80 người sống hòa thuận dưới một mái nhà
Ngôi nhà của gia tộc họ Tan có thể là lớn nhất trên đảo Singapore bởi nó trải rộng trên hơn 2.500 mét vuông và là nơi sinh sống hòa thuận của 5 thế hệ.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà của gia đình họ Tan trông khá đồ sộ và dễ khiến người khác lầm tưởng là một khách sạn hay một khu chung cư.
Chủ nhà là ông Tan Hong Khoon, 59 tuổi, chủ tịch tập đoàn quốc tế Prime. Ngoài một chuỗi 19 siêu thị Prime ở Singapore, tập đoàn này còn điều hành một trang trại chăn nuôi lợn hiện đại, 5 khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và hai trường quốc tế ở Trung Quốc.
Ngôi nhà được xây dựng năm 1990, sau khi cha ông Tan, một nông dân chăn nuôi lợn có 13 người con, qua đời. Tất cả các thành viên đều làm việc trong trang trại gia đình và chung sống cùng nhau cho đến khi công việc chăn nuôi lợn mai một dần giữa những năm 80.
Ngôi nhà rộng hơn 2.500 mét vuông này là nơi chung sống của hơn 80 người thuộc 5 thế hệ nhà họ Tan. Người già nhất trong nhà 86 tuổi, còn bé nhất mới 5 tháng tuổi.
Nhà có 32 phòng ngủ…
… hai nhà tắm và hai nhà vệ sinh ở mỗi tầng. Mỗi phòng đều được đánh số và là nơi sinh sống của một đơn vị gia đình nhỏ.
Theo phân công của ông Tan, mỗi thành viên đảm nhận một công việc khác nhau trong các doanh nghiệp của gia đình, từ kế toán đến thu ngân.
Video đang HOT
Ông Tan Hong Chiew, 62 tuổi, phó chủ tịch Prime và cũng là anh họ của ông Tan Hong Khoon, giải thích nguyên nhân họ xây biệt thự này: “Vì ông bà tổ tiên đã làm việc chăm chỉ nên cả chủ tịch và tôi đều được học đại học rồi trở thành những cử nhân đầu tiên trong gia đình. Chúng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải trả ơn cho cha mẹ và chăm nom họ”.
Trừ việc có thêm 15 thành viên mới thì ngôi nhà có rất ít thay đổi kể từ khi được xây dựng đến nay. Gia đình họ Tan có những quy tắc sống chung với một “ban lãnh đạo” chăm lo nhu cầu của các thành viên và ra các quyết định quan trọng.
Các thành viên vừa kỷ niệm 100 năm gia tộc họ Tan hôm 2/3. Họ ra mắt một cuốn sách kể về gia tộc và công việc kinh doanh của gia đình.
“Mọi người thấy cách chúng tôi sống kỳ lạ nhưng chúng tôi thích như thế. Chúng tôi được dạy phải chăm sóc lẫn nhau. Đó là cách chúng tôi đã lớn lên. Chúng tôi rất vững vàng, công bằng và cởi mở”, ông Hong Chiew, người đứng đầu “ban lãnh đạo gia đình” gồm 4 thành viên nói.
Các nhu cầu thiết yếu của các thành viên trong gia đình luôn được đảm bảo, trong đó có chi phí chăm sóc sức khỏe, học phí cho trẻ em. Những người nghỉ hưu cũng được nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Trong nhà có 10 máy giặt và 6 khu phơi phóng quần áo.
Thế hệ trẻ chăm sóc thế hệ già hơn, đặt hẹn ở bác sĩ cho họ và đưa trẻ con đi học. Những thành viên nhỏ tuổi có thành tích học tập tốt còn được thưởng tiền tại một buổi lễ tổ chức vào tháng 12 hàng năm.
Dù giàu có nhưng lối sống của gia đình họ Tan không phô trương. Điều kiện sống của họ chỉ vừa đủ, nội thất cơ bản. Khoảng 4 người sống trong một phòng gần 18 mét vuông, có tủ lạnh, tivi và điều hòa nhiệt độ.
Ngôi nhà có hai người giúp việc, một người chăm sóc cho người mẹ 86 tuổi của ông Hong Chiew, còn người kia phụ giúp cho một đầu bếp thuê. Bà Ho Mee Yong, 65 tuổi, phụ trách bữa trưa và bữa tối từ thứ hai đến thứ 7. Bữa trưa có khoảng 30 người ăn, còn bữa tối thì gấp đôi. Bữa ăn vào chủ nhật do 8 thành viên trong gia đình cùng nấu.
