8.521 ca mắc sốt nghi sởi, 112 ca tử vong
- Chiều tối ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch sởi. Theo đó, số ca sốt phát ban nghi do sởi đã tăng lên mức 8.521 ca với 3.136 ca dương tính với sởi và 112 ca tử vong.
Trong khi đó, Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam khuyến cáo Bộ Y tế Việt Nam nên đặt dịch sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp và cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình hình.
Vẫn chưa công bố dịch!
Trước diễn biến dịch sởi, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xuất cấp 12 máy thở chức năng cao thuộc nguồn dự trữ quốc gia để trang bị cho 3 bệnh viện (Nhi T.Ư, Thanh Nhàn, Đống Đa) phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, đồng thời bổ sung kinh phí hơn 80 tỷ đồng cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo quy định việc công bố dịch thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, dựa trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương.
Theo ông Phu, hiện nay các địa phương thấy dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có hai tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.
Tuy nhiên, hiện nay, các cụm từ mà Bộ Y tế hay dùng để giải thích về việc công bố dịch như: “trong tầm kiểm soát”, “số mắc vượt quá mức dự tính bình thường”, “vượt quá khả năng đáp ứng”, … được hiểu và định lượng tương đối như thế nào nhằm đánh giá chính xác tình hình và mức độ dịch bệnh?
Video đang HOT
Chỉ biết rằng trên thực tế, hiện các bệnh viện đang quá tải khủng khiếp, còn cán bộ y tế kiệt sức vì sởi, dịch cũng đã lan tràn rộng rãi ra cộng đồng, cả nước đã có 61 tỉnh thành có sởi với 2 điểm nóng nhất là Hà Nội và TP HCM.
Diễn biến bệnh sởi ngày 17/4:
Hiện BV Nhi TƯ đang điều trị cho 257 ca sởi (trên tổng số 1.358 bệnh nhân từ đầu vụ dịch đến nay). Từ sáng tới chiều 17/4 có 38 bệnh nhân nhập viện trong đó có 5 ca nhập viện mới và 33 ca chuyển từ khoa khác sang (do lây chéo trong BV). Số bệnh nhân đang phải thở máy là 20, có 2 bệnh nhân nặng xin về.
Tại BV Bạch Mai có 49 bệnh nhân đang điều trị với 9 bệnh nhân nặng, 4 bệnh nhân phải thở máy. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đang điều trị cho 60 ca sởi với 1 ca nặng. Trong ngày 17/4 đã có 17 ca nhập viện mới.
Bộ Y tế nhận định số mắc và tử vong do sởi sẽ tiếp tục gia tăng.
Về dịch sởi tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội tham mưu cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội về việc quyết định công bố dịch hay không căn cứ vào tiêu chí, điều kiện công bố dịch của địa phương.
“VN nên đặt dịch sởi vào tình huống khẩn cấp”
Theo ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) thế giới tại VN, chỉ cần có 3 ca bệnh thì theo WHO đã có thể công bố thành dịch. Song hiện không có một định nghĩa toàn cầu nào về dịch và điều trên không thể áp dụng chung cho tất cả các nước mà nó sẽ phụ thuộc vào mục đích của từng quốc gia.
Theo đó, khi không thể giải quyết được hoặc cần sự giúp đỡ hoặc số ca mắc quá nhiều khiến ngành y tế không thể kiểm soát được dịch bệnh thì tự quốc gia đó sẽ lựa chọn thời điểm để công bố dịch.
Với tình hình dịch sởi ở Việt Nam, ông Kasai khuyến nghị Bộ Y tế nên đặt tình trạng sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp và cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình hình.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin sởi mới đạt khoảng 50%. Ông Trần Đắc Phu cho rằng việc cần thiết nhất hiện nay là tuyên truyền để người dân cho trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ và thực hiện giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên để giảm số ca mắc sởi cũng như tử vong.
Vụ dịch năm nay ghi nhận nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi. Đây là hiện tượng bất thường. Bộ Y tế cho biết đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư triển khai nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng, virus trên các ca bệnh sởi nhập viện và nền miễn dịch sởi trong cộng đồng. Viện đã tiến hành lấy mẫu máu cuống rốn từ trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản T.Ư. để xét nghiệm tìm kháng thể với sởi để có các thống kê cơ bản về tỉ lệ có miễn dịch từ mẹ truyền.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Vụ BHYT đề xuất với BHXH VN thanh toán BHYT đối với các ca bệnh vượt trần thanh toán và đề xuất chế độ, chính sách bồi dưỡng cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống bệnh sởi.
Cẩm Quyên
Theo_VietNamNet
Thủy đậu tấn công nhiều người Hà Nội
Trung bình một ngày khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội có khoảng 20 bệnh nhân, cả người lớn và trẻ nhỏ, đến khám thủy đậu.
Bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, dịch thủy đậu bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội từ trước Tết nguyên đán đến nay. Trung bình mỗi ngày cả khoa tiếp đón khoảng 20 ca, tương đương với cao điểm của mùa dịch thủy đậu những năm trước. Bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, đa số chưa tiêm vắcxin phòng bệnh.
Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trung bình mỗi tuần cũng có khoảng 10 bé bị thủy đậu đến khám. Đa phần là trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng nên được kê thuốc, tự điều trị ở nhà.
Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ bị biến chứng viêm não - màng não, viêm da... Ảnh: Nam Phương.
Theo các bác sĩ, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, thường bùng phát vào mùa đông xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ 1-9 tuổi, tuy nhiên, mấy năm trở lại đây nhiều nhiều người lớn cũng bị thủy đậu.
Ban đầu, người bệnh thường sốt cao, sau một ngày bắt đầu có biểu hiện điển hình của thủy đậu là phát ban, phỏng nước trên da. Từ khi nốt ban xuất hiện đến khi vỡ là khoảng 2-3 ngày. Nếu điều trị đúng chỉ định và vệ sinh sạch sẽ, không bị biến chứng thì bệnh thủy đậu sẽ khỏi sau 5-7 ngày.
Người mắc thủy đậu nên hạn chế hoạt động ở chỗ đông người. Đồ dùng như quần áo, khăn mặt cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng hay là ủi.
Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân phải nhập viện vì ban mọc quá nhiều hoặc biến chứng viêm da, viêm phổi, viêm não - màng não...
Phương Trang
Theo VNE
Những rắc rối phát sinh khi luật cho phép mang thai hộ Đẻ thuê đội lốt mang thai hộ; đẻ xong không giao con cho người nhờ mang thai; đẻ sinh 2, sinh 3 nhưng người nhờ chỉ nhận... 1 trẻ; đứa con do mang thai hộ bị tật nguyền và người nhờ mang thai từ chối nhận... là một số những rắc rối có thể phát sinh khi luật cho phép mang thai hộ......