9 “góc khuất” trong vụ VN Pharma dần hé lộ
Bất ngờ quay lại xét hỏi thay vì tuyên án, tòa làm rõ việc Bộ Y tế cấp phép sai; VN Pharma chi tiền hoa hồng cho bác sĩ, làm giả con dấu đối tác…
Vụ án Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) và đồng phạm, nhập thuốc trị ung thư “kém chất lượng” H-Capita về bán cho các bệnh viện, thêm kịch tính khi sáng 23.10 TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định không tuyên án như dự kiến, mà quay lại phần xét hỏi.
Ngay chiều cùng ngày, tòa tiếp tục có động thái bất ngờ – bắt giam Hùng và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty thương mại hàng hải quốc tế H&C), sau hơn nửa năm họ được tại ngoại. Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập nhiều cán bộ cấp cao tại Bộ Y tế, đại diện Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao, để làm rõ hành vi liên quan.
Nguyễn Minh Hùng khóc bày tỏ ăn năn, xin được tại ngoại. Ảnh: Thành Nguyễn
Bộ Y tế cấp phép cho công ty ‘ma’
Sau khi đại diện Bộ Y tế – ông Giang Hán Minh (Phó chánh thanh tra) – được cử đến tòa nhưng không trả lời, chỉ ghi nhận, HĐXX triệu tập khoảng 10 người thuộc Bộ này, bao gồm các cán bộ Cục Quản lý dược để thẩm vấn bổ sung.
Trả lời về việc Công ty Helix Canada (bán thuốc H-Capita cho VN Pharma) được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, ông Đỗ Trung Hưng (Vụ phó Vụ Pháp chế) thừa nhận có chuyện này.
Ông Hưng khẳng định, trước khi cấp phép, việc xác minh tính hợp pháp của công ty này là “bắt buộc”. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ căn cứ hồ sơ xin cấp phép “có giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty này được hợp pháp hóa lãnh sự”. (Trong khi đó Bộ Ngoại giao từng có văn bản trả lời đây là công ty “ma” và Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada xác định tài liệu này là giả).
Là người phụ trách chuyên môn, bà Phạm Thị Ngân Hạnh (Phó trưởng phòng Quản lý dược, Cục Quản lý dược) cũng cho rằng việc cấp phép cho Helix Canada “đúng quy trình”. Song, bà này thừa nhận “chỉ xem trên giấy tờ”, thẩm định dựa theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp.
Liên quan việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc khác của Công ty Helix, đại diện Bộ Y tế cho biết “sau khi vụ án VN Pharma bị khởi tố đã rút giấy phép những lô hàng này”.
Cục Quản lý dược sai phạm khi cấp phép nhập thuốc H-Capita
Có vai trò quan trọng nhất, ký giấy cấp phép cho VN Pharma nhập 9.300 hộp H-Capita nhưng ông Trương Quốc Cường (Thứ trưởng Y tế) cùng một số cá nhân khác không có mặt theo lệnh triệu tập của tòa. Tuy nhiên, HĐXX đã làm rõ nhiều sai phạm của cơ quan này.
Vụ phó Pháp chế Bộ Y tế Đỗ Trung Hưng, bà Hạnh và một số đại diện khác của Bộ đều khẳng định việc cấp phép cho VN Pharma nhập lô thuốc là “đúng quy trình”. Tuy nhiên, khi được hỏi có truy xuất nguồn gốc thuốc cho phép nhập khẩu hay không, họ nói “chỉ xem trên hồ sơ”.
Đối với việc chỉ co 7/10 chuyên gia trong tổ thẩm định hồ sơ đông y cho phép nhập khẩu, ông Hưng cho rằng vẫn hợp lệ vì “không nhât thiêt tât ca cac chuyên gia thâm đinh đồng ý mơi đươc câp phep”.
Trả lời VKS về việc Cục Quản lý dược thẩm định và cấp phép cho VN Pharma thế nào, khi giấy phép của công ty cung ứng thuốc cho Việt Nam là Austin Hong Kong đã hết hạn ngày 6.10.2013, trong khi đơn đặt hàng ký ngày 26.10.2013; đơn xin gia hạn giấy phép hoạt động cũng nộp cho chính Cục Quản lý dược.
Ông Hưng nói, hồ sơ xin nhập khẩu chỉ cần đủ các loại giấy phép, khi nào nhập về mới cần giấy phép có hiệu lực.
