8 món ăn vặt nổi tiếng trên đường phố Sài Gòn
Bánh tráng trộn, gỏi khô bò, phá lấu, các loại bánh bông lan, tai yến, tàn ong, bánh bò sữa nướng… đều rất hấp dẫn.
Sài Gòn là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực của khắp mọi miền đất nước. Không nhất thiết phải vào nhà hàng, quán ăn sang trọng mà ngay trên vỉa hè, đường phố bạn vẫn dễ dàng tìm thấy những món ăn ngon nhưng rất bình dị và gần gũi như gỏi khô bò, bánh tráng trộn, khoai lang chiên…
1. Bánh tráng trộn
Nguyên liệu chính là bánh tráng phơi sương, có nguồn gốc từ Trảng Bàng – Tây Ninh. Người bán xắt nhỏ bánh tráng, trộn chung với các nguyên liệu bò khô, tôm khô, trứng cút, xoài, rau răm, sa tế, muối tôm và một ít quất. Nếu khách hàng muốn ăn chua thì có thể cho nhiều quất hoặc nước me. Bánh tráng trộn không nên để lâu vì như vậy bánh sẽ mềm, không ngon.
Bánh tráng sau khi trộn trở nên mềm nhưng vẫn dai. Ăn một miếng cảm nhận được vị ngọt ngọt chua chua, mùi thơm và dai của bò khô, vị bùi của lạc rang, lại thêm trứng cút vừa béo vừa thơm. Người ăn còn cảm nhận được cái ngon độc đáo của bánh tráng trộn nhờ vào một chút ớt cay và rau răm thái nhỏ.
Bánh tráng trộn không những ngon mà còn rất rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên. Mỗi phần có giá từ 6.000 tới 10.000 đồng. Hình ảnh các cô cậu học trò trên tay cầm bịch bánh tráng trộn, vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa là cảnh đã trở nên quen thuộc ở trước các cổng trường.
2. Bánh tai yến
Với những người thích ăn quà vặt ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng biết đến bánh tai yến, nhưng hiện nay hình ảnh gánh hàng rong bán món bánh này đã thưa thớt dần.
Bánh tai yến có nguồn gốc từ miền Tây, theo chân những người dân quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Sở dĩ, bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến. Bánh tai yến có công thức chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa. Dầu ăn cho vào chảo nhỏ, đến khi dầu sôi thì đổ úp từng thìa bột xuống chảo, động tác phải nhanh và dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Khi phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng, bánh có hình chiếc nón úp ngược thì vớt ra, xếp bánh lên khăn giấy cho thấm bớt dầu, rồi bày ra đĩa.
Chiếc bánh tai yến đạt yêu cầu và làm người thưởng thức thấy ngon miệng là khi viền bánh giòn, chính giữa bánh mềm dai. Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Nhưng cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát. Hiện nay, mỗi chiếc bánh tai yến có giá 5.000 đồng.
3. Bánh bông lan
Bánh bông lan là thứ bánh nướng đậm hương vị Tây nhưng cũng bình dị như bao món quà vặt khác. Chỉ là một ca bột pha sẵn, bếp than đỏ hồng, hai cặp vỉ nướng là người bán đã cho ra lò nhưng chiếc bánh còn nóng hổi và thơm ngon.
Người miền Tây khi làm bánh bông lan thì nguyên liệu chính là bơ để bánh có độ béo và mềm, nhưng những người hàng rong ở Sài Gòn lại sử dụng nước cốt dừa để thay cho bơ, vậy mà những chiếc bánh vẫn cứ xốp mềm, ngọt béo và thoang thoảng hương thơm nước cốt dừa.
Những chiếc bánh của các mẹ, các chị luôn làm vừa lòng người thưởng thức. Chiếc bánh bông lan hoàn hảo phải là chiếc bánh xốp mà không khô, không quá ngọt và quá béo, khi cho vào miệng thì cảm giác vừa mềm vừa thơm hương vị của nước cốt dừa.
Khác với những gánh hàng rong khác, không ồn ào, náo nhiệt, bánh bông lan nằm im lìm bên một góc phố, người bán không vội vàng, khoan thai đổ từng vỉ bánh cho dù có rất nhiều khách đứng đợi xung quanh. Với những ai đã trót yêu thích mùi vị ngọt ngào và hương thơm của bánh bông lan, họ vẫn kiên nhẫn đợi chờ từng vỉ bánh một vì họ biết, lò nướng có hạn và để bánh chín thì cần phải có thời gian.
4. Bánh tàn ong
Lang thang qua các con phố Sài Gòn, nhất là ở những quận trung tâm, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những gánh hàng bánh nướng ở một góc phố, hay một vỉa hè nào đấy.
