9 chi tiết khác truyện của phim ‘Mắt biếc’: Hồng xuất hiện gây bất ngờ nhưng cũng kéo theo sự thiếu vắng của nhiều nhân vật
Mạo hiểm thay đổi những chi tiết từ nhỏ đến lớn trong truyện ‘ Mắt biếc’, Victor Vũ đã thực hiện bước đi mạo hiểm nhưng vẫn khiến khán giả thấy hài lòng.
Sau bao thàng ngày trông ngóng, Mắt biếc đã chính thức được công chiếu vào ngày 20/12 vừa qua. Bộ phim được coi là siêu phẩm điện ảnh dịp cuối năm 2019.
Trailer Mắt biếc
Để lên phim với thời gian hơn 100 phút, tất cả các chi tiết trong truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ không thể nào đủ đầy hết được. Đạo diễn Victor Vũ đã có sự cắt bớt, cũng có những thêm thắt vào để câu chuyện được phù hợp và trọn vẹn hơn trên màn ảnh.
Phần tuổi thơ được tóm gọn với thời lượng ngắn ngủi
Trong truyện, tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan được miêu tả rất kỹ, có thể thấy Nguyễn Nhật Ánh dụng tâm rất nhiều để tạo nên một tuổi thơ đẹp long lanh cho hai nhân vật chính.
Tuy nhiên, khi lên phim, phần tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan được miêu tả rất ít, vắng bóng rất nhiều các chi tiết mà khán giả mong đợi, như: hình ảnh Hà Lan giữ thang cho Ngạn leo lên lấy trứng chim; hình ảnh Ngạn phải giành giật để lấy được chiếc dùi trống, cho Hà Lan thỏa mãn ước nguyện đánh trống của mình; hai đứa trẻ đi lấy nước cho cô giáo…
Cô Thịnh, chị Nhường, chị Quyên, thầy Phu, thầy Cải, cô Thung cũng vắng bóng trong suốt hành trình tuổi thơ của Ngạn. Nếu như chị Nhường, chị Quyên, thầy Phu còn được xuất hiện một vài giây, thì cô Thịnh, cô Thung, thầy Cải lại hoàn toàn vắng bóng.
Thậm chí trong truyện cô Thịnh được Ngạn miêu tả rất nhiều, dành rất nhiều tình cảm, hay tâm sự tỉ tê thì lại hoàn toàn vắng bóng, không hề xuất hiện cả lúc nhỏ lẫn khi Ngạn lớn lên.
Nhân vật Hồng được thêm vào gây bất ngờ
Bên cạnh những người vắng bóng, nhân vật Hồng được thêm vào để câu chuyện si tình được trọn vẹn hơn. Hồng là nhân tố bất ngờ, là tấm gương để Ngạn soi lại mình. Có thể nói Hồng chính là Ngạn, chỉ cần nhìn Hồng, Ngạn sẽ thấy dáng vẻ u mê, say tình đơn phương của chính mình.
Hà Lan không hề cắt tóc sau 1 tháng lên thành phố
Trong truyện, sau khi lên thành phố được 1 tháng trở về, Hà Lan đã cắt tóc, mái tóc ngắn của Hà Lan khiến cho Ngạn hụt hẫng đến mức phải mượn mấy câu thơ của Nguyễn Bính để nói lên lòng mình ‘Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều’.
Còn khi lên phim, Hà Lan chỉ thay đổi kiểu ăn mặc, nói chuyện nhiều về thành phố hơn, và biết làm điệu làm dáng hơn.
Ngạn không hề chỉ lẽo đẽo theo Hà Lan, còn chủ động chở Hà Lan về sau khi tan học
Nếu như ở truyện, Ngạn vì ngại cô Thịnh, sợ bị bạn bè Hà Lan trêu đùa mà chỉ dám lẽo đẽo đạp xe đi theo sau Hà Lan, mãi đến khi xa trường rồi mới vượt lên đi bên cạnh, thì ở phim, Ngạn táo bạo hơn nhiều.
Ngạn hòa mình vào đoàn nam sinh đang đợi chờ cô bạn của mình, Ngạn mua đồ ăn vặt cho Hà Lan, chở Hà Lan trên chính chiếc xe của mình, hai người thoải mái ăn uống cười đùa đến tận nhà Hà Lan.
