8.800 tỷ lỗ của EVN chờ “ăn” vào giá điện 2015
Theo yêu cầu của Chính phủ, đến 2015 EVN phải cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ, cân bằng tài chính. Tuy nhiên, đến nay EVN vẫn còn “treo” trên 8.800 tỷ đồng lỗ tỷ giá. Năm 2014, chi phí tăng mạnh do giá than, khí bao tiêu và các khoản thuế tăng.
EVN kiến nghị Bộ Công thương cho phép bổ sung một loạt khoản phí, chi phí phát sinh trong năm 2014 vào giá điện 2015 (ảnh: BD)
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra sáng nay (ngày 13/1/2015), ông Dương Quang Thành – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong năm 2015, kế hoạch của EVN sẽ đưa giá điện bình quân toàn tập đoàn xuống còn 1.515,69 đ/kWh.
Năm 2014 vừa rồi, giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn ước đạt 1.529 đ/kWh, tăng 30 đ/kWh so với năm 2013. Như vậy, với mục tiêu trên của EVN, giá điện bình quân toàn tập đoàn sẽ giảm nhẹ 0,87%.
Về mặt thuận lợi, trong năm, các nhà máy thủy điện miền Trung có sản lượng khai thác thấp do khô hạn, nhưng các nhà máy thủy điện còn lại đều khai thác đạt hiệu quả cao về công suất và sản lượng trên 60 tỷ kWh, góp phần giảm được lượng điện sản xuất từ các nguồn điện có giá thành cao, trong đó sản lượng điện phát bằng dầu chỉ huy động bằng 38% kế hoạch.
Các nhà máy nhiệt điện than vận hành ổn định hơn năm 2013, không có sự cố lớn, tổng sản lượng vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh. Các nhà máy tuabin khí đã huy động tối đa từ đầu năm và tổng sản lượng đạt xấp xỉ kế hoạch năm, tuy nhiên nguồn khi PM3 vận hành không ổn định hay xảy ra sự cố, làm ảnh hưởng đến huy động các tổ máy tuabin khí Cà Mau.
Cũng trong năm 2014, có một số yếu tố mới, xuất hiện trong năm và có tác động ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn.
Cụ thể, giá than cho sản xuất điện từ 1/1/2014 và 22/7/2014, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường từ 1/4/2014; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% từ 1/2/2014; bổ sung phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy IPP dưới 30MW, các yếu tố này làm gia tăng chi phí sản xuất điện và mua điện hàng nghìn tỷ đồng và đều chưa được tính vào trong giá bán điện hiện hành.
Video đang HOT
Cuối năm công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt khoảng 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,2%.
Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cũng đánh giá, mức lãi 300 tỷ đồng của Tập đoàn trong năm 2014 là “quá ít”.
Báo cáo tại Hội nghị với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại diện EVN – ông Dương Quang Thành đề xuất, “Bộ quan tâm bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015 như tăng giá khí, giá than cho sản xuất điênh, thuế tài nguyên, chi phí trng rừng, chi phí trả tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện theo Luật đất đai mới”.
Ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN cho biết thêm, theo yêu cầu của Chính phủ, đến 2015 EVN phải cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ, cân bằng tài chính. EVN đã công bố lỗ 12.000 tỷ năm 2010-2011; lỗ chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ. Số dư còn lại chỉ còn hơn 8.800 tỷ về lỗ tỷ giá, toàn bộ lỗ kinh doanh đã được bù hết.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự kiến cuối tháng này, Chính phủ sẽ họp về hai nôi dung quan trọng: với giá dầu xuống thấp, Việt Nam sẽ khai thác, tiêu thụ dầu thô như thế nào; vấn đề thứ hai là về chi phí giá điện
Tính đến nay, giá điện đã không tăng trong 16 tháng. Theo biểu giá điện hiện hành áp dụng kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Bích Diệp
Theo Dantri
Năm 2015: Giá điện sẽ chỉ tăng một lần?
"Nếu thời tiết thuận lợi, giá dầu giữ ở mức thấp và ổn định thì năm 2015 giá điện sẽ chỉ được điều chỉnh tăng lên một lần". Nguồn tin riêng của Dân Việt cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây đã chính thức khẳng định: Bộ Công Thương vẫn chưa có bất cứ phương án nào về tăng giá điện được quyết định đến thời điểm này. Giá bán lẻ điện bình quân vẫn theo mức điều chỉnh từ ngày 1.8.2013 là 1.509 đồng/KWh.
Đến thời điểm này, giá bán lẻ điện bình quân vẫn theo mức điều chỉnh từ ngày 1.8.2013 là 1.509 đồng/KWh.
Vì sao vẫn phải tăng giá điện?
Như vậy có thể khẳng định chắc chắn, năm 2014, giá điện không tăng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người tiêu dùng quan tâm là vậy năm 2015, giá điện sẽ được điều chỉnh như thế nào, có tăng hay không?
Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, một người rất am hiểu về hoạt động của EVN cho biết, năm 2014 và cả năm 2015, dự kiến sản xuất kinh doanh của EVN sẽ vẫn có lãi. Tuy nhiên, theo ông Ngãi, giá điện vẫn sẽ phải tăng lên.
