8x “mát tay” nuôi cá giống
Về xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), hỏi thăm khu vực nuôi cá giống của anh Trần Văn Nhàn (SN 1985), ai cũng biết. Anh Nhàn hiện là chủ 1 khu nuôi cá giống rộng lớn cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Nghề phụ cho thu nhập chính
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nhàn cho biết: “Nghề sản xuất cá giống vất vả lắm, đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ như nuôi con mọn. Cá con rất nhạy cảm. Trong những ngày nắng nóng cao điểm như hiện nay, các công đoạn nuôi cá giống từ chuẩn bị ao thả, xử lý môi trường đến chăm sóc đều phải rất cẩn thận…”.
Từ thành công nuôi cá giống, để tăng thu nhập, anh Nhàn còn đầu tư nuôi lợn, bò sinh sản và vịt. Ảnh: Đức Thịnh
Từ thành công nuôi cá giống, để tăng thu nhập anh Nhàn còn đầu tư nuôi 10 con lợn, 3 con bò sinh sản và chăn nuôi vịt. Những ai có nguyện vọng làm nghề, anh Nhàn đều sẵn sàng giúp đỡ, từ kỹ thuật nuôi, cách xây dựng ao đến việc cung cấp giống.
Theo anh Nhàn, trước đây anh chọn đàn lợn là vật nuôi chủ lực với quy mô 10 lợn nái, 200 lợn thịt/năm, còn nuôi cá là nghề phụ. Tuy nhiên, thấy giá lợn hơi đang đà xuống thấp, để hạn chế thua lỗ, nên ngay từ cuối năm 2016 anh đã chủ động không đầu tưvào đàn lợn thịt, giảm dần đàn lợn nái và dồn vốn tập trung nuôi cá giống. Hiện với 2 mẫu nuôi cá giống, anh Nhàn thu về từ 12 – 15 triệu đồng/tháng nhờ xuất bán 3 tạ cá giống.
Video đang HOT
“Tuy trước đây không chọn cá giống làm vật nuôi chủ lực, nhưng tôi vẫn tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả, lúc đó mới tích lũy được kinh nghiệm như ngày hôm nay. Ban đầu, tôi chỉ nuôi với diện tích nhỏ, sau một thời gian thấy việc nuôi cá giống đem lại hiệu quả, tôi quyết định cải tạo lại diện tích ao có sẵn của nhà (trước chỉ để thả vịt và nuôi cá thương phẩm) để nuôi cá giống. Khác với nhiều người, nuôi xen kẽ nhiều loại cá giống, riêng tôi chỉ nuôi 1 loại cá giống là trắm cỏ” – anh Nhàn thổ lộ
“Gối” lứa nuôi hiệu quả
Hiện toàn bộ diện tích 1 mẫu ao của gia anh Nhàn đã được phân chia thành các ngăn nuôi cá theo từng giai đoạn. Nhờ đó, anh có thể nuôi “gối”liên tục các lứa cá.
Anh Nhàn thường mua cá kích cỡ từ 120 – 150 con/kg về rồi thả cá xuống ao ương khoảng 20 – 25 ngày, sau khi cá lớn đạt kích cỡ khoảng 40 – 50 con/kg để nuôi thương phẩm thì giao cho thương lái. Thức ăn cho cá cũng khá đơn giản, chỉ là cho cá ăn bèo tấm cùng với cám viên nổi do một số công ty sản xuất.
“Giờ người nuôi cá giống khá thuận tiện, chỉ cần nhấc điện thoại “a lô” là có cám, thuốc, tư vấn nuôi cá. Tuy nhiên, cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Cá giống phải khoẻ mạnh, không sây sát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được. Người mua thấy cá bị chết nhiều thì lần sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm mua”- anh Nhàn nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, anh Nhàn bộc bạch, cá giống rất kén môi trường sống, người nuôi cần thiết kế ao nuôi xa khu dân cư hạn chế tối đa ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt và chăn nuôi.
Ao nuôi cá phải có đường cấp và thoát nước chủ động, nước phải bảo đảm sạch. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Định kỳ dùng vôi bột cải tạo đáy ao và môi trường nước, duy trì mực nước ổn định, nước ao nuôi bảo đảm luôn có màu lá chuối non.
Theo Danviet
Nuôi cá nước ngọt đạt 200 triệu đồng/ha/năm
Nông dân ở nhiều vùng ở huyện Nam Đàn mạnh dạn nuôi cá nước ngọt đáp ứng nhu cầu thị trường. Có những mô hình đạt 200 triệu đồng/ha/năm.
Thu hoạch cá giống ở trại Nam Yên (Nam Đàn)
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở xóm Sen 1, xã Kim Liên đầu tư cải tạo mặt nước ao hồ với diện tích gần 1 ha để nuôi cá. Anh cho biết, ao nuôi được chủ yếu thả 2 loại là cá trắm và cá trôi. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ, thóc mầm, có bổ sung cám công nghiệp.
Sau thời gian gần 1 năm, cá trắm cỏ đạt trọng lượng 2 - 2,5 kg/con, cá trôi đạt trọng lượng 1,5 kg/con, sản lượng thu hoạch đạt 5 tấn - 6 tấn. Giá bán trên thị trường dao động từ 40 - 50 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi năm, gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ chi phí các loại, gia đình còn thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Thu hoạch cá nước ngọt ở Kim Liên - Nam Đàn
Cũng ở xã Kim Liên, gia đình anh Nguyễn Hà Trung xóm Sen 3 đã chọn mô hình nuôi thâm canh cá trắm cỏ với hai ao nuôi, trong đó một ao ương cá giống, một ao để nuôi cá thương phẩm. Anh lựa chọn công thức nuôi ghép 700 con cá trắm, 200 con cá chép, 300 con cá trôi trong mỗi đợt nuôi. Thức ăn cho các loại cá đều là cỏ non và thóc mầm.
Cá nước ngọt bán ở chợ thị trấn Nam Đàn
Với công thức trên, anh Trung chia sẻ: Do cá giống đã được ương nuôi với kích cỡ to hơn, nên khi đưa sang ao nuôi thương phẩm chỉ sau 6 tháng đã cho thu hoạch. Cá trắm cỏ đạt trọng lượng 2 kg/con. Tổng nguồn thu từ hai ao nuôi gần 1 ha gia đình thu được 140 triệu đồng, trừ chi phí còn cho thu lãi 80 triệu đồng/lứa. Như vậy, mỗi năm gia đình có thể thu hoạch 2 lứa, thu lãi trên 150 triệu đồng từ mô hình này.
Hiện toàn huyện Nam Đàn có hơn 1.000 ha diện tích nuôi cá nước ngọt với tổng sản lượng hàng năm khoảng từ 5.000 - 5.700 tấn. Nổi bật có các mô hình nuôi cá trắm, cá trôi ở xã Kim Liên, Nam Thanh, Nam Anh, các mô hình lúa-cá, sen-cá, ở xã Nam Thanh, Nam Lộc, lúa-cá-lợn, nuôi cá ao, hồ phát triển khá mạnh ở Nam Lĩnh, Nam Xuân, Nam Lộc, Nam Thái, Nam Nghĩa... cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Những năm qua Trạm Khuyến nông Nam Đàn đã chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật với nhiều hình thức như: Tập huấn cho cán bộ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông và nông dân; chuyển giao trực tiếp bằng mô hình; chuyển giao con giống mới cùng kỹ thuật chăn nuôi; tổ chức hội nghị đầu bờ để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hay, hiệu quả.
Theo Hồng Sương (Báo Nghệ An)