8 thương hiệu hủ tiếu Nam Vang trứ danh Sài Gòn
Ty Lum, Hiến Lúa hay Hồng Phát…. đều là những thương hiệu hủ tiếu Nam Vang lâu đời và nổi tiếng ở Sài Gòn.
1. Quán Liến Húa
Đây là một trong những thương hiệu hủ tiếu Nam Vang lâu đời và nổi tiếng nhất ở Sài Gòn. Chủ quán của Liến Húa là một người phụ nữ gốc Campuchia, là người trực tiếp chế biến nên chị đã giữ lại gần như nguyên vẹn hương vị như ở quê hương của món ăn này. Có lẽ vì điều đó nên hủ tiếu Nam Vang ở đây được thực khách đánh giá là ngon và đậm đà do nấu theo khẩu vị của người Hoa ở Campuchia. Mỗi bát hủ tiếu có giá khá cao, vào khoảng 80.000 đồng. Bạn có thể ghé đến 381 Võ Văn Tần, quận 3 để thưởng thức món ăn này.
Hủ tiếu Nam Vang là món ăn phổ biến và rất được ưa thích ở Sài Gòn. Ảnh: Huấn Phan.
2. Quán Ty Lum
Cũng giống như quán Liến Húa, thương hiệu Ty Lum cũng có chủ là người gốc Campuchia và có thời gian làm đầu bếp trong Hoàng gia Vương quốc Khmer này. Nhờ những trải nghiệm đó nên khi lập nghiệp ở Việt Nam, ông đã chế biến nên món hủ tiếu Nam Vang thơm ngon rất được thực khách ưa thích. Bạn có thể ghé đến 93 Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5. Mỗi phần hủ tiếu có giá khoảng 50.000 đồng.
3. Quán Hồng Phát
Nếu nói về tuổi đời thì đây có lẽ là quán hủ tiếu Nam Vang lâu nhất ở Sài Gòn. Thưởng thức hủ tiếu ở đây, ngoài các thành phần quen thuộc như: tôm, lòng, tim, gan, trứng cút… thực khách còn bị hấp dẫn bởi hỗn hợp hành phi, tôm khô, thịt bằm, hành lá… vừa thơm vừa rất lạ miệng. Mức giá hủ tiếu ở đây cũng không hề rẻ, vào khoảng 75.000 đồng một bát. Quán có địa chỉ ở 389 Võ Văn Tần, quận 3.
4. Quán Nhân Quán
Mới chỉ xuất hiện ở Sài Gòn vào những năm 90, nhưng thương hiệu hủ tiếu Nam Vang Nhân Quán nhanh chóng được người dân Sài Gòn ưa thích với sự Việt hóa của mình. Trong bát hủ tiếu ở đây, ngoài nguyên liệu truyền thống, bạn còn có thể tìm thấy nhiều nguyên liệu như bông cải trắng, hẹ và ngó sen.. Đặc biệt, ở đây còn có món hủ tiếu khô trộn kèm với nước sốt rất lạ miệng mà lại không ngấy. Địa chỉ: 72 Nguyễn Thượng Hiền, quận 3. Mỗi bát hủ tiếu có giá vào khoảng 55.000 đồng.
5. Quán Quỳnh
Nằm ngay góc đường Nguyễn Trãi (quận 1), hủ tiếu Nam Vang Quỳnh luôn đông nghẹt thực khách từ sáng sớm cho đến chiều tối. Theo nhiều người đánh giá thì phần nước dùng trong món hủ tiếu ở đây vừa trong vừa có vị ngọt thanh tự nhiên của nước hầm xương rất vừa miệng. Bên cạnh đó, món hủ tiếu khô biến tấu của quán cũng rất đậm đà, thơm ngon. Địa chỉ: 197 Nguyễn Trãi, quận 1. Mỗi bát hủ tiếu ở đây có giá vào khoảng 70.000 đồng.