Tiền ăn của gia đình này có khi lên đến hơn 7.000 USD, còn tiền điện nước là 4.000
Theo VNE
Thực phẩm Fukushima lên bàn ăn sau thảm họa
8 giờ tối, nhà hàng 47 Dining chật kín không còn một chỗ trống. Bên những nồi lẩu nghi ngút khói, mà phần lớn các thành phần trong đó đều tới từ Fukushima, mỗi thực khách đều vui vẻ thưởng thức.
Các thực khách cùng thưởng thức bữa tối ở nhà hàng 47 Dining. Ảnh: The Guardian
Tiếng cười phát ra từ góc trái nhà hàng, nơi một nhóm thanh niên đang vui vẻ tán gẫu về công việc và cuộc sống của họ, trong khi không ngừng khen gợi hương vị thơm ngon đậm đà của các món ăn, từ thịt gà, rau xanh, cho tới đậu phụ và thịt bò.
Với những người qua đường, thật khó để lý giải vẻ phấn khởi lạ thường này, không chỉ bởi áp lực công việc nặng nề ở Nhật Bản, mà còn bởi các món ăn xuất hiện trong 47 Dining lại chính là những thứ mà hầu hết người Nhật đang cố gắng tránh xa trong suốt 20 tháng qua.
Giữa lúc những người tiêu dùng khó tính đang đề cao xuất xứ của thực phẩm sau thảm họa kép động đất sóng thần và hạt nhân hồi tháng ba năm ngoái, thì việc 80% các món ăn trong thực đơn của 47 Dining, từ thịt lợn tới dưa chua và rượu sake, đều xuất xứ từ Fukushima, thực sự là một bước đi táo bạo.
Ngay khi được mở cửa trên một khu phố yên tĩnh ở khu vực Takaido, Tokyo hồi tháng 6 năm ngoái, 47 Dining đã bị dự đoán sẽ sớm sập tiệm, bởi ý đồ kinh doanh táo bạo của ông chủ Kenji Suzuki.
Bất chấp lời ngăn cản của những người xung quanh, Suzuki, 30 tuổi, vẫn quyết tâm sẽ theo đuổi một thực đơn mà phần lớn những thành phần trong đó đều xuất xứ từ Iwaki, quê hương anh, nơi chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 50 km về phía nam.
"Chúng tôi từng dự định sẽ khai trương nhà hàng này vào tháng 4 năm ngoái, thế rồi thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân đã xảy ra và thay đổi mọi thứ", Suzuki nói.
"Tôi từng nghĩ nơi này sẽ không bao giờ được mở cửa", anh nói. "Vài tuần sau thảm họa, không một loại thực phẩm nào có xuất xứ từ Fukushima được xuất hiện ở chợ. Tất cả các chương trình quảng cáo của chúng tôi cũng bị gỡ bỏ."
"Nhưng sau khi nhìn thấy những gì mà cơn sóng thần đã gây ra, tôi chợt hiểu rằng mình cần phải làm gì đó để khắc phục tình hình."
Vậy là, từ một thương vụ kinh doanh đơn giản, Suzuki đã biến ý tưởng mở cửa nhà hàng 47 Dining trở thành một nhiệm vụ quan trọng, nhằm giúp đỡ các ngư dân và nông dân ở Fukushima.
"Thảm họa hạt nhân chính là trở ngại lớn nhất", Szuki nói. "Có lẽ hầu hết mọi người đều tin rằng mọi thứ ở Fukiushima đều bị nhiễm phóng xạ."
Việc kinh doanh của anh bắt đầu gặp rắc rối khi một tháng sau khi nhà hàng được khai trương, một đợt thanh tra của chính phủ cho thấy thịt bò có nguồn gốc từ Fukushima có chứa hàm lượng caesium phóng xạ cao bất thường.
Không chỉ dừng ở đó, niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm Fukushima lại một lần nữa bị đe dọa khi vào tháng 11 năm ngoái, một số mẫu gạo của tỉnh này bị phát hiện chứa lượng caesium vượt quá giới hạn cho phép. Fukushima, nơi từng là biểu tượng cho nền nông nghiệp của Nhật Bản, với những loại thịt bò, trái cây và nông sản tốt nhất đất nước, giờ lại bị dư luận quay lưng với nỗi lo về ô nhiễm phóng xạ.
