch đạo diễn cứ thỏa chí đem ngoại hình nam phụ rồi nam chính rồi tiên nữ mỗi kiếp gán một nhân dạng, hẳn phải có thần trí tỉnh táo lắm thì mới không lạc trong ma trận ngoại hình rối beng đó.
Phim đã thành công thử thách khả năng… suy diễn của khán giả.
Rốt cuộc ai là chồng tiên nữ? Rốt cuộc vì sao cả hai nam chính phụ đều có những kí ức hạnh phúc bên tiên nữ và cùng trong bộ dáng người tiều phu?! Bộ phim đến nay vẫn chưa chính thức đưa ra lời giải đáp. Thế nhưng, duy có một điều không đổi: cảm xúc Sun Ok Nam đã chôn trong lòng từ rất lâu rất lâu dành cho một người duy nhất. Nhân dạng người đó có thể thay đổi qua mỗi vòng luân hồi, nhưng cảm xúc của nàng mỗi khi người đó ở cạnh khiến Sun Ok Nam luôn xác định được đó là người mình yêu. Có thể nàng đã sai chăng? Nàng đã quá cảm tính? Nhưng dẫu sao cũng không thể phủ nhận việc dám sống theo cảm xúc như nàng tiên của chúng ta vẫn khiến không ít khán giả cảm động.
9. Bảo vệ môi trường là cần thiết!
Thật thú vị là ngoài hàng loạt những triết lý về tình yêu, cuộc sống nghe qua có chút vĩ mô, Mama Fairy and the Woodcutter còn nêu cao một lời kêu gọi rất thực tiễn: hãy bảo vệ môi trường! Cô chủ quán cà phê với phong cách ăn mặc quái dị và mái tóc đỏ rực nhức mắt yêu cầu khách hàng đến mua cà phê phải tự mang theo bình hoặc cốc của mình vì muốn giảm thiểu lượng ly nhựa thải ra môi trường. Trong căn phòng nhỏ của mẹ con tiên nữ dùng rất nhiều dồ trang trí và chỗ chứa đồ làm từ vỏ cây, theo đúng tiêu chí “tái sử dụng và tái chế” khiến ta không khỏi thích thú.
Tạm kết
Sở hữu nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống hẳn nhiên là một điểm sáng đáng đề cập của Mama Fairy and the Woodcutter, tuy nhiên việc lồng ghép những thông điệp ấy vào lời thoại trực tiếp của nhân vật đôi lúc sẽ khiến khán giả cảm thấy sáo rỗng. Thật may là những lời “vàng ngọc” đó đều được nói ra khá đúng thời điểm và nhất là đúng người. Cô tiên Sun Ok Nam đã làm tốt nhiệm vụ truyền đạt những triết lý bộ phim muốn gửi gắm một cách nhẹ nhàng, trực tiếp và giảm thiểu khả năng phản tác dụng, góp phần giúp nội dung của Mama Fairy and the Woodcutter trở nên “sâu nhưng không sáo”.
Cùng đón xem Mama Fairy and the Woodcutter mỗi thứ hai – thứ ba trên tvN lúc 21:30.
Theo Trí thức trẻ
Mama Fairy and the Woodcutter - Mối tình kéo dài 600 năm nhuốm màu tiên cảnh
Là bộ phim được phát sóng sau 100 Days My Prince, Mama Fairy and the Woodcutter mở đầu suôn sẻ với rating vượt người tiền nhiệm, là nhân tố quan trọng của đài cáp tvN trong cuộc chiến rating tháng 11.
Nàng tiên Ok Nam và người tiều phu (nguồn: tvN)
Cốt truyện mới mẻ và hấp dẫn
Mama Fairy and the Woodcutter (Kê Long Tiên Nữ Truyện) thuật lại hành trình chờ chồng của nàng tiên nữ suốt hàng trăm năm.
Liệu nàng có tìm lại được phu quân hay không (nguồn: tvN)
Thời đại Goryeo có nàng tiên Sun Ok Nam (Moon Chae Won) đã giáng trần cùng các chị gái và tắm tại một thác nước trên núi. Định mệnh run rủi, y phục của nàng bị một người tiều phu trộm mất nên không thể bay về trời. Từ đó nàng ở lại bên chàng tiều phu và kết duyên vợ chồng. Vậy nhưng phu quân nàng chẳng may rơi xuống vách núi mà qua đời. Sau cái chết của chồng, Ok Nam muốn trở về thiên giới để quên đi nỗi đau ở trần gian nhưng bất thành.
