8X Sài thành làm bánh đậu xanh tạo hình trái cây không cần khuôn, nhìn xong ai cũng phải xuýt xoa vì quá đẹp!
Với chị Mỹ Dung, bánh đậu xanh trái cây không chỉ đơn thuần là một món ăn vặt mà nó còn là thứ bánh gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ của chị.
Bánh đậu xanh trái cây là một trong những món bánh nổi tiếng xứ Huế. Món bánh này đặc biệt hơn hẳn những phiên bản bánh đậu xanh khác bởi ngoài thành phần là đậu, là đường, bánh đậu xanh trái cây còn có hình thức vô cùng bắt mắt, giống hệt như những trái cây mini.
Với chị Huỳnh Dương Mỹ Dung (sinh năm 1987, TP. HCM), đây còn là món ăn gắn liền với những ký ức tuổi thơ của chị.
Chị chia sẻ: “Hồi nhỏ nhà nghèo, mình đi chợ với mẹ thấy bánh đẹp thì đòi, cũng lâu lâu được mua 2-3 chiếc, ăn không có đã. Sau này lớn nhà cũng dần có điều kiện hơn nhưng món bánh này vẫn đắt theo thời gian nên mình tự làm.
Có lần mình xin công thức của một bạn làm khá đẹp thì bạn khác vô nói có cho công thức đi nữa mình cũng không làm được vì món bánh này quan trọng ở khâu tạo hình. Vậy là mình tự ái, tự học tự làm, cho đến tận bây giờ”.
Vậy là nhờ ham học hỏi mà hiện tại chị Dung không chỉ làm được món bánh cho bản thân, gia đình cùng thưởng thức mà chị còn quyết định kinh doanh với món ăn này. Được biết, chị vừa bán ở nhà lại vừa bán online bánh đậu xanh trái cây.
Không chỉ có sở thích làm bánh, bà mẹ 8X còn gây bất ngờ khi tiết lộ mình là một fan cứng của nhóm nhạc nổi tiếng BTS. Chị cho hay những khi BTS ra MV, chị còn ngồi cày view cho nhóm.
Khi được hỏi cụ thể về món bánh đậu xanh trái cây này, chị Dung nói: “Để làm được món bánh này rất kỳ công. Đậu phải ngâm, nấu chín, xay nhuyễn rồi thêm đường cho vừa rồi mới nặn thủ công từng trái, từng trái. Mà muốn vậy hỗn hợp đậu đường phải vừa đủ, không quá nhão sẽ khó định hình, không quá cứng sẽ khiến thành phần bị nứt hoặc không như ý trong lúc làm bánh”.
Dưới đây là công thức làm bánh đậu xanh tạo hình trái cây do chị Dung chia sẻ, các chị em có thể cùng tham khảo:
Chuẩn bị:
- Công thức đậu xanh:
250g đậu xanh cà (đậu xanh đã bỏ vỏ)
200ml nước cốt dừa
100g đường
20g dầu ăn
Video đang HOT
1/2 muỗng cà phê muối
- Công thức rau câu:
1 gói rau câu giòn 25g hiệu con cá Hiệp Long
1 lít nước
100g đường
Dụng cụ:
- Que tre (loại dài 15cm), mút xốp (tận dụng mút chêm hàng hoặc thùng xốp nước đá)
- Màu thực phẩm, cọ, v.v..
Cách làm:
- Đậu xanh ngâm 4 tiếng với nước lạnh, hoặc 1 tiếng với nước nóng. Đem hấp chín (bóp hạt đậu thấy mềm nát là được).
- Xay đậu thật nhuyễn thật mịn với nước cốt dừa và đường, muối. Bước này nên nếm lại, thấy vừa ngọt là được, nếu quá ngọt ở bước này, thì khi khô lại sẽ ngọt quá mức.
- Cho chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, sau đó cho hỗn hợp đậu xanh lên, lúc đầu sên lửa vừa, khuấy đều tay liên tục không nghỉ, tránh bị khét.
- Khi đậu bắt đầu đặc lại, nặng tay thì chỉnh lại lửa nhỏ, sên tới khi đậu ko còn dính tay, dính chảo, ngắt ra một cục đậu xanh nhỏ, vo tròn, đậu ko chảy nhão/xệ xuống là được (Bước sên này rất quan trọng, nếu đậu quá ướt sẽ làm bánh ko cố định được trên que ghim, tạo hình không đứng. Nếu đậu quá khô, bánh sẽ dễ bị nứt).
- Cho đậu ra khay, dàn đều đậu cho nguội, cứ 10 phút lại dùng tay (đeo bao tay) nhồi đậu cho mịn và để cho bề mặt đậu không bị khô. Để nguội hẳn rồi bắt đầu tạo hình.
- Vo tròn một viên từ 10g hoặc 15g xếp hết vào khay rồi mới tạo hình, bước này là bước để bạn tự do sáng tạo.
- Tạo hình xong xếp vào khay, nhớ đậy đậu trong khi tạo hình vì đậu bị khô sẽ nứt mặt, không đẹp.
- Trong lúc này đậy đậu xanh đã tạo hình lại, đi ngâm 25g rau câu với 1 lít nước và đường, để yên cho rau câu nở.
- Ghim đậu xanh vô cây que rồi cắm vào mút xốp. Có thể ghim hết rồi tô màu hoặc vừa ghim vừa tô cũng được.
