8 người phụ nữ săn thần chết
“ Bom mìn là thần chết, nhưng công việc của chúng tôi là đi tìm thần chết ấy.
Rà phá bom, mìn luôn đầy rẫy hiểm nguy
14 năm lăn lộn khắp vùng rừng rú của tỉnh Quảng Trị này, chúng tôi đã phát hiện và phá hủy hàng ngàn quả bom, quả đạn, mìn và các vật liệu chưa nổ” – chị Trần Thị Thảo, 39 tuổi, đội trưởng đội 1 của dự án MAG Quảng Trị (viết tắt của Mines Advisory Group – nhóm cố vấn bom mìn do Vương quốc Anh tài trợ), nói.
Trước khi ra hiện trường thực hiện phóng sự này, quy định bắt buộc chúng tôi phải đăng ký nhóm máu của mình với nhân viên y tế để xử lý cấp cứu nếu xảy ra rủi ro. Trên tấm bảng thông tin ở các điểm rà phá bom mìn luôn nổi bật sơ đồ chuyển thương ngắn nhất đến các bệnh viện.
Công việc được xếp vào hạng nguy hiểm bậc nhất thế giới này tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông, nhưng ở dự án rà phá vật liệu còn sót lại sau chiến tranh MAG Quảng Trị có tám nữ kỹ thuật viên trực tiếp rà tìm bom mìn, vật liệu chưa nổ, gồm các chị Trần Thị Thảo, Trần Thị Lý Vân, Dương Thị Hồng, Trần Thị Hạnh, Hoàng Thị Hải Lý, Trần Thị Lý, Lê Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Bảo Nhi.
Người lớn nhất năm nay 45 tuổi, còn người nhỏ nhất 27 tuổi, toàn bộ các chị đã lập gia đình. Tham gia dự án này từ năm 2000, chị Hoàng Thị Hải Lý (45 tuổi, trú ở thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho biết chị đã lủi bờ lủi bụi khắp miền sơn cước, bản làng của Quảng Trị tìm bom, mìn. Bản thân chị Lý cũng từng sống trên bãi mìn ở chiến trường ác liệt Gio Linh.
Cách đây ít năm, dự án MAG đã rà trong vườn nhà chị Lý hàng trăm quả bom bi, mìn sát thương M14, ngay dưới giường của chị cũng phát hiện sáu quả bom bi.
Theo anh Phạm Nho Lâm – cán bộ dự án MAG Quảng Trị, tham gia công việc rà phá bom mìn có cả nam lẫn nữ, nhưng khi làm việc thì nam và nữ đều bình đẳng.
Tuy nhiên, với công việc này phụ nữ hơn đàn ông ở tính cẩn thận và tỉ mỉ. Các chị đảm đương công việc từ phát cây, rà bom, mìn và đào bới làm lộ thiên các vật liệu nổ.
“Phụ nữ ở đây cũng như đàn ông, những lần làm việc tại vùng biên giới Việt – Lào ở các huyện miền núi phía tây Quảng Trị, chị em gùi máy móc lội suối 3 cây số, chiều mưa rừng nước ngập đến quá bụng cũng phải lội về. Đàn ông nhiều người không dám lại gần bom đạn, còn chị em đội này chẳng ngán loại chi”- anh Tạ Quang Hùng, giám sát hiện trường dự án MAG Quảng Trị, nói.
Video đang HOT
Chị Hoàng Thị Hải Lý – một trong tám kỹ thuật viên nữ của đội rà bom mìn sót lại sau chiến tranh tại Quảng Trị do Vương quốc Anh tài trợ. Các chị bảo đây là nghề săn thần chết! Trong ảnh: chị Lý đang đào một quả bom khổng lồ – Ảnh: Ngọc Hiền
Các chị giúp nhau mang máy dò tín hiệu
Chị Hoàng Thị Hải Lý đào tìm bom bi sau khi máy dò báo tín hiệu
Trước khi rà mìn, các nữ kỹ thuật viên phải kiểm tra tín hiệu âm thanh của máy dò
Hai nữ kỹ thuật viên Trần Thị Hạnh và Trần Thị Lý sử dụng máy dò tín hiệu tìm bom đạn dưới lòng đất thôn Trung Long, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị)
Thận trọng với một quả bom bi vừa được tìm thấy. Loại bom này gây sát thương trong bán kính đến 200m
Sau khi phát loa cảnh giới, các nữ kỹ thuật viên phải núp sau một cây tràm bật gốc ở bán kính 250m để tránh bom gây sát thương
Phút nghỉ ngơi giữa trưa của các chị
Theo Tuổi Trẻ
Việt Nam gặp khó trong việc lập bản đồ định vị bom mìn
Trong năm 2013, Việt Nam có khoảng 60 vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra; so với chỉ 1-2 trường hợp ở nhiều nước châu Âu. Việc lập bản đồ định vị khu vực ô nhiễm bom mìn vẫn còn là vấn đề khó khăn đối với VN.
Các diễn giả tham gia cuộc hội thảo (Ảnh N.Hằng)
Đây là nhận định của ông Guy Rhodes, Giám đốc hoạt động của Trung tâm rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế Geneva khi trả lời câu hỏi của phóng viênDân trí về khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam trong công tác rà phá bom mìn tại cuộc Hội thảo đánh giá giữa kỳ về Dự án quản lý vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (MORE) được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/9.
