9 năm 12 lần phẫu thuật thẩm mỹ: “Thà đau một lúc để hạnh phúc cả đời!”
Trước khi đến gặp Tina Lê tại cửa hàng trang điểm của chị, tôi nghĩ phẫu thuật thẩm mỹ ( PTTM) là cách chứng tỏ người ta không hề yêu thương bản thân mình, cực đoan hơn, không tôn trọng bàn tay nhào nặn của tạo hóa. Nhưng người phụ nữ PTTM 12 lần trong 9 năm ấy đã khiến tôi hiểu một điều khác: PTTM cũng là một cách yêu mình. Trải qua đau đớn để có được hình hài như ý, họ mới càng trân trọng cơ thể của mình hơn.
Nhu cầu thẩm mỹ của phụ nữ ngày nay rất cao
- Thú thật, việc PTTM đã là đề tài không còn xa lạ, nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất ở chị lại là cách chị thẳng thắn thừa nhận. Chị nghĩ sao về những trường hợp PTTM nhưng kiên quyết chối bỏ, dù rằng ai cũng nhận ra sự thay đổi trên khuôn mặt họ?
- Tôi nghĩ do đặc thù công việc nên họ buộc phải chối bỏ. Còn với tôi, PTTM không có gì xấu. Trái lại, tôi trân trọng việc đó. Tôi đã phải đầu tư rất nhiều tiền của, thời gian, công sức, phải trải qua quá nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần mới có được hình hài như mong muốn. Chiu khổ và đầu tư để đẹp có gì sai? Bạn có một cái đầu thông minh, bạn đầu tư cho học hành, vậy sao không đầu tư cho ngoại hình để thành công hơn nữa? Đó là thành quả mà tôi và những người phụ nữ đã từng trải qua PTTM xứng đáng có được, không việc gì phải giấu diếm.
Nhan sắc của Tina Lê sau 12 ca phẫu thuật trong vòng 9 năm
- Cụ thể, việc PTTM khiến chị tiêu tốn hết bao nhiêu tiền?
- Tôi làm cằm 4 lần hết 100 triệu; làm ngực hết 3.500 đô; làm mũi 2 lần hết 20 triệu; bơm filler hết 50 triệu vào 2 thái dương, trán, đầu mũi, sống mũi, 2 khóe mắt, 2 khóe miệng; bấm mí 2 lần hết 6 triệu; làm môi hết 4 triệu; tính sơ sơ là 250 triệu rồi, chưa kể các chi phí khác. Sau bài báo về tôi, có người nhắn tin hỏi tôi về địa chỉ làm uy tín, rồi cô ấy đi làm trong một ngày tất cả các ca phẫu thuật mà tôi làm rải rác trong nhiều năm: gọt hàm, hạ gò má, bấn mí, thu cánh mũi và nâng sống mũi… hết 170 triệu. Tôi nhận thấy, thật ra nhu cầu chỉnh sửa nhan sắc của phụ nữ ngày nay rất cao. Ngay khi biết tôi là người có kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ, họ đã tìm đến hỏi ý kiến tôi rất nhiều.
- Vậy sao, tôi lại tưởng đại đa số đều e dè khi nhắc đến thẩm mỹ. Thứ nhất, chúng ta thường tỏ ra không đánh giá cao những nhan sắc đã qua chỉnh sửa. Thứ hai, không phải ai cũng đủ dũng cảm như chị.
- Theo quan sát của tôi, lý do đầu tiên khiến người ta e dè với PTTM là lý do kinh tế, thứ hai là hạn chế về hiểu biết. Một khi có đủ kinh tế để chi trả và chọn cơ sở đảm bảo, đủ hiểu biết để đặt lòng tin vào công nghệ cũng như tay nghề bác sỹ, chắc chắn người ta sẽ tìm đến PTTM nhiều hơn. Khách hàng của tôi đến đây, 10 người thì có tới 7 người đã từng sửa gì đó trên mặt. Họ đều chỉ là những phụ nữ bình thường, làm những công việc bình thường. Tôi nói điều đó để bạn thấy rằng, thật ra phụ nữ không hoàn toàn phủ nhận mong muốn được PTTM. Từ trong thâm tâm, một cách trung thực, chẳng ai dám nói rằng mình không muốn đẹp lên để có được cuộc sống hạnh phúc hơn.
- Dựa vào đâu chị có thể thống kê cứ 10 khách hàng của chị lại có 7 người từng chỉnh sửa?
- Tôi chắc chắn, vì những người đã làm sẽ nhận ra nhau!
