77% người Singapore muốn chết tại nhà, chỉ 27% được toại nguyện
Khảo sát của một tổ chức từ thiện địa phương cho hay nghịch lý trong tình trạng người Singapore không được thỏa mãn ước nguyện cuối đời chẳng qua là do ‘thiếu thông tin’.
Những phụ nữ độc thân neo đơn sống tại Viện dưỡng lão của nhà dòng St. Joseph’s Home ở Singapore. Năm 2010, Lien Foundation tổ chức cuộc thi thiết kế “quan tài hạnh phúc” theo ước nguyện của họ. Tổ chức thiện nguyện này cũng thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp các bệnh nhân giai đoạn cuối trải qua những ngày cuối đời thanh thản và chết ấm cúng – Ảnh: Thục Minh
Lien Foundation, tổ chức từ thiện có tiếng ở Singapore, vừa công bố kết quả khảo sát trên 1.006 người được thực hiện trong năm 2013 cho thấy 77% số người được hỏi nói rằng họ muốn trải qua những ngày cuối đời ngay tại nhà.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cơ quan đăng ký hộ tịch quốc gia, trong năm 2013, chỉ có 27% người chết được thỏa mãn ước nguyện này, báo Straits Times cho hay.
Trong khi chính phủ Singapore ra sức vận động người dân vui sống tuổi già và ra đi bên cạnh con cháu, làng xóm, thì thực tế nói trên là điều khiến nhiều người suy nghĩ.
Bác sĩ R. Akhileswaran, Chủ tịch Hội đồng chăm sóc bệnh nhân ngoại trú, cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên có thể là vì sức khỏe của bệnh nhân có những diễn biến bất thường, buộc họ phải nhập viện để được điều trị những biến chứng, kể cả đối với những trường hợp “bác sĩ bó tay”.
Tuy vậy, theo Lien Foundation, trong số những bệnh nhân “chết không toại nguyện”, có rất nhiều người lẽ ra nên được chăm sóc, dùng thuốc giảm đau lẫn hỗ trợ tinh thần tại nhà khi bệnh đã vào giai đoạn cuối (gọi ngắn gọn là home palliative care – HPC), thay vì nằm bệnh viện hay vào trung tâm bệnh nhân ngoại trú (Hospice).
Thiếu thông tin
Theo báo Straits Times, đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, chi phí nằm viện có thể lên đến 500 SGD/ngày (8,5 triệu đồng/ngày), còn chi phí ở Hospice là 300 SGD/ngày, trong khi HPC là hoàn toàn miễn phí.
Sở dĩ HPC miễn phí là do chính phủ Singapore khuyến khích những bệnh nhân giai đoạn cuối về nhà nghỉ dưỡng cho đến khi qua đời để giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện công.
Tuy vậy, nhiều người Singapore không nắm được thông tin nên lo sợ rằng việc các cơ sở y tế cử người đến tận nhà chăm sóc bệnh nhân sẽ rất đắt đỏ.
Video đang HOT
Trên thực tế, theo Trung tâm bệnh nhân ngoại trú HCA Hospice Care, để chăm sóc một bệnh nhân tại nhà trong vòng 1 năm, cơ sở này chỉ chi khoảng 1.500 SGD.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, do quy mô gia đình ngày nay bị thu hẹp với số người ít ỏi, thân nhân cũng lo lắng bệnh nhân nằm nhà không được chăm sóc đầy đủ bởi người thân.
Tuy nhiên, theo bà Ann Lee, 37 tuổi, có chồng chết vì bệnh ung thư cách đây 3 năm, việc đội ngũ gồm bác sĩ, y tá và nhân viên hoạt động xã hội đến nhà chăm sóc chồng bà ít nhất mỗi tuần một lần vào giai đoạn cuối đã “tạo ra sự khác biệt”.
“Chúng tôi thật sự biết ơn sự hỗ trợ y tế lẫn tinh thần mà họ đem lại. Điều đó giúp chồng tôi có những ngày tháng cuối đời thật sự chất lượng nhờ sự gần gũi với 2 đứa con thơ”, bà Ann Lee nói.
Giám đốc Lien Foundation, ông Lee Poh Wah, nói: “Chúng ta cần phải thay đổi thực trạng nhiều người chết trong các cơ sở y tế một cách không cần thiết”.
Theo ông này, cần có một điều phối viên có nhiệm vụ kết nối giữa bệnh viện với các cơ sở cung cấp dịch vụ HPC để sắp xếp cho bệnh nhân giai đoạn cuối sớm xuất viện và được chăm sóc tại nhà.
Theo TNO
Singapore cấm 'thảo dược' được nói là có lưu hành ở Việt Nam
Singapore hôm 8.4 loan tin thảo dược Herbal Health Jointcare, được nói do Nhật bào chế và đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép, là không rõ nguồn gốc và chứa 5 hóa chất, gồm steroid.
Herbal Health Jointcare được giới thiệu chỉ gồm các thành phần thảo dược, không có steroid và được sản xuất tại Nhật Bản - Ảnh: HSA cung cấp
Herbal Health Jointcare (HHJ) được ghi nhãn là chỉ chứa các thành phần thảo dược tự nhiên và không có steroid, có tác dụng giảm đau ở bệnh nhân viêm thấp khớp kinh niên và "không gây những tác dụng phụ không mong muốn".
