9 người bị tuyên án tử hình, chung thân vì tham nhũng
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.
Sáng 12/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chống tham nhũng “không dừng, không nghỉ”
Báo cáo nhấn mạnh, trong năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (ảnh: Quochoi.vn)
Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Video đang HOT
Ông Lê Minh Khái cho biết, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng. Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018); thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069 m2 đất; thu hồi 615.06 tỷ đồng và 11.867 m2 đất; kê biên trên 795 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can.
“Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ, 849 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân” – ông Lê Minh Khái cho biết.
Kiên quyết hủy bỏ quyết định không đúng về công tác cán bộ
Tuy vậy, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp.Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ…
“Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương” – ông Lê Minh Khái nói, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.
Bên cạnh đó vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho xử lý tham nhũng tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập.
Về nhiệm vụ năm 2020, Chính phủ tiếp tục xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ như tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác PCTN; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
“Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng chống tham nhũng; Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ” – báo cáo nêu rõ.
Cùng với đó là kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm./.
Theo Kim Anh/VOV.VN
3 Phó TGĐ Mobifone bị khởi tố sau có vai trò gì trong vụ mua AVG?
Trong vụ Mobifone mua cổ phần của AVG vi phạm quy định pháp luật, có 5 lãnh đạo của Mobifone bị khởi tố sau cùng.
Họ cùng khởi tố ngày 26/8 thì 5 ngày sau đó (31/8), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra. Những người bị khởi tố sau có vai trò thế nào trong vụ án?
Liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG, ngày 26/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can là lãnh đạo của Mobifone, 5 ngày sau đó đã ban hành kết luận điều tra vụ án.
2/5 trường hợp bị khởi tố sau là bị can Phan Thị Hoa Mai và Hồ Tuấn cùng là Thành viên Hội đồng Thành viên của Mobifone, hai người này có hành vi biểu quyết đồng thuận cùng Hội đồng Thành viên Mobifone để báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xem xét, phê duyệt dự án mua cổ phần của AVG (việc mua cổ phần này đã vi phạm gây thiệt hại cho nhà nước hơn 6.475 tỷ đồng).
Hành vi của ông Hồ Tuấn và bà Hoa Mai đã phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò đồng phạm.
Trường hợp thứ 3 là bị can Nguyễn Mạnh Hùng, ông này là Phó Tổng giám đốc phụ trách đa phương tiện và giá trị gia tăng Mobifone. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, căn cứ vào lời khai của bị can, lời khai của những người có liên quan, tài liệu, giấy tờ, văn bản do Nguyễn Mạnh Hùng ký, có căn cứ xác định: Được Tổng giám đốc phân công, Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện việc xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ và phương án hoàn vốn của dự án.
Bị can Hùng cùng Ban Tổng giám đốc ký báo cáo, ký quyển dự án để Hội đồng Thành viên trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án. Bị can Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ TTTT vì động cơ cá nhân đã lợi dụng việc Mobifone trình dự án ra quyết định trái pháp luật buộc Mobifone phải triển khai dự án, gây thiệt hại hơn 6.475 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Mạnh Hùng phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò đồng phạm. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện theo nhiệm vụ của Phó Tổng giám đốc được phân công, không được bàn bạc, không hưởng lợi cá nhân trong thương vụ mua AVG.
Trường hợp thứ 4 là Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc Mobifone. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, căn cứ vào lời khai bị can, lời khai của những người liên quan, tài liệu, tờ trình, văn bản do Nguyễn Bảo Long ký, có căn cứ đánh giá: Được Tổng giám đốc phân công, Nguyễn Bảo Long đã thực hiện việc khảo sát, đánh giá hiện trạng kỹ thuật mạng AVG; cùng Ban Tổng giám đốc ký báo cáo, ký quyển dự án để Hội đồng Thành viên trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án.
Hành vi của Nguyễn Bảo Long đã phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò đồng phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đánh giá, bị can này thực hiện nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc được phân công, không được bàn bạc, không hưởng lợi cá nhân trong thương vụ mua AVG.
Bị can thứ 5 là Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng giám đốc Mobifone. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Nguyễn Đăng Nguyên được phân công nhiệm vụ tổng hợp dự án nhưng thực tế không tham gia. Bị can này cùng Ban Tổng giám đốc ký báo cáo, ký quyển dự án để HĐTV trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án mua AVG.
Cũng giống như các bị can trên, hành vi của Nguyễn Đăng Nguyên phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò đồng phạm. Bị can Nguyên không được bàn bạc, không hưởng lợi cá nhân trong thương vụ mua AVG. Bị can này từng có đề nghị dừng thanh toán 5% còn lại của thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG.
Tất cả 5 bị can nêu trên đều được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đánh giá là thành khẩn, hợp tác, trong quá trình công tác được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Cả 5 người đều được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt.
Trước khi bị khởi tố, bị can Nguyễn Đăng Nguyên bị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Mạnh Hùng bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Theo Danviet
Xe tải chở hơn 31.000 gói thuốc lá lậu giấu trong bánh kẹo Chiếc xe tải chở hơn 31.600 gói thuốc lá điếu nhập lậu trị giá hơn 1 tỷ đồng từ phía Bắc vào TP.HCM tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Ngày 7-9, Đội 6 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM đang lấy lời khai năm người...