8 đĩa nhạc Việt ‘phải nghe’ năm 2014
Năm nay không có những đĩa nhạc gây được tiếng vang từ khi ra mắt như Tâm (Mỹ Tâm), Cánh Cung 3 (Đỗ Bảo & Hà Trần), Độc Đạo (Tùng Dương). Trái lại, năm 2014 là sự tấn công ồ ạt của những gương mặt trẻ, mà đối với tôi, có những người hoàn toàn mới lạ.
Những cây viết mới như Huyền Sambi, Mew Amazing, Trần Trung Đức. Nhà sản xuất mới có Khắc Hưng (Khởi Hành), Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Hoàng Gia và Nguyễn Bá Hùng Lân (Dung Nham), Đỗ Hiếu (Gặp Tôi Mùa Rất Đông). Một tín hiệu đáng mừng giúp cho âm nhạc Việt Nam ngày càng đa dạng, nhiều màu sắc.
Khác với năm ngoái, tôi chọn ra một đĩa nhạc mà mình ưng ý nhất về mọi mặt, để đề tặng danh hiệu đĩa nhạc của năm (Album of the year). Những đĩa không có mặt ở đây, có lẽ vì tôi chỉ thích một vài bài, chứ không nghe hết được trọn vẹn từ đầu đến cuối.
1. Yêu – Thanh Lam & Tùng Dương
(Classical – 01/2014)
Yêu là lòng bâng khuâng
Nhớ hay thương một chiều tơ vương…
Yêu – đĩa hát chung giữa Thanh Lam và Tùng Dương – dự kiến phát hành cuối tháng 12 năm ngoái, nhưng phải dời lại tận đầu năm sau. Đây không phải là lần đầu tiên họ hát nhạc xưa, cũng không phải là lần đầu hát đôi. Trước đó, Thanh Lam đã cộng tác với rất nhiều ca sĩ, từ Trung Kiên, Trọng Tấn, cho đến Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng. Tùng Dương cũng có đĩa Hát tình ca của riêng mình. Một diva của dòng nhạc nhẹ và một giọng nam hàng đầu hiện tại – hai cá tính có điểm chung nổi tiếng thích phá cách trong âm nhạc – cho thấy những bài song ca mới là hay nhất đĩa. Song, chính phần phối khí của Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ đạo của Lê Phi Phi mới là điểm đặc biệt, khiến Yêu xứng đáng nằm trong bộ sưu tập của bất cứ ai.
Nên nghe: Tình nghệ sĩ, Kiếp nào có yêu nhau, Yêu.
2. Cửa Thơm Mùi Nắng – Hoàng Quyên
(Pop – 02/2014)
Nắng vàng như trái cam đầu mùa
Nắng vàng như ánh trăng ngày rằm
Nắng anh…
Trường hợp của Hoàng Quyên – khi cộng tác với Lê Minh Sơn trong Cửa thơm mùi nắng, thật sự không khác trường hợp của Uyên Linh – khi cộng tác với Quốc Trung trong Giấc mơ tôi. Cả hai đều là những ca sĩ có chất giọng riêng, nhạc cảm tốt, xử lý tinh tế – nhưng nhà sản xuất lại chưa thể khai thác trọn vẹn khả năng của họ. Đĩa có tám ca khúc, nhưng đến năm đã là cũ. Hoàng Quyên vẫn chỉ đang cho khán giả thấy những gì họ đã thấy: hát tốt nhạc Lê Minh Sơn. Trong khi đó, với một gương mặt trẻ như cô, người nghe chờ đợi sự tươi mới và một hình ảnh rõ ràng cho đĩa đầu tay. Dù có những khoảnh khắc sáng giá, nhưng đáng tiếc, Cửa thơm mùi nắng không khiến ta tiếp tục mong mỏi, tò mò vào những sản phẩm tiếp theo của Hoàng Quyên.
Nên nghe: Cửa thơm mùi nắng, Mọi lúc mọi nơi, Sóng ngang.