Video đang HOT
Trên đôi quang gánh đó hầu như có đủ các loại bánh nướng vỉa hè, từ bánh bông lan, bánh chuối nướng và bánh tàn ong. Cũng như các loại bánh nướng khác, nguyên liệu chính làm bánh tàn ong là trứng và bột mì và bột năng. Trứng được đánh tan với đường. Khuấy tan thật đều bột mỳ, bột năng vào hỗn hợp trứng đường, thêm một ít nước và để khoảng 15 phút cho bột nở.
Làm bánh tàn ong không khó nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Những chiếc khuôn đổ bánh được làm nóng, sau đó quét dầu đều vào đáy khuôn và nắp trong của khuôn, gấp khuôn lại, hơ nóng và trở đều hai mặt đế khuôn, nắp… cho khuôn nóng thật đều.
Khi khuôn vừa đủ nóng, mở nắp, khuấy đều bột, múc bột vào đế khuôn, vừa đủ cho bột ngập đều phần đế khuôn nhưng không đầy tràn mép khuôn. Tùy độ nóng của lửa, bánh sẽ chín vàng trong khoảng 4-5 phút.
Chỉ là một chiếc bánh nướng bình dân vỉa hè, nhưng chứa đựng trong đó là ký ức tuổi thơ của mỗi người. Cầm chiếc bánh kẹp vừa mới ra lò khi đó còn mềm, chiếc bánh dẻo dai, hương thơm mộc mạc mà béo ngậy, cái mùi hương ấy làm sao quên được!
5. Bánh bò sữa nướng
Bánh bò là một loại bánh có xuất xứ từ phía nam Trung Quốc và trở thành món ăn phổ biến tại Việt Nam. Bánh bò thường có hai loại là bánh bò hấp và bánh bò nướng, với nguyên liệu chính là bột gạo, đường, dừa và men.
Ngoài hai loại bánh bò truyền thống kể trên, còn có thêm một loại bánh mới nữa là bánh bò sữa nướng. Chỉ mới xuất hiện trên đường phố Sài Gòn trong những năm gần đây, bánh bò sữa nướng nhanh chóng trở thành món ăn vặt yêu thích nhất là đối với tuổi teen.
Nguyên liệu chính của bánh là trứng gà, bột năng, đường và dừa. Gọi là bánh bò sữa nướng vì thành phần nước cốt dừa truyền thống được thay bằng sữa tươi. Bánh được làm chín bằng cách cho vào khuôn và thường được nướng trên bếp than.
Từ xa bạn đã có thể nhận ra được mùi thơm của bánh bò sữa nướng đang lan tỏa ra từng góc phố. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa ngồi tán dóc với bạn bè trong công viên, vừa nhâm nhi những chiếc bánh bò sữa nướng bé tí nhưng đầy sức quyến rũ.
Ở Sài Gòn, bánh bò sữa nướng thường được bán ở công viên 30-4, công viên 23-9, trước cổng công viên Tao Đàn, quanh khu vực Thảo Cầm Viên… Mỗi vỉ bánh bò sữa nướng gồm 12 cái nhỏ có giá 5.000 đồng.
6. Khoai lang chiên
Khoai lang chiên giòn, vàng ươm là món ăn vặt hấp dẫn trong mùa đông. Chỉ là món quà quê rẻ tiền, dân dã nhưng khoai lang chiên ngày càng được ưa chuộng, chẳng kém gì khoai tây chiên giòn bởi khoai lang ngọt, bùi, hợp khẩu vị người Việt Nam.
Với một cái lò, một ít củi, chảo dầu, cái mâm, đôi đũa, cái vợt vớt khoai, xô bột lỏng và khoai lang đã được xắt lát như vậy là đủ. Còn gì thích hơn khi xế chiều lại được thưởng thức cái vị ngòn ngọt, bùi bùi của khoai, cái giòn giòn của lớp bột bên ngoài lát khoai… cái cảm giác xuýt xoa nóng hổi vừa thổi vừa ăn.
Khoai lang chiên thường được bày bán ở các góc phố, trước cổng trường, vỉa hè… điều thú vị khi thưởng thức món ăn này là ngồi trên vỉa hè trò chuyện cùng bạn bè vừa quan sát cô bán hàng nhanh tay nhúng khoai vào bột, cho vào chảo dầu chiên rối vớt lên. Khoai lang vừa mới được chiên xong nên còn nóng hôi hổi và dậy mùi thơm. Dừng chân bên gánh khoai lang chiên vỉa hè, khó ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn lan tỏa từ mùi thơm của những lát khoai vừa chín tới.