Một đại diện khác của Bộ Y tế được gọi đối chất, khẳng định: “Giấy phép phải còn hiệu lực vào thời điểm Hội đồng thẩm định xét duyệt”.
“Như vậy việc cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc H-Capita là sai”, VKS nhận định.
Ngoài ra, Viện cũng công bố chứng cứ thể hiện thông tin thuốc ghi trên hồ sơ xin cấp phép về màu sắc, thiết kế, hướng dẫn… không đúng với sản phẩm nhưng Cục Quản lý dược vẫn cấp phép. Từ đó, VKS kiến nghị xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Ông Đỗ Trung Hưng (đại diện Bộ Y tế) liên tục xin chủ tọa lấy hồ sơ ở hàng ghế dưới. Ảnh: Thành Nguyễn
Làm rõ chứng cứ 7,5 tỷ đồng chi cho bác sĩ
HĐXX, VKS và luật sư nhiều lần thẩm vấn về số tiền 7,5 tỷ đồng có hay không dùng chi hoa hồng cho các bác sĩ để kê đơn thuốc của VN Pharma. Hùng và cấp dưới Ngô Anh Quốc đều khẳng định chỉ là chi cho việc bán hàng.
Tuy nhiên, trong phần thẩm vấn bổ sung, khi bị VKS liên tục dẫn dắt và truy vấn, cựu Chủ tịch VN Pharma thừa nhận tiền này chi cho nhân viên bán hàng, sau đó họ chi bác sĩ.
VKS công bố lời khai của Trần Lê Hồng Sơn (nhân viên bán hàng của VN Pharma) xác nhận 7,5 tỷ đồng ghi trên tờ đề nghị thanh toán là tiền “chi phần trăm cho bác sĩ”. Căn cứ để đưa ra con số đó là dựa trên kinh nghiệm của nhân viên bán hàng đề xuất, lệnh chi do Phan Xuân Thiện (Phó tổng giám đốc VN Pharma) ký duyệt.
Cựu Chủ tịch VN Pharma có dấu hiệu tội buôn thuốc chữa bệnh giả
VKS viện dẫn quy định về thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Theo đó, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp: không có dược chất; có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn…
Đối chiếu với kết luận giám định của Bộ Y tế: “Lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg Caplet chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.
Tuy nhiên, VKS cũng cho rằng, kết luận giám định này còn nhiều mâu thuẫn do không kết luận thuốc H-Capita là thuốc giả. Do đó cần phải giám định lại đảm bảo tính khách quan trước khi định tội danh các bị cáo.
Phát biểu quan điểm sau khi xét hỏi bổ sung, đại diện VKS nhận định, hành vi của Hùng và các bị cáo “có dấu hiệu phạm tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, đề nghị HĐXX khởi tố điều tra làm rõ.
VN Pharma nâng khống giá thuốc gấp 3 lần
Lần đầu tiên hành vi nâng khống giá thuốc lên gần gấp 3 lần của VN Pharma được đề cập. HĐXX dành khá nhiều thời gian thẩm vấn các bị cáo.
Cường đặt mua thuốc H-Capita của Raymundo (Công ty Helix Canada) giá 18 USD mỗi hộp, bán cho Hùng giá 27 USD mỗi hộp. Tuy nhiên, VN Pharma thể hiện trên hợp đồng ký kết giả tạo với Austin Hong Kong là 75 USD.
Trả lời nghi vấn của về việc nâng khống giá thuốc để lấy tiền chi hoa hồng cho bác sĩ, Hùng phủ nhận, cho rằng “chỉ để tăng lợi nhuận cho công ty và linh hoạt trong việc bán hàng”. Còn Cường cho rằng, đồng ý ghi vào hóa đơn thanh toán giá đã nâng khống vì “tạo kiều kiện thuận lợi” theo yêu cầu của đối tác.
Chủ tọa công bố thông tin, tổng số tiền nâng khống giá thuốc của VN Pharma lên đến 157 tỷ đồng. Công ty sau đó đã để cho nhân viên đem đi gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, con số này trước đó chưa từng được cấp sơ thẩm cũng như trong cáo trạng, bản án nhắc đến và cho thấy liên quan đến việc nâng khống lô thuốc nào.
