80% ngân hàng tại Việt Nam đang ảo hóa máy chủ
Ông Huỳnh Phúc Yêm Quán, Tổng Giám đốc VMware Việt Nam cho biết có tới hơn 80% ngân hàng tại Việt Nam đang sử dụng giải pháp ảo hóa hệ thống máy chủ vì nhìn thấy sự tiết kiệm đầu tư ban đầu rất lớn.
Theo Tổng Giám đốc VMware Việt Nam, ngân hàng đang là đối tượng tích cực triển khai ảo hóa nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các ngân hàng đều tìm cách đưa thêm nhiều dịch vụ mới tới cho khách hàng, mỗi dịch vụ lại gắn với một hoặc một vài ứng dụng. Sự phình to liên tục hệ thống các ứng dụng khiến các ngân hàng cứ khoảng 5 – 10 năm lại phải thay đổi hệ thống core banking một lần. Các ngân hàng đều muốn mở rộng hệ thống CNTT hiện có nhưng với hệ thống vật lý thông thường thì khó có thể mở rộng nếu không chịu chi một khoản kếch xù để trang bị thêm hệ thống thiết bị lưu trữ, máy chủ,… Tuy nhiên, với giải pháp ảo hóa thì việc mở rộng hệ thống có thể diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, miễn là ứng dụng được thiết kế theo hướng cho phép mở rộng.
Đã có ngân hàng chỉ trang bị 12 máy chủ vật lý nhưng vận hành được tới 60 máy chủ ảo với 60 hệ điều hành, ứng dụng khác nhau, gần đây đang dự tính mở rộng khả năng tạo ra tới 160 máy chủ ảo. So với phương thức truyền thống – mỗi máy chủ vật lý chỉ chạy được một ứng dụng, thì rõ ràng với giải pháp ảo hóa, ngân hàng này đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Giải pháp ảo hóa giúp các ngân hàng nhanh chóng triển khai thêm dịch vụ mới cho khách hàng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Không chỉ giảm chi phí đầu tư, vận hành hệ thống, giải pháp ảo hóa còn có thể giúp ngân hàng giảm thiểu rất nhiều thời gian để thiết lập hệ thống CNTT cho 1 chi nhánh mới – chỉ cần 1 ngày thay vì 1 tuần trước đây.
Bên cạnh đối tượng khách hàng là các ngân hàng, VMware đang nỗ lực đưa giải pháp ảo hóa của mình tới các doanh nghiệp, đối tượng được dự đoán sẽ có sự bùng nổ hàng loạt ứng dụng theo xu hướng di động hóa và điện toán đám mây. Với giải pháp của Vmware, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư 10 – 12 server cũng có thể chạy tới 140 – 150 ứng dụng
Hiệu quả của giải pháp VMware đã có minh chứng thực tiễn là tại Dự án Hệ thống thanh toán cước của nhà mạng ở Malaysia, doanh nghiệp viễn thông chỉ đầu tư khoảng 1.000 máy chủ vật lý, cài thêm phần mềm ảo hóa của VMware rồi từ đó có thể ảo hóa ra 10.000 – 15.000 máy để phục vụ hệ thống thanh toán cước, hỗ trợ nhà mạng kết nối dịch vụ với hàng chục ngân hàng, hoặc kết hợp với rất nhiều nhà cung cấp bán lẻ, chuỗi dịch vụ,…
Video đang HOT
Quay lại với thị trường Việt Nam, ông Huỳnh Phúc Yêm Quán lưu ý, ảo hóa máy chủ chỉ là bước đầu tiên trong việc nhanh chóng giải quyết thách thức tăng trưởng hạ tầng phần cứng khi bùng nổ các ứng dụng mới. Các tổ chức, ngân hàng, cơ quan, doanh nghiệp cần làm quen dần với khái niệm trung tâm dữ liệu định nghĩa bằng phần mềm, trong đó hoạt động ảo hóa sẽ được triển khai ở tất cả các mảng như máy chủ, mạng, lưu trữ,…, hướng tới mục tiêu đưa các ứng dụng lên điện toán đám mây để đáp ứng nhu cầu làm việc di động cho người dùng.
