8 điểm nóng rẫy trong xung đột Trung Quốc- Ấn Độ
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy lên nấc căng thẳng mới khi cả hai bên đều lên tiếng tuyên bố sẵn sàng tăng cường sự hiện diện của quân đội ở vùng tranh chấp.
Đến nay có ít nhất 8 điểm nóng ở khu vực biên giới phía Bắc và phía Đông giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong nhiều năm qua.
Khu vực rừng núi Asaphila
Nơi này có diện tích 100 km2, nằm dọc theo Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại hạ Subansiri. Đây là một trong những khu vực bị Trung Quốc tấn công mạnh vào năm 1962. Năm 2014, quân đội Ấn Độ đã ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực này.
Longju
Đây là vùng thuộc khu vực hạ Subansiri, nằm đối diện với các đồn biên phòng của Trung Quốc ở Migyitun, Tây Tạng. Cuộc đụng độ vũ trang đầu tiên giữa quân đội hai nước xảy ra vào ngày 25.8.1959. Kể từ đó Ấn Độ đã không chiếm lại Longju, thay vào đó thành lập một chốt quân đội tại Maja, cách Longju 10 km về phía Nam.
Thung lũng Namka Chu
Nằm cách Tawang 60 km, đây là khu vực bắt đầu cuộc chiến tranh biên giới Ấn-Trung vào năm 1962.
Sumdorong Chu
Nơi thuộc huyện Tawang, nằm ở phía Đông thung lũng Namka Chu bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng trong cuộc đột kích bất ngờ năm 1986.
Yangste
Khu vực này thuộc huyện Tawang. Sau khi Trung Quốc chiếm đóng Sumdorong Chu, quân đội Ấn Độ đã trả đũa và chiếm Yangste vào nửa cuối năm 1986.
Video đang HOT
Barahoti
Khu vực này ở quận Chamoli thuộc bang Uttarakhand. Đây là khu vực chứng kiến nhiều cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc.
Aksai Chin
Là khu vực tranh chấp lãnh thổ lớn nhất giữa Ấn Độ với Trung Quốc, có diện tích lên tới 38.000 km2. Ấn Độ tuyên bố khu vực này là một phần của Ladakh. Trong khi Trung Quốc tuyên bố khu vực này là của riêng mình kể từ những năm 1950. Năm 1957, Trung Quốc xây dựng đường cao tốc phía Tây kết nối Tân Cương với Tây Tạng và cắt ngang khu vực Aksai Chin. Trung Quốc đã chiếm đóng Aksai Chin từ năm 1962.
Demchok
Là một ngôi làng và căn cứ quân sự ở Leh. Đây là khu vực chứng kiến nhiều hoạt động đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hồi tháng 11 năm ngoái, quân đội hai nước đã ở trong tình trạng đối đầu do xây dựng một kênh thủy lợi ở khu vực. Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra vào năm 2014.
Trung Quốc đã cảnh báo sẽ tăng cường triển khai binh sĩ tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền bằng “mọi giá”.
Ngày 24.7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Ấn Độ “không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng phi thực tế nào về khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh thổ nước này, giữa lúc hai nước đối mặt với mâu thuẫn về biên giới”.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm khẳng định: “Làm rung chuyển một ngọn núi thì dễ nhưng làm rung chuyển Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thì khó”, đồng thời cho biết khả năng bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền Trung Quốc “luôn luôn vững mạnh”.
Ông Ngô Khiêm nhắc lại rằng việc Ấn Độ rút các lực lượng bảo vệ biên giới là một điều kiên tiên quyết để giải quyết tình hình và Bắc Kinh hối thúc mạnh mẽ New Delhi thực hiện các biện pháp thiết thực để “sửa chữa sai lầm”, dừng những hành động khiêu khích và cùng với Trung Quốc phối hợp giữ gìn hòa bình khu vực biên giới.
Về phía Ấn Độ, giới chức cho biết các nhà ngoại giao hai bên đã dàn xếp để dảm bảo mâu thuẫn không leo thang.
Giáo sư quan hệ quốc tế người Ấn Độ, Harsh V. Pant tại trường King’s College bình luận thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc bắt nguồn từ sức mạnh đang lên của Trung Quốc và nhận thức riêng của nước này về lợi ích của họ không chỉ về kinh tế và ngoại giao mà còn cả về quân sự.
Căng thẳng Trung-Ấn khởi sự cách nay hơn một tháng với việc Trung Quốc cho quân lính khởi công xây dựng một con đường trên một cao nguyên đang tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.
Lực lượng Ấn Độ đã tiến vào vùng này để ngăn không cho lính Trung Quốc xây đường, và đã bị Bắc Kinh tố cáo là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đòi New Delhi rút quân ra khỏi khu vực ngay lập tức, nhưng không kết quả. Sau đó, binh sĩ hai nước đã đụng độ gần một thung lũng do Trung Quốc kiểm soát.
Theo các nhà bình luận, căng thẳng mới nhất dường như là lần leo thang nghiêm trọng nhất trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, đa phần các nhà quan sát cho rằng chiến tranh lần hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không bùng phát. Năm 2019, sẽ có bầu cử ở Ấn Độ và nước này sẽ không chấp nhận rủi ro xung đột với một đối thủ mạnh hơn.
Về phần Trung Quốc, nước này cũng không muốn hành động gì gây hại tới hình ảnh mà họ đang xây dựng là một quốc gia lãnh đạo trên trường quốc tế.
Theo Danviet
Cuộc đụng độ Ấn Độ muốn Trung Quốc không bao giờ quên
50 năm trước, giao tranh Trung - Ấn diễn ra tại biên giới và Trung Quốc được cho là bên chịu thiệt hại lớn hơn.
