75 năm sinh Freddie Mercury: Thủ lĩnh ‘bất tử’ của Queen
Ngày 5/9 vừa qua, Freddie Mercury, ca sĩ chính đồng thời là thủ lĩnh ban nhạc rock Queen, sẽ tròn 75 tuổi nếu ông không qua đời vào năm 1991 vì căn bệnh AIDS.
Và trong 30 năm kể từ khi chia tay Mercury, khán giả vẫn luôn khẳng định: Âm nhạc đại chúng có rất ít những biểu tượng như ông.
Tự tin và khoa trương…
Mercury nổi tiếng từ vai trò thủ lĩnh của ban nhạc rock Queen. Cùng với Brian May (guitar và vocal), Roger Taylor (trống và vocal) và John Deacon (guitar bass), nhóm nhạc người Anh đã cho ra đời một số bản “hit” vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc, với nhiều hợp đồng biểu diễn “khủng” trên khắp thế giới.
Và trong ban nhạc ấy, sự hiện diện trên sân khấu của Mercury luôn độc đáo. Ông từng thản nhiên đứng trước hơn 70.000 người tại Sân vận động Wembley ở London, hát, tán tỉnh và đùa giỡn với khán giả. Ưỡn ngực về phía trước như một chú gà trống, Mercury đã thu hút được những người theo dõi – gồm cả nam lẫn nữ – với động tác lắc hông trong chiếc quần đầy quyến rũ của mình.
Trên sân khấu lôi cuốn Freddie Mercury với vẻ tự tin, lãnh đạm và khoa trương
Và, điều vĩ đại hơn tài năng của ca sĩ chính là tính cách của ông – cả trong và ngoài sân khấu: Tự tin, lãnh đạm và khoa trương. Thường thì, Mercury sẽ tự trao vương miện cho mình vào cuối các buổi biểu diễn của mình, với tư cách là vua – hoặc nữ hoàng – của nhạc rock.
Dù đang chế giễu khán giả hay chế giễu bản thân, Mercury vẫn truyền tải được sự hài hước và sức hấp dẫn vượt thời gian trong hầu hết mọi lần xuất hiện trước công chúng. “Nếu mọi người ngừng mua đĩa của chúng tôi, tôi sẽ trở thành một vũ công múa cột để hòa mình vào thứ âm nhạc đã viết” – Mercury từng nói khi sinh thời.
… Nhưng luôn bí ẩn
Mercury tên thật là Farrokh Bulsara. Ông sinh ngày 5/9/1946 tại quần đảo Zanzibar nhưng chủ yếu lớn lên ở Ấn Độ. Năm 17 tuổi, Farrokh và cha mẹ chuyển đến London, nơi ông vừa học nghệ thuật vừa học nhạc. Đó cũng là thời điểm Farrokh gặp tay guitar Brian May và tay trống Roger Taylor. Ban đầu, Farrokh phụ trách thiết bị biểu diễn cho 2 nhạc sĩ trước khi chia sẻ ánh đèn sân khấu với họ dưới nghệ danh sau này – Freddie Mercury.
Bức ảnh trình diễn trên sân khấu mang tính biểu tượng của Freddie Mercury do Neal Preston chụp
Năm 1970, May và Taylor đưa tay bass John Deacon gia nhập ban nhạc và phát hành album đầu tiên của Queen – với Freddie là giọng ca chính. Ca khúc My Fairy King có câu: “Mẹ Mercury, hãy nhìn những gì họ đã làm với con”. Lời bài hát này sau đó đã hoàn thiện nghệ danh của Freddie. Khi được hỏi liệu có muốn nói với người mẹ mình bằng những từ đó không, ca sĩ trả lời: “Có, và từ giờ trở đi, tôi là Freddie Mercury”.
Trong những ngày đầu thành lập, nhóm nhạc khá khó khăn để tìm được bất kỳ sự công nhận nào. Cho đến năm 1974, những ca khúc như Killer Queen và Now Im Here mới đưa Queen lên bản đồ âm nhạc và bảng xếp hạng. Ban nhạc tạo được bước đột phá lớn với ca khúc Bohemian Rhapsody vào năm 1975. Cho đến nay, đĩa đơn ăn khách từng đoạt giải này vẫn là bài hát đặc trưng của Mercury.