6. Quán Song Nguyên
Đây là quán hủ tiếu được xếp ngang hàng với các thương hiệu Ty Lum, Liến Húa, Hồng Phát. So với các quán ăn trên thì mức giá ở Song Nguyên thấp hơn nhưng chất lượng thì không hề thua kém. Bát hủ tiếu ở đây khá nhiều với phần nhân đầy ắp, sợi hủ tiếu trắng và dai mềm chứ không bở, nước dùng thì trong vắt được nấu theo hương vị người Hoa với vị thơm ngọt đặc trưng. Địa chỉ: 131 Bùi Hữu Nghĩa, quận 5. Mỗi phần hủ tiếu ở đây có giá khoảng 50.000 đồng.
Video đang HOT
7. Quán Campo
Món ăn được thực khách ưa thích nhất khi đến đây là món hủ tiếu Nam Vang được biến tấu thành hủ tiếu khô. Sợi hủ tiếu được chần mềm vừa phải, trộn với ít dầu phi thơm cùng nước sốt rất đặc trưng. Các thành phần như thịt băm viên nhỏ, bắp cải thảo, tỏi phi đều được cho vào trộn chung với nhau. Bát nước dùng kèm được để riêng với các thành phần như tôm tươi, bao tử, lưỡi heo, thịt nạc cùng trứng cút… chỉ chừng đó thôi là đủ để bạn có một món ăn tròn vị, thơm ngon. Địa chỉ: 740 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Mỗi bát hủ tiếu ở đây có mức giá khá thấp, chỉ vào khoảng 35.000 đồng.
8. Quán Ba Hoàng
Với nhiều người sành ăn món này khi ghé ở đây đều cảm nhận được hương vị quen thuộc mang đặc trưng hương vị Campuchia. Có lẽ vì thế mà quán ăn ở đây tuy không phải lâu đời nhưng đã có cho mình một lương khách nhất định. Địa chỉ: 48A Võ Văn Tần, quận 3. Bát hủ tiếu ở đấy có giá vào khoảng 35.000 đồng.
Huấn Phan tổng hợp
Theo Ngôi Sao
Đặc sản Tiền Giang: "Húp hết tô vẫn còn nuối tiếc!"
Đó chính là cảm nhận của phần lớn thực khách khi thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho khi đến với Tiền Giang.
Tiền Giang mảnh đất thuộc miền Trung Nam Bộ, nằm trải dài bên bờ Bắc sông Tiền 120km, từ Đồng Tháp Mười đến biển Đông, vô cùng phì nhiêu, màu mỡ.
Từ thế kỷ 17, người Việt từ vùng Ngũ Quảng với nhiều đợt di dân đã đến khai phá vùng đất hoang vu, biến nơi rừng rậm, đầm lầy, "sấu bơi, cọp chạy" thành những cánh đồng mênh mông, những vườn cây trĩu quả, làm nên nhưng làng xóm trù phú của vùng châu thổ. Ngoài ra, nơi đây còn sản sinh ra những món ăn ngon, đặc trưng cho vùng.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Mỹ Tho - đặc sản Tiền Giang - vừa được công nhận đạt giá trị ẩm thực của châu Á tháng 3/2014. Giải thưởng đã khẳng định chất lượng của món ăn tuyệt vời này. Sự hòa quyện giữa sợi hủ tiếu, thịt, nước lèo đã tạo ra thương hiệu đặc sản của đất Tiền Giang.
Cả 3 thành phần chính của hủ tiếu đều không được "bên trọng bên khinh". Thứ này hay thứ kia không đạt chuẩn sẽ phá hỏng sự cân bằng của món ăn. Sợi hủ tiếu Mỹ Tho phải dai, mềm làm từ bột gạo trứ danh ngay tại đất Gò Cát. Chúng phải thật đúng độ để khi nhúng vào nước sôi sẽ không bị bở nát.
