8 nhược điểm to tướng khiến “The Vanished” thua kém bản gốc “The Body”
Dẫu thừa hưởng phần kịch bản xuất sắc từ nguyên tác “ The Body”, phiên bản remake “ The Vanished” do Hàn Quốc sản xuất lại gây đôi chút thất vọng bởi nhiều tình tiết chỉnh sửa, thêm thắt còn lắm vụng về.
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
Năm 2012, Oriol Paulo đã khiến làng điện ảnh quốc tế bất ngờ bằng đứa con tinh thần The Body (Xác Chết Bí Ẩn). Sự kết hợp đầy thú vị giữa yếu tố trinh thám giật gân và cái chất tâm linh huyền bí giúp The Body nhanh chóng được nhiều quốc gia mua lại tác quyền sản xuất. Vừa qua, Hàn Quốc cũng quyết định thực hiện phiên bản remake của riêng mình mang tên The Vanished (Xác Chết Trở Về).
Với hy vọng đem tới màu sắc mới mẻ độc đáo, đạo diễn và tổ biên kịch đã mạnh dạn thay đổi, cải biên khá nhiều chi tiết quan trọng trong nguyên tác. Đáng tiếc thay, đa số chúng chẳng hề tạo được hiệu ứng mong muốn, thậm chí còn làm nội dung tác phẩm trở nên lỏng lẻo, thiếu sức thuyết phục, mà đơn cử là 8 lỗ hổng sau.
1. Triệt tiêu nút thắt người bảo vệ
The Body chọn cách mở màn hết sức ấn tượng: một người đàn ông trong trang phục bảo vệ chạy thục mạng giữa đêm khuya. Lúc hối hả băng qua con lộ, ông vô ý bị xe tông bất tỉnh. Thông qua quá trình khám nghiệm hiện trường của cảnh sát, khán giả được biết ông ta đang trực đêm tại viện pháp y. Dữ liệu thu thập từ chiếc camera ngay cổng ra vào tòa nhà cho thấy: có chuyện gì đó bất thường đã xảy ra, khiến người bảo vệ này phải rời khỏi bàn trực để đi kiểm tra và rồi hốt hoảng bỏ chạy khỏi đây. Sau khi kiểm tra khu vực nhà xác, mọi người phát hiện thi thể một người phụ nữ đã không cánh mà bay.
Do người bảo vệ vẫn đang nằm mê man ở bệnh viện, nên tất cả thông tin mà bạn nắm được lúc đó đều đến từ quá trình điều tra của lực lượng cảnh sát. Vì vậy, The Body đã khéo léo tạo nên một nút thắt lớn trong đầu người xem: điều gì đã làm ông ấy khiếp sợ đến vậy? Là hiện tượng siêu nhiên hay bọn trộm xác? Đây chính là một trong những cái bẫy “hư chiêu” mà Oriol Paulo dày công dàn dựng để đánh lạc hướng suy nghĩ nơi khán giả. Và lời khai của người bảo vệ này sẽ đóng vai trò then chốt giúp vén bức màn sự thật.
Còn trong The Vanished, bạn được theo dõi sự việc dưới góc nhìn tay bảo vệ. Nhận thấy hệ thống camera có dấu hiệu trục trặc, cộng thêm nhiều tiếng động lạ phát ra trên lầu, ông đã đi kiểm tra và phát hiện xác một người phụ nữ đang dựa vào tường ngay giữa lối đi. Chưa kịp định thần lại, ông đã bị cái bóng đen bí ẩn đánh ngất từ phía sau. Cảnh mở đầu nhàm chán này đã triệt tiêu hoàn toàn yếu tố tâm linh, bí ẩn vốn tạo nên thành công cho bản gốc năm xưa. Khi bạn đã biết vụ án có bàn tay con người nhúng vào, thì vấn đề còn lại là chỉ việc tìm xem kẻ giấu mặt đó là ai.