Giữa lúc khó khăn chồng chất, Suzuki lại phải đối mặt với hàng loạt lời đồn đại vô căn cứ, cho rằng anh đang làm ô nhiễm thành phố Tokyo. Trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều tấm áp phích còn cáo buộc Suzuki đang cố đầu độc thực khách. Doanh số của 47 Dining trong những tuần đầu mở cửa bị sụt giảm nghiêm trọng, bất chấp các nỗ lực cứu vãn tình hình của ông chủ trẻ tuổi.
"Mọi người theo dõi những thông tin trên internet rồi cho rằng không đáng để mạo hiểm sức khỏe cho một nhà hàng như 47 Dining, bất chấp sự thật là chúng tôi không bao giờ đem những thứ chưa qua kiểm tra và được xác nhận an toàn ra phục vụ khách hàng", Suzuki, người đã chuyển tới Tokyo từ 10 năm trước, nói.
Kenji Suzuki, ông chủ của nhà hàng 47 Dining, bên những chai rượu sake có xuất xứ từ Fukushima. Ảnh: The Guardian
Tại 47 Dining, hầu hết các loại thịt và rau đều có xuất xứ từ Fukushima. Về phần hải sản, chi có bạch tuộc và ốc, hai loại thực phẩm đã trải qua kỳ kiểm tra nghiêm ngặt trong mùa hè vừa qua, là được phép xuất hiện ở nhà hàng.
Trên thực tế, ngư dân vẫn chưa được phép đánh bắt hải sản ở các vùng biển ngoài khơi Fukushima. Vài tháng trước, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho thấy, hàm lượng phóng xạ tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn còn rất cao, đồng thời cảnh báo một lượng lớn hải sản ở khu vực này vẫn sẽ bị gắn mác "cấm sử dụng" trong vòng một thập kỷ tới.
Hiện tại, để thay thế, Suzuki đã chọn mua cá từ Miyagi và Iwate, hai tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn sóng thần hôm 11/03, và tỉnh miền bắc Hokkaido.
Tạm quên đi nỗi lo về hải sản, thì người dân Fukushima đã có thể ăn mừng khi biết hàm lượng phóng xạ trong các sản phẩm khác đã giảm không ít. Trong số 105.000 loại lương thực, thực phẩm được kiểm tra từ tháng 4 tới tháng 9 năm nay, thì chỉ khoảng 1.360 mặt hàng, mà một nửa trong số đó có xuất xứ từ Fukushima, vượt quá giới hạn caesium cho phép, theo thống kê của Bộ Sức khỏe.
Nhờ những phản hồi tích cực từ thị trường, nhà hàng của Suzuki dần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, và lượng thực khách tới với nhà hàng bắt đầu tăng dần.
"Tôi tới đây khá thường xuyên, bởi đồ ăn rất ngon", Mika Matsumoto, một khách hàng, nói. "Phóng xạ không phải vấn đề quá quan trọng, bởi tôi biết mọi thứ đều đã được kiểm tra. Thảm họa đã khiến công việc của các nông dân, ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ đang làm hết sức để có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình. Việc tới nơi này sẽ mang đến cho họ những động lực to lớn để tiếp tục cố gắng."
Tuy nhiên, bản thân Suzuki, người gần đây vừa giúp khởi động chương trình sử dụng các nhà hàng để làm trẻ hóa nền kinh tế của Iwaki, cũng thừa nhận, sẽ phải mất một thời gian để khiến tên tuổi Fukushima không còn gắn liền với những thực phẩm bị nhiễm độc phóng xạ.
"Tôi tin nhiều người đã thề sẽ không bao giờ ăn lại những thực phẩm đến từ Fukushima", anh nói. "Nhưng càng lúc lại càng có thêm nhiều khách hàng tới đây. Họ chọn 47 Dining không phải vì xuất xứ của những món ăn, mà bởi họ biết sẽ được phục vụ một bữa tối tuyệt vời."
Theo VNE
Câu lạc bộ bữa tối ở Anh của cô gái gốc Việt Những món ăn Việt Nam luôn là thực đơn chính trong những bữa tiệc tối tại nhà Uyên Lưu ở xứ sương mù. Uyên Lưu đã tổ chức tiệc tối món ăn Việt Nam tại nhà 3 năm nay Uyên Lưu, 35 tuổi, đang điều hành một câu lạc bộ bữa tối Việt Nam tại nhà riêng của mình ở phía Đông London....