Tuy nhiên, kiểm tra của Cục khoa học y tế Singapore (HSA) cho thấy "thảo dược" này chứa đến 5 loại hóa chất tổng hợp có dược tính mạnh, gồm steroid (Betamethasone-17-valerate), piroxicam, furosemide, chlorpheniramine và famotidine, vốn chỉ được sử dụng dưới sự kê toa và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Sản phẩm do Công ty Ace Nutrition International có trụ sở tại Singapore đứng tên sản xuất và tiếp thị nhưng ghi trên nhãn là "Product of Japan" (sản phẩm của Nhật Bản).
"Các điều tra tới nay cho thấy nguồn gốc sản phẩm này không chắc chắn", thông cáo của HSA hôm 8.4 cho hay.
HSA cũng cho biết họ đã tịch thu toàn bộ thảo dược này tại trụ sở công ty ở số 2 đường Kallang Pudding Road và nghiêm cấm việc buôn bán sản phẩm.
Hiện tại, công ty này đã xóa hết địa chỉ cũng như thông tin về các sản phẩm của mình trên website lẫn trang Facebook.
Tuy nhiên, tìm kỹ trên website chính thức về HHJ (herbalhealthforall.com), sản phẩm này được nói là được bào chế và đóng gói tại Singapore (Manufactured and packed in Singapore).
Website này cũng rao HHJ "được HSA cho phép bán như một sản phẩm bổ trợ sức khỏe sau khi đã xét nghiệm và kiểm tra", đồng thời "tuân thủ tất cả các quy định của Cục dược phẩm Liên bang Mỹ và được bán tại Mỹ".
Ngoài ra, website này còn cho biết HHJ đã được Bộ Y tế Việt Nam và Campuchia cấp phép.
Giấy phép của Việt Nam mang số hiệu 373/ATTB-XNCB.
Dưới hình thức vỉ kẽm 10 viên hình con nhộng màu trắng, một hộp giấy chứa 3 vỉ (30 viên) có giá bán 65 SGD (1,1 triệu đồng), chưa gồm phí giao hàng tận nơi, theo giá trên website bán dược phẩm DeeMakMart.com.
Website chính thức giới thiệu Herbal Health Jointcare thừa nhận sản phẩm "được bào chế và đóng gói tại Singapore", và đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành số 373/ATTB-XNCB - Ảnh chụp từ website
Nguy hại khó lường
HSA cho hay họ nhận được 2 tin báo về tác dụng giảm đau tức thì của HHJ. Tin báo thứ nhất từ một nữ bệnh nhân 60 tuổi, bị bệnh cứng vai và đau khớp.
Bà này và một số người quen dùng sản phẩm này được 2 ngày thì thấy hết đau và báo với bác sĩ.
Hiện các bác sĩ xem xét triệu chứng tổn thương gan ở người bệnh nhân này mà nguyên nhân có thể là do sử dụng HHJ.
Báo cáo thứ hai đến từ một người đàn ông có mẹ dùng HHJ và hết đau trong một tuần khiến ông nghi ngờ.
HSA khuyến cáo các bệnh nhân trót dùng HHJ phải nhanh chóng gặp bác sĩ để được theo dõi và chỉ dẫn hợp lý.
Do chứa chất steroid, vốn có tác dụng chống viêm tấy, việc ngưng đột ngột việc sử dụng HHJ sẽ gây những triệu chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp và mất phương hướng.
Theo HSA, việc dùng lâu dài chất betamethasone-17-valerate (một dạng steroid) có trong HHJ có thể gây tăng lượng đường trong máu, dẫn tới bệnh tiểu đường, cao huyết áp, giảm thị lực, rối loạn cơ và xương, tăng nguy cơ bị hội chứng Cushing với biểu hiện phù mặt, phù mình mẩy trong khi tay chân teo lại.
Trong khi đó, chất piroxicam, một chất kích thích làm giảm đau, có thể ảnh hưởng lên thận, gan, tim, đặc biệt với những đối tượng mẫn cảm như người cao tuổi.
Chất furosemide là dược chất dùng để loại nước và muối khỏi cơ thể. Việc dùng nhiều chất này, gây nên tình trạng loại nước quá mức sẽ đồng thời làm cạn lượng nước, muối và khoáng chất trong cơ thể.
Còn chlorpheniramine là chất kháng histamine dùng trị dị ứng hay nóng sốt, và famotidine là chất trị các khối u hệ tiêu hóa.
Dùng thuốc có chứa hai chất này một cách tùy tiện có thể bị nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy và táo bón.
Theo TNO
Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 4: Sáng, tối góc người Việt Đến khu Geylang (Singapore), người Việt xa quê tìm được sự thân thuộc và hương vị quê nhà. Nhưng cũng có lúc bị níu tay nhờ vả bởi một người đồng hương lâm vào tình huống tê tái nỗi tủi nhục. Little Vietnam nằm ở rìa phố đèn đỏ Geylang không chỉ được các bạn trẻ Việt Nam mà cả người địa phương...