Để có được khuôn mặt này, cô đã phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian, chịu nhiều đau đớn về thể chất và tinh thần
“Tôi nghe thấy tiếng gõ như đẽo đá từ bàn mổ bên cạnh”
- Chỉ cần bị đứt tay thôi, tôi đã thấy xót lắm rồi. Lẽ nào để cuộc sống có thêm vài phần trăm hạnh phúc, những người PTTM sẵn sàng làm đau cơ thể đến mức cho phép người khác đụng chạm dao kéo, cắt chỗ này, mài chỗ kia trên người mình?
- Không phải ai cũng may mắn có được hình hài dễ nhìn. Tôi biết nhiều phụ nữ không may sinh ra với khuôn mặt rất xấu xí. Điều đó là chướng ngại cản trở niềm vui sống và nhiều cơ hội thành công của họ. Họ thật sự tội nghiệp và khổ sở với hình hài đó. Với những trường hợp ấy, bạn không thể khăng khăng nói “tôi tôn thờ vẻ đẹp tự nhiên” được nữa rồi. Thà đau một lần rồi hạnh phúc cả đời, thậm chí bớt vài năm tuổi thọ nhưng những ngày được sống là những ngày thật sự hạnh phúc và tự tin. Đau đớn ai cũng sợ, nhưng phần được sau đó sẽ nhiều hơn phần mất. Khi đẹp, mình sẽ yêu bản thân mình hơn.
Video đang HOT
- Khiếm khuyết nào là động cơ khiến chị PTTM?
- Trước đây, xương hàm tôi rất vuông. Tôi không làm được những kiểu tóc vén sang hai bên hay buộc gọn đằng sau mà toàn phải để xõa tóc xuống để che bớt mặt. Tôi cũng không dám chụp ảnh nghiêng vì trông không đẹp. Tôi mơ ước có được khuôn mặt trái xoan như những cô gái khác. Bởi vậy tôi quyết định bỏ tiền ra, chịu đau một lúc rồi cả đời sẽ không phải mặc cảm về điều này nữa, để dành tâm trí đầu tư vào những việc xứng đáng hơn.
Khuôn hàm của Tina Lê thon thả hơn nhiều sau khi phẫu thuật
- Khi lên bàn mổ, chị sợ nhất điều gì?
- Tôi sợ mình rơi vào 1% rủi ro. Trước khi phẫu thuật, các bác sỹ sẽ đề nghị mình kí giấy và luôn nói rằng khả năng thành công là 99%, còn 1% rủi ro có thể xảy ra do lỗi kĩ thuật. Họ cũng đề nghị mình ghi lại số điện thoại người thân để liên lạc nếu cần. Những lời căn dặn đó phần nào khiến tôi lo lắng. Thêm nữa, thời điểm tôi gọt hàm, cô ca sỹ Vương Bối (Trung Quốc) cũng chết trên bàn phẫu thuật thẩm mỹ. Điều đó càng làm tôi lo sợ hơn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi tin rằng số mình may mắn, trước khi đi cũng cúng âm dương đầy đủ (tôi hơi mê tín ở chỗ đó!), lại làm ở bệnh viện uy tín, nên vẫn quyết làm.
- Có thật rằng nỗi lo sợ chỉ tồn tại trước khi lên bàn mổ?
- Thật ra nó vẫn đeo bám đến tận khi được gây mê. Tôi không bao giờ quên được cảm giác sợ lạnh gáy khi đi ngang qua một bàn mổ khác trong lúc chờ đến lượt mình gọt hàm. Tôi đã nghe rõ tiếng người ta đục hàm y như tiếng gõ đẽo đá. Vào phút giây đó, tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi lại tiếc công mấy ngày nay mình đi đi về về, chịu bao nhiêu ca xét nghiệm, thậm chí còn để các bác sỹ cứa lưỡi dao lam vào tai để thử độ đông của máu (nếu máu không đông sẽ không được phẫu thuật), tôi ở lại. Khi ca phẫu thuật kết thúc, thuốc mê tan, tôi mở mắt ra và điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: “Mình sống rồi. Chỉ phải chịu đau thêm vài ngày nữa thôi là có thể hạnh phúc cả đời”.
Với chiếc cằm nhọn, khuôn hàm thon gọn và chiếc mũi cao người phụ nữ này đã tự tin với những bức ảnh chụp nghiêng
Đẹp chỉ nên tương đối, an toàn mới là yếu tố hàng đầu
- Đau đớn là thế, nhưng chị đâu chỉ dừng lại ở xương hàm, sau này chị vẫn phẫu thuật thêm những chỗ khác nữa. Liệu đó có phải là tâm lý của những người PTTM không, làm một lần là muốn làm nhiều nữa?
- Đúng là có tồn tại tâm lý đó. Khi bạn đã sửa được cái cằm đẹp, bạn muốn cái mũi, đôi mắt, vầng trán… cũng phải đẹp như thế. Hơn nữa, bạn chỉ phải chịu đau ở mũi tiêm đầu tiên. Khi đã qua được trận đau đầu tiên rồi, những cơn đau sau đó chỉ là vụn vặt.