VN Pharma sử dụng con dấu giả của Công ty Helix Canada
Trả lời VKS về con dấu của Công ty Helix cảnh sát tìm thấy tại VN Pharma, Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển VN Pharma) không thừa nhận làm giả con dấu của đối tác. Trong khi đó Phan Cẩm Loan (Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu) nói rằng có nhận được email của Duy nói về việc nói làm con dấu này.
Duy thừa nhận đã dùng con dấu này đồng thời giả chữ ký của Raymundo để đóng trên một số giấy tờ, nhưng không phải là giấy tờ để làm hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita.
Là người được Công ty Helix ủy quyền tại Việt Nam, Võ Mạnh Cường khẳng định “có duy nhất con dấu của Công ty Helix được Raymundo đưa” và không giao con dấu này cho bất cứ ai.
Nhân viên VN Pharma xóa dữ liệu, cản trở điều tra
Ngoài việc làm rõ sai phạm của Duy trong việc vứt bỏ con dấu của Công ty Helix, VKS cũng thẩm vấn và đưa ra các chứng cứ cho thấy người này còn chỉ đạo nhân viên xóa các tài liệu liên quan vụ án, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Duy cho là “nghĩ con dấu này không còn sử dụng vì để lâu quá rồi” nên sai nhân viên vứt. Còn việc chỉ đạo họ xóa hết các file tài liệu liên quan việc nhập thuốc của VN Pharma, bị cáo này nói “không có chủ ý”. Lúc đó anh ta không hề biết sếp Hùng đã bị khởi tố, không biết những con dấu, tài liệu này liên quan đến vụ án.
VKS công bố lời khai của Phạm Thị Hồng Hạnh (nhân viên VN Pharma) xác nhận: “Sau khi công ty bị khám xét, Bùi Ngọc Duy đã chỉ đạo nhân viên phòng nghiên cứu phát triển xóa các file liên quan đến Công ty Helix”.
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bị truy trách nhiệm
Là đơn vị làm thủ tục thông quan, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và cá nhân hải quan duyệt hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita cũng được triệu tập đến tòa.
Tuy nhiên, họ cho rằng thông quan lô hàng này là “đúng quy trình”. Việc VN Pharma làm giả giấy tờ hóa đơn thanh toán và giấy chứng nhận thuốc, cán bộ hải quan không thể phát hiện.
Theo VKS, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm của các nhân viên tham gia thông quan lô thuốc, với lý do “không biết Hùng và động phạm làm giả giấy tờ”, là chưa đúng bản chất. Bởi tờ khai có nhiều dữ liệu thể hiện sự gian dối nhưng hải quan lại không phát hiện ra… do đó cũng cần điều tra làm rõ.
Đại diện Bộ Ngoại giao. Ảnh: Thành Nguyễn
Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao liên quan thế nào đến vụ án
Quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã có công văn trả lời cơ quan tố tụng về việc “không tìm thấy mã vạch của các nước liên quan đến thuốc H-Capita”. Tuy nhiên, đại diện của đơn vị này tại tòa không trả lời được với lý do “không phải chuyên môn”.
Tương tự, liên quan sự tồn tại của Công ty Helix Canada, trước đây Bộ Ngoại giao đã có văn bản xác nhận đây là công ty “ma” không có đăng ký kinh doanh tại Canada. Đại diện cơ quan này được triệu tập đến tòa cũng xin phép trả lời bằng văn bản.
Theo Hải Duyên (VNE)
Vì sao nguyên Tổng giám đốc VN Pharma bị bắt ngay tại tòa?
"Nếu có hủy án để điều tra lại thì việc tại ngoại của các bị cáo có thể dẫn đến sự thông cung, ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án nên tòa đã ra lệnh bắt", luật sư nhận định.
Sau khi bị tống đạt lệnh bắt tạm giam 90 ngày, bị cáo Hùng suy sụp. Ảnh: Tùng Tin
Vào đầu giờ phiên phúc thẩm chiều 23.10, công an bất ngờ còng tay bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường, đưa ra khỏi phòng xử án, trước khi tống đạt lệnh bắt tạm giam 2 bị cáo 90 ngày. Sự việc trên khiến chính bị cáo, luật sư và cả những người đến dự phiên xử không khỏi bất ngờ. Thậm chí bị cáo Hùng đã choáng váng đến ngất, phải nhờ y tá hỗ trợ, kiểm tra sức khỏe.
