9 người phải cách ly do tiếp xúc một bệnh nhân nCoV
Trung tâm Y tế Bình Xuyên đang cách ly 9 người, trong đó một ca nhiễm nCoV. Tất cả từng tiếp xúc với cô gái từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về.
Ngày 5/2, tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, cách Hà Nội 40 km, sảnh khoa cấp cứu gần cổng được ngăn đôi để lập điểm khám bệnh viêm đường hô hấp cấp. Lối vào sân chính đặt hai tấm biển lớn, màu đỏ với dòng chữ “ Khu cách ly đặc biệt”. Hàng trăm mét dây nylon căng qua các gốc cây để đánh dấu khu vực.
Khu vực cách ly người nghi nhiễm nCoV ở Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Tất Định
Khu nhà một tầng tường đầy rêu mốc của Khoa Truyền nhiễm nằm sâu trong Trung tâm Y tế huyện là nơi chị Nguyễn Thị Thanh, 42 tuổi, đang điều trị. Chị Thanh là ca nhiễm nCoV thứ 10 tại Việt Nam, do hai lần gặp gỡ với em họ Phạm Dung, 23 tuổi, một trong 8 công nhân của Công ty Nihon Plast Vietnam trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) hồi giữa tháng 1.
Lần đầu, ngày 26/1 em họ bị sốt, nằm ở nhà. Chị Thanh đứng cửa phòng hỏi thăm rồi quay ra phòng khách. Lần thứ hai, tối 28/1, Dung hết sốt, hai chị em trải chiếu ngồi cùng cả gia đình trò chuyện, hát karaoke.
Hai hôm sau, ngày 30/1 xe cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đỗ trước cổng nhà Dung. Cô gái 23 tuổi dương tính với virus corona chủng mới trở thành ca bệnh đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc, ca thứ tư ở Việt Nam. Năm ngày sau, chị Thanh trở thành ca thứ 10. Trong năm ngày ấy, lượng bệnh nhân toàn cầu đã tăng gấp 3 lần, từ 7.816 lên 20.623.
“Tôi nghe loáng thoáng về một căn bệnh gì đó bên Trung Quốc”, chị Thanh nói. Đến lúc cách ly tại Trung tâm Y tế huyện, chị chưa có khái niệm gì về dịch bệnh này và cũng không biết em họ vừa trở về từ tâm dịch Vũ Hán.
Khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV ở Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Tất Định
Là công nhân lắp ráp thiết bị điện tử trong một doanh nghiệp ở KCN Bình Xuyên, ngày 22/1 chị Thanh kết thúc ngày làm việc cuối cùng trước đợt nghi Tết với cơn sốt nhẹ, viêm họng, khản tiếng. Chị vẫn rửa lá dong, ngâm gạo, gói bánh chuẩn bị Tết, quên luôn việc mua thuốc uống.
“Tổng thời gian hai chị em gặp nhau chưa đến một giờ. Nếu sức đề kháng của mình tốt, có lẽ đã không mắc”, chị Thanh nghĩ mình may mắn khi triệu chứng ho, sốt, đã hết sau 7 ngày cách ly, điều trị.
Nhà anh Nguyễn Minh, 25 tuổi, ngay sát nhà Dung. Đêm 30 Tết (24/1), anh cùng Dung và nhóm bạn ngồi uống nước, trò chuyện khoảng 3 giờ rồi rủ nhau đi xem pháo hoa. Biết bạn vừa trở về từ Vũ Hán và vẫn khỏe mạnh bình thường, Minh yên tâm tụ tập, cũng không chủ động phòng tránh.
Ngày bạn được đưa lên Hà Nội điều trị, Minh lập tức bảo vợ về nhà mẹ đẻ ở tạm, còn mình khăn gói balô áo quần, chạy xe lên Trung tâm Y tế Bình Xuyên. Minh xin lấy mẫu máu, dịch hầu họng làm xét nghiệm, tự nguyện cách ly.
“Lo nhất vợ mình đang mang bầu tháng thứ tư”, Minh tâm sự, không cảm thấy sợ hãi, chỉ là cả ngày trong khu bệnh viện vắng vẻ, buồn. Ông bố trẻ chuyện trò với vợ qua điện thoại, đến nay cũng đã 7 ngày. Bác sĩ theo dõi, sát khuẩn liên tục, dặn giữ ấm cơ thể. Kết quả xét nghiệm của Minh âm tính với nCoV, nhưng anh xin ở lại thêm 3 ngày.
