8 mặt hàng nông sản xuất khẩu cán mốc 1 tỉ USD
Sáng nay 28.12, tại hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2012 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, vượt qua những khó khăn về dịch hại, thiên tai, suy thoái kinh tế… nông dân cả nước, cùng với toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả khả quan.
Theo ông Thắng, nông dân cả nước đã gieo cấy và thu hoạch được 43,7 triệu tấn lúa, nuôi được 4,3 triệu tấn thịt hơi… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và tham gia xuất khẩu, thu ngoại tệ về cho đất nước. Tính chung, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,72%.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức tăng trưởng cao, mặc dù giá hầu hết các mặt hàng đều liên tục giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đạt 27,5 tỉ USD. Có tới 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, trong đó xuất khẩu gạo, cà phê, đồ gỗ đều thu về trên 3 tỉ USD, góp phần giúp nông nghiệp xuất siêu 10,6 tỉ USD.
Vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, nông dân cả nước đã gặt hái nhiều mùa vụ bội thu – Ảnh: Quang Duẩn
Video đang HOT
Ông Thắng cũng cho biết, đời sống người dân ở nông thôn từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%.
Năm 2013, theo ông Thắng, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,5 tỉ USD…
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những thành tựu to lớn mà toàn ngành nông nghiệp và bà con nông dân cả nước đã đạt được trong năm 2012.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi vẫn đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm cho tiêu dùng nội địa – Ảnh: Quang Duẩn
Phó thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp luôn là nòng cốt, là trụ cột của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp cũng cần khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý nhà nước, tư duy sản xuất vẫn còn yếu, chuyển dịch cơ cấu chưa đạt hiệu quả như mong muốn…
Năm 2013, với mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội, Phó thủ tướng yêu cầu, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành, tăng năng suất chất lượng hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh, tiến tới phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững.
Theo Phó thủ tướng, ngành nông nghiệp cần làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt phát triển sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ và cơ sở hạ tầng, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, phát huy vai trò của các hiệp hội trong việc thúc đẩy thu mua, tiêu thụ và định hướng sản xuất nhằm giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo TNO
Kinh tế Việt Nam 2012: Vừa mừng, vừa lo
Sản xuất công nghiệp giảm sút là một trong những nguyên nhân khiến GDP không đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu và kiềm chế lạm phát lại là điểm sáng của nền kinh tế năm 2012. Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24-12.
Sản xuất công nghiệp giảm sút tác động tiêu cực đến nền kinh tế
GDP năm 2012 tăng 5,03%
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm khu vực dịch vụ tăng 6,42% đóng góp 2,7 điểm phần trăm. Ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, GDP tăng 5,03% là thấp hơn so với mục tiêu đề ra. "Mặc dù Quốc hội đã điều chỉnh chỉ tiêu này nhiều lần và "chốt" lại ở mức 6-6,5% so với năm 2011 song đây vẫn là con số rất đáng quý. Mục tiêu cao nhất của năm 2012 là kiềm chế lạm phát đã đạt được. Tăng trưởng GDP năm nay có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước"- ông Thức nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, dư nợ tín dụng thấp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản đã khiến những hy vọng về sự khởi sắc của kinh tế những tháng cuối năm không đạt được. Cách đây hơn 1 tháng, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (Ciem) đã đưa ra dự báo GDP năm nay tăng 5,2%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, biểu hiện khá cụ thể của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp cả năm 2012 tăng chậm. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số này chỉ tăng 4,8% so với năm 2011, thấp hơn mục tiêu đề ra. Trong đó, một số ngành có mức sản xuất tăng thấp hoặc giảm là: May mặc trang phục sản xuất sắt, thép, gang thiết bị điện vải dệt thoi giày dép, dây điện cáp điện hàng may sẵn xi măng... lại là những ngành có tỷ trọng lớn trong GDP.
Bên cạnh đó, đóng góp nhiều điểm phần trăm trong cơ cấu GDP, lĩnh vực dịch vụ cũng giảm sút. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 chỉ tăng 16% so với năm 2011. Nhu cầu mua sắm không tăng khiến hàng tồn kho ngày càng lớn. Tại thời điểm 1-12-2012, tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 76,6% sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8% sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1% may trang phục tăng 41,5% sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,8% sản xuất xi măng tăng 30,6% chế biến và bảo quản thủy sản tăng 28,6%...
CPI thấp hơn mục tiêu
Đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7-8% nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 ước tăng 6,81% so với năm 2011. CPI bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Có thể thấy, CPI năm 2012 tăng 6,81%, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011. Tuy nhiên, đây lại là năm giá có nhiều biến động và bất thường. Cụ thể, CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm, nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 (2,2%), chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế cùng với nhóm giáo dục. Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết Âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và 7).
Về nhóm hàng thì nhóm lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung trong khi năm 2011 đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung. Trong khi đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh, chỉ số giá nhóm giáo dục tuy mức tăng giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao.
Đại diện Vụ Thống kê giá- Tổng cục Thống kê cho rằng, người dân thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hạn chế là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng thấp. Từ năm 2007 đến nay, CPI có quy luật hai năm tăng cao đến một năm tăng thấp. Điều này có nguyên do từ việc do sức mua suy giảm, người bán lẻ không dám tăng giá hàng hóa, dịch vụ để tiêu thụ hàng hóa. Nhưng giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng nên đến lúc nào đó không thể kiềm giữ giá bán, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng vọt, khiến CPI tăng cao liên tiếp. Về CPI năm 2013, vị đại diện này cho biết việc dự báo rất phức tạp. "Theo lộ trình, một số hàng hóa, dịch vụ sẽ tiếp tục điều chỉnh giá như: giá dịch vụ y tế, giá than... Hiện nay mới có 30/63 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá viện phí, còn 33 tỉnh nữa. Thực tế năm 2012, việc điều chỉnh giá nhóm hàng này đã tác động mạnh đến CPI"- vị đại diện cho biết. Tất yếu của việc CPI tăng là đời sống của người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình trở xuống bị ảnh hưởng.
Bên cạnh tín hiệu vui từ kiềm chế được lạm phát, nền kinh tế cũng lần thứ 2 sau 20 năm (kể từ năm 1992) xuất siêu 284 triệu USD (năm 1992 xuất siêu 40 triệu USD). Năm 2012, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, tăng cao hơn so với mục tiêu đề ra đầu năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2012 đã đóng góp 2,93 điểm phần trăm trong tăng trưởng 5,03% GDP của năm nay.
Theo ANTD
Lần đầu xuất siêu nhờ...doanh nghiệp ngoại! Lần đầu tiên, trong 11 tháng, cả nước xuất siêu 484 triệu USD thì thặng dư thương mại ở khối doanh nghiệp FDI đã là 3,26 tỷ USD. Nhập khẩu thiết bị máy móc, phụ tùng tăng thấp trong khi nhập khẩu điện thoại, linh kiện tăng 84,7%, chủ yếu từ Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan,...