9 tỉnh miền Trung cần hỗ trợ khẩn cấp 9.500 tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bão lũ trong tháng 9, 10 đã làm 242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ cuối tháng 9, đặc biệt là tháng 10, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 5 cơn bão (5, 6, 7, 8, 9) và 2 cơn áp thấp nhiệt đới. Trong đó cơn bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Nam, Quảng Ngãi gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đây là đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử), ảnh hưởng và gây thiệt hại ở hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bão lũ trong tháng 9, 10 đã làm 242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được. Tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ trong thời gian qua gần 28.800 tỷ đồng.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai thông tin, trước mắt, cần hỗ trợ khẩn cấp cho 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khắc phục hậu quả thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, với tổng kinh phí gần 9.500 tỷ đồng.
Video đang HOT
Trong đó, sẽ tập trung vào nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, di dời dân cư khẩn cấp; khắc phục nhà bị sập, trôi, hư hỏng nặng do bão, mưa lũ, sạt lở đất; hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng, cơ số thuốc, hóa chất lọc nước, vắc-xin, hóa chất khử trùng phòng, chống dịch trong chăn nuôi, thủy sản…
Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã huy động được nguồn hỗ trợ từ các đơn vị cho người dân các tỉnh miền Trung giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi… ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Tại các tỉnh ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ như Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quân khu IV và V sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ đã huy động được trên 1,1 triệu con giống gia cầm, 300 nghìn tấn thức ăn chăn nuôi và vắc-xin, thuốc thú y… để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất.
Về chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương phải khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh thì mới tái chăn nuôi, tránh thiệt hại. Cục sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng mô hình nuôi gia cầm để tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương.
Về thủy sản, các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi nhằm đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi. Tổng cục thủy sản kết hợp với lực lượng thú y tổ chức hướng dẫn làm sạch môi trường, quan trắc môi trường nuôi đảm bảo các thông số mới khuyến cáo người dân đưa con giống vào sản xuất. Các địa phương cũng sẽ huy động lực lượng tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình để tạo sức lan tỏa ở các địa phương.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang tổng hợp trình Thủ tướng về công tác hỗ trợ các tỉnh miền Trung. Theo đề xuất ban đầu, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần 20.500 tấn gạo hỗ trợ cứu đói; hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; trong đó đã cấp phát hỗ trợ 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống. Về vaccine và hóa chất khử trùng, tổng nhu cầu các địa phương là 560.000 liều vaccine, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.
Cận cảnh trực thăng đưa hàng tiếp tế tới vùng cô lập ở Phước Sơn
Sáng 1/11, Quân chủng Phòng không- Không quân đã điều động 2 mũi đường bộ và đường không tiếp tế lương thực cho đồng bào các xã đang bị cô lập ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Sở Chỉ huy tiền phương của Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) đặt tại thành phố Đà Nẵng do Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Thiếu tướng Phạm Trường Sơn đang kiểm tra kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bay.
Trong ngày 1/11, máy bay trực thăng Mi17 số hiệu 8432 do Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930 Quân chủng PKKQ làm Cơ trưởng, đã 2 lần xuất phát, chở 4 tấn hàng cứu trợ các xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn. Đây là điểm bị cô lập mà tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Quốc phòng ứng cứu hỗ trợ khẩn cấp.
Lúc 14h40' chiều 1/11, máy bay trực thăng Mi171 xuất phát chuyến thứ 2, chở thêm 2 tấn hàng từ sân bay Đà Nẵng đi Phước Sơn, nhằm dự phòng lương thực cho người dân khi bão số 10 dự báo sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Nam.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng Phòng Quân huấn Sư đoàn không quân 372, Chỉ huy bay tại huyện Phước Sơn cho biết: "Ngoài phương án vận chuyển bằng dường không thì địa phương đã có phương án đi bằng đường bộ cho lực lượng dân quân tự vệ gùi, tăng bo từng đoạn 1, tời cẩu qua các khe suối để đưa các nhu yếu phẩm cần thiết đến cho đồng bào".
Hiện tại các xã đang bị sạt lở cô lập có gần 3.000 người dân. Lương thực, thực phẩm dự trữ tại chỗ cung cấp cho người dân sắp cạn kiệt.
Khu vực sạt lở, cô lập tại xã Phước Lộc. Đường sá đã bị sạt trượt, chia cắt.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu lực lượng cứu trợ phải tiếp tế đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cho hàng ngàn người bị cô lập đủ dùng trong 30 ngày để chờ thông đường vào.
Khu vực trường học được xác định là điểm thả lương thực tiếp tế.
Điểm dân cư bị đất đá sạt trượt bao quanh.
Sạt lở nặng tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Theo nguồn tin của phóng viên VOV, có 3 trường hợp người dân đã được chuyến bay thứ 2 đưa về Đà Nẵng chăm sóc, chữa trị. Đó là cô giáo Đinh Thị Vân đang mang thai 7 tháng; người thứ hai là Mai Thị Vân (40 tuổi) công nhân Nhà máy thuỷ điện Đak Mi 2 bị thương đứt dây chằng và bà Nguyễn Thị Thuý (70) tuổi bị thương nhẹ trong bão số 9.
Chuẩn bị thả lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người đang bị cô lập.
Trong ngày 1/11, 4 tấn lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm đã được thả xuống vùng bị cô lập - nơi 3.000 hộ dân đang dân cạn lương thực./.
Goni thành siêu bão mạnh nhất năm, gần 1 triệu người được sơ tán Bão Goni, cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2020 cho đến nay, đã tiếp tục mạnh thêm và trở thành siêu bão vào rạng sáng 1/11, trước khi đổ bộ Philippines. Cơ quan Khí quyển, Vật lý địa cầu và Thiên văn Philippines (Pasaga) cho hay cảnh báo bão cấp 5 sẽ được ban hành tại tỉnh Catanduanes, phía đông tỉnh...