Căn phòng bên cạnh có bốn cô gái, cùng nhóm bạn học trong xã với Dung. Ngày 31/1, họ tự tìm đến Trung tâm Y tế Bình Xuyên xin cách ly, sau khi biết bạn mình dương tính với nCoV. Cô gái tên Tâm, 23 tuổi, kể: “Sáng mùng 2 Tết, Dung sang nhà mình, rồi cùng nhau đi chùa Hà ở Vĩnh Yên. Chùa hôm đó khá đông người. Lúc đó Dung hơi sốt, tôi đã khuyên bạn đi khám”.
Video đang HOT
Tâm là công nhân tại Khu công nghiệp Bình Xuyên. Trở lại doanh nghiệp ngày 30/1, quản lý phân xưởng xuống khảo sát, hỏi từng người “đã tiếp xúc với bệnh nhân Dung chưa?” và Tâm được cho nghỉ để theo dõi.
“Bảo bố cháu tối nay cho ăn gà đi, với cả nấu nhiều rau, quả cô Tâm nhé!”, một cậu bé từ giường bên cạnh, chạy đến kéo tay áo Tâm dặn. Cậu bé 9 tuổi, cháu Tâm, cũng có mặt ở nhà hôm mùng 2 Tết, khi Dung sang chơi, trở thành người cách ly nhỏ tuổi nhất ở Trung tâm Y tế huyện.
Ngày đầu đi viện là “cuộc chia ly” đẫm nước mắt, thằng bé lạ giường, kêu chán, cả đêm khóc đòi về. Các cô y tá dỗ dành, giờ cậu bé đã biết ăn gì để khỏe hơn và cứ chậm thấy bác sĩ lên phun thuốc khử trùng lại gọi điện nhắc. “Bố mẹ dặn cháu ngoan, ở đây bảo vệ cô Tâm nhanh khỏe”, cậu bé nói.
Người điều trị ở Hà Nội, người cách ly ở Đông Anh, bạn bè Dung lập nhóm chat trên mạng xã hội. Những người bạn động viên nhau mỗi ngày, báo cho Dung tin mừng, cả 6 người bạn đã âm tính với nCoV.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Tất Định
Mặc áo bảo hộ màu xanh dương trùm kín từ đầu tới chân, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hương, 36 tuổi, đảo qua dãy phòng cách ly hai giờ một lần để theo dõi sức khỏe, động viên người bệnh. Đôi tai chị bị uốn cong về phía trước vì 4 sợi dây thun khẩu trang, sống mũi, gò má đỏ ửng, lằn vệt vải.
Chị được cấp khẩu trang chuyên dụng N95 nhưng vẫn tự chuẩn bị thêm 3 chiếc khẩu trang y tế. Chiếc N95 đệm ở giữa để tái sử dụng, chiếc ngoài cùng thay thường xuyên khi di chuyển giữa các khoa.
“Ban đầu rửa mặt đau rát, tối đi ngủ tai đau nhức, sau mấy ngày cũng thành quen, công việc mà”, chị Hương nói, cho hay đã chuẩn bị tinh thần thoải mái cho bản thân và gia đình để “chiến đấu” lâu dài với dịch.
Suốt tuần qua, bà mẹ hai con chỉ dám về thăm nhà một lần. Thường xuyên chăm sóc ca bệnh truyền nhiễm, được trang bị kiến thức phòng nCoV, nữ điều dưỡng cho rằng “trước đại dịch, cẩn thận là trên hết”.
Ông Doãn Đức Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, cho biết trong số 9 người đang cách ly tại trung tâm, chị Nguyễn Thị Thanh dương tính với nCoV đã hết sốt và ho, sức khỏe ổn định; 6 người xét nghiệm âm tính nCoV, 2 người khác đang chờ kết quả.
Trung tâm đã chuẩn bị 20 giường để cách ly người nghi ngờ nhiễm bệnh, phun khử khuẩn bán kính 300 m quanh nhà bệnh nhân, 57 trường học trên địa bàn. “Chúng tôi đã đặt ra tình huống tiếp theo khi dịch lan rộng ra cộng đồng sẽ thiết lập thêm khu cách ly 70 giường, đề nghị các đơn vị khác hỗ trợ nhân lực”, ông Toàn nói.
Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải nhận định: “Bình Xuyên là tâm điểm của dịch, trong vài ngày tới có thể thêm ca dương tính. Chúng tôi xác định không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang”.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có phương án thành lập bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, nếu có hơn 200 bệnh nhân sẽ cùng phối hợp với quân đội để Bệnh viện Quân y 109 tiếp tục mở rộng bệnh viện dã chiến.
Vĩnh Phúc đang là địa phương có số người mắc nCoV lớn nhất cả nước, với 5 ca dương tính, trong đó huyện Bình Xuyên 3 người. Phạm Dung là một trong 3 bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên. Cả ba có chung tiền sử dịch tễ là cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cách đây 2 tháng. Họ cùng trở về Việt Nam trên chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China ngày 17/1.
Số ca liên quan đến nCoV tại Việt Nam
Nơi khởi bệnh Nhiễm bệnh Tử vong TP Hồ Chí Minh 3 – Khánh Hòa 1 – Thanh Hóa 1 – Vĩnh Phúc 5 -
Cập nhật: 19:00, 5/2Nguồn: Bộ Y Tế
Thanh Lam – Tất Định
Theo vnexpress.net
"4 vành đai" áp dụng để cách ly, tìm kiếm, ngăn chặn virus Corona
GS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với các biện pháp dự phòng "dày đặc" mà chúng ta đang thực hiện, Việt Nam hy vọng sẽ ngăn chặn được virus Corona lan rộng ra cộng đồng và sớm đánh bại dịch bệnh.
GS Nguyễn Thanh Long đánh giá, đến thời điểm hiện nay (ngày 5/2), tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) vẫn diễn ra khá phức tạp ở Trung Quốc, số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh từng ngày. Tuy nhiên, hôm nay, Trung Quốc cũng đã thông tin là có các dấu hiệu lạc quan khi số ca nghi nhiểm đang tăng chậm lại, số người dược điều trị khỏi tăng lên. Như vậy, hy vọng trong thời gian tới, số ca mắc và ca tử vong sẽ giảm.
Về virus Corona, GS Phong cho biết, virus này có cái tên rất đẹp Corona (có nghĩa là vương miện) vi soi dưới kính hiển vi có hình như chiếc vương miện. Virus này có 7 chủng, chủ yếu gây bệnh ở động vật. Tuy nhiên, khi đã gây bệnh ở người thì virus Corona đều tạo ra những đại dịch khiến thế giới kinh sợ như dịch SARs, MERs và nCoV hiện nay.
GS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Ban Tuyên giáo T.Ư.
Có 4 phương thức lây truyền virus Corona là: qua không khí (tiếp xúc với giọt nước bọt từ người có virus vào đường hô hấp của người khác), lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, lây qua bề mặt của các vật có virus. Đường thứ 4 có thể lây qua phân nhưng chỉ trong trường hợp chăm sóc với người bệnh.
Do đó, việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng là sớm phát hiện và cách ly các ca nghi nhiễm (sốt, ho, đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, người bị bệnh), tìm ca nhiễm trong thời gian nhanh nhất để điều trị triệt để.
GS Long chia sẻ những điểm lớn mà Việt Nam đang làm để chống dịch nCoV hiện nay:
Thứ nhất: Hạn chế và cách ly người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là biện pháp cực kỳ quan trọng trong vấn đề kiểm soát bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ đạo, tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích công vụ kể cả người Việt Nam đi từ vùng có dịch (31 địa phương của Trung Quốc), khi vào Việt Nam thì lập tức được cách ly tại các cơ sở. Đến hôm nay (5/2) đã có khoảng 900 người được cách ly tại các tỉnh biên giới và hầu hết là người Việt Nam.
Số lượng người Trung Quốc mà về nước họ chúng ta tạo điều kiện giúp đỡ cho bạn cũng như bạn giúp đỡ cho ta.
Cho nên một số thông tin nói rằng ở chỗ này chỗ kia có người tràn vào là không chính xác. Đồng chí Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi Quảng Ninh kiểm tra vấn đề này và lực lượng biên phòng hiện nay đã tăng lên con số hơn 1400 người để đảm bảo vấn đề đó.
Đến nay tất cả các đường mòn lối mở, 44 đường mòn, 7 cửa khẩu chính, 6 cửa khẩu phụ tại biên giới với Trung Quốc đều đã được kiểm soát.
