“85,6% người Trung Quốc cho rằng Quân đội Trung Quốc có thể thực hiện xâm lược Biển Đông”
Hơn 50% cho rằng, dùng vũ lực cướp đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông đều không phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, nhưng tự tin PLA chiến thắng…
Nữ đại tá Trung Quốc Lương Phương-Đại học Trung Quốc vừa ngạo mạn tuyên bố, Quân đội Trung Quốc hiện nay đã và đang đến những khu vực “có thể xảy ra chiến tranh trong tương lai” để tiến hành tập trận, trong khi đó, Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông nhất là các cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo. Trong hình là lực lượng tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận (nguồn mạng sina Trung Quốc, ảnh tư liệu)
Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 15 tháng 3 dẫn trang mạng nguyệt san “Lợi ích quốc gia” Mỹ ngày 13 tháng 3 đưa tin, tuyệt đại đa số người Trung Quốc cho rằng, cho dù Quân đội Mỹ tiến hành can thiệp, Quân đội Trung Quốc cũng có thể cướp lấy đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bài báo cho rằng, một cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành gần đây phát hiện, có 87% người được hỏi cho biết, Quân đội Trung Quốc đã có năng lực đánh chiếm đảo Senkaku hiện đang nằm trong tay Nhật Bản. Khi được hỏi nếu Mỹ can thiệp thì phải chăng vẫn cho rằng Quân đội Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu này hay không, có 74% người được hỏi vẫn khẳng định là có.
Bài báo cho rằng, đối với Biển Đông, những con số này cũng cơ bản tương đồng, khi được hỏi phải chăng cho rằng Quân đội Trung Quốc có thể thông qua thủ đoạn quân sự cướp lấy các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông, 85,6% người được hỏi cho rằng Quân đội Trung Quốc có thể thực hiện mục tiêu (xâm lược) này. Khoảng 73% người được hỏi cho rằng, mặc dù Quân đội Mỹ đại diện cho các nước Đông Nam Á can thiệp thì họ vẫn cho rằng Quân đội Trung Quốc có thể “chiến thắng”.
Đây là một phần kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm nghiên cứu châu Á – Mỹ Andrew Chubb và Perth (Andrew Chubb and the Perth USAsia Centre) công bố. Cuộc thăm dò ý kiến lần này là kết quả được rút ra căn cứ vào thăm dò điện thoại từ 1.413 người ở các khu vực của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trường Sa và Thành Đô.
Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đối kháng tàu ngầm (ảnh tư liệu)
Theo bài báo, mặc dù tin tưởng đối với năng lực của quân đội nước mình, nhưng đa số người được hỏi cho rằng, họ không hy vọng vì đảo tranh chấp mà xảy ra chiến tranh ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông. Khi được hỏi đến sử dụng vũ lực chiếm lấy đảo Senkaku phải chăng phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, có 55,5% người được hỏi cho rằng, điều này hoàn toàn không phù hợp với lợi ích quốc gia.
Video đang HOT
Có 54% người được hỏi cho rằng, dùng vũ lực cướp đảo ở Biển Đông không phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, trong khi đó, có 33,5% người được hỏi không đồng ý điểm này.
So với rất nhiều vấn đề trong nước của Trung Quốc, những người được hỏi cũng không coi tranh chấp đảo là vấn đề đặc biệt quan trọng. Những người phụ trách thăm dò ý kiến yêu cầu những người được hỏi lựa chọn ra 5 vấn đề quan trọng nhất, có khoảng 51% người được hỏi coi “tranh chấp đảo với láng giềng” là một trong những sự lựa chọn của họ.
Bài báo cho rằng, tuyệt đại đa số người cho rằng, Quân đội Trung Quốc có thể “giành chiến thắng” trong các cuộc xung đột với Mỹ ở biển Hoa Đông và Biển Đông, theo bài báo thì điều này càng làm cho việc thúc đẩy thực hiện chính sách cứng rắn của nhà cầm quyền Trung Quốc dễ được ủng hộ hơn. Đồng thời, xét tới hậu quả ở trong nước khi Trung Quốc thất bại trong chiến tranh, điều này hoàn toàn có thể làm cho Trung Quốc giữ thái độ thận trọng hơn khi gây ra một cuộc xung đột.
Một thực tế hiện nay là Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam và ngông cuồng, bất chấp sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế và quyền lợi chính đáng của các nước ven Biển Đông, nhất là chủ quyền và các quyền lợi liên quan của Việt Nam. Trung Quốc đang ra sức phát triển vũ khí trang bị để phục vụ cho tham vọng tham lam vô độ này, nhưng chắc chắn lòng tham này sẽ bị chặn đứng, Trung Quốc sẽ buộc phải hành động theo khuôn khổ của luật pháp quốc tế, phải trả lại đảo đá đã xâm lược của Việt Nam – PV.
Trung Quốc ưu tiên bố trí tàu chiến tiên tiến ở Biển Đông như tàu khu trục tên lửa Type 052C/D, tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 072 và Type 071, tàu đệm khí… Trong hình là tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay và là chiếc Type 052D đầu tiên, mới biên chế cho Hạm đội Nam Hải vào năm 2014, đặt tên là Côn Minh, số hiệu 172.
Theo Giáo Dục
Mỹ vạch tội Trung Quốc trên Biển Đông
Trong vòng ít tháng Trung Quốc đã biến các bãi đá trên Biển Đông thành 6 căn cứ quân sự.
