8 bài thuốc nam chữa dị ứng hiệu quả
Để chữa trị, điều đầu tiên là xác định nguyên nhân và ngăn chặn sự xâm nhập của chất lạ gây dị ứng. Xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản, dễ dùng mà hiệu quả chữa dị ứng ngoài da.
Dị ứng là một phản ứng của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ được gọi là “dị nguyên”. Sự xâm nhập này có thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt), phần nhiều qua đường da do tiếp xúc trực tiếp.
Triệu chứng lâm sàng hay gặp là mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp…
Đông y coi dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang (phong ngứa là từ dân gian quen gọi chỉ hiện tượng này). Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào cơ thể còn do cảm nhiễm ngoại tà hoặc cảm phải thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp, phong thấp nhiệt, gây ra uất kết ở bì phu, cơ nhục Mặt khác, do quá trình hoạt động của lục phủ, ngũ tạng thiếu điều đạt chẳng hạn như can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.
Cây và vị thuốc thổ phục linh.
Để chữa trị, điều đầu tiên là xác định nguyên nhân và ngăn chặn sự xâm nhập của chất lạ này. Xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản, dễ dùng mà hiệu quả chữa dị ứng ngoài da.
Bài 1: Trường hợp bệnh nhân gặp mưa lạnh, người nổi ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu, dân gian thường gọi bị “lất’, cần vào chỗ ấm tránh mưa lạnh, dùng một miếng vải vó cũ, cho vào chảo rang nóng chừng 40-500C, chườm vào vùng bị lất. Có thể lấy 3 lát gừng tươi, giã nát, thêm chút nước sôi, một ít đường, cho uống để tăng tác dụng ôn trung.
Bài 2: Nếu dị ứng, mẩn ngứa, dùng một trong những vị thuốc sau sắc uống: cây đơn kim 15g, lá đơn tía (đơn lá đỏ) 15g, đơn nem 10g hoặc lá đơn tướng quân 15g. Hoặc dùng phối hợp đơn răng cưa 12g, lá đơn đỏ 12g, cam thảo đất 10g, rau má 10g, kim ngân hoa 10g, mã đề 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Trường hợp nặng hơn, dùng rễ chàm mèo 12g, kim ngân hoa 10g, đại hoàng 8g, hoàng bá 8g, cam thảo 6g hoặc phù bình (bèo cái) 6g, thuyền thoái 4g, phòng phong 6g, kim ngân hoa 6g.
Video đang HOT
Bài 4: Khi bị phong, dị ứng, mẩn ngứa, nổi mề đay, dùng ké đầu ngựa 15g, kinh giới huệ (hoa) 10g, muồng trâu 10g, cỏ mần trầu 15g, bạc hà 10g, cam thảo đất 10g, cây cứt lợn 10g, bèo tai tượng 10g, nghể bà 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Bài 5: Nếu dị ứng mẩn ngứa do ăn uống phải các chất protein lạ, đặc biệt như hải sản, nhộng tằm…, dùng kinh giới 24g sao vàng, sắc uống, kết hợp một ít kinh giới sao với cám rồi xát nhẹ lên vùng da bị ngứa, ngày 2-3 lần cho đến khi khỏi. Nếu kèm theo tuần hoàn huyết dịch trì trệ, thêm chỉ xác 12g sắc với kinh giới.
Cây kinh giới
Bài 6: Trường hợp lở ngứa, nổi sần, ban đỏ do huyết trệ, dùng lá đơn tướng quân 15g, sài đất 12g, kim ngân hoa 12g, cỏ nhọ nồi 12g, núc nác 8g, thổ phục linh 12g, đan bì 10g, xích thược 10g, đương quy vĩ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 7: Nếu ngứa, phát ban do phong nhiệt, tùy mức độ dùng ké đầu ngựa 8g, địa phu tử 8g hoặc dùng bồ công anh 15g, cúc hoa 9g, kim ngân hoa 9g, sinh cam thảo 5g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
Có thể dùng đơn tướng quân 20g, nhẫn đông đằng 20g, thổ phục linh 20g, thương nhĩ tử 20g, sắc uống ngày 1 thang.
Bài 8: Trường hợp huyết nhiệt gây ra mụn nhọt lở ngứa, dùng bài Ngũ vị tiêu độc ẩm: kim ngân hoa 20g, bồ công anh 10g, cúc hoa 10g, sinh địa 10g, cam thảo đất 10g sắc uống ngày 1 thang.
