8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam
Đi dọc đất nước, ta dễ dàng bắt gặp một món ăn tuy chung tên gọi nhưng khác nhau về cách chế biến và mang đặc trưng rất riêng của mỗi vùng miền: món mắm.
1. Mắm tôm
Mắm tôm là thứ đặc sản đất Bắc, có mùi vị vô cùng đặc trưng. Mắm được làm từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo màu tím thẫm và mùi nồng đặc trưng đến nỗi “mùi mắm tôm” trở thành một từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người yêu thích mắm tôm nhưng cũng có không ít người chỉ ngửi thấy mùi mắm tôm đã “chạy làng”.
Mắm tôm có thể ăn sống là một loại nước chấm, đánh với rượu trắng và cốt chanh để giảm mùi gắt. Mắm cũng có thể dùng với bún, tạo thành món bún đậu mắm tôm ngon nổi tiếng hay gia tăng hương vị cho bún riêu, bún thang. Trong các món nấu, mắm tôm là thức không thể thiếu để pha chế các món giả cầy và rựa mận.
2. Mắm cáy
Nếu ai không chịu được mùi mắm tôm, thì chắc chắn còn phải hoảng hốt hơn nhiều với hương mắm cáy. Mắm cáy được làm từ cáy, một loài cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Mắm cáy có màu nửa xanh nửa nâu, vị nồng hơn mắm tôm rất nhiều. Song nếu vượt qua được mặc cảm ban đầu, không ít người phải công nhận mắm cáy không chỉ ngon và còn rất dễ nghiện. Mắm cáy chấm rau khoai lang là món ăn bình dị quen thuộc của người dân vùng duyên hải Bắc Bộ.
3. Mắm cái
Mắm cái còn được gọi là mắm nêm, là loại được làm từ cá như mắm nước nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Nếu mắm nước lấy mắm từ nước chắt ra ở thân cá và muối thì mắm cái sử dụng cả xác cá. Sau quá trình ướp muối, lên men, cá được trộn một số phụ liệu như thính, thơm, đường…để tạo hương vị đặc trưng.
Mắm cái thường có hai dạng: dạng nguyên con (cá cơm, cá sơn đỏ…) và dạng xay nhuyễn (cá trích, cá nục, cá liệt…). Mắm nêm là loại nước chấm đặc trưng của miền Trung Việt Nam.
Video đang HOT
4. Mắm ruốc
Mắm ruốc được làm từ ruốc – một loại tôm nhỏ nhưng màu sắc và mùi vị khác hoàn toàn mắm tôm. Mắm ruốc có vị tanh vừa phải, thơm nhẹ, không quá mặn, màu đỏ hồng. Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân xứ Huế.
5. Mắm tôm chua
Một loại mắm cũng được chế biến từ tôm, cũng là một món đặc sản đặc biệt tại Huế khác là mắm tôm chua. Mắm được làm từ tôm rảo tươi ủ chua. Khác với mắm tôm mặn có màu nâu và con tôm đã bị giã nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình, hương vị chua ngọt, pha chút vị cay nhẹ của riềng, ớt rất dễ chịu, dễ ăn hơn mắm tôm. Mắm tôm chua dùng chấm các món thịt luộc rất ngon.
6. Mắm rươi
Mắm rươi là món mắm ngon nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, cách chế biến mắm rươi ở một số tỉnh duyên hải miền Bắc lại khác biệt hoàn toàn so với mắm rươi vùng Trà Vinh, đồng bằng sông Cửu Long.
Mắm rươi miền Bắc
Người miền Bắc làm mắm rươi thành dạng đặc với sự phối trộn cả vỏ quýt, gừng, muối rang vàng, rượu nếp và thính gạo. Món ăn từng được thị dân Hà Nội yêu thích đặc biệt một thời. Ngay đến tác giả cuốn “Ẩm thực Hà Nội” – nhà văn Vũ Bằng nhận xét thì “mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và rau cải cúc thì hỏng kiểu”.
Mắm rươi Trà Vinh
Người vùng Trà Vinh thường làm rươi thành nước mắm. Công thức chế biến mắm rươi của cư dân Trà Vinh rất đơn giản, chỉ gồm rươi, muối ăn, nước sạch nhưng cho thành phẩm là loại nước mắm tương đối sánh đặc được các vua chúa triều Nguyễn vô cùng yêu thích. Vì vậy mắm rươi Trà Vinh còn có tên gọi vương giả là nước mắm ngự.
7. Mắm cá miền Tây
Ở miền Tây, bất kỳ loại cá nào cũng có thể làm mắm. Tiêu biểu hơn cả có thể kể tới mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm bò hóc…
Mắm lóc Châu Đốc.
