8 điểm tương đồng giữa “án oan 10 năm” và vụ Hàn Đức Long
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau vụ án oan 10 năm của Nguyễn Thanh Chấn, người ta lại đặt dấu hỏi về số phận của tử tù Hàn Đức Long. Người bị kết tội lên tiếng kêu oan thì có rất nhiều, nhưng công luận cũng không tin tất cả đều là oan khuất.
Có những điểm gì đó tương đồng trong câu chuyện của Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn.
Như PetroTimes đã nêu trong các bài viết trước, Hàn Đức Long bị kết án tử hình với 2 tội danh “Giết người” và “hiếp dâm trẻ em” trong một vụ án xảy ra vào giữa năm 2005. Điều đáng nói là ngay từ lúc đầu, Hàn Đức Long không bị nghi ngờ và cũng không bị bắt giữ về tội này. Long bị bắt giữ trong một vụ án hiếp dâm khác mà chứng cứ buộc tội không rõ ràng, sau đó, Long được tòa án tuyên là không phạm tội trong vụ án đó.
Tuy nhiên, trong thời gian bị giam giữ ở công an Bắc Giang, Long lại bất ngờ nhận tội trong vụ án tày đình hơn “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.
Căn cứ buộc tội của các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang với Hàn Đức Long chủ yếu là dựa vào lời khai của bị cáo, trong khi chứng cứ vụ án rất lỏng lẻo. Cũng vì kiểu kết tội “Trọng cung hơn trọng chứng” (mà trước tòa bị cáo lại phản cung và tố điều tra viên bức cung) nên dư luận lại càng hồ nghi hơn về bản án dành cho tử tù này.
Trên cơ sở những tư liệu do luật sư Ngô Ngọc Trai cung cấp, PetroTimes chỉ ra những nét giống nhau giữa 2 vụ án Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long.
1. Cả hai đều có gia đình ổn định, có vợ và con cái đầy đủ. Đều là những nông dân, ít học hành và ít giao lưu rộng rãi bên ngoài xã hội, hay nói cách khác là “quanh quẩn sau lũy tre làng”. Nhưng sau khi vướng vòng lao lý, họ đều được xây dựng thành hình ảnh xấu, tha hóa… Cả hai đều bị mô tả là đã từng trêu ghẹo phụ nữ ở địa phương, có biểu hiện của hành vi dâm ô hoặc lệch lạc về nhận thức tình dục.
2. Khi gây án, ông Chấn được kết luận điều tra mô tả: Khi Chấn sang giếng nhà anh Minh lấy nước thì nảy ra ý định gạ gẫm giao cấu với chị Hoan. Vụ ông Long thì khi đi lang thang qua nhà cháu Yến thì Long cũng tự nhiên nảy sinh ý định bắt cóc cháu và hãm hiếp.
3. Ông Chấn bị triệu tập lên cơ quan công an sau 15 ngày kể từ ngày xảy ra án mạng, ông Long bị triệu tập lên cơ quan công an sau 4 tháng kể từ ngày xảy ra án mạng.
Sau khi bị giam giữ thì cả hai đều có đơn thú nhận hành vi phạm tội. Cả hai đều được cho viết thư về gia đình và đều thừa nhận hành vi phạm tội trong thư.
Video đang HOT
4. Cả hai vụ đều không có nhân chứng, vật chứng. Vật chứng căn bản nhất của vụ án hiếp dâm thường là dấu vết tinh dịch, lông, tóc, lời khai của nhân chứng… tất cả đều không có.
Căn cứ kết tội dựa chính đều dựa vào lời khai nhận của bị cáo và các cơ quan tố tụng đánh giá là lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu dấu vết thu được ở hiện trường.
5. Cả hai đều được cơ quan điều tra cho “tự vẽ” lại sơ đồ đường đi gây án, cho thực hiện lại thao tác hành vi phạm tội và cả hai đều được cơ quan điều tra mô tả là thực hiện “thuần thục”.
6. Khi ra tòa, cả 2 đều kêu oan và khai báo việc bị bức cung, nhục hình, bị ép buộc phải khai nhận như những gì điều tra viên yêu cầu. Lời của cả hai đều không được Hội đồng xét xử lưu tâm, đánh giá.