Dũng không hoàn toàn là gã sở khanh
Bằng đôi mắt của mình, đối với Victor Vũ, nhân vật nào trong câu chuyện cũng thật đáng thương, kể cả Dũng. Khi ở truyện, Dũng hoàn toàn là một gã sở khanh đúng nghĩa. Khiến cho Hà Lan có bầu, anh vẫn vô tư đi chơi, chưa từng có ý nhắc đến việc Hà Lan có bầu. Còn ở trong phim, Dũng dường như ‘yêu Hà Lan’ nhiều hơn.
Nếu như ở truyện, Ngạn phải mất bao nhiêu ngày mới được chính Hà Lan cho biết cô đang mang bầu đứa con của Dũng thì ở phim điều này được chính Dũng tiết lộ. Nghe thấy tiếng Dũng và bố tranh luận, Ngạn đã nấp sau cánh cửa và biết được chuyện của Hà Lan, lúc này chỉ thấy Dũng đang cố gắng thuyết phục bố cho cưới Hà Lan nhưng bố anh thẳng thừng từ chối v ì ‘nhà này không bao giờ được ăn cơm trước kẻng’. Ngay sau lời phản đối, Dũng còn giận dỗi bỏ đi ngay trước mắt bố.
Có thể thấy được, Dũng trong phim không phải một gã sở khanh, có lăng nhăng, có chơi bời, nhưng khi Hà Lan có bầu, rõ ràng cũng muốn chịu trách nhiệm với cô.
Ngạn chăm sóc cho mẹ con Hà Lan ngay khi cô vừa sinh
Ở trên phim, Victor Vũ để cho Ngạn ở lại chăm sóc mẹ con Hà Lan ngay khi cô vừa sinh. Hình ảnh Ngạn chạy trong mưa đi xin lon gạo về nấu cháo để Hà Lan cho Trà Long uống khi cô cạn sữa khiến cho hình ảnh của Ngạn trở nên si tình hơn, có tình người hơn.
Trong suốt những ngày sau khi Hà Lan sinh, Ngạn đều xuất hiện chăm sóc cho cả hai mẹ con.
Còn ở trong truyện, khi Hà Lan sinh con là lúc ấy Ngạn đang ở Quy Nhơn theo học sư phạm. Những quan tâm hỏi han chỉ dừng ở những bức thư thăm hỏi. Chỉ đến khi được nghỉ, Ngạn trở về thăm hai mẹ con Hà Lan, khi ấy Trà Long đã được vài tháng tuổi.
Mẹ Hà Lan cũng là một người mẹ đơn thân
Thay đổi tiếp theo đến từ gia đình Hà Lan. Trong truyện, Hà Lan có ba, ba cô ít khi hỏi han, quan tâm, đôi mắt ông lúc nào cũng hướng về phía bầu trời xanh thẳm nghĩ ngợ mông lung lắm. Khi biết tin Hà Lan có bầu, ông thường buồn phiền chẳng nói năng gì.
Dù ở truyện , ba Hà Lan cũng ít xuất hiện, nhưng có thể thấy, ba Hà Lan là một người có liên quan trực tiếp đến Hà Lan. Đôi mắt biếc ba đời được truyền từ ba đến Hà Lan sang đến Trà Long.
Khi lên phim, ba Hà Lan hoàn toàn vắng bóng, còn mẹ Hà Lan lại trở thành một người mẹ đơn thân. Khi mẹ Hà Lan muốn con gái hãy tìm lấy người xứng đáng để gửi gắm nốt phần đời con lại, Hà Lan đã hỏi lại mẹ ‘chính mẹ nói với con, đàn bà chửa hoang thì làm sao tìm được hạnh phúc’, lúc ấy mẹ Hà Lan đã có nói ‘đó là mẹ nói mẹ mà’.
Mẹ Hà Lan cũng rất đáng thương, bà một mình nuôi Hà Lan khôn lớn, để rồi sau này lại nuôi dưỡng bước đi sai lầm của Hà Lan. Cách thay đổi này khiến cho bà mẹ hiểu con mình hơn, đồng cảm với số phận éo le của Hà Lan hơn.