- Chấm màu vừa phải, nếu ko đậu xanh dễ ướt và nứt, rớt khỏi cây que nhen. Sau khi tô màu nên chấm nhẹ đậu xanh lên khăn giấy ăn cho thấm bớt nước rồi mới ghim vô mút.
- Cho rau câu lên bếp, vừa nấu vừa khuấy cho rau câu sôi lên khoảng 3 phút, lược lại qua rây, để nguội khoảng 2 phút rồi nhúng đậu xanh vào. Càng nhúng nhiều lớp rau câu, bánh càng bóng, và nhớ lớp này khô rồi mới nhúng lớp khác (thích hợp nhất là nên nhúng 5 – 6 lần).
- Để yên bánh cho khô rau câu hẳn rồi nhẹ nhàng rút que ra cho bánh vào hộp, không đậy nắp cho vào tủ lạnh. Nếu đậy nắp bánh dễ hấp hơi và nhanh hỏng.
Chúc các bạn chế biến thành công!
Bánh đậu xanh trái cây và 3 loại bánh hấp dẫn dịp Tết ở Huế
Huế với nền ẩm thực phong phú luôn là địa điểm cuốn hút nhiều du khách khám phá. 4 loại bánh sau là hương vị độc đáo không thể thiếu tại cố đô vào dịp năm mới.
Bánh đậu xanh trái cây: Loại bánh đậu xanh nặn hình trái cây này có nguồn gốc từ cung đình Huế, được gọi là bánh "quý tộc" bởi trước kia vốn chỉ dành cho các vua chúa, quan lại thưởng thức. Đây là một món bánh phổ biến trong dịp Tết tại mảnh đất này. Ảnh: Foodyhue, Bigsister_92.
Bánh có nguyên liệu đơn giản gồm đậu xanh đãi vỏ, nước cốt dừa, đường trắng và bột rau câu. Những chiếc bánh được tạo hình kỳ công và lên màu tỉ mỉ với nhiều loại quả như na, khế, ớt, đu đủ, xoài, măng cụt... Ảnh: Nguyengiahuy90, Cinengocdiep.
Hương vị ngọt bùi thơm ngon của bánh và độ mềm mịn tan trong miệng khi thưởng thức tạo nên sức hút đối với trẻ em lẫn người lớn. Sắc màu rực rỡ của những chiếc bánh đậu xanh ngũ sắc luôn mang lại không khí tươi vui mỗi dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Khánh Vân.
Bánh in: Dịp Tết đến, làng Kim Long lại nhộn nhịp bởi tiếng đập bột, in bánh và cho ra lò những chiếc bánh vốn chỉ dành cho vua chúa. Nguyên liệu tạo nên hương vị hấp dẫn của bánh in gồm bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường. Bánh thường được đúc thành hình vuông. Mặt bánh được khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc một số hình hoa văn tinh tế. Ảnh: Foody, Pinterest.
Những chiếc bánh in có màu trắng nguyên bản, dẻo và thơm được gói trong giấy ngũ sắc. Cứ mỗi độ xuân về, từng tòa tháp bánh in đủ màu lại được bày bán khắp phố phường. Các gia đình cũng thường dùng loại bánh này để thờ cúng, đãi khách và nhâm nhi với trà vào dịp Tết. Ảnh: Minh Thảo, Wiki.
Bánh tét: Nhắc đến những món bánh cổ truyền ngày Tết ở Huế không thể thiếu bánh tét. Bánh tét có phần vỏ gói săn chắc. Bạn có thể lựa chọn vị chay với nhân đậu xanh hoặc vị mặn với nhân thịt lợn. Bánh có hình trụ dài, được gói công phu và kỹ lưỡng. Khi cắt bánh tạo khoanh tròn, đều và đẹp. Ảnh: Thao243.
Làng Chuồn (thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang) được xem là nơi nấu bánh tét nổi tiếng bởi chất lượng nếp có vị thơm đặc trưng riêng. Những ngày cuối tháng Chạp cũng là lúc người dân tại làng Chuồn tất bật chuẩn bị những đòn bánh tét nóng hổi, thơm lừng để phục vụ cho các gia đình vào dịp Tết. Ảnh: Wordpress, Pinterest.
Bánh chưng: Huế là một trong những nơi còn lưu giữ nét văn hóa gói bánh chưng ngày Tết. Từ những nguyên liệu đơn giản như thịt heo, đậu xanh và gạo nếp lại tạo nên hương vị dân dã, ngọt ngào, thấm đượm hồn dân tộc. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.
Vào những ngày cuối năm, không khí tại mỗi gia đình luôn trở nên rộn ràng khi cả nhà quây quần gói bánh chưng bằng lá dong, lá chuối. Khoảng thời gian ngồi bên bếp lửa hồng chờ bánh chín là lúc ôn lại những câu chuyện đẹp trong năm qua. Chiếc bánh màu xanh hấp dẫn này cũng là thức quà tinh tế mà mỗi người trao nhau trong dịp Tết sắp đến. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.
Theo Zing
Quầy bánh bèo hơn 20 năm trong chợ Bến Thành Chiếc bánh bèo Huế dẻo, mềm kết hợp với nước mắm loãng kiểu miền Nam của quầy bánh lâu năm trong chợ Bến Thành chiếm trọn cảm tình của thực khách. Khu ẩm thực chợ Bến Thành không chỉ hấp dẫn du khách mà còn là điểm đến quen thuộc của người địa phương. Nhiều hàng cơm, bún, chè bên trong chợ đã...