7. Gỏi khô bò
Gỏi khô bò là một món ăn đơn giản, dễ chế biến. Đi ăn gỏi khô bò cũng chẳng phải đợi lâu. Vừa gọi món đã có ngay một đĩa gỏi khô bò đầy màu sắc mà ngon miệng. Khô bò thường là loại thịt bò qua chế biến và ướp gia vị kỹ càng, không giống như loại khô làm từ thịt bò được đóng gói bán sẵn trong các siêu thị.
Gỏi khô bò phải ăn với đu đủ bào. Đu đủ được bào sợi, ngâm nước muối để khử mủ vào tăng độ giòn. Phía trên được trang trí bởi mấy cọng rau răm thái nhỏ, tăng mùi vị và tạo màu sắc bắt mắt thanh nhã, lại thêm mấy hạt lạc rang vàng giòn rụm.
Gỏi đu đủ khô bò hơn thua nhau ở nước trộn gỏi, hương vị nước trộn mỗi nơi đều có bí quyết riêng. Nước gỏi ngon thường được pha giữa giấm, nước tương và nước ớt. Tùy theo liều lượng pha mà ra hương vị ngon hay dở. Ăn gỏi khô bò không thấy no, rất nhẹ bụng mà lại kích thích vị giác.
Muốn ăn gỏi khô bò ngon có thể đến công viên Lê Văn Tám (đường Võ Thị Sáu). Quán gỏi của ông Năm bán ở đây rất được lòng mọi người. Đặc biệt là ăn gỏi khô bò trong khuôn viên công viên Lê Văn Tám rợp bóng cây sẽ cho bạn một cảm giác rất thư thái và thú vị. Một đĩa gỏi khô bò giá 10.000 đồng đến 15.000 đồng
8. Phá lấu
Với những người sành ăn vặt ở Sài Gòn, không ai có thể bỏ qua món phá lấu lòng bò, một món ăn bình dân nhưng có sức quyến rũ khó cưỡng. Món ăn vỉa hè này có sức hút với đủ các thế hệ, từ cô cậu học trò, đến dân văn phòng và cả người già. Phá lấu phổ biến đến mức bạn có thể bắt gặp hàng phá lấu ở bất cứ khúc dân đông đúc nào hay bất kỳ trường học nào.
Phá lấu là món ăn quen thuộc của người Hoa. Phá lấu được làm bằng bao tử và ruột non, phổi, gan, tim… với cách chế biến rất giản dị là tẩm ướp gia vị mà trong đó ngũ vị hương là chính, sau đó được chiên vàng và luộc lại cho mềm. Nước cốt dừa là nguyên liệu chính của nước phá lấu, làm nên vị ngọt và béo cho nồi nước hầm. Bí quyết của một nồi phá lấu ngon là ở khâu canh lửa và đổ thêm nước cho ruột non có độ mềm vừa ăn. Khi nào thấy nước dùng vừa sắc lại và hơi sệt là có thể dùng được.
Ăn phá lấu thì không dùng đũa hay dĩa, chỉ là một chiếc que bằng tre. Xiên miếng tổ ong (bao tử) đang ngập trong nước phá lấu bốc khói, chấm vào chén nước me chua chua, ngọt ngọt, cay cay, hòa quyện vào nhau thật đậm đà.
Tiêu Phong
Theo NS
'Đã miệng' với ẩm thực Xì tin
Tất cả các món ăn vặt của Sài Gòn như bột chiên, há cảo, gỏi khô bò, bò bía, bánh tráng trộn, cá viên chiên, chè kem... đều được phục vụ từ sáng đến tối, vừa ngon rẻ vửa nhanh đúng gu teen của teen.
Không hiếm những quán bán món ăn chơi ở Sài Gòn, nhưng điểm khác biệt khiến giới trẻ ghé đến Xì tin là vì quán phục vụ từ những món ăn chơi như bò bía, bánh tráng trộn, cá viên chiên, chè kem... đến ăn no như mì xào thập cẩm, nui xào bò, mì quảng, bánh canh... Quán phục vụ ẩm thực ba miền cho mọi đối tượng nhưng chủ yếu vẫn là các bạn trẻ. Quán còn nằm đối diện khu trường học nên càng dễ "lôi kéo" học trò. Vì vậy, giờ nào cũng thấy thực khách ra vào tấp nập.
Từ món ăn vặt
Thực đơn của quán khá phong phú. Ngoài những món không thể thiếu trong danh sách các món ăn vặt của Teen Sài Gòn như bột chiên, há cảo, gỏi khô bò, bò bía, bánh tráng trộn, cá viên chiên... với giá mỗi món chỉ "nhúc nhích" từ 3 -10 nghìn đồng, trọn gói cho một bữa "túy lúy" chỉ khoảng 25 nghìn, quán còn có khá nhiều món lạ, ngon gồm gỏi cuốn chả cá, kem xì tin...