Ở thời hiện đại, Ok Nam mở một quán cà phê trên núi Gyeryong để chờ người chồng luân hồi chuyển kiếp của mình xuất hiện. Sau 699 năm, cuối cùng nàng cũng gặp gỡ hóa thân hậu kiếp của chồng, chỉ có điều nàng gặp tận... hai người. Đó là chàng trai trẻ là Jung Yi Hyun (Yoon Hyun Min)và Kim Geum (Seo Ji Hoon). Ok Nam đã quyết định theo chân họ lên thành phố Seoul phồn hoa để xác định ai mới là một nửa định mệnh của đời nàng.
Một cảnh tình cảm trong phim (nguồn: wowkeren)
Bộ phim mang tính giải trí cao
Cách xây dựng nhân vật cùng tình tiết hài hước dí dỏm là điểm nổi bật của Mama Fairy and the Woodcutter.
Các nhân vật phụ dí dỏm gây tiếng cười cho phim (nguồn: koonb)
Hội tiên nhân với tạo hình độc lạ cùng tính cách tưng tửng là nhân tố quan trọng tạo nên những khoảnh khắc thú vị đầy cảm xúc từ vui vẻ đến buồn thương. Khán giả không khỏi bật cười trước những tình huống gây hài nhẹ nhàng của phim trước những phân cảnh tiên và người sống cùng nhau.
Thêm vào đó, "cây hài" chủ chốt cho bộ phim không ai khác ngoài nam chính Jung Yi Hyun do Yoon Hyun Min thủ diễn. Jung Yi Hyun là giáo sư sinh học và mang nhiều nét tính cách thú vị.
Nhân vật này mắc bệnh sạch sẽ đến mức cực đoan. Đáng nói là những chuyện dở khóc dở cười xảy đến với anh chàng lại đều liên quan đến... cái nhà vệ sinh. Ok Nam nghi ngờ anh chính là người chồng chuyển kiếp bởi... tiếng đi tiểu rất mạnh mẽ. Hay phân cảnh khi sau khi hai mẹ con tiên nữ lên Seoul, đêm đầu tiên được Kim Geum tốt bụng cho ở nhờ phòng, chính là tầng trên nhà anh nam chính sạch sẽ thì ngay sáng sớm hôm sau vị giáo sư đã hứng trọn một phen hoảng hồn, vì cô con gái tiền kiếp quên... không xả bồn cầu.
Nam chính của chúng ta còn là người dễ mất bình tĩnh, phản ứng thái quá, động đến là lớn tiếng, nên những biểu cảm như trợn mắt há mồm, rồi lại nhảy tưng tưng hay đi rình rập lén lút là quá bình thường ở nhân vật này.
Nam chính trông thế này... (nguồn: tvN)
nhưng anh rất mong manh yếu đuối nha các em (nguồn: tvN)
Anh nhạy cảm lắm mấy đứa à (nguồn: stellasisters)
Nhan sắc của nam diễn viên không quá nổi bật, không được xếp vào hàng mỹ nam nhưng bù lại sự nỗ lực của anh cho vai diễn đa sắc thái này chiếm được nhiều cảm tình của khán giả. Làm sao không thích cho được khi anh xuất hiện lúc nào, bộ phim tươi sáng dí dỏm lúc đấy cơ chứ.
Mang hơi thở tươi mới cùng cảnh phim nhuộm màu tiên cảnh
Cảnh tắm tiên nè khán giả ơi (nguồn: asianwiki)
Mama Fairy and the Woodcutter có điểm cộng lớn là khung cảnh phim rất thơ mộng và đượm tình với sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Trang phục của Ok Nam không quá hào nhoáng và nổi bật. Nếu đã từng xem Princess's man hay Moonlight drawn by cloud, khán giả sẽ mê mẩn trước những bộ hanbook tuyệt đẹp với nhiều chi tiết của nhân vật. Nhưng hanbook của nữ chính trong Mama Fairy and the Woodcutter không thể đơn giản hơn với vải hoa là "nguyên liệu chính", điểm nhấn ngoại hình của nàng là bông hoa cài trên mái tóc. Vậy thôi những đủ khiến khán giả "say" trước nàng tiên xinh đẹp và thoát tục này rồi.
