8 cơ quan ở Hà Nội niêm phong xe biển xanh, thực hiện khoán xe công
Sáng 1/3, 8 đơn vị của thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện chủ trương khoán xe công, trên 40 xe biển xanh được niêm phong chờ điều chuyển hoặc đấu giá.
7h15 ngày 1/3, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Phó giám đốc Sở Lao động Hà Nội) bước lên chiếc xe biển trắng của một công ty dịch vụ vận tải để tới cuộc họp tại UBND thành phố.
Lãnh đạo Sở Lao động Hà Nội đi họp thành phố bằng xe biển trắng. Ảnh: Võ Hải.
Theo thông tin từ Sở Lao động Hà Nội, thực hiện chủ trương khoán xe công của thành phố, đơn vị này thuê một công ty dịch vụ vận tải vàlựa chọn phương thức mức khoán cho từng chức danh, không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng. Lâu nay, chi phí cho một xe công của Sở vào khoảng 13 triệu đồng/xe/tháng.
UBND huyện Gia Lâm cũng là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm khoán xe công. Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Anh Tú cho biết, trong giai đoạn đầu huyện đã lựa chọn phương thức các lãnh đạo đi xe riêng.
Ông Tú thông tin, do huyện ở ngoại thành, diện tích rộng, niên hạn sử dụng các xe đã lâu nên chi phí cho một xe công khoảng 17 triệu đồng/tháng. Nay với mức khoán cao nhất 9,3 triệu cho một xe, Gia Lâm đưa ra một số giải pháp linh hoạt để lãnh đạo giảm hội họp, đi lại và tăng cường sử dụng xe chung trong công tác.
Hàng chục xe biển trắng trong trụ sở UBND huyện Gia Lâm sáng 1/3. Ảnh: Võ Hải.
Là đơn vị tham mưu cho thành phố đề án thí điểm khoán xe công, đồng thời cũng nằm trong danh sách 8 đơn vị thí điểm, Sở Tài chính Hà Nội đã chuyển số xe biển xanh dư thừa khi thực hiện khoán xuống kho để chờ xử lý.
Video đang HOT
Chánh Văn phòng Sở Tài chính Nguyễn Tiến Thiết cho hay, số lao động dôi dư khi khoán xe công có thể sắp xếp công việc theo đề án vị trí việc làm của đơn vị, như làm bảo vệ cơ quan hoặc nếu có nguyện vọng thì tiếp tục làm lái xe tại đơn vị nhận điều chuyển xe biển xanh.
Ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, Hà Nội có hơn 400 xe biển xanh, việc thí điểm lần này ở 8 sở ngành sẽ phải đi kèm thu hồi các xe, trong đó có 12 xe đã hết niên hạn sử dụng, 33 xe sẽ sắp xếp thanh lý.
5 xe biển xanh của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội được niêm phong chờ hướng xử lý của thành phố. Ảnh: Võ Hải.
Trưởng phòng Quản lý công sản cho hay, trong các xe thu hồi, có những xe hạng sang sản xuất vào khoảng năm 2010, do vậy cần có giải pháp đảm bảo thanh lý sát với giá trị thực của phương tiện. Ngoài ra, để tránh việc mạo danh xe biển xanh vào các mục đích cá nhân, các xe này sẽ bị thu hồi biển và các giấy tờ cần thiết trước khi chuyển chủ mới.
Cũng theo ông Vinh, thành phố Hà Nội chủ trương đến 1/10/2017 sẽ thực hiện khoán xe công đồng loạt các đơn vị và ước tính tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Từ 1/3, 8 đơn vị của Hà Nội thực hiện khoán xe công gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội; các quận: Hà Đông, Long Biên; các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm.
Thành phố yêu cầu, việc khoán kinh phí sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung phải bảo đảm đúng đối tượng, không phát sinh tăng chi phí hành chính hằng năm, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Khi các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe, toàn bộ xe ôtô phục vụ công tác chung do các cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng sẽ thu hồi để sắp xếp, xử lý theo quy định, bảo đảm việc sử dụng xe tiết kiệm, hiệu quả.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe có thể quyết định lựa chọn theo một trong hai phương thức là căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, áp dụng mức khoán không vượt quá mức tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng, hoặc áp đơn giá 13.000 đồng/km nhân với khoảng cách thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh.