2. Người chồng vô dụng hơn bao giờ hết
Trong nguyên tác, giáo sư chuyên ngành hóa học Alex Ulloa là một gã đàn ông tuy sợ vợ nhưng vô cùng nhạy bén. Lúc chứng kiến hàng loạt “hiện tượng” kì lạ nhắm vào mình tại viện pháp y, Alex đã nghi ngờ rằng bà vợ Mayka vẫn chưa chết sau khi uống phải chất kịch độc pha trong ly rượu vang. Bị cảnh sát “trói chân” tại viện pháp y, hắn lập tức gọi điện cho cô bồ nhí Carla đang ở bên ngoài, nhờ cô ta giúp mình thu thập thêm bằng chứng để củng cố cho giả thuyết ấy: đến bệnh viện dò la tình trạng sức khỏe tay bảo vệ, tìm kiếm tung tích tay thám tử mà Mayka đã thuê để theo dõi vấn đề ngoại tình của chồng mình…
Thế nhưng, cái sự cứng đầu, lì lợm đó đã biến mất ở giáo sư Park Alex Ulloa phiên bản Hàn Quốc. Toàn bộ quá trình âm thầm điều tra của tay giáo sư đã bị lược bỏ gần như sạch sẽ. Hắn giờ đây đánh mất sự chủ động, phản kháng cần thiết, chỉ biết ngồi yên một chỗ hứng chịu mấy đòn thẩm vấn phủ đầu của tay thanh tra lẫn chiêu trò quấy phá từ bóng đen bí ẩn.
3. Bà vợ thì như mụ khọm già
Bên cạnh phần nội dung chặt chẽ, cuốn hút, The Body còn gây ấn tượng mạnh nơi khán giả bởi hình tượng quý bà quyền lực Mayka Villaverde. Với tính cách thích bông đùa mọi lúc mọi nơi, Mayka luôn làm cho gã chồng trẻ Alex phải tái xanh mặt do chẳng biết bà đang nói thật hay chỉ muốn trêu ghẹo mình. Nhờ diễn xuất tuyệt vời của nữ tài tử Belen Rueda, nhân vật Mayka luôn toát lên thần thái lạnh lùng lẫn chút gì đó rất ngạo mạn nhưng đầy cuốn hút. Thế nhưng, bạn vẫn có thể cảm nhận được đằng sau thái độ thích nắm thóp, quản lý người chồng là nỗi nom nóp lo sợ người mình yêu sẽ bị ai đó cướp đi mất.
Video đang HOT
Bởi vậy, Mayka cũng chính là cái bẫy chi phối tâm trí người xem trước tính tình có phần khó đoán, vừa đáng sợ nhưng cũng rất đáng thương. Trong khi đó, quý bà Yoon Seol Hee ở The Vanished lại xuất hiện cực kì mờ nhạt qua vài khung hình ngắn ngủi. Các phân cảnh hồi ức của tay giáo sư về vợ mình bị nhóm biên kịch Hàn Quốc cắt gọt không thương tiếc nên giờ đây, Yoon chỉ đơn thuần góp mặt trong câu chuyện như một mụ già giàu có thích quay chồng như quay dế. Chẳng trách sao thằng phi công trẻ muốn giết quách đi cho xong.
4. Cô bồ nhí quá sức hời hợt
Cô tình nhân bé nhỏ Hye Jin cũng chẳng khá khẩm hơn bà vợ Yoon là bao khi suốt ngày chỉ biết ngồi một chỗ ở nhà… bấm điện thoại đúng kiểu bánh bèo vô dụng. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong cú bung twist cuối phim, mối quan hệ được khắc họa sơ sài giữa Hye Jin và giáo sư Park chưa đủ sức để thuyết phục người xem rằng họ thực sự yêu nhau mặn nồng. Đã vậy, việc profile nhân vật này bị thay đổi toàn diện so với nguyên tác (từ con gái ông thanh tra thành… em gái của vợ ông thanh tra) cũng không hề đem lại chút màu sắc mới mẻ nào cho The Vanished.