Ông Ngãi khẳng định: Việc EVN đề xuất tăng giá điện là hoàn toàn phù hợp chứ "không đến nỗi quá vô lý". Với mức đề xuất tăng giá điện lên 9,5%, nếu được chấp thuận, EVN dự kiến sẽ thu về thêm khoảng 7.000 tỷ đồng. Số tiền này là dùng để bù đắp một phần lỗ tỷ giá hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2013, phí tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, chi phí lưới điện nông thôn và áp lực đầu tư thêm các dự án điện.
Năm nay, giá than bán cho điện đã tăng thêm từ 4-10% khiến ngành điện đội chi phí thêm khoảng 1.500-1.800 tỷ đồng. Theo ông Trần Viết Ngãi, hằng năm vốn đầu tư của EVN vào các dự án nhiệt điện, điện nông thôn cũng lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Với giá điện thấp như hiện nay thì ngành điện sẽ không có đủ vốn và khó huy động đủ vốn để đối ứng cho các dự án điện đã đang và sẽ đầu tư xây dựng, chưa kể thu hút đầu tư từ bên ngoài vào ngành điện.
Từ 1.1.2015, giá khí ngoài bao tiêu bán cho điện cũng sẽ tăng lên khiến cho giá thành điện nói chung của EVN tăng thêm từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, còn tính theo kWh sẽ làm giá thành điện ước tăng thêm 20-46 đồng/kWh so với giá bình quân hiện hành.
Một lý do nữa là việc phải tăng giá truyền tải điện hiện tại ở mức 86,4 đồng/kWh, đang chỉ chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân. Để đảm bảo cho truyền tải điện có lãi tối thiểu và có vốn để đầu tư thì mức giá điện truyền tải cần phải nâng lên từ 10-12%, tác động vào giá thành sản xuất điện...
Chỉ với bấy nhiêu lý do đã đủ để EVN điều chỉnh tăng giá điện trong năm tới, dù tập đoàn này kinh doanh vẫn có lãi, theo ông Ngãi ít nhất cũng vài trăm tỉ đồng.
Sẽ chỉ còn là thời điểm...
Vấn đề còn phải cân nhắc hiện nay là giá điện sẽ được điều chỉnh vào thời điểm nào cho hợp lý và mức điều chỉnh như thế nào để tránh những tác động không tốt tới nền kinh tế và sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.
Một nguồn tin khác của Dân Việt cho biết, đề xuất xin giá điện của EVN có thể có nhiều cơ hội được chấp thuận trong quý II.2015, vì đây là thời điểm Vinacomin (Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam) dự tính tăng giá than bán cho các đơn vị sản xuất điện thêm khoản 10-12%. Theo đó EVN chắc chắn sẽ xin tăng giá điện. Mức đề xuất có phải theo phương án cũ là tăng 9,5% hay không đã không được tiết lộ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thực tế, EVN hoàn toàn có thể dựa vào hai quyết định của Thủ tướng để điều chỉnh giá điện. Cụ thể, với Quyết định 2165 ngày 11.11.2013, Thủ tướng cho phép tới năm 2015, giá điện bình quân được kịch trần 1.835 đồng/kWh, tăng 21,6% so với hiện nay. Nếu tăng 9,5% thì giá mới sẽ thấp hơn khoảng 11,06% so với trần khung giá điện bình quân là 1.835 đồng/kWh giai đoạn 2013-2015, được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có nghĩa EVN vẫn còn dư địa để giá điện tăng thêm khoảng 10% nữa vào năm 2015.
Cùng đó, với Quyết định 69 ngày 19.11.2013, Thủ tướng cũng cho phép EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi tới 7% (thay vì 5% như trước đây). Ông Phong cho rằng những năm qua, EVN đã lãi lớn nên rất cần có động thái chia sẻ phần lãi với người tiêu dùng, với hoạt động đầu tư, nhất là trong bối cảnh ngành điện đang có nhiều lợi thế về chi phí đầu vào giảm như hiện nay. Về ngắn hạn nếu cứ phải tăng giá điện thì đề xuất tăng 5% trở xuống có lẽ sẽ dễ được xã hội, người dân chấp thuận hơn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Điện lực Việt Nam (EVN) 21.12 đã yêu cầu EVN phải bán điện theo cơ chế thị trường nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Đảm bảo kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thị trường bán buôn điện từ năm 2015, thị trường bán lẻ điện từ năm 2021).
Mức giá điện nếu được điều chỉnh tăng 9,5%, theo ông Ngãi, sẽ tương đương khoảng 8 cent (Mỹ)/kWh và có thể chấp nhận được, bởi giá điện hiện nay của Việt Nam mới chỉ khoảng 7 cent/kWh, thấp hơn giá thế giới 2-3 cent/kWh. Được biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực VII được xây dựng trước đây đã xác định, giới hạn về giá điện là 9 cent/kWh nhưng giá điện hiện nay, quy đổi ra đồng USD đã là 7,3 cent/kWh. Do vậy, nếu cứ tăng giá thì giá điện của EVN sẽ sớm vượt quá giới hạn lên cao quá mức giá điện trung bình của khu vực.
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Giá điện có thể tăng thêm 9,5% trong tháng này? Đề xuất tăng giá bán điện của EVN được đưa ra giữa bối cảnh vào hồi tháng 7, giá than bán cho điện đã tăng thêm 74.000 đồng/tấn trong khi lạm phát cả nước đã xuống thấp nhất 10 năm. Giá điện dự kiến sẽ tăng sau 16 tháng "bất động" Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có đề xuất tăng...