Trà Long chủ động hơn khi ở bên cạnh Ngạn
Tính cách nhân vật Trà Long cũng được Victor Vũ biến đổi đi chút ít đẩy sự chủ động của Trà Long lên cao hơn. Trà Long trong phim vui vẻ khi ở bên chú Ngạn, chủ động ôm lấy chú. Ở thời lớn lên, Trà Long cũng là người chủ động hát cho chú Ngạn nghe, chủ động có những động chạm thân thể với chú Ngạn.
Trà Long trong truyện từ tốn hơn, là phiên bản hoàn hảo của Hà Lan nên cũng ở hữu tính cách tương đối giống mẹ. Có lúc dỗi hơn cô chỉ để kệ cho chú Ngạn dỗ dành mãi một lúc lâu mới chịu nhượng bộ.
Kết phim đẩy cảm xúc lên cao trào
Ở truyện, Hà Lan đã có được bến bờ hạnh phúc, phần còn lại chỉ hoàn toàn là mối tình của Trà Long và Ngạn. Sau khi nhận ra mình đang ngộ nhận giữa Trà Long và Hà Lan, Ngạn sáng sớm đã bỏ nhà đi xa xứ, không ai biết được Trà Long ở nhà, bố mẹ ở nhà có cảm giác ra sao.
Lên phim, cái kết được đẩy lên cao trào hơn, là khi Trà Long nức nở nói với mẹ ‘Có hai thứ trên đời không thể đánh mất, một là chuyến xe cuối cùng, hai là người thật lòng yêu thương mình’. Nhận ra ý nghĩa trong câu nói của con, Hà Lan đuổi theo chuyến tàu đang chở Ngạn đến phương trời xa tít tắp.
Hình ảnh Hà Lan chạy vội đuổi theo Ngạn khiến cho cảm xúc của bộ phim được đẩy lên cao hơn. Cái kết phim vẫn là cái kết mở để cho khán giả tự mình tưởng tượng ra câu chuyện sau này của Ngạn và Hà Lan.
Theo tiin
'Mắt biếc': Có nhiều điều để chú ý ngoài câu chuyện tình yêu day dứt, khắc khoải của Ngạn - Hà Lan - Trà Long
Nhắc về 'Mắt biếc' của màn ảnh rộng, người ta còn nhớ tới cô giáo Hồng thẳng thắn, kiên trì, nhớ đoàn tàu chứa đầy sự tiếc nuối, hay nhớ những bản nhạc phim buồn da diết.
Nhắc tới Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh,người ta sẽ nhớ ngay tới mối tình đậm sâu Ngạn dành cho Hà Lan, cũng như những rung động đầu đời mà Trà Long - con gái Hà Lan dành cho Ngạn.
Nhưng, hơn cả tình yêu đôi lứa, Mắt biếc phiên bản màn ảnh rộng của Victor Vũ không chỉ mang tới vùng quê bình dị lẫn thị thành tấp nập, đem đến cái hồn của từng gương mặt như bước ra từ trang sách, mà còn không ngại đưa vào phim nhân vật mới, xây dựng được cả hình ảnh giàu tính ẩn dụ xuyên suốt phim.
Đoàn tàu - cái kết mở đắt giá nhất phim
Cho đến gần cuối phim, khi Trà Long nhắc tới câu nói: 'Ở đời có hai thứ tuyệt đối không thể bỏ lỡ. Một là chuyến xe cuối cùng. Hai là người thật lòng thương mình' và Ngạn ngồi trên tàu, nước mắt dàn dụa, người xem mới giật mình nhận ra đường ray, tàu hỏa đã xuất hiện trong phim tới vài lần.
Khi còn học cấp ba tại Huế, Ngạn có tới cây cầu dành cho tàu hỏa bắc ngang sông. Ngạn đứng yên bên đầu cầu, như chờ tàu chạy qua, như chờ cơ hội bắt đầu tình cảm giữa mình và Hà Lan. Cho tới tận hai mươi năm sau, Ngạn mới bước lên chuyến tàu của riêng mình, chuyến tàu của sự ra đi, bỏ lỡ, và làm lại từ đầu.