Trao đổi với ICTnews, Tổng Giám đốc VMware Việt Nam cho biết VMware đã và đang đưa khái niệm trung tâm dữ liệu định nghĩa bằng phần mềm về các địa phương, hiện nhiều lãnh đạo tỉnh vẫn chưa hiểu khái niệm này. VMware sẵn sàng hỗ trợ các địa phương cài thử phần mềm ảo hóa trong 60 ngày, đưa các ứng dụng lên chạy thử và đánh giá trong khoảng 1 – 2 tháng. Vừa rồi đã có 1 số địa phương như Cà Mau, Kiên Giang chính thức sử dụng giải pháp ảo hóa của VMware. Dự kiến trong năm 2014 sẽ có thêm một số địa phương khác như An Giang, Cần Thơ, một số tỉnh thành phía Bắc… cùng triển khai mô hình ảo hóa sau khi chia sẻ kinh nghiệm của những địa phương đi trước.
Theo ICTnews
Nâng năng lực cạnh tranh nhờ ảo hóa và điện toán đám mây
Theo những xu hướng mới trong năm 2014 mà tập đoàn chuyên về hạ tầng ảo hóa và điện toán đám mây VMware vừa công bố, ảo hóa và điện toán đám mây sẽ là hai nhân tố giúp doanh nghiệp Việt chuyển mình nâng cao năng lực cạnh tranh...
Ông Huỳnh Phúc Yêm Quán, Tổng giám đốc VMware Việt Nam, cho biết: "Ảo hóa và điện toán đám mây sẽ đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng lao động kỹ năng cao để cạnh tranh với các nước trên toàn cầu. Sự tăng tốc ứng dụng điện toán đám mây sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng cùng chất lượng và năng lực sản phẩm của họ, đồng thời còn giúp cho chính phủ gia tăng những lợi ích của các chương trình quốc gia cũng như giáo dục trên toàn bộ đất nước Việt Nam."
Bối cảnh CNTT trong khối doanh nghiệp năm 2013
Có 2 nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực CNTT trong khối doanh nghiệp trong năm nay. Thứ nhất, công nghệ ảo hóa là yếu tố then chốt cho phép các tổ chức đổi mới và phát triển bằng cách tinh giản các hoạt động CNTT để hỗ trợ các mục tiêu và ưu tiên kinh doanh, đồng thời cho phép triển khai các dự án CNTT mang tính chiến lược.
Theo khảo sát IDC Server Economies Index (Chỉ số kinh tế máy chủ của IDC) - được tài trợ bởi VMware, thì ảo hóa đã giúp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tối giản được 98 tỉ đô-la Mỹ từ năm 2013 tới năm 2020 cho việc chi tiêu liên quan đến phần cứng, điện năng, bất động sản và chi phí quản lý. Ảo hóa là một trong những nhân tố có tính đột phá và chuyển đổi mạnh mẽ nhất trong ngành CNTT hiện tại và tất cả những chi phí cắt giảm được nói trên sẽ được dùng để tiến hành các dự án mang tính chiến lược hơn trong lĩnh vực này.
Thứ hai, ngành CNTT đang chuyển mình sang theo hướng tiếp cận "định nghĩa bằng phần mềm" (Software-Defined) trong quản lý các Trung tâm dữ liệu. Trung tâm dữ liệu được định nghĩa bằng phần mềm (Software Defined Datacenter) hiện đang giúp khối CNTT doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ hơn, linh động hơn, cho phép tận dụng tối ưu các dịch vụ điện toán đám mây tư nhân và đám mây công cộng, đồng thời giúp lực lượng lao động trở nên di động hơn (xu thế BYOD).
Những xu hướng nổi bật trong năm 2013
Sự phát triển không ngừng của điện toán đám mây đã là xu hướng nổi bật. Tỉ lệ ứng dụng điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam hiện nay là 39%, và điện toán đám mây được coi là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp nhờ giúp cải thiện hiệu năng kinh doanh.
Thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp đó là hướng các dự án CNTT phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tại Việt Nam, 88% doanh nghiệp cho biết ưu tiên hàng đầu của họ đó là điều chỉnh sao cho phù hợp với kỳ vọng ngày càng tăng từ phía khách hàng và cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng.