Nhưng với Carla trong The Body thì khác, cô ta đánh lừa bạn một cách hoàn hảo bằng thái độ nhiệt thành luôn hết lòng vì người mình yêu. Lúc Alex không thể rời khỏi viện pháp y, cô không hề ngại ngùng (giả vờ) đội mưa to gió lớn đến bệnh viện hỏi thăm tình trạng ông bảo vệ, rồi lại trở về nhà cặm cụi tìm kiếm danh bạ công ty thám tử mà Alex nghi ngờ Mayka đã thuê. Có cô bạn gái tuyệt vời như vậy thì Alex nào dám nghi ngờ gì nổi.
5. Loại bỏ nhiều tình tiết thuyết phục
Thuộc thể loại trinh thám, tâm lý giật gân, The Body sở hữu khâu kịch bản cực kì chặt chẽ. Nếu người biên kịch đảm nhiệm phần remake không chắc tay, thì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng đủ phá hỏng cả đường dây câu chuyện. Sau khi thưởng thức The Vanished, bạn có tự hỏi rằng tại sao một tay giáo sư trí thức, chân yếu tay mềm như Park lại dám cả gan đột nhập vào viện pháp y vốn được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt 24/24? The Vanished đã quên mất việc giải thích mấu chốt quan trọng này.
The Body thì giải quyết mọi việc đều rốt ráo tận gốc. Tên hung thủ thực sự đã đột nhập vào nhà Alex, để lại đống tài liệu, bản đồ, sơ đồ mạch điện chi tiết của toàn nhà nhằm đổ tội lên đầu anh. Khi cảnh sát bắt đầu khám xét nhà Alex, họ nhanh chóng tìm thấy tất cả. Ngoài ra, chi tiết Carla mời nước Alex lúc hắn vừa ghé thăm cô đã giải thích cách thức Alex bị trúng độc, còn The Vanished thì cảnh ấy chẳng thấy đâu, mãi tới tận cuối phim mới có vài giây tường thuật ngắn gọn làm khán giả té ngửa: hóa ra giáo sư Park có uống nước tại nhà Hye Jin.
6. Động cơ trả thù thiếu sức thuyết phục
Mặc dù động cơ của tay thanh tra Jaime (The Body) lẫn thám tử Woo (The Vanished) đều nhằm báo thù cho cái chết oan ức của vợ mình, nhưng ở The Body, hành trình truy lùng danh tính kẻ thủ ác diễn ra hợp lí hơn rất nhiều. Tuy cùng ngồi trên xe với mẹ mình, nhưng Carla hoàn toàn bình an vô sự sau tai nạn đó. Nhờ nhìn thấy chiếc xe tông họ có gắn móc khóa của một khách sạn nổi tiếng, Carla đã giúp bố mình, thanh tra Jaime xác định đó chính là cặp vợ chồng Alex, Mayka. Dẫu vậy, để đảm bảo mình không làm hại người vô tội, Carla tiếp cận Alex và dùng mỹ nhân kế để khiến anh thừa nhận tội ác năm xưa. Lúc mọi sự đã rõ mười mươi, Carla và bố mới quyết định lên kế hoạch trả thù khủng khiếp.
The Vanished thì biến tấu lại đường dây theo cách không thể tin nổi, Hye Jin và chị mình bị một chiếc xa lạ tông phải lúc đang đi bộ trên đoạn đường vắng. Hye Jin nhờ văng xuống bụi cỏ ven đường nên chỉ bị mất trí nhớ chứ không chết. Tuy nhiên, cô cứ một mực khẳng định với anh vợ mình, thám tử Woo rằng chiếc xe đó có dán logo công ty dược phẩm do hai vợ chồng Park, Yoon điều hành. Không cần điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng gì thêm, Woo lập tức tin lời cô em… bị mất trí và chờ đợi thời cơ ra tay. May mắn là họ “hại chết” đúng người.