- Lẽ nào đẹp không bao giờ là đủ?
- Thú thật, tôi cũng sợ mình bị cuốn theo tâm lý đó. Tôi thường xuyên phải răn mình rằng nên có giới hạn. Tôi cũng muốn khuyên tất cả những người có ý định PTTM, rằng mỗi thứ chỉ nên chỉnh sửa một chút thôi, đừng cố quá nếu nó không phù hợp với điều kiện vốn có của bạn. Giả dụ bạn có đôi mắt hơi nhỏ, có thể bấm mí để hiện 2 mí rõ hơn, chứ không thể đòi hỏi phẫu thuật từ mắt 1 mí thành mắt sâu có hốc như người phương Tây được. PTTM giúp bạn có được vẻ đẹp tương đối, sau đó hãy “phẫu thuật” bằng mỹ phẩm và các kĩ thuật trang điểm để đẹp hoàn hảo hơn.
- Vậy chị có ý định chỉnh sửa thêm điểm nào nữa không?
- Tôi muốn phẫu thuật thêm góc mắt và đầu mắt để đôi mắt dài hơn, làm răng và làm lại mũi một chút nữa, khi nào thấy hài lòng 80% thì dừng lại. Tôi ý thức rằng 2-3 năm mới nên làm một lần để cơ thể có thời gian hồi phục, và dù sao, tôi cũng không còn trẻ như 9 năm trước để sẵn sàng tiếp tục chịu đau.
Tina Lê cho rằng, yêu bản thân không có nghĩa là sống chung mãi với cái xấu. Chịu khổ cực để làm mình đẹp lên là cách cô thể hiện sự trân trọng bản thân.
- Những người thân của chị có nói gì về việc chị PTTM không?
- Tôi giấu hoàn toàn ông bà 2 bên. Chỉ có chồng tôi là người chăm sóc tôi trong những ngày hậu phẫu. Ban đầu anh ấy cũng ngăn cản, nói tôi PTTM để làm gì, người toàn silicon. Tôi thuyết phục khoảng 1 tháng là anh ấy đồng ý. Và bây giờ anh ấy chẳng còn ý kiến về việc này nữa, vì thấy tôi PTTM xong vẫn khỏe mạnh, mọi hoạt động đều bình thường, và tinh thần tôi thì tốt hơn trước rất nhiều.
- Nói vậy, người “nguyên bản” và người qua PTTM có lẽ phải có điểm khác biệt nhất định chứ, dù rằng công nghệ ngày nay đã phát triển rất cao?
- Tôi biết có người làm ngực hết 100 triệu, và tiền cô ấy bỏ ra để matxa ngực sau khi PTTM cũng là 100 triệu. Ngực cô ấy bây giờ mềm không khác gì ngực tự nhiên…
- Cuối cùng, chị có lời khuyên gì với những người có nhu cầu PTTM không?
- Bạn nên suy nghĩ thật kỹ, khi có đủ tiềm lực kinh tế, đủ kiến thức và hiểu biết về PTTM, đủ an tâm về cơ sở sẽ tiến hành cho bạn, lúc đó mới nên làm. Hãy vào bệnh viện uy tín, đừng tiếc tiền mà “trao thân” cho những cơ sở trôi nổi. Một cách rất dễ để biết nơi bạn định làm có đảm bảo hay không, đó là các bác sỹ có tiến hành xét nghiệm kĩ trước khi nhận phẫu thuật cho bạn hay không. Ở bệnh viện uy tín, họ xét nghiệm tất cả mọi thứ: từ nhịp tim, phổi, điện tâm đồ, đến chụp X-quang tổng thể… Nếu chỉ một trong số các xét nghiệm không đạt yêu cầu, họ sẽ từ chối bạn ngay. Trong khi các cơ sở không đáng tin thường chỉ tiến hành thử máu.
- Cảm ơn chị về những trao đổi rất thẳng thắn này. Tôi chúc chị hài lòng với vẻ đẹp của mình, bởi là phụ nữ, tôi cũng hiểu, chúng ta chỉ hạnh phúc khi biết rằng chúng ta đẹp, dù mỗi người lại chọn đẹp theo một cách riêng.
Theo Đẹp
Cô gái Hà Nội: 9 năm thẩm mỹ 12 lần
Tiny Lê đã gọt hàm, nâng mũi, nâng ngực, độn cằm, sửa môi...trong suốt 9 năm và tiêu tốn đến 15000 đô (Khoảng 300 triệu đồng).