Chỉ đơn giản như này thôi cũng đủ để khán giả say cô tiên xinh đẹp Ok Nam rồi (nguồn: koala)
Quán cà phê phong cách phương đông của quý bà Ok Nam (nàng hóa thành bà lão bán cà phê), chú hổ bé xinh hay hiện thân của cô con gái, đồ vật từ trong tranh cổ biến thành đồ thật. Những chi tiết thơ mộng và ngọt ngào khiến bạn được thực sự giải trí, đúng nghĩa với một bộ phim Hàn Quốc lấy đề tài truyện cổ tích làm chủ đề chính. Đa số các cảnh quay đều được lồng ghép khéo léo giữa chốn bồng lai tiên cảnh với hiện thực cuộc sống nhộn nhịp ở thế kỉ 21.
Phim diễn biến nhẹ nhàng với nhịp điệu chậm rãi, từ tốn, không giật gân hay gay cấn như phim hành động. Cốt truyện dễ đoán, ít cao trào, điểm sáng là những tình huống gây hài nhưng không quá lố mà dí dỏm vừa phải.
Phim nhẹ nhàng vừa phải và yếu tố gây cười cũng rất duyên (nguồn: dramabeans)
Là tác phẩm chuyển thể từ một webtoon nổi tiếng, Mama Fairy and the Woodcutter không tránh khỏi việc bị fan nguyên tác săm soi. Điểm trừ là kỹ xảo của phim không mượt mà, tinh tế mà khá thô sơ, đơn điệu nếu không muốn nói trông hơi giả. Đặc biệt là những phân cảnh chú hổ con Mina - Gugudan hóa thân vẫn thấy được sự vụng về của khâu hậu kì.
Tác phẩm đánh dấu sự trở lại màn ảnh nhỏ của "ngọc nữ" Moon Chae Won sau bộ phim Criminal Mind đóng cặp cùng nam diễn viên Lee Jun Ki. Với lối diễn tự nhiên và ngọt ngào, Moon Chae Won đã "thổi hồn" vào nàng tiên Sun Ok Nam, khiến nhân vật căng đầy sức sống. Đã đánh dấu tên tuổi qua nhiều bộ phim nổi bật như Princess's man hay Nice guy, Moon Chae Won chắc chắn sẽ không làm khán giả thất vọng với lần trở lại này. Hơn nữa, tạo hình của nữ diễn viên cũng vô cùng hợp với cách xây dựng nhân vật một nàng tiên hiền lành và xinh đẹp.
Các nhân vật phụ cũng diễn xuất rất tròn vai, cô nàng Mina trong nhóm nhạc thần tượng Gugudan gây ấn tượng trong vai chú hổ con (hoặc mèo) là hiện thân của người con gái. Bằng lối diễn nhí nhảng đúng tuổi của mình, cô nàng khiến nhân vật trở nên đáng yêu hơn bao giờ hết.
Nhân vật phụ cũng rất duyên dáng (nguồn: bebekpo)
Tuy chưa thực sự hoàn hảo nhưng đây vẫn là một bộ phim đáng xem trong tháng 11. Mama Fairy and the Woodcutter hội tụ đủ những yếu tố thu hút khán giả như diễn xuất duyên dáng, nội dung hài hước và quay phim đẹp, hứa hẹn sẽ làm nên chuyện giữa rừng phim Hàn đổ bộ trong tháng 11 này.
Mama Fairy and the Woodcutter được phát sóng vào tối thứ hai, thứ ba hàng tuần trên tvN. Cùng theo dõi câu chuyện tình yêu trải qua nhiều kiếp sẽ có cái kết thế nào nhé!
Theo moveek.com
'Shock' vì Yoon Hyun Min không phải là chồng tiều phu của tiên nữ Moon Chae Won trong 'Mama Fairy and the Woodcutter' Những bức ảnh mới của Seo Ji Hoon trong bộ trang phục tiều phu khiến người bắt đầu hoang mang, khi mọi bằng chứng trước đó đều ám chỉ Yoon Hyun Min mới chính là người chồng của Moon Chae Won. Mới đây, ekip sản xuất của phim truyền hình đầu tuần Mama Fairy and the Woodcutter () bất ngờ tiết lộ những...