7. Dựng phim vụng về, cài cắm lỏng lẻo
Đối với một tác phẩm điện ảnh, cách kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh thể hiện đẳng cấp của người biên kịch lẫn đạo diễn. Xét về mặt này, The Body bỏ xa The Vanished. Lấy một ví dụ nhỏ sau đây: trong The Body, sau khi chứng kiến người bảo vệ bị xe đâm phải, bộ phim lập tức chuyển cảnh giới thiệu nhân vật Jaime. Không cần sử dụng lời thoại, chỉ với cú máy lưa nhẹ từ tấm phù hiệu tới bức hình đặt trên bàn, bạn dễ dàng đoán được ông ấy là một cảnh sát đã có vợ và một cô con gái. Đây cũng là chi tiết cài cắm rất tinh tế giúp cho quá trình gỡ nút thắt khúc cuối trở nên thuyết phục hơn rất nhiều.
Ngược lại, sau phút mở màn gây thất vọng nhẹ, The Vanished đưa khán giả đến cuộc tám chuyện phiếm vớ vẩn của nhóm cảnh sát đang điều tra hiện trường vụ đột nhập. Với những miếng hài chọc cười nhạt nhẽo, bạn sẽ “mường tượng” được chân dung tay thám tử Woo dưới góc nhìn từ đám đàn em cấp dưới, một mô típ nhàm chán thường thấy trong các series truyền hình hay sitcom. Và tới tận gần giữa bộ phim, bạn mới được biết tên nát rượu này từng lập gia đình…
8. Một số tinh chỉnh chưa hợp lí
Sự thật là rất rất nhiều chi tiết được thêm thắt, chỉnh sửa ở The Vanished khiến tác phẩm càng thêm lê thê, dài dòng, tệ hại hơn bản gốc. Đơn cử như hình tượng lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha hiện lên với tác phong tuy lạnh lùng nhưng rất chuyên nghiệp, dứt khoát, khác hẳn cái tổ điều tra xứ Hàn loi nhoi, nhiều chuyện. Kinh khủng hơn, lúc đang khám nghiệm hiện trường ngoài trời, một tay cảnh sát Hàn Quốc do chịu không nổi nên đã lao vào bụi cây gần đó để giải quyết nỗi buồn, bất chấp điều đó có thể gây ảnh hưởng đến bằng chứng vụ án.
Ngoài ra, tình huống đâm xe trong The Vanished cũng vướng phải lỗ hổng cực lớn. Đó là tại sao hai vợ chồng Park, Yoon không nhận ra cô em gái Hye Jin bị văng xuống vệ đường? Dẫu trên xe chỉ có Park hơi bị say xỉn nên gây lạc mất tay lái, còn quý bà Yoon thì vẫn tỉnh táo, nhận thức bình thường. Thế nên họ mới tò te đem cái xác bà chị xấu số đi thủ tiêu, để mặc con em từ từ bò lên mặt đường rồi sống sót thật phi thường.
The Vanished hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
"Xác Chết Trở Về": Đừng để tên phim đánh lừa bạn!
"Xác Chết Trở Về" là một tựa phim dễ gây nhầm lẫn cho khán giả khi mà ai cũng tưởng nó là một tác phẩm thuộc thể loại kinh dị.
The Vanished là phim điện ảnh Hàn Quốc remake từ phim giật gân trinh thám nổi tiếng của người Tây Ban Nha The Body. Cập bến Việt Nam, tựa Việt của phim là Xác Chết Trở Về. Rõ ràng chính tựa phim Việt hóa này đã gây ra nhiều nhầm lẫn ảnh hưởng đến lựa chọn xem phim của khán giả. Nào hãy cùng làm rõ những hiểu lầm của bạn về tựa phim hay ho này nhé.
1. Xác chết trở về hay xác chết biến mất?
Ở bản gốc Tây Ban Nha, tên phim chỉ gói gọn trong một danh từ The Body (Xác Chết), tập trung hết sự chú ý vào một nhân vật trong phim. Trong bản remake Hàn, nhà làm phim sử dụng tên phim để cung cấp thông tin cho một sự kiện chính xuyên suốt: Xác Chết Biến Mất.