Trong khi đó, nước lèo được chế biến với tuyệt kỹ đặc biệt sao cho đủ ngọt, đủ thanh, đủ thơm, đặc biệt, thoang thoảng mùi mực nướng mới đúng chất. Phần còn lại là thịt, lòng heo, tôm bổ dọc làm bằng nguyên liệu tươi, sạch và không để lại mùi hôi tanh. Bên cạnh đó thịt cua, sườn nhừ, trứng cút càng làm món ăn thêm thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Gắp miếng hủ tiếu hít mùi thơm đặc trưng rồi cho vào miệng là thấy ngay sự khác biệt (Ảnh: Internet)
Tô hủ tiếu Mỹ Tho sóng sánh nước hoặc để khô kèm nước riêng đi cùng đĩa rau sống có tần ô, giá đỗ, hẹ... kết hợp với ớt và chanh đủ sức đốn ngã bất cứ người nào nếm thử. Gắp miếng hủ tiếu hít mùi thơm đặc trưng rồi cho vào miệng là thấy ngay sự khác biệt. Hủ tiếu mềm ngon và rau sống quyện nước dùng đậm đà cho cảm giác như mùi vị thấm vào tận trong từng sợi chứ không chỉ "mon men" bên ngoài. Thịt, lòng heo, tôm... thứ giòn giòn, dai dai, thứ lại ngọt, béo, bùi khiến cho mỗi miếng ăn lại có chút khác biệt làm thực khách húp hết tô mà vẫn còn nuối tiếc.
Hủ tiếu Mỹ Tho ngon nổi tiếng nhưng giá cũng chỉ từ 20.000 đồng, du khách đến đây có thể tha hồ thưởng thức.
Còng gió
Giống loài này nhỏ gần bằng ba khía vốn nổi tiếng Nam Bộ. Tuy nhiên do còng gió nhanh chết nên hay được chế biến ngay tại chỗ và du khách hên lắm mới có dịp thử. Cũng như cua và ba khía, còng gió có thể làm được nhiều món ăn khác nhau như rang muối, rang me..., ngoài ra, người dân cũng thường giã nhuyễn còng nấu canh rau, nấu cháo hoặc nấu bún riêu như cua đồng, món nào cũng hấp dẫn. Còng gió được ưa thích vì vỏ mềm, thịt ngọt và chắc vừa thơm lại có vị mằn mặn của biển.
Còng gió được ưa thích vì vỏ mềm, thịt ngọt và chắc vừa thơm lại có vị mằn mặn của biển (Ảnh: Internet)
Bánh vá (bánh giá)
Ghé qua chợ Giồng thì không thể bỏ qua món bánh vá làm từ những nguyên liệu rất quen thuộc như bột gạo, bột năng, gan heo, giá sống, dầu ăn... Điểm đặc biệt nhất của bánh vá - đặc sản Tiền Giang - là cách làm.
Thay vì chiên bánh như bình thường, nhân bánh gồm giá sống, gan heo, tôm được cho vào vào trong vá trước sau đó mới múc bột thêm vào sao cho ngập các loại nguyên liệu ấy. Tiếp đó, đầu bếp nhúng vá vào trong chảo dầu đang sôi cho bánh dính kết lại rồi từ từ rút vá không ra. Việc còn lại là chờ bánh chín vàng.
Cái béo dầu sẽ được sự thanh mát và giản đơn của rau và bún làm nhẹ đi, kết hợp nước chấm tỏi ớt gia giảm làm bánh vừa đủ độ ngon, dễ ăn mà lâu ngán (Ảnh: Internet)
Vì yêu cầu lúc nào chảo dầu cũng sôi già nên chỉ đứng gần bếp làm bánh là thấy ngay hơi nóng từ lò, từ chảo dầu đang sôi bốc lên rát mặt. Nhưng khi ăn mới ngấm thật bõ công kẻ làm, người chờ. Miếng bánh vá phồng cắn vào nghe giòn rụm tê đầu lưỡi. Cái béo dầu sẽ được sự thanh mát và giản đơn của rau và bún làm nhẹ đi, kết hợp nước chấm tỏi ớt gia giảm làm bánh vừa đủ độ ngon, dễ ăn mà lâu ngán.