Queen thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc của Anh với album phòng thu thứ 4 – A Night At The Opera - và giành được sự công nhận ở Mỹ. Dần dần, họ đã trở thành một trong những ban nhạc rock thành công nhất trong lịch sử. Được tôn vinh không chỉ vì các bài hát mà còn vì những trò khôi hài trên sân khấu của Mercury, Queen đã đi lưu diễn khắp thế giới với nhiều đợt lưu diễn.
Càng say mê thể hiện con người của mình trước công chúng, Mercury lại càng giữ kín cuộc sống cá nhân, và đó là điều mà ông làm đến tận những giây phút cuối cùng. Vào cuối những năm 1970, ca sĩ chia tay với người bạn gái lâu năm Mary Austin, nói với cô rằng mình sẽ tìm kiếm một bạn đồng hành nam.
Freddie Mercury và bạn gái duy nhất Mary Austin
Dù vậy, Mercury chưa bao giờ công khai về giới tính của mình. Năm 1985, một phóng viên ở Rio de Janeiro từng hỏi ca sĩ rằng liệu đĩa đơn ăn khách I Want To Break Free có liên quan gì đến việc kêu gọi giải phóng những người đồng tính nam hay không. Và ông trả lời rằng bài hát do John Deacon, đồng nghiệp trong ban nhạc, sáng tác. “Anh ấy đang có cuộc hôn hạnh phúc với 4 đứa con. Tôi không biết bạn lấy những ý tưởng này ở đâu” – Mercury nói với phóng viên.
Phút “nói thật” cuối đời
Nhưng tin đồn về giới tính của Mercury vẫn âm ỉ trong nhiều năm. Và khi căn bệnh AIDS được nhắc trong những năm 1980, những câu hỏi về lối sống bí mật của ông ngày càng tăng lên. Các tờ báo lá cải cũng bắt đầu đặt câu hỏi về sức khỏe của Mercury, khi ngoại hình của ông bắt đầu thay đổi, đồng thời, người ta tiết lộ rằng Mercury từng có nhiều mối quan hệ đồng giới cùng lúc.
Lần xuất hiện cuối cùng của Freddie Mercury trước công chúng, tại lễ trao giải Brit năm 1990
Đến giờ, các fan vẫn không có thông tin chi tiết về thời điểm Mercury nhiễm virus HIV – cũng như về thời điểm được chẩn đoán chính thức – khi ông luôn giữ kín điều này vào cuối những năm 1980. Ông vẫn cùng ban nhạc tiếp tục thu âm những ca khúc mới mặc dù trông ngày càng mệt mỏi và gầy gò. Thậm chí, nhiều người nghĩ rằng album The Miracle (1989) của Queen sẽ là bản thu âm phòng thu cuối cùng của họ.
Bạn bè và thành viên của Queen kể rằng Mercury chỉ chia sẻ một chút về sức khỏe với những người quan trọng nhất của mình. Khi quá ốm yếu, Mercury phải ngừng lưu diễn – công việc mà ca sĩ từng rất yêu thích.
“Trong một thời gian, chúng tôi thực lòng không biết chuyện gì đang xảy ra với anh ấy” – May từng kể – “Như thể có một luật bất thành văn nào đó đặt ra, và chúng tôi không được phép nói về nó”.
Lễ trao giải Brit vào ngày 18/2/1990 là lần cuối cùng Mercury được nhìn thấy trước công chúng, khi Queen nhận giải thưởng danh dự vì những đóng góp xuất sắc cho âm nhạc. Mercury sụt cân nhiều đến mức mọi người đều nhận ra. Ông cố gắng che giấu vẻ ngoài hốc hác của mình sau lớp trang điểm vào đêm hôm đó và trông như một bóng ma trên sân khấu.
Mercury chỉ chia sẻ sự thật với các thành viên của ban nhạc Queen chưa đầy 1 năm trước khi mất. Quyết tâm tiếp tục làm việc, Mercury thuyết phục ban nhạc thu âm album Innuendo trong những tháng cuối cùng của đời mình. May giải thích rằng ban nhạc đã thu âm album trong tâm trạng biết rõ rằng Mercury không còn nhiều thời gian nữa.
“Mercury đau khổ kinh khủng. Nhưng anh ấy không thể hiện điều đó. Tôi chưa bao giờ nghe anh phàn nàn” – May sau đó nói.
Mercury cũng thu âm video âm cuối cùng của mình trong thời gian này, cho bài hát These Are The Days Of Our Lives. Ông muốn chứng minh rằng mình vẫn làm việc chăm chỉ cho đến khi qua đời.