Một cái xác bỗng nhiên biến mất khỏi viện pháp y
Đây hoàn toàn là những cân nhắc thông minh, mỗi cách đặt tên đều có ẩn ý. Tuy vậy, có thể là để hút khán giả mà các hãng phim Việt lại sửa tên phim thành Xác Chết Trở Về, một cụm từ đi quá xa so với tên gốc.
2. Đây là phim kinh dị?
Người vợ đã khuất luôn ám ảnh người chồng trẻ
Không, hoàn toàn không. The Vanished là một tác phẩm thuộc thể loại Thriller và tâm lý phá án (psychological). Phim đề cao các yếu tố khoa học, hình sự, phản ánh cuộc sống của tầng lớp thượng lưu, trí thức xã hội và không cổ xúy cho các hiện tượng tâm linh xuất hiện. Các bạn yếu bóng vía cứ yên tâm mua vé thưởng thức nhé!
3. Phim sẽ dọa bạn rớt tim?
Không hẳn. Có thể The Body từng khiến bạn khiếp đảm với mạch tình tiết choáng ngợp, nhưng The Vanished thì lại có dụng ý khác. Người xứ kimchi thường có xu hướng "Hàn hóa" những kịch bản họ mua về, bằng chứng là có rất nhiều trường đoạn tâm lý khi xem bạn sẽ phải thốt lên: "Đúng là phim Hàn Quốc!".
Phim có những góc quay đẹp đúng kiểu điện ảnh Hàn
Ngược lại, bạn sẽ phải trầm trồ trước sự trau chuốt, bóng bẩy của nhiều phân cảnh, về sự bảnh bao của ngoại hình nhân vật và các yếu tố tâm lý - xã hội nhiều hơn. Cơ hội để bạn thót tim và la hét thất thanh trong rạp gần như là không có.
4. Nội dung án mạng quá dễ đoán?
Phim mở đầu đi thẳng vào một trong những nút thắt chính: Người chồng trẻ chuốc thuốc độc bà vợ già quyền lực. Vì thế khi anh ta nghe báo rằng cái xác ấy biến mất khỏi viện pháp y, ngay trong đêm, anh ta đã chạy đến xác thực để rồi trở thành đối tượng tình nghi số một của cảnh sát.
Đây không phải một kế hoạch giết vợ thông thường
Thực chất, đây chỉ là một trong những tình huống mà phim đặt ra. Bước vào rạp, bạn sẽ có cơ hội trở thành Sherlock Holmes để đặt ra ít nhất 3 tình huống giải án khác. Đó là một trong những trải nghiệm thú vị nhất khi bạn đi xem phim hình sự tâm lý.
5. Gã cảnh sát lười nhác này sẽ sớm giải được án?
Nhân vật của nam diễn viên Kim Sang Kyung trong The Vanished là một thám tử tuổi trung niên, nghiện rượu, ngoại hình luộm thuộm, tính cách cũng xuề xòa, nhưng luôn có những phân tích sắc sảo. Đây là một kiểu nhân vật điển hình đem lại nhiều bất ngờ trong nhiều bộ phim phá án. Anh ta chính là người nắm trong tay tất cả chìa khóa cho bài toán mất xác này. Cuối phim, cú plot twist sẽ khiến bạn há hốc mồm. Thế nên, đừng chỉ mải mê theo dõi gã sát nhân mặc vest bảnh bao mà bỏ quên nhân vật thám tử đầy thú vị này nhé.
Gã thám tử râu ria thường thấy sẽ chỉ ngồi im giải án?
The Vanished (Xác Chết Trở về) hiện đang chiếu ở các rạp trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
"The Vanished": Khi tuyệt phẩm trinh thám Tây Ban Nha được xứ Hàn "bánh bèo hóa" "The Vanished", phiên bản "The Body" dưới góc nhìn mới mẻ từ Hàn Quốc, tuy khiến những khán giả chưa từng xem qua bản gốc cảm thấy thích thú nhưng vẫn chưa đủ sức làm thỏa lòng các fan trinh thám gạo cội. Ra mắt vào năm 2012, The Body (Xác Chết Bí Ẩn) gây tiếng vang lớn nhờ phần nội dung sáng...