80% người Mỹ nói đất nước ‘mất kiểm soát’
80% cử tri Mỹ nói mọi thứ trong nước đã “mất kiểm soát”, trong khi chỉ 15% đưa ý kiến ngược lại, theo một cuộc khảo sát mới.
Khảo sát do NBC News/Wall Street Journal phối hợp thực hiện đặt câu hỏi “Khi nói đến đất nước những ngày này, nhìn chung bạn cảm thấy mọi thứ là..”, có tới 80% người chọn trả lời “ngoài kiểm soát” so với 15% chọn “kiểm soát được”.
Năm cuối trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump vô cùng khó khăn, yêu cầu ông phải giải quyết đại dịch toàn cầu Covid-19 cũng như biểu tình toàn quốc sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Do đó, cuộc khảo sát cũng bao gồm một số chủ đề như tỷ lệ ủng hộ cách Trump giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện tại và sự ưa thích của cử tri đối với Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.
Biểu tình “Mạng sống người da màu quan trọng” trước Nhà Trắng hôm 6/6. Ảnh: Reuters.
Đáng chú ý nhất, khảo sát chỉ ra 46% cử tri tin rằng tình trạng kinh tế hiện tại là “ảm đạm” và 59% cử tri lo ngại hành động của cảnh sát sau cái chết của Floyd, trong khi chỉ 27% lo ngại các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực.
Trump đạt được thành công bất ngờ tuần trước khi số việc làm trong tháng 5 tăng nhanh, trái với nhiều dự đoán trước đó. Tuy nhiên, khảo sát được tiến hành trước khi số liệu việc làm được công bố nên khi được hỏi “sẽ chọn ai nếu bầu cử tổng thống diễn ra hôm nay”, 49% chọn Biden và 42% chọn Trump, phần còn lại không chắc chắn hoặc không chọn.
Khảo sát được tiến hành đối với 1.000 cử tri và sai số khoảng 3,1%.
Cảnh sát rửa chân cho lãnh đạo tôn giáo da màu
Cảnh sát và người dân da trắng cùng rửa chân cho các lãnh đạo tôn giáo da màu ở bang Bắc Carolina, làm xoa dịu căng thẳng về chủng tộc.
Bất chấp nắng nóng, các thành viên của Trung tâm Giáo hội Di sản, do mục sư Faith Wokoma và chồng bà là Soboma dẫn đầu, đã tuần hành ở thành phố Cary, bang Bắc Carolina, hôm 6/6 để phản đối cảnh sát ghì chết người da màu George Floyd và kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc. Mọi người đã dành 8 phút 46 giây mặc niệm để tưởng nhớ khoảng thời gian Floyd bị cảnh sát ghì gối lên gáy dẫn tới tử vong.
Một phần khác của sự kiện này là lễ "rửa chân", trong đó ít nhất 3 sĩ quan cảnh sát và 3 người dân da trắng khác rửa chân cho các mục sư Faith và Soboma Wokoma. Hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng cho thấy các tín đồ cùng nhau cầu nguyện rồi quỳ xuống những chiếc xô và rửa chân cho các mục sư đang ngồi trên ghế.
Cảnh sát và người dân da trắng rửa chân cho hai mục sư da màu ở Cary, bang Bắc Carolina, hôm 6/6. Video: Facebook/Fabiola Doissaint
Rửa chân là một nghi lễ tôn giáo được nhiều giáo phái Kito thực hành dựa trên lời răn dạy của Chúa Jesus rằng các tín đồ nên rửa chân cho người khác để bày tỏ sự khiêm nhường và yêu thương. Theo Kinh thánh, Chúa Jesus cũng từng rửa chân cho các tông đồ.
Video buổi lễ được chia sẻ lên Facebook và thu hút hơn 2.400 lượt xem.
"Một biểu hiện mạnh mẽ của sự hòa giải", một người bình luận.
"Đây là cách sự hàn gắn về chủng tộc bắt đầu", người khác nêu ý kiến.
Faith và Soboma Wokoma cho hay họ được truyền cảm hứng tổ chức cuộc tuần hành như một nơi để các tín đồ có thể tự do thảo luận về những cuộc biểu tình đang diễn ra khắp Mỹ.
"Chúng tôi không muốn phân biệt giáo hội da màu, da trắng hay giáo hội châu Á. Chúng tôi đã quyết định tập hợp cùng các giáo hội khác và rất ngạc nhiên khi cảnh sát nói rằng họ muốn là một phần của cuộc tuần hành. Thị trưởng cũng muốn tham gia", Faith nói.
Lori Bush, ủy viên hội đồng thành phố Cary, mô tả cuộc tuần hành trên là một sự kiện "có tác động mạnh mẽ".
"Chúng tôi đã dừng lại ở nhiều nơi để cầu nguyện, hát ca khúc Amazing Grace, và tất cả chúng tôi cố gắng tham gia dù vẫn giữ giãn cách xã hội. Tôi rất xúc động trước lượng người có mặt, những ngôn từ có sức ảnh hưởng và lời kêu gọi thay đổi", bà nói.
Các cuộc biểu tình tại Mỹ đã kéo dài 12 ngày liên tiếp, thu hút hàng nghìn người tại toàn bộ 50 bang của Mỹ nhưng hiện phần lớn diễn ra ôn hòa. 4 cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd đã bị truy tố.
Anh kêu gọi chấm dứt biểu tình chống phân biệt chủng tộc vì lo ngại lây lan Covid-19 Cùng với Thủ đô London của Anh, nhiều thành phố lớn khác tại châu Âu cũng ghi nhận các cuộc biểu tình tương tự. Bất chấp các lời cảnh báo và kêu gọi từ các chính quyền về việc tránh tụ tập đông người trong thời điểm dịch bệnh, hàng chục nghìn người vẫn xuống đường tại nhiều thành phố lớn tại châu...