7. Vụ ông Chấn và ông Long cùng cơ quan điều tra là Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang.
Điều tra viên vụ ông Chấn và ông Long cùng là Đào Văn Biên và những người khác. Vụ ông Chấn và ông Long cùng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang là ông Đặng Thế Vinh. Cùng Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang là ông Nguyễn Minh Năng.
Cả hai cùng bị giam giữ tại trại giam Kế tỉnh Bắc Giang.
8. Mặc dù gia đình đều nhận được thư từ trại giam thú nhận hành vi phạm tội nhưng đều không tin đó là thật. Gia đình 2 bị cáo đều không từ bỏ và nhiều năm theo đuổi, tìm cách minh oan cho người thân của mình.
Theo H.C.T
Petrotimes
Những dòng tâm sự của đứa con trai út gửi ông Chấn
Trong bức thư viết gửi bố, Nguyễn Thế Anh, con trai út của ông Nguyễn Thanh Chấn đã nói: "Con nghĩ học trên Vĩnh Phúc gần bố thỉnh thoảng lên thăm bố".
Ngày 26/3/2004, khi tòa tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn(thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) tù chung thân vì tội giết người, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã ngất đi. Chuỗi ngày sau đó với gia đình bà là tháng ngày cơ cực và chịu nhiều điều tiếng. Con cái phải bỏ học vì bị bạn bè xa lánh, mẹ ông Chấn đi ăn cỗ cũng bị "phân biệt đối xử", quán tạp hóa vợ ông bán ngày nào cũng vắng người mua... chỉ bởi lý do, ông Chấn đã mang tội giết người.
Nguyễn Thế Anh- con trai út của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Nhưng ông Chấn liên tục kêu oan. 10 năm ông trong tù là 10 năm những người thân của ông, thậm chí cả những người không máu mủ ruột thịt cũng giúp ông mang đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm lại công lý.
Ngày 4/10/2013, ông Nguyễn Thanh Chấn trở về, những giọt nước mắt đoàn viên, hạnh phúc lại rơi. "Ngày đi các con còn bé, nhưng giờ về chúng nó đã lớn cả rồi. Tôi lại có cháu để bế nữa", ông Chấn tâm sự.
Những ngày trong tù, ông Chấn luôn nhận được sự quan tâm từ phía gia đình, thậm chí rất nhiều bức thư chia sẻ của vợ, con. Điều này làm cho nhiều bạn tù "ghen tị". Và một trong những bức thư được ông cất giữ cẩn thận chính là những dòng tâm sự của đứa con trai út Nguyễn Thế Anh, viết gửi bố khi Thế Anh đang là sinh viên Trường cao đẳng công nghiệp Phúc Yên (Vĩnh Phúc):
"Ngày 5/10/2007
Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên
Bố kính nhớ, bố xa nhớ, con nhớ bố lắm!
Đầu thư con chúc bố có một sức khỏe như ngày nào bố ở nhà. Một sức khỏe dồi dào sinh lực để có thể trải qua những năm tháng ở trại giam Vinh Quang, rồi trở về với bà, với con, với gia đình mình bố ạ. Bố không được thất vọng đâu nhé. Nhất là lúc này sự việc của bố sắp được giải quyết.
Ông Nguyễn Thanh Chấn đọc lại bức thư một người bạn tù gửi trước ngày ông được thả tự do.
Ở nhà vẫn bình thường bố ạ. Mẹ con mới mua gạch (3 vạn) để chuẩn bị sang đầu năm xây lại chỗ của bà vì ở đó nguy hiểm, mưa gió dột nước nhiều lắm. Mẹ bảo là vay tiền chú Liên Thành để xây nhà vì nhà mình cũng không có tiền. Cả nhà mình vẫn khỏe mạnh. Trung, Kiên ra viện Nhi Thụy Điển và về hôm 25/8. Chị Thu, anh Thuận vào miền Nam làm ăn. Lương chị 1 triệu/tháng, làm may còn anh Thuận làm công ty mộc, đồ gỗ. Chị cũng hay gọi điện thoại về hỏi thăm tình hình bố. Ở nhà mình thì anh Quyết đi thịt lợn về cho mẹ bán hàng ngày, bà ở quán trông, bán hàng, mẹ thì mang thịt vào làng Nội hoặc qua chỗ bác Hoạt bán. Chị Quyền sáng cho lợn ăn, dắt ngựa ra bãi bóng rồi đi làm chiều tối về, chủ nhật nghỉ. Chị mới mua xe máy dream Việt để đi làm vì xe đỏ trước nát lắm rồi. Xe ấy bây giờ anh Quyết đi thịt lợn.
