9 cống xả thải trực tiếp gây ô nhiễm biển Thanh Khê
Sau mỗi trận mưa, nước biển quanh miệng cống thải lại đen ngòm, trôi nổi xác động vật, bốc mùi hôi thối, trong khi các lực lượng chức năng vẫn bó tay vì thiếu kinh phí.
Chiều 29/7, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chủ trì buổi họp “ nóng” với ngành môi trường, du lịch, công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng ngay tại bãi tắm Thanh Khê (quận Thanh Khê) nhằm tìm giải pháp xử lý thực trạng nhiều cống xả thải thẳng tra biển.
Ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, bãi biển Thanh Khê dài 4,3 km nhưng có đến 9 cống xả thải trực tiếp ra biển. Trong đó, 3 cống kênh Phú Lộc, Tôn Thất Đạm và trước một khách sạn đang hoạt động, 6 cống còn lại đang khô nước.
Nước thải tù đọng, bốc mùi hôi thối tại cống cuối đường Tôn Thất Đạm giao Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tình trạng trên đã khiến môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối, người dân và du khách không dám xuống tắm, còn cư dân sinh sống và buôn bán gần các cống thải này phải sống giữa ô nhiễm.
“Hơn 5 năm rồi, từ khi hoàn thành việc xây dựng các cống thải, cứ mưa to hay mất điện trạm xử lý vận hành không kịp là nước đen ngòm lại tràn ra biển”, ông Nghĩa cho hay. Trách nhiệm xử lý nước thải là của Công ty cấp thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, tuy nhiên việc này đang được Công ty làm tạm bợ bằng cách đặt nhiều bao tải cát ngang miệng cống. “Phía công ty nói mỗi tuần đều đi kiểm tra cống xả thải hai lần. Nhưng tôi đã đề nghị phải kiểm tra ngay sau những trận mưa lớn”, ông Nghĩa nói thêm.
Video đang HOT
Nước thải quyện thành vùng đen ngòm trước khi chảy ra biển. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo ông Nghĩa, tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng việc thu hút khách du lịch tại bãi biển Thanh Khê. “Chúng tôi cũng đau xót lắm và đã nhiều lần kiến nghị nhưng thành phố chưa có kinh phí lập dự án xử lý. Đây là vấn đề lớn của Đà Nẵng”, ông cho hay.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Đức, Phó giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thừa nhận, khi trời mưa hoặc mất điện, nước thải chảy tràn ra cống. Nếu ngăn dòng nước thì dẫn đến nguy cơ ngập úng các khu vực dân cư phía trên. “Chúng tôi chưa có giải pháp xử lý triệt để, nếu có cũng chỉ là hạn chế mùi hôi của nước thải”, bà Đức nói.
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ môi trường (Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng) nói thêm, trước đây lực lượng chức năng có lắp lưới tại các miệng cống để ngăn rác nhưng khi mưa lớn nước ứ đọng gây ngập úng các khu dân cư.
Cả bãi biển dài gần cống xả thải không có bóng người tắm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Một (50 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), cho biết đã phải sống với ô nhiễm do xả thải trực tiếp ra biển hơn 10 năm nay. Khi thành phố xây dựng các cống thải, tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm do nước thải không được xử lý.
“Ngày nào cũng có nước thải đổ ra biển. Khi trời mưa thì nước ồ ạt hơn, xác động vật đều tống ra hết. Hôm vừa rồi có trận mưa lớn, thế là cả một vùng biển trước miệng cống cuối đường Tôn Thất Đạm đen ngòm loang cả một vùng biển, hôi thối không chịu nổi”, ông Một nói.
Theo cư dân này, những người lội xuống khu bùn đen trước miệng cống thải đều bị lở loét chân tay. “Xử lý nước thải là việc của chính quyền. Nhưng chúng tôi chờ lâu quá nên ai cũng bức xúc. Người dân chúng tôi buôn bán cá quanh cống xả thải này tuyệt nhiên không có chuyện xả rác gây ô nhiễm”, ông Một cho hay.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Lần đầu tiên Đà Nẵng có lối xuống biển cho người khuyết tật
Lối đi được lắp ghép từ các tấm composite kết hợp sợi thủy tinh có tính chịu lực, bền với thời tiết ở bãi biển.
Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng vừa phối hợp với một công ty đưa vào sử dụng hai lối đi xuống biển dành cho người khuyết tật. Một điểm dẫn xuống bãi tắm trước công viên Biển Đông. Điểm còn lại là đoạn tiếp giáp giữa đường Hoàng Kế Viêm và Võ Nguyên Giáp xuống biển Mỹ Khê.
Lối đi được lắp ghép từ các tấm composite kết hợp sợi thủy tinh khá cứng, chịu lực cao và bền với thời tiết nắng, gió cùng sự ăn mòn của muối biển. Mỗi lối đi có chiều dài 40m tính từ lề đường đến mép nước và có hai đoạn được lắp ghép rộng hơn để hai xe lăn đi ngược chiều có thể tránh nhau, thoải mái cho việc sử dụng xe lăn.
Người khuyết tật ở Đà Nẵng đã có lối đi xuống biển. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết ý tưởng thực hiện hai lối đi dành cho người khuyết tật được lấy từ các bãi biển trên thế giới và nhiều ý kiến của người dân Đà Nẵng đóng góp qua mạng xã hội. "Holiday Beach Danang Hotel & Resort đã tình nguyện hỗ trợ toàn bộ chi phí cho hai lối đi này, với số tiền 400 triệu đồng", ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng lắp đặt lối đi dành riêng cho người khuyết tật, xuất phát từ việc nhiều người thiệt thòi không có lối xuống biển. "Người khuyết tật muốn xuống ngắm biển nếu không có người hỗ trợ thì không cách nào xuống được. Do đó, hai lối đi dành riêng cho người khuyết tật có tính nhân văn cao", ông Vũ nói.
Ngay trong buổi đầu khai trương, nhiều người khuyết tật đã thích thú khi tự mình có thể ra tận hưởng làn nước biển và bãi cát của bãi biển đẹp nhất hành tinh. "Đây là ước mơ từ lâu. Trước đây tôi muốn ngắm biển nhưng chỉ biết ngồi trên xe lăn, đỗ trên công viên và vỉa hè nhìn xuống", chị Hạnh nói.
Nguyễn Đông
Theo VNE
4 người được cứu thoát khỏi ngôi nhà 4 tầng bốc cháy Khi lính cứu hỏa có mặt, 4 người trong gia đình ông Phúc đang vật lộn với đám cháy trong phòng ngủ tầng 2. Khoảng 0h30 sáng 11/6, cơ sở kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử Phúc Audio ở số 822 đường Trần Cao Vân (phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng) bất ngờ bùng cháy. Phát hiện khói từ tầng...