3. Gặp Tôi Mùa Rất Đông – Nguyễn Đình Thanh Tâm
(Dance-pop – 02/2014)
Những phố đang mưa hình tròn
Xoay…
Video đang HOT
Gặp Tôi Mùa Rất Đông là sản phẩm thứ hai mà Nguyễn Đình Thanh Tâm ra mắt trong năm 2013, ban đầu được phát hành trực tuyến trên mạng theo kiểu thử nghiệm, thăm dò thị trường. Cũng vì vậy, nó xoay 180 độ so với đĩa đầu tay Cánh diều lạc phố, từ hình ảnh cho đến âm nhạc. Lần này Thanh Tâm cộng tác với những gương mặt rất mới và trẻ như Đỗ Hiếu, Đoàn Minh Vũ, Mew Amazing, đồng thời khai thác mạnh nhạc điện tử, chủ yếu theo dòng dance, synth-pop. Xuyên suốt từ đầu đến cuối là những âm thanh dồn dập, mạnh mẽ. Ngay cả bài hát “dịu dàng” nhất đĩa (Lang thang) cũng không chủ ý loại bỏ sự ồn ào. Thay vì tiết chế, Thanh Tâm và ê kíp của mình quyết đi đến cùng với những gì đã chọn (bản Gặp Tôi Mùa Rất Đông ở cuối “phá” hoàn toàn bản gốc).
Nên nghe: Gặp tôi mùa rất đông, Nghe ta hồi sinh, Lang thang.
4. Địa Đàng II – Nguyên Hà
(Pop – 07/2014)
Em về ôi bình yên về theo đời sống từ đấy lời hát từ đấy mà sinh,
Hỡi cơn mưa của anh!
Rớt xuống anh ngay giờ linh!
Tiếp nối đĩa đầu tiên phát hành cách đây hai năm, Địa đàng 2 tập hợp 11 tình khúc mới của nhạc sĩ Quốc Bảo được thể hiện bởi Nguyên Hà – một giọng ca mềm mại, ngọt ngào, phù hợp với dòng nhạc trữ tình, lãng mạn. Nếu so sánh, thì Địa đàng 2 phối khí đơn giản, tiết chế, nghe dễ chịu hơn hẳn đĩa đầu. Cách xử lý của Nguyên Hà đã có sự dày dạn của kinh nghiệm, kéo ngay người nghe vào câu chuyện và không để họ rời bước dù chỉ một giây. Cách viết của Quốc Bảo thì lấp lửng, có bài hoàn toàn phá cách (Ru 7), lại có bài quen thuộc đến mức nhàm chán (Thì ta yêu). Nhưng Địa đàng 2 mang một sắc thái hoàn toàn khác với đĩa đầu, không còn hân hoan reo vui hạnh phúc, mà ám ảnh, day dứt, như một đêm lạnh ngập chìm trong giông bão.
Nên nghe: Nơi một bến hồng, Giọng tình, Ru 7.
5. Khởi Hành – Nguyễn Trần Trung Quân
(Electro-pop – 10/2014)
Đừng xô nghiêng nụ cười xé đêm hoang tàn
Những nỗi đau rã rời, trôi vào đêm mờ sương
Khởi hành – đĩa đầu tay của Nguyễn Trần Trung Quân – có những điểm mà đĩa đầu tay của các ca sĩ cùng lứa như Nguyễn Đình Thanh Tâm hay Hoàng Quyên chưa có được: một ý tưởng thông minh được thực hiện tới nơi tới chốn. Sử dụng nhạc điện tử làm khung xương, mười ca khúc trong đĩa được sắp xếp theo vòng xoay thời gian của một ngày, theo thứ tự từ sáng đến tối, sau đó lặp lại. Không thể không nhắc đến vai trò rất lớn của Khắc Hưng – nhà sản xuất chính của đĩa, bất ngờ lại là một gương mặt còn rất trẻ. Về các sáng tác, dù Huyền Sambi gần như là ngôi sao của đĩa, nhưng chính Sa Huỳnh mới chứng tỏ rằng mình là một tác giả cần được theo dõi. Khuyết điểm lớn nhất? Nếu Trung Quân hoàn toàn bỏ được cách hát “giống Tùng Dương”, chắc chắc anh sẽ thành công hơn nữa.
Nên nghe: Cỏ, Nghiêng, Thử thách đêm.