Vào ngày 23/11/1991, Mercury phát hành một thông cáo báo chí, thừa nhận rằng ông thực sự đã bị AIDS. Ông qua đời chỉ 1 ngày sau đó, ở tuổi 45, vì biến chứng viêm phổi từ căn bệnh AIDS. Sau khi ông mất, năm 1945, Queen đã phát hành 1 album nữa sử dụng tài liệu được ghi lại trong những tháng cuối đời của ông với có tựa đề Made In Heaven.
Để rồi, dù hơn 1/4 thế kỷ trôi qua, những bản “hit” của Freddie Mercury – bao gồm Bohemian Rhapsody, Killer Queen, I Want To Break Free, Dont Stop Me Now, Crazy Little Thing Called Love và We Are The Champions – tiếp tục mê hoặc những thế hệ người hâm mộ mới.
Sự kiện kỷ niệm 75 năm ngày sinh Freddie Mercury
Kênh YouTube của Mercury đã hợp tác với Mercury Phoenix Trust – tổ chức phòng chống AIDS được thành lập dưới tên của biểu tượng quá cố – làm một video nhắc lại những khoảnh khắc khó quên mà người thủ lĩnh huyền thoại của ban nhạc Queen đã để lại trong ký ức người hâm mộ.
Bên cạnh đó, Bảo tàng và Trung tâm Tư liệu Brent hợp tác cùng với Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia tổ chức triển lãm trưng bày bức ảnh mang tính biểu tượng của Freddie Mercury. Bức ảnh này do Neal Preston chụp tại màn diễn của Queen tại Sân vận động Wembley vào năm 1986, sau đó được Phòng trưng bày mua lại cho bộ sưu tập vĩnh viễn.
TikTok cũng tham gia cùng dàn đồng ca Ay-Oh kỷ niệm ngày sinh của Mercury với Freddie 75 , chiến dịch bán những áo phông được thiết kế riêng nhằm mục đích gây quỹ hỗ trợ các tổ chức chống HIV/AIDS trên khắp thế giới.
Về phía các đồng nghiệp, nghệ sĩ guitar Brian May (74 tuổi) của Queen cầu chúc cho Mercury mọi điều tốt lành trên tài khoản Instagram của mình. Ông đã chia sẻ một đoạn clip về các tác phẩm của nghệ sĩ Nenu Arts, người thường sử dụng Freddie Mercury làm họa tiết cho các bức tranh. Còn tay trống Roger Taylor (72 tuổi) đăng một bức ảnh cũ với Mercury trên Instagram kèm theo dòng chữ: “Chúc mừng sinh nhật, người bạn cũ thân yêu nhất” – Taylor viết.
50 năm ngày thủ lĩnh 'The Doors' qua đời: Jim Morrison - một huyền thoại... nổi loạn
50 năm sau khi Jim Morrison mất (3/7/1950), người ta vẫn hỏi nhau về con người thật ẩn sau ánh hào quang của một huyền thoại nhạc rock.
Thời ở đỉnh cao sự nghiệp, Morrison hoàn toàn sống đúng với hình ảnh của một ngôi sao nhạc rock. Phong cách độc đáo ấy đã tạo nên những làn sóng chấn động khắp nước Mỹ và mê hoặc nhiều thế hệ trẻ.
Đứa trẻ trầm tính và "cánh cửa" tạo nên The Doors
Jim Morrison tên đầy đủ là James Douglas Morrison, sinh ngày 8/12/1943 tại bang Florida (Mỹ) trong gia đình có cha là Đô đốc Hải quân. Thời nhỏ, Morrison tìm thấy sự hỗ trợ và niềm vui trong viết lách và vẽ. Ông khởi đầu là một học sinh siêng năng, là lớp trưởng và là một cậu bé hướng đạo sinh kiểu mẫu. Nhưng ông trở nên thu mình hơn vào cuối những năm trung học.
Khi trưởng thành, chàng trai trầm tính này đã trở thành một thanh niên theo đuổi đam mê điện ảnh tại Los Angeles. Tuy nhiên, Morrison sớm phát hiện ra rằng việc học tại trường điện ảnh tại UCLA không phải là việc của mình, dù ông vẫn có được tấm bằng quay phim vào năm 1965. Và tại chính ngôi trường này, Morrison gặp bạn học Ray Manzarek, người hơn ông 4 tuổi.