Ông Guy Rhodes cho rằng, Việt Nam phải mất hơn 300 năm và khoảng 10 tỷ USD để làm sạch hoàn toàn đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn. Trong năm 2013, Việt Nam chứng kiến khoảng 60 vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra, so với con số chỉ ở mức 1-2 trường hợp tại nhiều nước châu Âu. Theo ông, một trong những khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn là lập bản đồ định vị cụ thể từng khu vực ô nhiễm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội thảo, Đại tá Phan Đức Tuấn, Nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Công Binh, cho biết: Việt Nam đã thực hiện hai dự án thiết lập bản đồ về ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc. Dự án thứ nhất từ năm 2004-2008 được triển khai trên sáu tỉnh miền trung và dự án thứ hai vừa kết thúc năm 2013 trên phạm vi toàn quốc, nhưng chưa thực hiện dự án nào về xác định ô nhiễm bom mìn trên biển.
Tuy nhiên, những bản đồ bom mìn đó chỉ là xác định phạm vi ảnh hưởng, tác động của bom mìn vật nổ sau chiến tranh chứ chưa chỉ ra vị trí cụ thể của từng vật nổ còn sót lại nằm ở đâu.
"Việt Nam đang thí điểm các dự án nhằm thu hẹp diện tích bị nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, gồm 3 hợp phần: Điều tra phi kỹ thuật thông qua việc thăm dò ý kiến, trên cơ sở đó sẽ tiến hành khảo sát kỹ thuật để kiểm tra xem phạm vi ảnh hưởng và mở rộng dần ra và sau đó là rà phá bom mìn ở khu vực thực sự ô nhiễm," Đại tá Phan Đức Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, Việt Nam có nguồn dữ liệu thông tin quý giá để giúp định vị vật nổ sót lại sau chiến tranh, nhưng chúng ta đã bỏ qua. Chẳng hạn như trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có những cô gái dũng cảm như La Thị Tám đã đứng đếm bom ở chòi quan sát , nếu chúng ta khai thác được những tư liệu đó sẽ rất hữu ích cho việc xác định vị trí của bom mìn chính xác hơn là dựa vào bản đồ ném bom của Mỹ. Dựa vào bản đồ ném bom của Mỹ, chúng ta chỉ biết được tọa độ ném bom còn quả bom rơi cụ thể ở vị trí nào thì khó có thể biết chính xác được.
Đại tá Phan Đức Tuấn, Nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Công binh trao đổi với phóng viên Dân Trí (Ảnh N.Hằng)
Ngoài khó khăn trong việc lập bản đồ định vị khu vực ô nhiễm bom mìn, vấn đề nguồn lực cũng là một điều đáng bàn trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.
Đại tá Phan Đức Tuấn nhấn mạnh, "Giờ chúng ta đã xây dựng cơ quan điều phối về rà phá bom mìn, máy móc thiết bị được nâng cao, nhưng vấn đề vẫn là nguồn lực. Rà phá bom mìn trên một héc ta đã rất tốn kém, trong khi đó, diện tích bị ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,6 triệu ha thì nguồn lực phải lớn thế nào?".
Vì vậy Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn (Chương trình 504) cần huy động tối đa nguồn lực xã hội để ngăn ngừa giảm thiểu và loại bỏ nguy cơ ảnh hưởng của bom mìn."
Theo ông Nghiêm Đình Thiện, Đại diện Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước gánh chịu hậu qủa nặng nề do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã được tiến hành tích cực ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Hàng nghìn tấn bom đạn đã được xử lý thành công, ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn của người dân ngày càng được cải thiện... Tuy nhiên, diện tích ô nhiễm bom mìn vẫn còn lớn, chủng loại bom mìn vật nổ đa dạng cùng với các điều kiện khác luôn là những thách thức lớn đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
Theo thống kê, gần 40 năm qua, hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng, nặng nề, đã có hơn 42.000 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom mìn và vật nổ. Tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn...
Hội thảo đánh giá giữa kỳ về Dự án quản lý vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (MORE) được Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và Trung tâm quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo tổ chức. Dự án MORE là kết quả của sự hợp tác giữa 15 quốc gia khác nhau thuộc Châu Âu, Châu Á. Chương trình này nghiên cứu sự phát triển của các chính sách, và thực tiễn trong cách thức phản hồi đối với sự hiện diện của vật nổ tại các quốc gia vẫn còn bị ô nhiễm bom đạn từ sau các cuộc xung đột 1945, nhằm hỗ trợ cho người ra quyết định hiện tại và khuyến khích sự thay đổi trong cách thức tiếp cận các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động của ô nhiễm bom đạn tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các xung đột gần đây (như Việt Nam, Lào, Campuchia).
Nam Hằng
Theo Dantri
Phát hiện quả bom hơn 300kg bên bờ ruộng Ông Bùi Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy, Hòa Bình, cho biết, địa phương vừa phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc Quân đội tỉnh Hòa Bình tháo dỡ thành công một quả bom hơn 300kg còn sót lại từ thời chiến tranh. Thông tin ban đầu, vào khoảng 21h30 ngày 21/8, UBND xã Yên Lạc...