Binh lính Trung Quốc theo dõi Ấn Độ tại Nathu La ngày 3/10/1967. Ảnh: Hulton Archive
Khi truyền thông Trung Quốc đang cảnh báo về một cuộc chiến với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại biên giới, truyền thông Ấn Độ đã nhắc nhở Trung Quốc về cuộc đụng độ 50 năm trước tại Nathu La và Cho La. Theo India Times, xung đột kết thúc với sự thất bại của Bắc Kinh.
Các cuộc đụng độ Nathu La và Cho La (11-14/9/1967 tại Nathu La và ngày 1/10/1967 tại Cho La) là xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới Vương quốc Sikkim, khi đó thuộc bảo hộ của Ấn Độ. (Sikkim hiện là một bang của Ấn Độ.)
Sau thất bại trong chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, quân đội Ấn Độ đã tăng gấp đôi quy mô. 7 sư đoàn lính sơn cước được thiết lập để bảo vệ biên giới phía bắc trước bất cứ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc. Hầu hết đơn vị này không đóng gần biên giới, ngoại trừ tại Thung lũng Chumbi, nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở rất gần nhau. Đặc biệt ở đèo Nathu La tại thung lũng, bên cạnh biên giới Sikkim - Tây Tạng, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở cách nhau khoảng cách 20 - 30 m.
Biên giới ở đây chưa được phân chia rõ ràng. Trung Quốc kiểm soát phần phía bắc của Nathu La, trong khi quân đội Ấn Độ kiểm soát phần phía nam. Từ năm 1963, các cuộc xô xát quy mô nhỏ trong khu vực thường xuyên xảy ra.
Vị trí của Nathu La và Chola. Đồ họa: TopYaps
Ngày 13/8/1967, quân đội Trung Quốc bắt đầu đào hào ở Nathu La. Lính Ấn Độ quan sát thấy một số đường hào lấn sang phía Sikkim và phản ánh điều đó cho chỉ huy Trung Quốc, yêu cầu họ rút về. Binh sĩ Trung Quốc đã lấp hào lại nhưng lắp đặt thêm loa phóng thanh. Quân đội Ấn Độ sau đó dựng hàng rào dây thép gai dọc theo Nathu La để thể hiện đường ranh giới nhưng phía Trung Quốc phản đối điều này.
Ngày 11/9/1967, ẩu đả xảy ra giữa hai bên liên quan đến việc dựng hàng rào dây thép gai bùng nổ thành giao tranh. Cuộc đụng độ kéo dài suốt cả ngày lẫn đêm trong ba ngày tiếp theo với pháo binh, súng cối và súng máy. Ngày 14/9/1967, một lệnh ngừng bắn được đi vào hiệu lực. Do quân đội Ấn Độ kiểm soát những phần nhô cao hơn của con đèo nên họ có thể phá hủy nhiều hầm trú ẩn của Trung Quốc tại Nathu La.
Theo quan điểm của Ấn Độ và phương Tây, cuộc đụng độ này do phía Trung Quốc khơi mào. Trong khi đó, Trung Quốc đổ lỗi cho quân đội Ấn Độ đã kích động vụ đụng độ, cáo buộc rằng phía Ấn Độ nổ súng trước.
Ngày 1/10/1967, một cuộc đụng độ khác diễn ra tại Cho La, con đèo trên biên giới Sikkim - Tây Tạng, cách Nathu La vài km về phía bắc.
Theo Ấn Độ, cuộc đụng độ được khởi xướng bởi quân đội Trung Quốc sau một cuộc ẩu đả giữa hai bên, khi quân đội Trung Quốc thâm nhập vào Sikkim. Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ thâm nhập vào lãnh thổ của mình, khiêu khích binh sĩ Trung Quốc và nổ súng.
Cuộc đối đầu quân sự kéo dài một ngày. Trung Quốc nói rằng họ mất 32 lính còn Ấn Độ mất 65 lính trong vụ Nathu La. Trong cuộc đụng độ ở Chola, 36 lính Ấn Độ thiệt mạng, không rõ số lính Trung Quốc chết.
Trong khi đó, Ấn Độ nói rằng 88 người thiệt mạng và 163 người bị thương ở phía Ấn Độ trong khi 340 người thiệt mạng và 450 người bị thương ở phía Trung Quốc trong hai vụ xô xát.
Theo Taylor Fravel, chuyên gia về an ninh quốc tế, Trung Quốc và Đông Á, cuộc cạnh tranh để kiểm soát vùng tranh chấp ở thung lũng Chumbi đã đóng vai trò quan trọng trong việc leo thang căng thẳng này.
Fravel nhận xét rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm nhận mối đe dọa tiềm ẩn từ Ấn Độ do căng thẳng biên giới và quyết định rằng cần một cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, Fravel cũng nhấn mạnh rằng sau vụ Nathu La, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã yêu cầu lực lượng chỉ nổ súng đáp trả khi bị tấn công.
Theo John Garver, giáo sư về vấn đề quốc tế tại Viện Công nghệ Georgia, Ấn Độ "khá hài lòng với khả năng chiến đấu của lực lượng trong cuộc đụng độ ở Nathu La, coi đó là dấu hiệu cải thiện đáng kể so với cuộc chiến năm 1962".
Theo Phương Vũ (Vnexpress)
8 lý do khiến Ấn Độ từng thua thảm trong cuộc chiến với Trung Quốc Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang gay gắt trong hơn 1 tháng qua dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh còn thảm khốc hơn những gì từng xảy ra năm 1962 giữa 2 con hổ châu Á. Ấn Độ từng thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962....