Mắm cá lóc là món mắm tiêu biểu của vùng Châu Đốc, An Giang và là nguyên liệu làm nên món bún cá Châu Đốc nổi tiếng. Nổi lầu mắm đất Cần Thơ lại không thể thiếu món mắm cá linh vàng ươm, thơm lựng. Mắm bò hóc là đặc sản của người Khmer, có mùi rất nồng nhưng lại là gia vị quen thuộc trong hầu hết các món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh…
8. Mắm thái
Mắm thái cũng là một loại mắm đặc sắc ở miền Tây. Đây là món ăn được biến tấu dựa trên món mắm ruột (làm từ ruột cá lóc rất ngon và đắt tiền) bằng cách thái nhỏ thịt mắm cá lóc trộn với dưa đu đủ bào sợi, ướp thêm đường và gia vị. Có nhiều cách thưởng thức mắm thái nhưng ngon nhất là một mâm đầy đủ với bún tươi, rau xanh, thịt luộc, bánh tráng.
Theo Eva
Đến Đà Lạt, nhớ ghé lẩu gà lá é
Khi bóng chiều buông xuống, không khí Đà Lạt se lạnh là lúc thích hợp nhất để thưởng thức món lẩu gà lá é với đủ vị ngọt, thơm, bùi, cay hấp dẫn.
Nhắc tới Đà Lạt nhiều người thường nghĩ tới vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ quanh năm với muôn vàn sắc hoa lộng lẫy. Thế nhưng ở Đà Lạt không chỉ có cảnh đẹp mà ẩm thực nơi đây cũng khá phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Ngoài những món ăn nổi tiếng như bánh tráng nướng, kem bơ hay đồ nướng, lang thang trên những con đường Đà Lạt, bạn sẽ khám phá ra rất nhiều món ăn tuy có phần lạ tai nhưng vô cùng hấp dẫn và khó quên.
Lẩu gà lá é là món mà không phải ai cũng được thưởng thức khi tới Đà Lạt
Tại quán ăn nhỏ chuyên dành cho người dân địa phương có tên Tao Ngộ nằm trên đường 3/2 (cách Hồ Xuân Hương khoảng 2km) có một món ăn nghe khá lạ tai mang tên lẩu gà lá é. Khác với lẩu gà ở miền Bắc hay dùng loại rau ngải cứu nhúng vào nồi nước lẩu để giảm đi vị tanh của thịt gà, ở đây quán sử dụng loại lá é. Lá é cùng họ với húng quế, hương nhu, nếu ăn sống có vị hơi chua chua chát chát nhưng khi nhúng vào nồi nước lẩu rồi vớt ra ăn ngay khi còn tái, bạn sẽ cảm thấy vị bùi, hơi the the và có hương vị hơi giống với lá hương nhu. Theo đông y, lá é là vị thuốc nam chữa các bệnh như cảm mạo, ho do lạnh, kích thích tiêu hóa, đặc biệt chống mỏi mệt, giúp ngủ sâu giấc. Vậy nên nếu bạn đang bị cảm cúm thì món ăn này đúng là "liều thuốc tiên" dành cho bạn.
Lá é có vị bùi, hơi the tạo nên sự khác biệt của lẩu gà Đà Lạt.
Khi bóng chiều buông xuống, không khí Đà Lạt se lạnh là lúc thích hợp nhất để thưởng thức món ăn nóng hổi, thơm ngon này. Một suất lẩu gà lá é giá 200.000 đồng gồm có nửa con gà chặt miếng, 1 đĩa bún sợi to, 1 đĩa nấm sò và không thể thiếu 1 đĩa rau lá é. Nước dùng lẩu pha chế rất đặc biệt với vị thơm, cay nồng của ớt giã nhuyễn. Không những vậy nồi lẩu còn có thêm những miếng măng củ thái hình quân cờ thơm, giòn, lạ miệng. Cũng không rõ chủ quán đã pha chế nồi nước dùng như thế nào mà chỉ biết càng ăn bạn sẽ càng cảm nhận rõ vị ngọt và thơm của nồi lẩu gà. Rau lá é khi nhúng vào nước lẩu bạn không nên để lâu quá sẽ làm rau bị nát, chỉ cần ăn hơi tai tái để cảm nhận rõ vị thơm, bùi của lá é.
Lá é ăn tái sẽ ngon hơn là để chín kỹ.
Gà ở đây là loại gà "chạy bộ" chứ không phải gà công nghiệp, thế nên dù đun lâu miếng thịt vẫn chắc, ngọt chứ không hề bị bở. Măng củ cũng là măng tươi nên rất giòn và không bị chua như măng ngâm trong nước lâu ngày. Thêm nữa, nếu bạn có xin thêm lá é cũng không bị tính tiền.
Thịt gà ngọt và dai chứ không hề bị bở.
Ngoài ra quán còn có món thịt lợn rừng hấp cuốn bánh tráng dẻo cũng khá ngon, nếu có dịp ghé thăm Đà Lạt, bạn đừng nên bỏ qua món ăn này nhé.
Món thịt lợn rừng hấp, mềm, ngọt rất ngon khi cuốn cùng bánh tráng dẻo.
Theo MNMN
6 đặc sản tuyệt ngon của biển Cửa Lò Một trong những điểm thú vị nhất của biển Cửa Lò chính là có quá nhiều món đặc sản ngon lành, hấp dẫn. 1. Mọc cua bể Dừng chân tại xứ Nghệ thân thương, hiển nhiên ai cũng phải ghé qua Cửa Lò để mà thỏa thích vui đùa cùng sóng biển. Du khách chắc chắn không nên bỏ qua cơ hội thưởng...