Ngạn rời Đo Đo, rời khỏi miền ký ức lẫn niềm yêu lẫn lộn dằn vặt mình suốt thời gian qua, mong tìm cuộc sống mới. Ngay khoảnh khắc tàu lăn bánh, Hà Lan nhận ra bản thân đã bỏ lỡ người thương cô thật lòng. Cô không đuổi kịp đoàn tàu, đã đánh mất người duy nhất sẵn sàng ở bên mình.
Khác với cái kết trong sách - chỉ nói về quyết định ra đi của Ngạn, cái kết trên phim khiến khán giả day dứt hơn: biết đâu Ngạn và Hà Lan sẽ gặp lại nhau trong tương lai, biết đâu hai người xa nhau mãi mãi.
Có thể nói, Victor Vũ đã liều và đã thành công khi mang chuyến tàu này vào phim. Liều vì người xem đã quen với kết thúc trong sách, và rất có thể cái kết không hợp lý sẽ phá vỡ tất cả cảm xúc phim mang lại từ đầu. Nhưng may mắn thay, cái kết đã góp một phần lớn giúp phim thăng hoa.
Gương mặt mới 'vượt thời đại'
Hồng không phải nhân vật có sẵn trong nguyên tác Mắt biếc, người bạn học chung lớp cấp một, người đồng nghiệp của Ngạn chỉ xuất hiện trong phim.
Tại sao gọi Hồng là gương mặt 'vượt thời đại'? Bởi trong bối cảnh diễn ra Mắt biếc, chuyện con gái chờ đối phương ngỏ lời, tỏ tình rồi kết hôn, lập gia đình sớm gần như là lẽ đương nhiên. Nhưng không, Hồng tới ba mươi lăm tuổi mà vẫn 'ở giá', thực hiện hành trình cọc đi tìm trâu, quyết tâm chờ Ngạn.
Cứ hễ Hồng xuất hiện, công chúng biết ngay sẽ có một phát biểu 'hơi thốn' nào đó chuẩn bị được cất lên. Cô thẳng thắn theo đuổi tình yêu, không ngại ngần tỏ rõ lòng mình cho Ngạn thấy - tính cách chỉ bắt gặp ở những thiếu nữ sinh ra trong thế kỷ hai mươi mốt. Tuy bị chê cười, nhưng Hồng, cùng với Trà Long, là những nhân vật sống thật và sống không hối tiếc nhất Mắt biếc.
Những nhân vật bước ra từ trang sách
Trần Nghĩa đã không phụ lòng những người ngày đêm ngóng chờ Mắt biếc, anh dường như là chính Ngạn trong nét bút của Nguyễn Nhật Ánh. Dáng người Trần Nghĩa mảnh mai, mái tóc hơi dài như tôn lên vẻ thư sinh của chàng trai chỉ chuyên chú vào ba điều: học, chơi đàn, và Hà Lan.
Bước vào phim, Trần Nghĩa ngay lập tức đánh gục nơi sâu nhất trong tâm hồn mỗi người xem bằng ánh mắt tình tứ, nhìn Hà Lan bằng đôi mắt biếc chỉ dành cho riêng cô. Đôi mắt lấp lánh chứa ước vọng yêu đương, trìu mến, sáng lấp lánh giữa rừng sim tím thơ mộng.
Suốt hai tiếng đồng hồ, một trong những điều dẫn dắt khán giả tới với cao trào sau cùng - sự rời đi của thầy giáo làng, chính là từng nét biến hóa trên cặp gương buồn man mác của Trần Nghĩa. Không cần tới lời nói, Ngạn sống trong hình hài của Trần Nghĩa, tỏ bày những buồn đau, khắc khoải, đớn đau, dịu dàng chỉ bằng ánh nhìn.
Đâu có câu thoại nào nói Ngạn khổ tâm biết bao, hay làm gì có ai nói Ngạn tâm sự rằng anh sầu lòng tới nhường nào, nhưng chỉ cần nhìn Trần Nghĩa thôi, bất cứ người nào cũng có thể nghe được tiếng trái tim anh thổn thức.
Có xem phim rồi, người ta mới hiểu tại sao Trúc Anh lại nói Hà Lan là người sống nội tâm. Hà Lan của Trúc Anh yêu phố xá tấp nập, yêu sự hào nhoáng phồn hoa, nhưng thâm tâm khá cô đơn và giấu kín những tâm sự không biết giãi bày cùng ai.