Chả nướng chợ Gạo
Chả chợ Gạo làm từ thịt nạc vai heo luộc vừa chín tới, cắt lát mỏng xào với hành tím và tỏi. Sau đó, nguyên liệu này được trộn chung với trứng vịt, tiêu hạt, nước mắm ngon và các gia vị khác vừa ăn. Gọi là chả nướng nhưng tất cả hỗn hợp này lại được cho vào trong nồi gang lót lá chuối rồi bắc lên bếp đun đến khi chả khô mặt, hết dính là được.
Vị ngon riêng này cùng rau sống, rau thơm và mắm chua ngọt tăng vị thật chẳng cách nào quên (Ảnh: Internet)
Chả làm xong cắt thành từng miếng vừa ăn cuộn với bánh tráng, rau thơm, xà lách chấm nước mắm pha chua ngọt là cách ăn đơn giản và ngon nhất. Vị chả thơm mà không ngấy, thịt ngọt đậm đà rất kích thích. Vị ngon riêng này cùng rau sống, rau thơm và mắm chua ngọt tăng vị thật chẳng cách nào quên.
Vú sữa Lò Rèn
Thương hiệu này đã được khẳng định trên thị trường. Vú sữa Lò Rèn - đặc sản Tiền Giang - quả tròn, mỏng vỏ, nhỏ hột, dày ruột nên dù giá có cao hơn một chút thì người mua vẫn có lời. Vú sữa Lò Rèn mua về cứ thế bóp mềm rồi bửa ra thưởng thức là ngon tuyệt cú mèo. Vị loại quả này không ngọt quá mà dìu dịu, thịt mềm lại còn thoảng mùi thơm hấp dẫn. Nếu muốn thử cách ăn khác, bạn có thể gọt vỏ, bỏ hột cho vú sữa vào xay cùng sữa, đường hoặc có thể cả ca cao cho ra sinh tố rất đặc biệt đánh tan nóng mệt nhanh chóng.
Vú sữa Lò Rèn là thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường (Ảnh: Internet)
Sam
Không nên chối từ sam ở Gò Công Đông nếu có dịp chơi Tiền Giang khoảng từ tháng 10 cho tới tháng 2 âm lịch. Sam cái đang có trứng làm món nướng là tuyệt nhất. Sam được làm sạch, cứ thế đặt ngửa trên bếp than nướng cho đến khi vỏ đổi màu, mùi thơm bốc lên là sẵn sàng cho buổi nhậu.
Trứng sam béo thơm, bổ dưỡng, vàng ươm, nóng hổi thường ăn cùng bưởi chua tách múi, củ cải thái nhỏ ngâm giấm, rau thơm, đậu phộng rang, hành phi, nước mắm chanh tỏi ớt... Cái béo ngon của trứng sam kết hợp với cái béo bùi đậu phộng, béo thơm hành tạo ra một mùi vị không diễn tả được bằng lời. Trong khi đó, bưởi chua, củ cải ngâm làm cho món ăn đa chiều hơn, nhất là khi có chút mắm pha như sợi dây hòa hợp các thành phần chính phụ.
ái béo ngon của trứng sam kết hợp với cái béo bùi đậu phộng, béo thơm hành tạo ra một mùi vị không diễn tả được bằng lời (Ảnh: Internet)
Giải quyết xong phần trứng, thực khách còn có thể tiếp tục thử vị thịt sam ở phần sống lưng và sát đuôi. Ngoài ra, sam cũng được nấu canh chua với bạc hà, rau nhút hoặc đậu rồng, rau om... đều rất lạ và ngon.
Nếu có điều kiện đi qua Tiền Giang, bạn hãy ghé chân dừng lại nơi đây. Những món đặc sản của Tiền Giang chẳng những thơm ngon mà còn giản dị, dân dã như chính con người hồn hậu của mảnh đất này.
Tạ Ban
Theo Eva.vn
3 món ngon được lòng người Việt khi đến Campuchia Hủ tiếu, Nom banh chok và Bai sach chrouk là những món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa ẩm thực xứ Chùa Tháp được lòng khách du lịch Việt. Đến thăm Vương quốc Campuchia, ngoài những đền thờ nổi tiếng bạn hãy dành chút thời gian thử qua những món ăn địa phương để có thể hiểu hơn về văn hóa...