Tại bãi biển Venice, California, Morrison nói với Manzarek: "Trong đầu tôi đang nảy ra những giai điệu rock & roll tuyệt vời". Với sự cổ vũ của Manzarek, Morrison đã hát thử ca khúc Moonlight Driver . Rất ngưỡng mộ trước ca khúc này của Morrison, Mazarek đã rủ ông thành lập một ban nhạc.
Moonlight Drive là một trong những bài hát đầu tiên của Morrison, với giai điệu không rõ ràng và ca từ thơ mộng hoặc... không lành mạnh - tùy thuộc vào quan điểm của người nghe. Bài hát được viết trên nóc một ngôi nhà 3 tầng ở bãi biển Venice vào thời điểm Morrison mới 21 tuổi.
Trong ban nhạc mới thành lập, Manzarek chơi piano hoặc organ và Morrison là ca sĩ kiêm nhạc sĩ. Nhanh chóng sau đó, tay trống John Densmore và nghệ sĩ guitar Robby Krieger đã tham gia. Họ lấy tên The Doors với cảm hứng từ cuốn sách Doors Of Perception của nhà văn kiêm triết gia người Anh - Aldous Huxley - viết năm 1954.
Jim Morrison - thủ lĩnh của The Doors
Ban nhạc đã lưu diễn tại nhiều câu lạc bộ ở Los Angeles. Phải mất một thời gian, hãng Electra mới phát hiện ra ban nhạc và đưa ra một hợp đồng thu âm với họ. Sau khi ký hợp đồng, ban nhạc đã thu âm album đầu tay tại Sunset Sound Recording Studios chỉ trong vòng 1 tuần vào năm 1966. Đĩa đơn thứ 2 trong album - Light My Fire - do Robby Krieger sáng tác đã trở thành một bản hit và leo lên đầu bảng xếp hạng vào năm 1967.
Với phong cách blues rock có sử dụng nhiều đàn organ, The Doors đã tạo ra một hệ thống âm thanh độc đáo, được tô điểm với ca từ huyền bí và khiêu khích của Morrison. Morrison thường trau chuốt lời bài hát vốn có và thêm vào những câu khó đoán khi trình diễn trực tiếp trên sân khấu.
Những năm tháng nổi loạn
Sự thực, phong cách ấy tạo ra sự quyến rũ độc đáo của Morrison nhưng nó cũng khiến ông đôi khi gặp rắc rối. Cụ thể, vào năm 1966, trong khi ban nhạc đang biểu diễn tại câu lạc bộ Whisky a Go Go, lời bài hát The End đã gây kích động khi Morrison đã kể lại câu chuyện về vua Oedipus theo những ý tưởng quái gở của mình, rằng Oedipus đã cố tình diệt người cha và quan hệ với mẹ. Sau đó, Whisky a Go Go đã cấm ban nhạc trình diễn ở tại câu lạc bộ này. Dù vậy, về sau, The End đã được tạp chí Rolling Stone đưa vào vị trí 328 trong Top 500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời.
Cuốn sách gồm các tác phẩm của Jim Morrison được phát hành nhân 50 huyền thoại rock qua đời
Đây chắc chắn không phải là vụ bê bối cuối cùng mà Morrison gây ra. Trong các buổi biểu diễn trực tiếp của The Doors, Morrison luôn chiếm vị trí trung tâm với chiếc quần da đen bó sát và những điệu nhảy xuất thần theo nhịp nhạc. Đôi khi, ông dừng lại để ngâm thơ hoặc đơn giản là hòa mình vào đám đông mà không có bất kỳ lời báo trước nào.
Tại một buổi biểu diễn ở Miami hồi năm 1969, Morrison dường như đã vượt quá tầm kiểm soát. Hoàn toàn say xỉn, ông bước lên sân khấu tại Dinner Key Auditorium và hét lên: "Tất cả các người đều là một lũ ngu ngốc! Các người là những tên nô lệ!". Thời điểm đó, Morrison đã nghiện trong nhiều tháng và đôi khi có hành động thái quá đối với người hâm mộ của mình. Nhưng lần này, xa hơn, ông hỏi khán giả có muốn xem... "của quý" của mình không và tiếp tục cởi dây đai để khoe đồ chip. Một cuộc bạo loạn xảy ra sau đó giữa Morrison, cảnh sát và khán giả khiến đêm diễn trở nên hỗn loạn.