Đường hàng không, sau khi có lệnh dừng chuyến bay chỉ có 1-2 chuyến về và chở rất ít khách, chủ yếu là khách Việt Nam chứ không có người nước ngoài nhập cảnh. Tất cả các cửa khẩu của chúng ta kể cả cửa khẩu hàng không không nhận những người đến từ Trung Quốc hoặc đi qua. Đấy là việc chúng ta ngăn chặn.
Bệnh nhân mắc nCoV sau một thời gian điều trị đã âm tính với nCoV bước ra khỏi khu cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thứ 2: Chúng ta cách ly, những trường hợp đã nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày qua, chia 3 cấp độ cao:
-Nếu nghi bệnh (sốt, ho, đi từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bị bệnh) lập tức cách ly cơ sở y tế tuyệt đối, hiện nay có 80 trường hợp thì 5 trường hợp từ Vũ Hán về đã được cách ly tại cơ sở y tế;
-Với cá nhân đi từ tỉnh Hồ Bắc (trung tâm bùng phát dịch) thì vào Việt Nam là được đưa đi cách ly tập trung ngay và một số địa phương đã làm điều này.
-Người tiếp xúc hoặc đi từ Trung Quốc về dù ở vùng không phải có dịch nhưng cũng phải cách ly tại gia đình, dưới sự giám sát quản lý của cơ quan y tế, chính quyền địa phương, người đó không được đi ra khỏi nhà.
Nếu là khách mà cư trú tại khách sạn, nhà nghỉ thì lập tức phải cách ly tại khách sạn, nhà nghỉ đó. Những người tiếp xúc với những người cách ly cũng phải được lên danh sách và cách ly hạn chế.
GS Long ví dụ về các biện pháp áp dụng ở điểm nóng nhất của dịch Corona hiện nay ở Việt Nam: tỉnh Vĩnh Phúc. Khởi đầu các ca bị bệnh là 4 người từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, trường hợp thứ 5 là người thân tiếp xúc với người mắc bệnh.
Ngay khi biết tin về người đi từ vùng dịch về, ngành y tế đã cho cách ly ngay. Khi những người bị cách ly có hiện tượng ho, sốt lại được cách ly lần nữa và cho xét nghiệm xem có mắc nCoV hay kkhông, đồng thời cho theo dõi y tế những người tiếp xúc. Sau khi xác định ca bệnh, những người tiếp xúc với ca bệnh lại được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu có các dấu hiệu sốt lại tiếp tục đưa đến các cơ sở y tế xét nghiệm xem có virus hay không.
Hiện những người bệnh được cách ly tuyệt đối trong các bệnh viện, còn người tiếp xúc với người nhiễm được cách ly tại gia đình trong vòng 14 ngày, có nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Tổng cộng ở Vĩnh Phúc đã có 130 người phải theo dõi y tế trong đó có 18 người có nguy cơ cao mắc nCoV.
"Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu Vĩnh Phúc tạo thêm 1 vành đai thứ 4 là theo dõi y tế những người tiếp xúc với những người tiếp xúc với người bệnh, ai có ho, sốt phải đưa vào cách ly ngay. Với các mắt lưới ken dày như vậy, chúng ta hy vọng sẽ không để virus Corona lọt ra ngoài" - GS Long chia sẻ.
GS Long cũng cho biết, ngành Y tế cũng yêu cầu các Bệnh viện có khu cách ly người nghi nhiễm phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người này với người kia, đảm bảo vệ sinh, khử trùng khu cách ly cẩn thận để đảm bảo không lây chéo bệnh sang nhau đối với những người ủ bệnh, chưa có triệu chứng".
"Những giải pháp này chúng ta đã thực hiện từ năm 2003 khi có dịch SARs và với những giải pháp này, chúng ta khống chế được dịch SARs không lây lan ra cộng đồng. Tuy rằng các biện pháp này sẽ gây khó chịu, bất tiện cho những người bị cách ly nhưng rất mong mọi người dân hiểu, hợp tác vì sức khỏe của chính họ, người thân và gia đình" - GS Long khuyến cáo.
Theo danviet.vn
Việt Nam điều trị thành công 10 bệnh nhân mắc virus Corona Tại buổi Cung cấp thông tin dịch bệnh viêm đường hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra do Bộ Y tế tổ chức chiều 5/2. PGS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế , Phó Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định, 10 ca bệnh mắc nCoV của Việt Nam đang được điều trị rất thành công với phác...