Là một chuyên gia trang điểm, Tina Lê luôn hướng bản thân mình tới vẻ đẹp toàn diện. Bởi theo cô, việc trang điểm chỉ có thể đạt kết quả tối ưu nếu các nét trên gương mặt đã khá hài hòa. Chính vì thế Tina Lê đã quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ để có được dung nhan theo ý muốn của mình.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, trước khi tiến hành 12 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, Tina Lê là một cô gái khá xinh xắn. Cô có đôi mắt đen, khuôn mặt tròn, đẹp theo đúng chuẩn &'thời xưa'. Nhưng người đẹp này tâm sự: &'vốn yêu thích cái đẹp từ nhỏ, tôi luôn cảm thấy không hài lòng với gương mặt mình. Từ sống mũi thấp, bờ môi không căng mọng, cho tới khuôn mặt vuông vức... Sau nhiều lần suy nghĩ và quyết tâm, tôi đã quyết định thay đổi khuôn mặt mình".
Nhan sắc trước kia của Tina Lê và bây giờ.
Ngày trước cô cũng khá xinh xắn với gương mặt tròn bầu và đôi mắt đen.
Nhưng khao khát làm đẹp kiểu hiện đại đã giúp Tina Lê có dũng cảm để 'biến đổi' mình từng ngày.
Năm 2004 là lần đầu tiên Tina Lê biết đến &'dao kéo'. Khi đó sau nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè cô đã mạnh dạn đi nâng mũi. Sau ca nâng mũi, Tina Lê tiếp tục tiến hành làm cằm và môi. Thế nhưng khi đó, kỹ thuật thẩm mỹ ở Việt Nam chưa được hiện đại nên một thời gian sau, chị đã phải đi làm lại mũi thêm 2 lần nữa, đồng thời chỉnh sửa lại cằm và gọt hàm - một trong những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ đau đớn và nguy hiểm nhất.
Người đẹp này cho biết, giai đoạn gọt hàm là tốn kém và đau đớn nhất. Cùng với tâm lý sợ hãi, chị đã phải trải qua một thời gian vô cùng khó khăn: 'Gọt hàm là tốn kém và đau đớn nhất. Tôi phải ăn cháo suốt nhiều ngày và nói ngọng cả tháng sau phẫu thuật', Tian tâm sự. Tina đã đi độn cằm nhưng do bị tuột chỉ nên các miếng đệm dịch chuyển sang hai bên khi nói chuyện. Đồng thời vết mổ còn bị viêm, không lành và chảy mủ. Sau một thời gian tĩnh dưỡng, chờ vết thương lành, chị mới quyết định độn cằm lần hai, nhưng lần này cằm lại bị dài và móp hai bên. "Sau phẫu thuật thẩm mỹ gọt hàm và sửa cằm, tôi phải đặt một ống dẫn lưu trong cổ để hút dịch. 5 ngày sau ống mới được tháo bỏ. Tôi đã phải ăn cháo suốt nhiều ngày. Hai bên xương hàm đau ảnh hưởng tới giọng nói, tôi bị nói ngọng khoảng một tháng. Cuối cùng, khi các vết thương đã lành, tôi có khuôn mặt V-Line hoàn thiện với những đường nét thon gọn, thanh thoát, mảnh mai, không mập và mặt dài hợp lý" Tina Lê cho biết thêm.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Tina Lê vẫn muốn mình &'hoàn thiện' hơn nữa bằng cách dành dụm tiền trong suốt nhiều năm đi làm để tiến hành nâng ngực. Lần này, chị không phải chịu đau đớn nhiều và thành công ngay lần đầu tiên. Các lần tiếp theo, Tina Lê thẩm mỹ môi, bấm mí và tiêm filler (chất làm đầy) cho đầu mũi, cằm, khóe miệng và mắt.
Đến hiện tại, Tina Lê cho biết khá hài lòng về diện mạo của mình, cũng nhờ đó mà chị tự tin hơn trong công việc và cuộc sống : "Đặc thù công việc của tôi là phải tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nên sau khi hoàn thiện mình, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự tin mỗi lần gặp gỡ các sao. Kể cả khi không trang điểm hay phải đi show gấp, tôi vẫn rất thoải mái với các nét đẹp này".
Cùng ngắm dung nhan hiện tại của người đẹp 'dũng cảm' này:
Theo Eva
Ngắm cô gái Hà Nội từng thẩm mỹ 12 lần Tina Lê, cô gái Hà thành từng trải qua 12 lần dao kéo để có được nhan sắc như ý. Cuối tháng 1, đầu tháng 2/2014, giới trẻ Hà thành xôn xao về thông tin một cô gái đã từng dũng cảm trải qua 12 lần dao kéo để sở hữu nhan sắc như ý muốn. Đó chính là chuyên gia trang điểm...