Một xu hướng khác tại Việt Nam đó là lực lượng lao động di động sử dụng nhiều thiết bị. Các doanh nghiệp sẽ phải mở rộng nguyên tắc cốt lõi của ảo hóa để tạo ra không gian làm việc ảo cho người dùng cuối làm việc khi di chuyển.
"Có thể gọi đây là xu thế BYOD hoặc doanh nghiệp cho phép ứng dụng tính di động (enterprise-enabled mobility). Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải đưa ra một chiến lược điện toán người dùng cuối phù hợp nhằm mang lại hiệu năng cao hơn cho lực lượng lao động của họ ở bất cứ đâu, tại bất kỳ thời điểm nào và trên bất kỳ thiết bị di động nào - điện thoại di động, điện thoại thông minh, máy tính bảng, phablet hay máy tính xách tay. Công việc hiện nay không nhất thiết phải ở một vị trí cố định và các nhân viên cần một giải pháp an toàn, không rủi ro dưới sự hỗ trợ của CNTT." - ông Quán cho biết thêm.
Viễn cảnh năm 2014
Xu thế ảo hóa, điện toán đám mây và di động người dùng cuối sẽ tiếp tục là những xu thế phát triển mạnh trong năm 2014 đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, theo đó việc ứng dụng và phát triển xu thế này sẽ có khả năng thành công cao hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi cần có sự thay đổi về văn hóa trong tư duy của doanh nghiệp.
Ảo hóa và Trung tâm dữ liệu được định nghĩa bằng phần mềm (SDDC)
Ảo hóa sẽ tiếp tục tăng tốc phát triển trong năm sau khi mà tất cả các lĩnh vực tại thị trường Việt Nam nhận ra những lợi ích của ảo hóa và ứng dụng điện toán đám mây trở nên phổ biến. Các trường đại học, các bộ ngành trong chính phủ và các nhà mạng viễn thông đã ứng dụng điện toán đám mây nhằm đưa ra những dịch vụ mới và để phát triển các chương trình giáo dục. Khảo sát VMware Cloud Index 2013 cho thấy 83% các doanh nghiệp Việt Nam coi đám mây là ưu tiên hàng đầu hoặc có tầm ảnh hưởng lớn tới tổ chức của họ; 67% doanh nghiệp Việt Nam cho biết điện toán đám mây hoặc xu hướng "dưới dạng 1 dịch vụ" (as-a-Service) là thực sự quan trọng/quan trọng đối với tổ chức của họ, đồng thời tác động mạnh tới việc chuyển đổi kinh doanh.
Quản lý các thiết bị di động và Điện toán người dùng cuối
Xu hướng điện toán người dùng cuối trong năm 2013 được kỳ vọng sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm tới do lực lượng lao động tiếp nhận xu thế BYOD ngày càng nhiều hơn. Sự khác biệt của các thiết bị di động trên thị trường và các mô hình điện toán khác nhau đòi hỏi hạ tầng CNTT cần phải được nâng cấp. Những chính sách doanh nghiệp về sử dụng các thiết bị phần cứng mà nhân viên sở hữu cần được xem xét kỹ, cập nhật mới và cởi mở hơn bởi vì chỉ có 32% các doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết họ sở hữu hạ tầng CNTT phù hợp và sẵn sàng cho các chương trình BYOD.
Khi Việt Nam theo đuổi mục tiêu tận dụng điện toán đám mây để xây dựng lực lượng lao động lành nghề và để cạnh tranh trên đấu trường quốc tế thì xu thế ảo hóa và định nghĩa bằng phần mềm (software-defined) sẽ càng ngày trở thành yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí vận hành và quản lý, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho họ hướng tới những đổi mới, sáng tạo trong tương lai.
Theo VNE
Giải pháp FPT hút khách tại sự kiện đám mây lớn nhất Nhật Bản FPT là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam duy nhất tham gia sự kiện Ngày Công nghệ điện toán đám mây 2014 do Tập đoàn Nikkei tổ chức tại Tokyo và Osaka, Nhật Bản trong 2 ngày 26 - 27/2/2014. Giải pháp của FPT đã thu hút 450 khách tham quan. Ngày Công nghệ điện toán đám mây 2014 là sự kiện về...