Trong khi vị chủ tọa phiên tòa chỉ thông báo lý do thay đổi biện pháp ngăn chặn với 2 bị cáo một cách ngắn gọn là để phục vụ việc xét xử, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu vì sao ông Hùng và Cường bị bắt tạm giam đột ngột như vậy.
Đảm bảo việc điều tra, xét xử
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: "Đây là điều hết sức bình thường, thuộc phạm vi quyền hạn của Tòa án cấp phúc thẩm. Thậm chí, Tòa còn có thể ra lệnh khởi tố bị cáo tại phiên tòa nếu cảm thấy cần thiết. Điều này để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử và thi hành án. Việc ra lệnh bắt tạm giam có khi là cần thiết vì nếu có hủy án để điều tra lại thì việc tại ngoại của các bị cáo có thể dẫn đến sự thông cung hoặc tác động đến nhân chứng, ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án".
Việc bắt người tại tòa là hết sức bình thường. Luật sư Trần Thu Nam
Khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn quy định:
"Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó chánh toà Toà phúc thẩm, Toà án nhân dân Tối cao (hiện nay theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao) quyết định. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 của BLTTHS".
Theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, thời hạn xét xử phúc thẩm là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Đồng quan điểm với vị luật sư đồng nghiệp, nhưng luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc này thường xảy ra sau khi tuyên án HĐXX tuyên án.
Phải có người chứng kiến
Xét về quy trình, căn cứ theo quy định tại các Điều 79, 80 và 88 và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giam, khi xét thấy để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, thì Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định (lệnh) tạm giam hoặc ra quyết định (lệnh) bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Khi tiến hành bắt người, phải có người chứng kiến. Luật sư Nguyễn Đình Hưng
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, về bắt bị can, bị cáo để tạm giam quy định:
"Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.
"Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người".
Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) phân tích: "Pháp luật quy định bị cáo tại ngoại bị tòa án bắt trong hai trường hợp tương ứng với hai lý do. Thứ nhất là tạm giam để đảm bảo bị cáo có mặt khi xét xử. Thứ hai là bắt để đảm bảo thi hành án".
Luật sư Dũng nhận xét trong trường hợp thứ nhất, Tòa án xét thấy bị cáo sẽ không đảm bảo có mặt trong thời gian xét xử với các lý do không chính đáng hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, khi đó tòa sẽ ra quyết định tạm giam để buộc bị cáo có mặt tại phiên tòa. Quyết định tạm giam tòa án sẽ thực hiện trước ngày đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp này diễn ra rất nhiều trong thực tế, bởi bị cáo tại ngoại không có mặt khi tòa triệu tập.
Trường hợp thứ hai, bắt bị cáo để đảm bảo thi hành án diễn ra tại phiên tòa hoặc sau phiên tòa. Nếu bắt tại phiên tòa thì bắt ở thời điểm vừa tuyên án phúc thẩm (án có hiệu lực ngay) xong, Tòa sẽ đọc luôn quyết định bắt bị cáo lúc đó đã có án trở thành phạm nhân.
"Như vậy, ngoài hai trường hợp trên, tôi cho rằng Tòa án không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với hai bị cáo này trong thời gian diễn ra phiên tòa, nếu hai bị cáo nói trên vẫn đảm bảo sự có mặt trong những ngày xét xử. Đồng thời, hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường vẫn đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi được tại ngoại cách đây vài tháng", vị luật sư kết luận.
Phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma dự kiến diễn ra trong 2 ngày (19 và 20.10) nay đã kéo dài đến ngày thứ 4 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngày 23.10, sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và truy ra đường đi của 7,5 tỷ đồng là tiền "hoa hồng" chi cho bác sĩ, HĐXX đã quyết định triệu tập đại diện Bộ Công Thương, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và Bộ Ngoại giao đến tòa để làm rõ nhiều vấn đề.
Vì sao tiền của VN Pharma đi vòng ra nước ngoài rồi về lại Việt Nam?
HĐXX yêu cầu làm rõ vì sao dòng tiền của VN Pharma di chuyển vòng vèo ra nước ngoài trước khi quay lại Việt Nam.
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Xét xử vụ VN Pharma: Bộ Y tế khẳng định làm đúng quy trình Lần đầu tiên đại diện Bộ Y tế trả lời công khai tại tòa. Đại diện Bộ này cho rằng việc cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập khẩu lô thuốc H-Capita vào Việt Nam cũng như cho Công ty Helix là đúng quy trình. Sáng 24.10, phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án buôn lậu, làm...