9 người chết và mất tích sau bão số 2
Nguồn tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 7h sáng nay (18/7), bão số 2 làm 4 người chết, 5 người mất tích và 19 người bị thương. Ngoài ra, bão số 2 còn làm hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều tàu thuyền bị nhấn chìm…
Bão số 2 làm 4 người chết, 5 người mất tích, 19 người bị thương. Trong ảnh là thi thể thuyền viên tàu VTB26 bị bão đánh chìm, được đưa vào Cảng Cửa Hội sáng 17/7 (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo báo cáo của các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tình hình thiệt hại do bão số 2 gây ra tính đến 7h sáng nay (18/7) đã làm 4 người chết (1 người tại Hà Giang là ông Lèo Văn Nhùng, 72 tuổi đi đặt ống lấy nước trong đêm bị lũ cuốn trôi; 1 người tại Nghệ An là chị Nguyễn Thị Mai, 48 tuổi bị xà mái tôn sập đè vào người; 2 thuyền viên tàu VTB26 bị lật chìm tại Nghệ An là anh Nguyễn Văn Lãm, 34 tuổi quê Hải Phòng và anh Lê Đắc Tài, 22 tuổi quê Thanh Hóa).
Hiện vẫn còn 5 người mất tích, trong đó: 1 người tại Yên Bái là chị Hờ Thị Chi, 35 tuổi bị lũ cuốn khi đang trên đường đi làm và 4 thuyền viên tàu VTB26 bị lật chìm.
Bão số 2 còn làm 19 người bị thương ở Quảng Bình.
Ngoài ra, bão số 2 còn làm 54 ngôi nhà sập hoàn toàn, hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái, 26 ngôi nhà bị ngập nước và phải di dời khẩn cấp 31 nhà.
Video đang HOT
Bão còn nhấn chìm 53 tàu cá (Nghệ An: 4 tàu, Hà Tĩnh: 6 tàu; Quảng Bình: 43 tàu); 2 xà lan và 1 tàu lai dắt hải quân bị chìm ở Quảng Bình; 7 tàu hàng bị mắc cạn tại Quảng Bình.
Thiệt hại về nông, lâm nghiệp: 49.270 ha lúa, hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2 (tính đến 19h ngày 17/7); Cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị gãy, đổ, giảm năng suất với diện tích 38.948 ha; 7.320 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 88.973 cây bị gãy đổ (Nghệ An: 82.554 cây; Thanh Hóa: 7.419 cây)…
Về giao thông: 356m đường quốc lộ, 25m đường giao thông địa phương và 2 cầu nhỏ bị sạt lở, hư hỏng.
Về công nghiệp: 2.603 cột điện bị gãy, đổ (Nghệ An: 2.572 cột; Thanh Hóa: 31 cột); 3 trạm biến áp bị hư hỏng (Nghệ An).
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề xuất và kiến nghị một số công việc trọng tâm cần tiếp tục triển khai như sau:
Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích (4 thuyền viên tàu VTB26 và 1 người ở Yên Bái).
Tiếp tục tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập, đổ; huy động lực lượng giúp dân sửa chữa lại nhà cửa; hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu không để người dân bị đói, rét và không có chỗ ở.
Khẩn trương triển khai khôi phục hệ thống điện phục vụ dân sinh và tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng, khôi phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay sau khi nước rút.
Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời.
Các địa phương hạ du hồ Hòa Bình sẵn sàng phương án ứng phó, đảm bảo an toàn dân sinh ở bãi sông hệ thống đê điều cơ sở hạ tầng ở hạ du theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trong trường hợp hồ Hòa Bình phải xả lũ trong những ngày tới.
Tiếp tục tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra.
Phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm chỉ đạo, ứng phó bão số 2.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Bão số 2 gây thiệt hại ban đầu về công trình giao thông 55 tỷ đồng
Theo tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mưa lũ đã khiến các công trình giao thông tại một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại ước tính ban đầu đến 55 tỷ đồng.
Mưa, lũ đã làm ảnh hưởng công trình giao thông trên các đường quốc lộ, ước tính thiệt hại 55 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo thiệt hại và công tác khắc phục do bão số 2 gây ra. Theo đó, tính đến 10h ngày 17.7, bão số 2 đã gây thiệt hại nhiều công trình giao thông trên đường quốc lộ (QL) và đường địa phương tại các tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Trong đó, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa được xác định là hai tỉnh thiệt hại nặng nhất. Tại tỉnh Thanh Hóa, trên QL 47, QL 217 xảy ra sụt lở 2 ta luy, làn hư hỏng 5.000m2 mặt đường. Tại tỉnh Nghệ An, nước ngập sâu và sụt lở ta luy trên QL 1, QL 16, QL46, QL 48, QL48E, QL 48D. Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại là 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở ta luy và cây đổ cũng diễn ra trên nhiều đường tỉnh lộ của Thanh Hóa và Nghệ An. Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại bước 1 trên hệ thống đường địa phương là 25 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để tổ chức bảo đảm giao thông, Tổng cục đã chỉ đạo các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng đường bộ tổ chức trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập, đồng thời làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông; tập trung lực lượng vệ sinh mặt đường các đoạn đường bị ngập, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông; sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở ta luy âm để thông xe. Hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục cập nhật và báo cáo thiệt hại do bão số 2 gây ra.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do ảnh hưởng của bão số 2, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12 (đảo Hòn Ngư). Vùng ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình có gió giật cấp 6-7. Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Theo Danviet
Vụ chìm tàu than: Huy động 2 đội thợ lặn tìm kiếm số thuyền viên còn lại Hai đội thợ lặn đã có mặt tại khu vực tàu VTB26 bị chìm để triển khai phương án lặn tìm kiếm trong khoang lái. Các đội tàu của ngư dân cũng đã được huy động để tham gia công tác tìm kiếm những người vẫn đang mất tích. Như tin đã đưa, vào khoảng 2h10 ngày 17/7, tàu VTB26 chở theo 4.700...