9 cơ sở, bệnh viện ở TP.HCM bị Bộ Y tế xử phạt
Thanh tra Bộ Y tế vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định về khám, chữa bệnh, tại 11 cơ sở bệnh viện (BV), phòng khám tư nhân trên địa bàn TP.HCM.
Bệnh viện đa khoa Mắt Sài Gòn.
Các cơ sở y tế bị thanh tra gồm: BV đa khoa Triều An, BV đa khoa Hồng Đức, BV Thẩm mỹ Á Âu, BV đa khoa Mắt Sài Gòn, BV Thẩm mỹ Hàn Quốc JW; Phòng khám chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh thuộc Công ty TNHH Y tế 548, Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt – 179C Đường 3/2, phường 11, quận 10, Phòng khám Da liễu Bích Na, Phòng Xét nghiệm thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư Y tế Trần Diệp Khanh, Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ – 110A CMT8, phường 7, quận 3 và Phòng xét nghiệm thuộc Công ty TNHH ISOLABO.
Kết quả kiểm tra cho thấy, BV đa khoa Mắt Sài Gòn không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động.
Có 5/11 cơ sở không niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh (BV đa khoa Triều An, BV thẩm mỹ Á Âu, Phòng khám chuyên khoa da liễu Bích Na, Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ số 110A CMT8, quận 3, Phòng xét nghiệm thuộc chi nhánh Công ty TNHH đầu tư y tế Trần Diệp Khanh). Một số bệnh án tại một số cơ sở khám, chữa bệnh còn viết tắt, viết ngoáy, khó đọc.
7/11 cơ sở lập hồ sơ bệnh án, nhưng ghi chép không đầy đủ theo quy định của pháp luật (BV đa khoa Triều An, BV đa khoa Hồng Đức, BV đa khoa Mắt Sài Gòn, BV thẩm mỹ JW, BV thẩm mỹ Á Âu, Phòng khám chuyên khoa da liễu Bích Na, Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ số 110A CMT8, quận 3).
2/11 cơ sở lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật (Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ số 110A CMT8, quận 3 và phòng xét nghiệm thuộc Công ty TNHH ISOLABO).
4/11 cơ sở quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định (BV đa khoa Triều An, BV đa khoa Hồng Đức, Phòng khám chuyên khoa Da liễu Bích Na, Phòng Xét nghiệm thuộc Công ty TNHH ISOLABO).
Thanh tra Bộ Y tế ghi nhận, BV thẩm mỹ JW quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh có sử dụng từ ngữ “nhất” mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định. Phòng khám chuyên khoa da liễu Bích Na quảng cáo dịch vụ tiêm chất làm đầy Filler và Botox vượt quá phạm vi chuyên môn được phép hoạt động.
Video đang HOT
Đoàn Thanh tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9/11 cơ sở (BV đa khoa Triều An, BV chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Á Âu, BV thẩm mỹ Hàn Quốc JW, BV đa khoa Mắt Sài Gòn, BV đa khoa Hồng Đức, Phòng xét nghiệm thuộc công ty TNHH ISOLABO, Phòng xét nghiệm thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư Y tế Trần Diệp Khanh, Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ, địa chỉ số 110A CMT8, phường 7, quận 3 và Phòng khám chuyên khoa Da liễu Bích Na), tổng số tiền xử phạt 207,8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kiến nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh tăng cường phổ biến các quy định về khám, chữa bệnh, hướng dẫn các BV tư nhân thực hiện tốt hơn nữa các điều kiện về khám bệnh, chữa bệnh và các quy chế chuyên môn. Rà soát, kiểm tra, thẩm định lại cơ sở vật chất phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của BV đa khoa Mắt Sài Gòn để phù hợp với mô hình BV đa khoa đã được cấp phép hoạt động.
Yêu cầu Sở Y tế TP.HCM tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân về thực hiện các quy định về quy chế chuyên môn, các điều kiện hoạt động, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Cập nhật, quản lý chặt chẽ các cơ sở, đặc biệt đối với những cơ sở mới hoạt động, những cơ sở đã xin dừng hoạt động, tránh trường hợp cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động rất lâu nhưng Sở Y tế chưa nắm bắt được tình hình.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh trên mạng internet, các phương tiện truyền thông để kịp thời xử lý những cơ sở quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được phép hoạt động, quảng cáo sai quy định và hoạt động khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động.
Bạch Dương
59% doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc luân phiên và cắt giảm lao động
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4-2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Hàng triệu lao động gặp khó khăn do Covid-19
Gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng
Ngày 24-4, Tổng cục Thống kê đã công bố công bố tình hình lao động việc làm quý I-2020.
Theo đó, trong số gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động).
Đáng chú ý, khoảng 54% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 46% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã; trong đó, khoảng 70% lao động bị ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Tương tự, đa số lao động bị ảnh hưởng của ngành bán buôn, bán lẻ và dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tương ứng là 74% và 73%.
Tại các doanh nghiệp và hợp tác xã, đến giữa tháng 4-2020, có gần 59% lao động tạm nghỉ việc; 28% lao động bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên và lao động bị mất việc chiếm gần 13%.
Cơ quan thống kê cũng chỉ ra, ngành vận tải kho bãi và ngành giáo dục và đào tạo có tỷ lệ tạm nghỉ việc cao nhất, chiếm gần 70% mỗi ngành.
Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất trong tổng số lao động bị ảnh hưởng so với các ngành khác với gần 20%.
Theo Tổng cục thống kê, dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Khó khăn buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động; trong đó, "cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên" là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất (gần 34% doanh nghiệp thực hiện) và trên 25% doanh nghiệp thực hiện "cắt giảm lao động".
Giai đoạn khó khăn của người lao động
Bà Vũ Thị Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Thất nghiệp gia tăng, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I-2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Kéo theo đó, tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý I-2019 so với quý I-2018. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I- 2020 đạt 6,2 triệu đồng, tăng 353 nghìn đồng so với quý trước và tăng 473 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
"Thu nhập của người lao động tăng nhưng tốc độ tăng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước"- bà Vũ Thị Thu Thủy nói.
Nhận định về tình hình lao động, việc làm thời gian tới, ông Phạm Quang Vinh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đến hết quý 2, tình hình dịch bệnh hoặc dư âm của nó sẽ vẫn là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp và người lao động.
"Do vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần phải chung tay kiểm soát dịch bệnh đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế"- ông Phạm Quang Vinh nói.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, trong giai đoạn này, doanh nghiệp, có thể nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất, kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động...
Đồng thời, người lao động cũng cần tận dụng thời gian để nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tự trang bị các kỹ năng mềm để đảm bảo khả năng thích nghi và thay đổi không ngừng của thị trường lao động.
Hà Linh
Nghề PT và những góc khuất chưa từng được hé lộ: Bị khách hàng gạ gẫm; bị coi thường là nghề không cần học chỉ cần chân tay to Huấn luyện viên cá nhân (Personal Traning - PT) không còn là công việc xa lạ với nhiều bạn trẻ, nhưng những góc khuất trong nghề như bị cạnh tranh không lành mạnh, bị xã hội coi thường,... lại là điều ít ai biết đến. Từ một bộ phận nhỏ tập hợp những người tự nguyện đứng ra chia sẻ kinh nghiệm, hướng...