Võ Hải
Theo VNE
Khoán kinh phí đi lại cho lãnh đạo: Hết đặc quyền xe công
Bộ Tài chính vừa quyết định khoán kinh phí sử dụng ô tô cho các cấp lãnh đạo, thay vì đưa đón tận nhà. Chủ trương này nhận được đồng tình của cả người trong cuộc và các chuyên gia kinh tế, nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, cách tính định mức quá tỷ mỉ của Bộ Tài chính khiến khó áp dụng rộng rãi.
Bộ Tài chính đang tiên phong áp định mức khoán xe công cho cấp lãnh đạo. Ảnh minh họa.
Đi taxi và cả xe công
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 1997 quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô công. Theo đó, cơ quan này sẽ áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các thứ trưởng, lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Mức khoán bằng giá taxi phổ biến trên thị trường nhân quãng đường từ nhà tới bộ và nhân với số ngày đi làm trong tháng (22 ngày). Như vậy, ngoài các thứ trưởng, tổng cục trưởng cũng thuộc diện áp dụng định mức khoán xe thay cho xe công đưa đón bấy lâu nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chủ trương này của Bộ Tài chính rất phù hợp nên ông chấp hành ngay. Nhiều ý kiến cho rằng, đi làm bằng xe biển xanh (xe công) sẽ có nhiều ưu tiên hơn, thuận lợi hơn, nhưng ông Nam không nghĩ vậy. "Không biết mọi người thế nào chứ tôi thấy đi taxi cũng bình thường. Hơn nữa, việc đi taxi cũng chỉ áp dụng khi đi từ nhà tới cơ quan và ngược lại, còn họp hành, công tác khác vẫn sử dụng xe cơ quan. Chủ trương này hợp lý nên tôi sẽ chấp hành nghiêm túc", ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay, mới biết thông tin Bộ Tài chính khoán chi phí đi lại qua báo chí, cũng chưa xem cụ thể thế nào. "Chính phủ cũng chưa có chủ trương nên tôi chưa biết thế nào, phải đợi xem", vị lãnh đạo này nói.
Khi được hỏi, các chuyên gia, nhà kinh tế đều thể hiện sự đồng tình về chủ trương khoán xe công đi làm của Bộ Tài chính và mong điều này sẽ được nhân rộng ra các cơ quan nhà nước khác. Trước đó, năm 2006, Quốc hội từng có chủ trương thí điểm khoán chi phí đi lại, với mức khoán không quá 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chủ trương này khi đó chỉ là khuyến khích, nên có vài người thực hiện, cũng không duy trì được lâu.
TS Phạm Chi Lan cho rằng, việc khoán xe công của Bộ Tài chính sẽ tạo ý thức tiết kiệm ngân sách, giảm đáng kể chi phí so với ngân sách phải bỏ tiền trang trải chi phí xe công phục vụ chức danh (tiền mua xe, nuôi lái xe, bảo dưỡng...). "Việc khoán này cũng giảm nguy cơ lạm dụng xe công phục vụ việc riêng, gây phản cảm trong xã hội", bà Lan nói. Theo vị chuyên gia này, điều quan trọng là chủ trương khoán xe công phải được áp dụng với tất cả các cơ quan, bộ ngành.
Theo bà Lan, trên thế giới không mấy nước có chế độ xe công như ở Việt Nam, Chính phủ thuê xe của các hãng tư nhân cung cấp dịch vụ, mà không nhất thiết phải có xe riêng. Ngay Việt Nam, cũng nhiều công ty, văn phòng nước ngoài sử dụng dịch vụ của các hãng vận tải, như thuê hãng vận tải Mai Linh đưa đón. Bà Lan kể, có lần sang Nhật Bản đi cùng Thủ tướng Phan Văn Khải, xe đưa đón là của một công ty tư nhân thầu dịch vụ với Chính phủ, chỉ Thủ tướng mới có xe của nhà nước phục vụ. Tất nhiên, vấn đề an ninh được kiểm soát chặt chẽ.