Theo DSCKI. Phạm Hinh/ Sức khỏe & Đời sống
Nên bỏ ý định mua những loại đồ chơi Trung thu này cho con
Gần Tết Trung thu, các loại đồ chơi dành cho trẻ em được bày bán tràn ngập với nhiều chủng loại và màu sắc bắt bắt. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, những loại đồ chơi càng lòe loẹt và có mùi thơm thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đối với sức khỏe người dùng, nhất là trẻ nhỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên hạn chế mua những loại đồ chơi nhiều màu và nhiều mùi cho trẻ. Ảnh: TL
Trẻ dị ứng, mẩn đỏ với quà đồ chơi
Sinh nhật tròn 1 tuổi vào đúng dịp Trung thu năm trước nên bé Khánh An (ở Thường Tín, Hà Nội) nhận được rất nhiều quà từ bố mẹ và những người thân trong gia đình. Bên cạnh một số món quà là quần áo, mũ, giày, bé An nhận được khá nhiều đồ chơi Trung thu. Nào là đèn ông sao, đèn lồng tay cầm vừa phát sáng, vừa có nhạc, nào là búp bê, rồi mặt nạ hình công chúa có lớp phủ lấp lánh và rất nhiều đồ chơi có nhạc vui nhộn.
Theo lời chị Thu Anh - mẹ bé, vì con gái rất thích những loại đồ nhiều màu sắc, phát sáng và "biết hát" nên bé rất "khoái" những món đồ chơi được tặng. Trong số đó, bé đặc biệt thích chiếc đèn lồng cầm tay màu đỏ, được bọc lớp vải bên ngoài và bên trong có đèn kèm nhạc. Sau vài lần được mẹ dạy cách bật chế độ sáng và phát nhạc, cô bé đã có thể tự chơi với món đồ yêu thích. Thậm chí, chị Anh cho biết, cô bé còn ôm cả chiếc đèn lồng đi ngủ cùng.
Tuy nhiên, khoảng gần một tuần kể từ ngày "quấn quýt" bên chiếc đèn lồng và đống đồ chơi mới, con gái chị bắt đầu có dấu hiệu hắt hơi, chảy nhiều nước mũi, vùng hai bên má và cổ bị nổi mẩn đỏ, bé ăn kém hơn bình thường. Thấy con gái có biểu hiện lạ, vợ chồng chị Thu Anh vội đưa con đi khám thì được biết, bé bị dị ứng.
Trong dịch mũi của bé An, bác sĩ phát hiện có chứa hạt kim tuyến nhỏ li ti. Các bác sĩ nói với vợ chồng chị Thu Anh, nguyên nhân gây dị ứng cho con gái anh chị rất có thể xuất phát từ bụi màu của các loại đồ chơi mà bé chơi hàng ngày. Về nhà, chị Thu Anh quyết định bỏ hết đống đồ chơi vào sọt rác và cũng kể từ đó, chị Anh rất hạn chế mua đồ chơi nhiều màu sắc lòe loẹt để tránh gây hại cho con.
Cách thời điểm bé An bị dị ứng không lâu, các cơ quan chức năng đã đem 2 mẫu đèn lồng có xuất xứ từ Trung Quốc được bán trên thị trường đi kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy, lượng cadimi (Cd) - một kim loại nặng rất độc có trong sơn phủ của những chiếc đèn lồng này khá cao. Cụ thể là cao gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ KH&CN. Theo đó, trẻ nhỏ chỉ cần cầm đèn lồng chơi trong một thời gian là đã có nguy cơ bị dính bụi màu ra tay hoặc nhiễm độc trực tiếp nếu để thành phần của những sản phẩm này dính, ngậm trong miệng.
Càng sặc sỡ, càng thơm thì... càng độc
Chia sẻ với PV về độc tố có trong các loại đồ chơi nhiều màu sắc, TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, đa phần trẻ nhỏ đều thích những loại đồ chơi nhiều màu sắc.
Có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các loại đồ chơi cho trẻ em, cả bé trai lẫn bé gái thường có rất nhiều màu, nhất là đồ chơi trong dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, màu sắc trên các loại đồ chơi cho trẻ em hay một số đồ dùng trong gia đình, nhất là những đồ được gia công giá rẻ lại được tạo nên từ các loại ion kim loại, nhất là các ion kim loại nặng (chì, cadimi, mangan, kẽm, asen...). Do đó, nếu bố mẹ mua cho trẻ những loại đồ chơi càng nhiều màu sắc, tức là lượng kim loại nặng càng nhiều thì nguy cơ trẻ bị nhiễm độc càng cao, đặc biệt là đối với những trường hợp trẻ chưa nhận thức được, dẫn đến việc đưa các loại đồ chơi này ngậm trong miệng, gây độc trực tiếp.