Tờ Washington Post mới đây cho đăng bài viết của các chuyên gia Mỹ vạch trần hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết cũng đề xuất các bước đi cụ thể của Mỹ nhằm đưa Trung Quốc vào "khuôn khổ".
Kể tội Trung Quốc
Hai tác giả Michael J. Green và Mira Rapp Hooper cho rằng chỉ trong vòng ít tháng Trung Quốc đã biến đổi một số bãi và bãi đá nhỏ trên Biển Đông thành 6 căn cứ quân sự. Đây là hành động gây đe dọa cho một số quốc gia trong khu vực như Philippines và Việt Nam.
Động thái này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động gây hấn của Trung Quốc.
Một xác tàu chiến từ Thế chiến II được binh sĩ Philippines sử dụng để đồn trú ở Scarborough
Hồi năm 2012, các lực lượng hàng hải Trung Quốc đã dồn ép Philippines từ bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) cho tới các tiền đồn ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Cũng trong năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố khu vực này nằm dưới quyền quản lý của một khu vực hành chính mới được thành lập.
Tháng 5/2014, các tàu chiến Trung Quốc đã hộ tống đưa giàn khoan dầu khổng lồ "Hải Dương-981 vào vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Việc có các vũng cạn và đường băng tại những căn cứ ở quần đảo Trường Sa sẽ cho phép lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường trực tại Biển Đông mà không cần phải quay về đất liền để tiếp nhiên liệu hay sửa chữa.
Giới chức Trung Quốc từng cảnh báo rằng cuối cùng khu vực này cũng sẽ được thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Theo đó, mọi máy bay muốn đi qua khu vực cần phải đăng ký với chính quyền Bắc Kinh, giống như điều Trung Quốc từng làm trên Biển Hoa Đông.
Trung Quốc cũng đã thận trọng khi lựa chọn xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo mà tiềm lực của các nước xung quanh không đủ mạnh để thách thức Trung Quốc, cũng như không hoàn toàn nằm trong diện bảo vệ trong các hiệp ước an ninh của Mỹ. Điều này trái ngược với tình thế ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh phải tránh đụng độ với Lực lượng Phòng vệ trên biển hùng mạnh của Nhật Bản và tránh châm ngòi cho hành động can thiệp của Mỹ liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ảnh chụp bãi Gaven vào tháng 3/2014 (trái) và tháng 11/2014 (phải) cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc
Đối sách với Trung Quốc
Theo hai chuyên gia Mỹ, nước này không có quyền lợi trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song Washington có lợi ích quan trọng trong việc không để Trung Quốc sử dụng áp lực thay đổi hiện trạng.
Sẽ khó ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp đất đá và xây dựng căn cứ trên các đảo, song có thể thực thi nhiều biện pháp khác nhằm khuyến cáo Bắc Kinh không nên đi theo xu hướng này.
Thứ nhất, Washington nên tiếp tục đầu tư giúp xây dựng năng lực cho các quốc gia trong khu vực như Philippines và Việt Nam - những nước bị đe dọa trực tiếp nhất từ sự tăng cường lực lượng nhanh chóng của Bắc Kinh. Đặc biệt, Mỹ nên ủng hộ nỗ lực của các nước Đông Nam Á cải thiện khả năng giám sát hàng hải. Nhật Bản và các đồng minh khác sẵn sàng giúp đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển giao thiết bị.
Thứ hai, hải quân Mỹ cần phải thể hiện rằng các hành động của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề tự do hàng hải trong khu vực. Việc Mỹ triển khai luân phiên 4 tàu chiến tới Singapore sẽ giúp ích cho điều này, song những tàu này và các tàu chiến khác thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cũng nên tăng cường hoạt động diễn tập với các đối tác trong khu vực. Bắc Kinh cũng nên hiểu rằng mọi tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông là "không thể chấp nhận được".
Thứ ba, Washington cần ủng hộ các biện pháp ngoại giao và pháp lý của các nước Đông Nam Á nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mỹ lâu nay vẫn khuyến khích việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song Bắc Kinh dường như muốn trì hoãn tiến trình đàm phán.
Trong bối cảnh đó, Washington nên tăng cường ủng hộ các nỗ lực giải quyết tranh cãi bằng luật pháp quốc tế. Philippines đang kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra tòa án quốc tế và Mỹ nên cung cấp những thông tin chi tiết cho thấy Trung Quốc đang thay đổi nguyên trạng quần đảo Trường Sa.
Mục tiêu chính sách của Mỹ không nhằm đánh bại Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao ở châu Á mà là nhằm đưa Bắc Kinh đi theo một con đường ngoại giao trách nhiệm hơn. Mặc dù Washington đã có những bước đi nhỏ theo hướng này song dường như vẫn đang cân nhắc xem hiện tại đã là thời điểm thật sự thích hợp cho một mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh hay không?
Việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường lực lượng ở Biển Đông sẽ khiến vấn đề này trở nên rõ ràng hơn. Nếu không có một sự phản ứng mạnh mẽ ngay lúc này thì gần như chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc đối đầu nguy hiểm hơn trong tương lai.
Theo Đất Việt
Vì Trung Quốc quá tham vọng, Nhật Bản "để mắt" tới Biển Đông Nhật Bản đang tích cực củng cố vai trò ở Biển Đông trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng khu vực lên cao, sau khi Trung Quốc bao biện về hành động xây đảo. Reuters đưa tin Nhật Bản thiết lập mối quan hệ hợp tác an ninh với Philippines, Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác nhằm đối phó với tham...