Trúc Anh vào vai Hà Lan khá tròn trịa, đem tới một đôi mắt biếc theo đúng nghĩa đen: lấp lánh như sao xa, đẹp mơ màng khi còn là thiếu nữ, đẹp u hoài khi đã là phụ nữ. Cô khóc, cô cười, cô suy tư đều đẹp, đẹp đằm thắm thấy rõ theo thời gian. Với những phân cảnh đòi hỏi cảm xúc mạnh như lúc sinh Trà Long, nghe Ngạn thổ lộ hay chạy theo đoàn tàu, Trúc Anh đã làm vừa lòng được số đông.
Tuy không xuất hiện quá nhiều, nhưng Trà Long của Khánh Vân gây được ấn tượng mạnh bằng vẻ linh lợi, hoạt bát, thẳng thắn của mình. Và Trần Phong - Dũng, cũng rất thành công khi khiến cho người ta 'ghét' mình qua cái đá lông nheo đa tình hay cái nhếch môi đậm chất sở khanh.
Hình ảnh đẹp, không còn sáo rỗng
Một lần nữa, Victor Vũ lại mang tới cho khán giả những thước phim đẹp đến nao lòng. So với thời Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc gần với làng quê hơn, hình ảnh chân thật hơn, và cũng khiến người xem có nhiều sự đồng cảm, thương nhớ về một thời, một vùng đất nghèo, một thị thành đã xa hơn. Từ đồi sim tím đến bộ áo dài, từng chiếc xe, từng cái biển hiệu, từng góc nhà, đều được tái hiện giống thực tế nhất có thể.
Từ trước tới nay, phim của Victor Vũ mực thước với những công thức 'chuẩn chỉnh': cảnh đẹp, nội dung có lớp lang, luôn có sự ưu tiên cho những gương mặt mới. Từng có một thời, người ta xem phim của anh làm trong niềm hân hoan lẫn sợ hãi: hân hoan vì đẹp, sợ hãi vì sự đẹp lấn át tất cả. Phim duy mỹ, mà thiếu sự kết nối tình cảm giữa các nhân vật, giữa các nhân vật và cảnh quay. Nhưng qua Mắt biếc, người xem đã thấy Victor Vũ đã sử dụng kỹ thuật, thủ pháp làm phim để dùng hình ảnh nâng cảm xúc cho khán giả, chứ không còn 'khoe' tay nghề nữa.
Dàn dựng bối cảnh trong Mắt biếc
Nhạc phim tạo cảm xúc tốt
Điểm vô cùng đáng khen của Mắt biếc là đã kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc, cảm xúc và hình ảnh. Phim sử dụng những bản nhạc xưa, những bản nhạc 'đầm' đúng điệu, ngay cả đoạn nhạc được chọn cũng có lời hát cũng phù hợp với tâm tư nhân vật.
Ca khúc Có chàng trai viết lên phiên bản hòa tấu
Bên cạnh đó, không thể nào bỏ qua ba ca khúc mới ngoài Có chàng trai viết lên cây của Phan Mạnh Quỳnh, bao gồm: Từ đó, Nơi ấy, Tôi chỉ muốn nói. Không phải Phan Mạnh Quỳnh, không phải ca sỹ nổi tiếng nào khác, người thể hiện những ca khúc này chính là giọng ca Phạm Đình Thái Ngân - người lồng tiếng cho Ngạn.
Dù không phô diễn quá nhiều kỹ thuật hát phức tạp, nhưng bất cứ nốt nhạc nào, câu hát nào, Thái Ngân cũng chạm được tới trái tim người xem nhờ sự thấu hiểu nhân vật, đẩy cảm xúc phim lên tột bậc.
Mắt biếc được công chiếu trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 20/12.
Theo tiin
Cư dân mạng nợ Trúc Anh (Mắt Biếc) một lời xin lỗi: Hà Lan đúng là người hướng nội mà! Trong truyện, Hà Lan có thể là cô gái hướng ngoại, yêu ghét tùy thích vào cảm nhận của độc giả. Nhưng lên phim, Hà Lan của Mắt Biếc là hướng nội, khán giả chỉ có thương, chứ khó lòng giận! Cách đây vài ngày, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho một tạp chí online, Trúc Anh (vai Hà Lan) cho...