Theo TS Trần Quang Tùng, tác hại của những kim loại nặng từ trước đến nay luôn được cảnh báo là rất độc hại đối với sức khỏe con người. Chẳng hạn, cadimi là loại chất tạo màu có trong rất nhiều loại nhựa. Chất này có thể gây bệnh ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến, dị tật thai nhi hoặc làm ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của trẻ nhỏ. Mangan có thể gây ngộ độc phổi, tổn thương hệ thần kinh và tim mạch. Điều nguy hiểm là các kim loại nặng lại ít bị đào thải ra khỏi cơ thể mà tích tụ trong cơ thể, lâu dần có thể dẫn đến ung thư cho người sử dụng.
TS Trần Quang Tùng cho biết thêm, đồ chơi cho trẻ nhỏ phần lớn được làm từ nhựa. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều cơ sở thường dùng nhựa tái chế, chứa nhiều tạp chất không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, trong quá trình gia công nhựa, người ta cũng thường cho thêm phụ gia và chất hóa dẻo. Những chất này khi gặp nhiệt độ cao sẽ thôi nhiễm biến thành chất độc gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Bên cạnh những đồ chơi có nhiều màu sắc sặc sỡ, bố mẹ cũng nên đề phòng với những món đồ "tỏa hương". Bởi lẽ, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học (ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện nay đa phần những sản phẩm tạo hương thơm đều sử dụng hương công nghiệp, chỉ một số ít sử dụng các hương liệu tự nhiên. Các loại hương nhân tạo này thường được tạo bằng hóa chất tạo mùi như aldehyde, cetol... Bên cạnh đó, một số chất định hương, giữ mùi trên sản phẩm cũng có khả năng gây độc hại. Khi người dùng hít vào cơ thể, chúng có thể gây nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng hệ thần kinh. Đối với trẻ nhỏ, việc tiếp xúc với các loại hương thơm nhân tạo liên tục trong một thời gian dài có thể tác động xấu đến hệ hô hấp của trẻ, gây bong tróc niêm mạc, giảm khả năng khứu giác, thậm chí nếu kéo dài có thể nguy hại đến hệ thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ.
Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý, bố mẹ cũng không nên cho con dùng các loại đồ chơi phát sáng nhất là những ánh sáng màu và cường độ ánh sáng mạnh, thay đổi liên tục vì những ánh sáng này có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, gây nhức mỏi mắt, chảy nước mắt thậm chí nếu tiếp xúc lâu có thể làm giảm thị lực của trẻ.
Để không gây hại cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi chọn mua đồ chơi cho con. Tốt nhất nên chọn đồ chơi của các hãng sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Khi chọn đồ cho con, nên chọn vật sáng màu, trong, ít mùi thơm và hạn chế chọn những vật có nhiều tiểu tiết nhỏ. Không nên chọn các loại đồ chơi mà khi cầm thấy có phẩm màu hoặc các hạt kim tuyến lấp lánh dính ra tay vì loại này màu và kim tuyến thường dễ bong ra khiến trẻ dễ hít phải gây hại đối với sức khỏe.
Cẩn trọng với các loại đồ chơi không được kiểm định
Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Tuần tra số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một xe khách 16 chỗ vận chuyển 4 loại hàng hóa là đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất. Toàn bộ số hàng gồm 30 túi bóng nhựa đồ chơi (100 quả/túi), 18 bộ đồ chơi mô hình bán kem bằng nhựa nhãn hiệu sueet cant, 24 bộ đồ chơi mô hình bán kem bằng nhựa nhãn hiệu Diy. Sau khi kiểm tra lực lượng chức năng cho biết, toàn bộ số đồ chơi trẻ em trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nhất là mùa Trung thu đang đến gần, bố mẹ cần thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ, nhất là những đồ không có nguồn gốc rõ ràng và chưa được cơ quan chức năng kiểm định.
Theo Gia đình & Xã hội
Đã có người phải nhập viện cấp cứu chỉ vì bị kiến lửa đốt: Đừng quên nguyên tắc "8 từ" nếu không may bị kiến lửa đốt Kiến lửa là một loại sâu bệnh trong nông nghiệp và y tế. Nọc độc thải ra từ đuôi của nó có thể gây ra phản ứng dị ứng và thậm chí gây tử vong cho con người. Cô Nhan 52 tuổi, làm việc tại một nhà máy ở Đông Quan. Vào sáng ngày 29/8, cô Nhan sau khi ngủ dậy, phát hiện...