Gỏi cuốn là món phổ biến, hầu như quán ăn vặt nào cũng đều có món này. Phải khéo lắm thực khách mới thấy được tất cả những nguyên liệu bên trong: tôm hồng đỏ, nâu nhạt của miếng thịt, bún trắng tươi và màu xanh của rau. Ở Xì tin có đến 3 vị nhân gỏi cuốn cho bạn lựa chọn: thập cẩm, tôm thịt, chả cá. Riêng với gỏi cuốn chả cá, nhân chỉ được chiên và cuốn sau khi thực khách gọi món để đảm bảo độ nóng hổi của món ăn.
Bạn có thể ăn kèm tương đậu phộng hoặc mắm nêm tỏi ớt tùy thích.
Bạn Lan Hương, sinh viên năm 3, ĐH Ngoại Thương TP. HCM cho biết: "Đây là quán "ruột" của Hương từ hồi là sinh viên năm nhất. Đêm nào phải học bài khuya mình đều ghé qua mua vài món về làm lương khô.
Súp cua sóng sánh, nóng hôi hỏi.
Với muôn vàn sắc màu hòa trộn vui mắt và hương vị thơm ngon khó cưỡng, chè kem Sài Gòn là món "ruột" của nhiều teen. Đó là chưa kể chè Sài Gòn còn "liên minh" với những món "phụ kiện" linh tinh mà teen cực kì thích: chút bùi bùi của mứt chuối, thơm ngọt của mít, nhãn; hòa lẫn vài sợi xanh đỏ của mứt dâu, mứt dừa... hay chút béo bùi của đậu phộng rang rắc đều lên chén chè lạnh mát.
Trong danh mục dày cộm các món chè kem như chè mè đen, đậu đỏ, đậu xanh, bát bửu, sương sa, sương sáo, chè bà ba, chè Thái Lan, chè chuối... thì món kem xì tin là món ngon "độc quyền" được chế biến với công thức đặc biệt. Kem tươi được trộn với hỗn hợp 7up, nhãn, hạt điều, nho... xắt nhỏ tạo nên hương vị thơm tho, ngọt ngào, lạ miệng.
Đến Xì Tin đừng quên thưởng thức món kem Xì Tin nhé!
Đến món ăn no
Mì Quảng được nấu, nêm nếm "đặc vị" miền Trung, từ sợi mì tráng mỏng, bản lớn giòn, dai, ánh vàng; hòa trộn với thịt heo nạc, tôm, thịt vịt, chả cá cùng nước dùng được hầm từ xương heo; chút đậu phộng rang, bánh tráng nướng khi ăn bẻ ra cho vào tô mì... đến nước dùng sền sền, lấp xấp mì của miền Trung, kèm với rau thơm, bắp chuối, cải xanh...
Thiên đường ẩm thực
Chị Tuyền, nhân viên quán cho biết: "Quán mở từ 8h sáng đến 11h tối, phục vụ đủ món từ ăn chơi, đến ăn no, phục vụ cho nhiều đối tượng đặc biệt là các bạn trẻ, giờ đông nhất là tầm tan học và tối".
Điều mà bạn sẽ thích thú hơn cả khi đến đây là cơ hội thưởng thức những món ăn hấp dẫn, độc đáo mà giá siêu rẻ, phục vụ nhanh như điện xẹt chẳng để bạn phải đợi lâu.
Không chỉ là địa chỉ quen thuộc của giới trẻ.
Xì tin quán còn thu hút cả những thực khách nhí.
Ngoài ra, bạn còn có thể thưởng thức các món ăn khác đặc sắc, đậm hương vị ẩm thực xứ Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, cơm hến, hến xúc bánh tráng, bắp bò chấm ruốc Huế...
Đây là một trong những địa chỉ ẩm thực "4teen" quen thuộc của nhiều bạn trẻ Sài Gòn, đặc biệt là khu vực Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp.
Địa chỉ: Số 16, Lê Quang Định P. 14 Quận Bình Thạnh TP. HCM
Huyền Châu
Theo Bưu Điện Việt Nam
8 món ăn vặt nổi danh Sài Gòn Những lúc đói lòng, không khó để ta tìm một quán ven đường, sà vào thưởng thức bột chiên, hoặc há cáo, hay súp cua... 1. Bột chiên Đĩa bột chiên có màu vàng của bột chiên, màu đỏ của lòng đỏ, màu trắng của lòng trắng trứng. Ngoài ra còn được trang trí màu đỏ của tương ớt, màu trắng hồng của...