Còn về phần con thi trượt đại học công nghiệp Thái Nguyên. Con chỉ được 14,5 điểm (thiếu 3 điểm). Sau đó con làm hồ sơ và thi đỗ Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên - Vĩnh Phúc, được 22 điểm. Bạn bè đứa nào cũng bảo thi như thế mà lại học trường này à?
Hôm 5/9 nhà mình làm 5 mâm cỗ mời các cô, các bác, dì, cậu, ông Nghĩa, nội tộc để đưa con lên trường ở Phúc Yên học. Đi học ở đây con chưa hài lòng lắm vì mỗi tháng nhà mình cho con 4 - 5 trăm nghìn để ăn ở, học. Con không ở nhà giúp việc cho gia đình mà lại lấy tiền đi nữa. Con học ngành ô tô, lên đây học con nghĩ vừa học cao đẳng vừa ôn lại thi lại đại học năm sau. Bố thấy thế nào? Bố bảo con nên thi lại hơn hay học cao đẳng hơn? Bố thử cho một lời khuyên bố nhé.
Con đi học bố yên tâm về con. Con cố gắng không phụ lòng gia đình đâu. Nếu học cao đẳng ở đây 3 năm mất tối thiểu chi phí là tầm 18 triệu đấy bố ạ. Con sót ruột lắm. Cũng lớn rồi, không kiếm được tiền lại còn lấy tiền đi nữa.
... Ở nhà mình đang cắt lúa, giống cũ bố ạ. Sang vụ nhà mình lên chỗ bố đó, đường lên bố thì đi qua chỗ con... Trước con đăng kí thi trường cao đẳng này mẹ bảo sao mày đăng kí thi trường này, vừa xa nhà vừa tốn tiền tàu xe. Học Bắc Ninh, Hà Nội có hơn không. Lần đăng kí con nghĩ học trên Vĩnh Phúc gần bố thỉnh thoảng lên thăm bố. Nhưng thăm bố phải có giấy thăm mà giấy đó chỉ có 1 lại ở nhà mà. Mà lên chỗ bố làm gì có chuyến xe ô tô nào. Con học ở đây là tiện đường nhà mình lên bố thôi. Bố đừng lo nghĩ cho con nhiều làm gì nhé...
Mà sự việc của bố sao lâu được giải quyết thế bố nhỉ? Bố ở trên đó có đoàn nào đến điều tra, hỏi thăm không? Ở nhà những hôm con chưa đi học cũng không thấy tin tức gì cả.
Nhưng bố ở trên đấy giữ gìn sức khỏe nhé, con nhớ bố lắm. Quan trọng là bố nghiên cứu học lại những sự việc, tình tiết trước kia đi bố nhé. Như bác Hoạt hôm lên có cả chú Sai, mợ Hồng, anh Khang... ấy. Bác bảo bố lấy giấy bút ghi lại từng tình tiết mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu kiểu như đề cương.
Bố viết hết những gì liên quan đến vụ án mà bố nhớ rồi từ đó đọc lại, sửa chữa cho hoàn chỉnh thì sau này được ra giải oan lần nữa bố mới trả lời mạch lạc, rõ ràng. Có như thế mới thuyết phục được phiên tòa. Bởi ăn nói trôi chảy rất quan trọng, góp phần không nhỏ chút nào trong việc minh oan của bố. Bố nhớ viết kiểu gạch từng ý, tình tiết ra giấy. Chắc cũng phải 10 tờ giấy vì có rất nhiều tình tiết giúp bố minh oan mà".
Theo Trí Thức Trẻ
Kỳ án oan trong lịch sử tố tụng: Còn một "ông Chấn" ở Bình Thuận? Đúng vào thời khắc, Chánh án TAND Tối cao trả lời chất vấn án "oan sai" tại nghị trường Quốc hội (sáng 21.11), hai người đàn ông từ phương Nam đã có mặt ở Hà Nội để kêu oan cho tù nhân Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) - bị kết án tù chung thân về tội giết người. Tình tiết của vụ án...