6. Chẳng Có Tình Ca – Danh Việt
(Pop – 11/2014)
Rồi cháy như sao đổi ngôi
Rồi khói bay bay vào không gian mới
Tiếng tăm như một giấc phù vân
Thoắt đã tan…
Là một gương mặt hoàn toàn mới, Danh Việt ngoài sự ấm áp thì chất giọng gần như không có gì đặc biệt để có thể trở thành một “pop star”. Giọng của Việt nếu chọn những bản pop ballad đang nổi trên thị trường – như các ca sĩ cùng lứa với anh hay chọn – thì lại càng dễ thất bại. Chiều sâu từ những sáng tác của Quốc Bảo thực sự đã nâng đỡ những khiếm khuyết của Danh Việt lên rất nhiều. Cách biên tập và phối khí cũng cho thấy kinh nghiệm dày dạn của vị nhạc sĩ trong vai trò sản xuất, khi kết nối bảy bài hát được sáng tác cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng có tình ca là một trường hợp điển hình cho thấy vai trò quan trọng của nhà sản xuất. Như một bộ phim đáng nhớ, cần có một đạo diễn giỏi, một kịch bản hay, nhiều hơn là diễn xuất.
Nên nghe: Tro tàn của tiếng tăm, Mộng kê vàng, Đối thoại nửa đêm.
7. Ước Sao Ta Chưa Gặp Nhau – Uyên Linh & Dũng Dalat [Album of the year]
(Pop – 12/2014)
Có những cơn mơ vỡ tan tành
Có những tâm hồn lạc lối
Có những ước muốn phai tàn…
Rúng động! – là cảm giác sau khi nghe Uyên Linh hát tình ca Dũng Dalat. Dường như cả hai đều làm nhạc cho chính mình, thay vì hát hay viết để chiều chuộng bất cứ ai. Dẫu âm nhạc phần lớn hướng đến sự tinh giản – để cho giọng hát của Uyên Linh và tiếng đàn của Dũng Dalat cùng tỏa sáng bên nhau – có thể cũ kỹ, nhàm chán với nhiều người, nhưng bản thân những sáng tác của Dũng Dalat đã đáng để thưởng thức. Nên nhớ là Dũng Dalat đã hoạt động bao nhiêu năm, nhưng đến nay mới có một đĩa tác giả của riêng mình. Người lên ý tưởng là Uyên Linh, như thể đợi chờ duyên phận. Ước Sao Ta Chưa Gặp Nhau là sự kết hợp ngọt ngào giữa một giọng ca giàu xúc cảm và một người viết nhiều trải nghiệm – như cây cho trái chín sau nhiều năm vun trồng.
Nên nghe: Ước muốn phai tàn, Như cánh hoa đêm, Tình lại đến như vừa bắt đầu.
8. Dung Nham (Lava) – Hà Anh Tuấn
(Electro-pop – 12/2014)
Sống với quá khứ hay là chết như một vì sao vụt tắt
Cho không trái tim này ai sẽ lấy?
Hà Anh Tuấn luôn chứng tỏ rằng mình là một người thông minh. Giống như các sản phẩm trước đây của anh, Dung nham sở hữu những ý tưởng rất hay và riêng biệt, nhưng kết quả thực hiện lại chưa trọn vẹn. Công bằng mà nói, Hà Anh Tuấn đã có những khoảnh khắc phá cách rất đáng ghi nhận (Cuộc chiến, Dung nham), nhưng đôi lúc lại quá an toàn (Vô hình, Cứ thế). Điểm thú vị nhất của đĩa là khi anh thể hiện đúng chủ đề của nó: thả mình trôi theo dòng dung nham đang tuôn trào mà không đắn đo điều gì (Nhịp si mê). Trái lại, đĩa vẫn mắc những lỗi không đáng có: Chuyện của mùa đông là một bản pop ballad hay, nhưng nên nằm một đĩa khác. Thật tiếc khi phải nói, Dung nham là đĩa nhạc dở nhất trong sự nghiệp của Hà Anh Tuấn, tính đến thời điểm hiện tại.
Nên nghe: Cuộc chiến, Nhịp si mê, Xanh mãi (Forever Young).
Theo Depplus.vn/MASK
Ca sĩ Việt bảo thủ và ngại làm mới bản thân
Không chịu thay đổi là một trong ba thói quen xấu mà nhiều nghệ sĩ Vpop mắc phải, bên cạnh việc thích phát ngôn gây sốc và đạo nhạc.
Mỹ Tâm mười năm vẫn làm "Họa mi tóc nâu"
Chưa bao giờ nhạc Việt phát triển nở rộ như hiện nay. Mỗi năm có thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm ca sĩ mới. Bối cảnh đó đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải luôn đổi mới bản thân mình cả trong âm nhạc lẫn hình ảnh để theo kịp các đồng nghiệp. Bên cạnh nhiều nhân tố đang tích chuyển mình, vẫn còn không ít người cho rằng việc thay đổi là không cần thiết. Thậm chí, có ca sĩ đã trải qua cả chục năm đứng trên sân khấu vẫn giữ nguyên phong cách như những ngày đầu.