Khó như bỏ đặc quyền
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, cho hay, quyết định khoán xe công của Bộ Tài chính rất dũng cảm. Quy định này là khởi đầu cho công việc lớn, đáng hoan nghênh. Công việc lớn ở đây, theo ông Thịnh, hiện thực mục tiêu cắt giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, vì chi mua sắm và duy trì đội xe công tốn một lượng ngân sách khổng lồ. Tiếp đó, hướng tới khoán tất cả những dịch vụ công.
"Quyết định của Bộ Tài chính đáng ra phải làm lâu rồi, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa hạn chế lạm dụng xe công vào việc riêng. Tuy nhiên, cách khoán như Bộ Tài chính tỷ mỉ quá, khó cho việc áp dụng chung với tất cả những lãnh đạo sử dụng xe công", ông Thịnh nói. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, chỉ nên đưa ra định mức nhất định cộng vào lương tháng, còn việc đi lại ra sao, bao xa do người hưởng tự quyết định.
TS Phạm Chi Lan bổ sung, tính định mức khoán xe công tỷ mỉ quá sẽ khó cho người thực hiện. Thay vì thế, chỉ áp dụng định mức trung bình cho tất cả mọi công chức, như việc áp dụng bình quân thuế với doanh nghiệp. Định mức đi lại được tính theo cơ cấu bậc lương, bậc lương cao sẽ hưởng định mức cao hơn, vì họ thường sẽ phải bỏ chi phí đi lại họp hành, kiểm tra nhiều hơn. Đồng thời, việc tính định mức đi lại vào lương cũng giúp cải thiện lương thực nhận của công chức, lãnh đạo cơ quan nhà nước, tránh được việc nói lương công chức quá thấp.
"Lương người làm ngoài nhà nước có thể cao hơn vì họ được tính cả chi phí đi lại vào lương, còn lãnh đạo nhà nước đã có xe công đi lại miễn phí. Nếu tính cả chi phí đi lại vào lương, thì lương lãnh đạo nhà nước cũng không phải thấp", bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chiến lược và Phát triển, Bộ KH&ĐT, nêu quan điểm, có nhiều yếu tố khiến những người được sử dụng không muốn rời xe công. Như đi đường, xe công được ưu tiên hơn, thậm chí có Đại biểu Quốc hội từng nói đi xe biển trắng bảo vệ không cho qua cổng. Trước đây cũng có chính sách thí điểm khoán xe công, nhưng không thành công, theo ông Bình do chính sách chưa đủ mạnh.
"Giờ quyết định luôn cấp thứ trưởng trở xuống không được sử dụng xe công đưa đón tận nhà nữa, khi đó tất cả sẽ phải nhận tiền và tự túc đi lại. Nếu không, có khoán 10-15 triệu đồng mỗi tháng cũng khó khuyến khích người ta nhận mức khoán để không sử dụng xe công", ông Bình nói.
6 thứ trưởng dùng hết 44 triệu đồng thuê xe/tháng
Theo quyết định của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Xuân Hà, Trần Hữu Chi di chuyển từ nhà đến cơ quan khoảng 15km, mức khoán là 9,9 triệu đồng/tháng; Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Vũ Thị Mai có khoảng cách di chuyển 8km, tiền khoán là 5,3 triệu đồng; Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải phải di chuyển khoảng 6km, tiền khoán là gần 4 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền xe đưa đón cho 6 vị thứ trưởng là 44,2 triệu đồng/tháng. Quy định này sẽ áp dụng từ ngày 1/10/2016.
Theo Tiền Phong
Hà Nội khoán xe công từ 1/1/2017 Việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công được áp dụng tại 8 đơn vị với mức khoán 9 triệu đồng/xe/tháng. UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt phương án khoán kinh phí sử dụng xe công. Các đơn vị thực hiện thí điểm khoán gồm 4 sở: Tài chính, Giao thông, Lao động, Kế hoạch Đầu tư và 4...