Sau đó, tất cả những người thân cận với nam ca sĩ đều khẳng định rằng Morrison chưa từng có hành vi khiếm nhã nào lộ ra ngoài nhưng hành vi thất thường của ông cũng đủ để cơ quan chức năng phát lệnh bắt. Vào tháng 8/1970, Morrison bị buộc tội có hành vi quá dâm , không đứng đắn và nói lời tục tĩu. Morrison bị phạt 6 tháng tù và 500 USD, dù sau đó ông được tự do sau khi nộp tiền bồi thường 50.000 USD và phải lao động công ích tại nhà tù Quận Dade. Nhiều màn hòa nhạc của The Doors đã bị hủy bỏ sau đó.
Một bài thơ viết tay của Jim Morrison
Sau vụ việc này, Morrison đã tự coi mình như một nhà văn, một nhà thơ, một người có thông điệp riêng để truyền đạt - chứ không đơn thuần là một nghệ sĩ giải trí. Song để hoàn tất các hợp đồng biểu diễn của mình, ông đã dùng chất cấm hàng đêm. Morrison bày tỏ ông muốn rời khỏi ban nhạc, nhưng theo yêu cầu của Manzarek, ông đã quyết định sát cánh cùng The Doors thêm 6 tháng để thu âm album phòng thu thứ 6 và cuối cùng của họ, album mang tựa đề LA Woman. Đây là album duy nhất không có tour diễn kèm sau đó.
Cái chết đầy tranh cãi
Vào mùa Xuân năm 1971, Morrison chuyển đến Paris để sống với người bạn gái lâu năm của mình - Pamela Courson. Sức khỏe kém, ông thường xuyên bị ho ra máu. Đêm 2/7, Morrison cũng gặp tình trạng như vậy. Bạn gái đưa ông vào nhà tắm rồi ngủ tiếp. Một giờ sau, cô tỉnh dậy và thấy Morrison bất tỉnh trong bồn tắm của căn hộ ở Paris, số 17 đường Beautreillis. Kết luận được đưa ra sau đó: Morrison chết vì đau tim.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng Courson - cũng nghiện heroin - đã bịa ra câu chuyện. Theo họ, Morrison có thể đã chết trong khi dùng chất cấm quá liều. Cũng có người nói, Morrison "vờ" dàn dựng cái chết của mình và chiếc quan tài được đưa đến nghĩa địa Pere Lachaise ở Paris 4 ngày sau đó là trống rỗng.
Courson vẫn giữ câu chuyện về cái chết của Morrison mãi đến khi cô qua đời chưa đầy 3 năm sau đó. The Door chính thức giải thể vào năm 1972.
Vào đầu những năm 2000, Ray Manzarek và Robby Krieger đã cố gắng tổ chức một cuộc tái hợp The Doors và đưa ca sĩ Ian Astbury, cựu thủ lĩnh của The Cult, lưu diễn cùng nhưng không thành công. Huyền thoại mà ban nhạc đã xây dựng đã không thể hồi sinh. Jim Morrison luôn đứng - và vẫn đứng - ở trung tâm câu chuyện kể cả 50 năm sau khi ông qua đời.
Tưởng nhớ Jim Morrison
50 năm sau khi Morrison qua đời ở tuổi 27, những người yêu nhạc rock từ Pháp và khắp thế giới đã đến nghĩa trang Pere-Lachaise ở phía Đông Paris, nơi chôn cất thủ lĩnh của The Doors. Nhiều người mang theo nến, ảnh và một số thắp hương gần mộ của ông.
"Jim và The Doors đã là những anh hùng kể từ khi chúng tôi còn là những đứa trẻ. Thật vinh dự khi có mặt ở đây và kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông" - Dutuar Platzek (50 tuổi), một người hâm mộ đến từ Đức, bày tỏ.
Nhiều năm qua, nghĩa trang Pere-Lachaise đã trở thành nơi hành hương của những người hâm mộ Morrison. Ông cùng với The Doors đã tạo ra nhiều ca khúc ăn khách từ năm 1965 đến năm 1971, bao gồm Light My Fire, Hello I Love You, Touch Me và Riders On The Storm.
Taeyeon khẳng định: "SNSD có ý nghĩa như là cả một quốc gia", fan khóc hết nước mắt tuyên bố mãi là công dân đất nước này! Chia sẻ đầy cảm xúc của Taeyeon (SNSD) đã lay động trái tim của rất nhiều người hâm mộ Kpop. Vào tối ngày 1/9, người hâm mộ SNSD đã có dịp chứng kiến sự xuất hiện của nhóm với đội hình đông đủ 8 thành viên trên chương trình You Quiz On The Block . Sau 4 năm ròng rã, đây là lần...