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của Mỹ Tâm. Những ngày mới bước lên sân khấu, Mỹ Tâm thành công bởi đã thổi một làn gió mới vào nhạc Việt với những ca khúc trẻ trung như Hát với dòng sông, Cây đàn sinh viên, Dường như ta đã, Rồi mai thức giấc,... Thời đó, Mỹ Tâm là riêng một, không lẫn vào đâu. Mười năm đã trôi qua, nhìn lại Mỹ Tâm chẳng khác xưa nhiều. Vẫn là những bản ballad có giai điệu dễ nghe, hay ở mức trung bình và hiện tại, dễ dàng tan loãng giữa rất nhiều bài hát của các ca sĩ khác.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm ca hát, Mỹ Tâm vẫn chưa có thay đổi nào mang tính đột phá.
Album mới nhất Tâm dù đạt kỷ lục về doanh số bán đĩa lẫn lượt xem, nghe trên Internet nhưng không được giới chuyên môn và những người sành nhạc đánh giá cao. Mỹ Tâm vẫn còn là một cái tên hot với lượng fan hùng hậu nhất nhì Vpop, nhưng nếu thời gian tới cô không có sự chuyển mình rõ nét, vị trí đó sẽ sớm bị lung lay bởi tốc độ phát triển không ngừng cả về chất và lượng của nhạc Việt.
Bên cạnh Mỹ Tâm, nhiều ca sĩ làm mòn bản thân khi đóng khung trong một thể loại nhạc. Bảo Thy, Thu Thủy, Cao Thái Sơn... sống trong những hào quang cũ từ thời công chúa, hoàng tử với những bản nhạc trẻ dễ nghe. Nguyễn Phi Hùng, Quang Vinh, Nguyên Vũ... cũng vì trượt dài trên con đường cũ, không định vị được bản thân mà dần lùi lại phía sau ánh đèn sân khấu, nhường đường cho thế hệ đàn em.
Quang Vinh sau một thời gian dài loay hoay không thoát khỏi mác "hoàng tử" đã phải lùi vào hậu trường và chuyển nghiệp kinh doanh.
Một trong số những ca sĩ trẻ sở hữu lượng fan đông đảo nhất hiện nay - Khởi My - từng khẳng định việc thay đổi với cô là không cần thiết. Nhiều năm nay, Khởi My vẫn được yêu thích bởi những bài hát đậm chất teen, trẻ trung và sôi động. Hiệu ứng tốt từ chương trình truyền hình thực tế Gương mặt thân quen giúp cô tạo thêm nhiều thiện cảm cho khán giả. Cách làm MV sáng tạo, độc đáo và có sự đầu tư cũng là một nhân tố giúp My thành công. Nhưng nếu tính đường xa, chỉ cần 2 - 3 năm nữa, khi mà tuổi đời không còn quá trẻ (Khởi My sinh năm 1990), sự nhí nhảnh hồn nhiên sẽ chẳng còn là thế mạnh của cô. Khởi My có chất giọng tốt, được học hành bài bản, có nhiều kinh nghiệm đứng trên sân khấu. Bởi vậy việc tuyên bố "không cần thay đổi" vô hình chung trở thành sợi dây cô tự buộc vào mình.
Khởi My thành công bởi hình tượng ca sĩ teen nhí nhảnh, hồn nhiên. Nhưng chỉ vài năm nữa, nếu không chịu thay đổi, e rằng cô khó giữ vững vị trí của mình trong làng nhạc như hiện nay.
Dĩ nhiên, mỗi ca sĩ đều phải có bản sắc riêng. Trường hợp của Anh Quân - Mỹ Linh là ví dụ điển hình cho sự kiên định phong cách để đạt được thành công lớn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đóng khung mình trong một thể loại nhạc với những bài hát na ná nhau (mà ca sĩ nhiều khi hát cũng bị quên lời vì trùng lặp). Mỹ Linh thành công bởi với sự hỗ trợ của chồng, cô là người tiên phong khai phá dòng R&B, soul tại Việt Nam. Hà Trần giữ được vị trí diva khi liên tục biến hóa từ pop, dân gian đương đại tới electro. Tùng Dương tiến xa hơn với world music. Thu Minh từ một người chuyên cover lại các bản hit nước ngoài đã tìm thấy mình ở dance, R&B. Và điều quan trọng, khi đã tìm ra dòng nhạc lợi thế, mỗi nghệ sĩ đều tự biến hóa và thử thách bản thân trong chính lãnh địa của mình. Khái niệm "làm mới" vì thế được mở rộng với nhiều khía cạnh và lĩnh vực hơn.
Ca sĩ trẻ mạo hiểm không ngừng thay đổi
Rõ ràng, thử nghiệm là một bài toán khó. Nó không chỉ đòi hỏi người nghệ sĩ phải liên tục quan sát, tư duy, sáng tạo mà còn cần phải có sự kiên định và lòng dũng cảm. Không phải thử cái gì cũng thành công, chưa kể đôi khi còn bị một số công chúng cực đoan "ném đá" hoặc phủ nhận.
Văn Mai Hương là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Rời Vietnam Idol khi mới 16 tuổi, cô đem đến hình ảnh một ca sĩ teen sôi động, vui tươi. Hai năm sau đó, album 18 lại là một hình ảnh trưởng thành, chín chắn và đằm thắm hơn. Gần đây, Văn Mai Hương khiến nhiều người bất ngờ khi xuất hiện với phong cách cá tính, lạ lẫm và khác biệt. Tích cực làm mới bản thân từ ngoại hình đến âm nhạc nhưng Văn Mai Hương đôi khi cũng mắc sai lầm và chịu nhiều nhận xét khắc nghiệt từ dư luận.
Văn Mai Hương là một trong số ít những nghệ sĩ trẻ chịu khó thay đổi hình ảnh.
Tuy vậy, Văn Mai Hương luôn kiên định: "Tôi muốn hát nhiều thể loại khác nhau để tìm kiếm được phong cách mà khán giả yêu thích nhất. Hình ảnh trẻ trung và năng động là điều tôi muốn hướng tới khi thực hiện bất cứ sản phẩm âm nhạc nào". Nhờ liên tục thay đổi, cô chưa từng vắng bóng trên thị trường từ khi bước chân vào lĩnh vực giải trí. Trong khi đó, nhiều ca sĩ cũng xuất phát từ Vietnam Idol với vị trí và tuổi đời lớn hơn nhưng vẫn còn đang loay hoay tìm lối đi riêng.
Một ví dụ khác là chàng ca sĩ trẻ Nguyễn Đình Thanh Tâm. Giọng ca ấn tượng của Sao Mai điểm hẹn từng chia sẻ có một thời gian anh rất buồn vì được ví là một "Tùng Dương phẩy". Để thoát khỏi nickname đó, Thanh Tâm liên tục thử sức và bứt phá ở nhiều thể loại, từ pop, dance, dân gian đương đại đến electro... Ngoại hình cũng được anh biến hóa liên tục, có khi ma quái âm bản, có khi trẻ trung thư sinh, khi lịch lãm sang trọng. Bởi vậy, dù không được truyền thông rầm rộ nhưng album Gặp tôi mùa rất đông của Thanh Tâm vẫn được đánh giá cao và nhận được một đề cử Cống hiến. Anh cũng đồng thời trở thành ứng viên trong hạng mục Nghệ sĩ của năm tại giải thưởng này.
M-TP Sơn Tùng tạo nên cơn sốt trong nhạc Việt hơn một năm qua dù đây là chàng trai còn trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề bởi đã tìm ra một hướng đi riêng, trẻ trung, thời thượng nhưng vẫn giữ được sự bình dân và gần gũi. M-TP có một lượng antifan khá lớn và không phải không có những thiếu sót trong quá trình làm nhạc nhưng tư duy tích cực, sáng tạo đã giúp anh ghi điểm.
Thành công bước đầu của Văn Mai Hương, Nguyễn Đình Thanh Tâm, M-TP là một bài học cho nhiều nghệ sĩ, rằng muốn thành công, hãy liên tục thay đổi để tạo nên sự khác biệt.
Theo Tri thức
Hà Trần ôn lại thuở chập chững vào nghề Diva nhạc Việt tự tay biên tập một đêm nhạc gồm toàn những ca khúc đã ghi dấu ấn của cô trong lòng người hâm mộ từ những ngày đầu đến các sản phẩm mới nhất. Sự thành công của đêm nhạc riêng hồi cuối năm ngoái làm cho cả Hà Trần lẫn Đỗ Bảo đều bất ngờ và vô cùng thích thú....