73 ngày Obama chuyển giao quyền lực cho Trump
Từ giờ tới ngày ông chủ Nhà Trắng mới nhậm chức 20/1/2017, người Mỹ sẽ có 2 tổng thống: người đương nhiệm và người kế nhiệm. Đó sẽ là 73 ngày chuyển giao tưởng như dài bất tận.
Vào ngày 19/12 tới, 538 đại cử tri của nước Mỹ sẽ được tập hợp từ 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC để bầu ra tổng thống và phó tổng thống theo nguyện vọng của người dân. Kết quả (đã biết trước) sẽ được Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden “thông báo” trước Thượng viện.
Việc chuyển giao sẽ chính thức diễn ra vào trưa ngày 20/1/2017. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã phải bắt đầu tiến hành chuẩn bị để trở thành tổng thống ngay từ lúc này.
Lịch trình bận rộn của Trump
Theo Telegraph, công việc của ông sẽ bao gồm hoàn thiện các chương trình nghị sự quan trọng cho 100 ngày làm việc đầu tiên, nhận vô số các bản báo cáo tóm tắt về chính sách và lựa chọn các thành viên chủ chốt của chính quyền sắp tới.
Việc đề cử nội các của tổng thống tân cử thường bắt đầu trong vòng vài tuần kể từ ngày bầu cử. Ví dụ, Tổng thống Barack Obama đã chính thức công bố bà Hillary Clinton làm ứng viên cho vị trí ngoại trưởng vào ngày 1/12/2008.
Những người được đề cử sẽ được Thượng viện xác nhận và tuyên thệ nhậm chức sau lễ nhậm chức của tân tổng thống.
Donald Trump vẫy tay chào khi rời điểm bầu cử sau khi bỏ phiếu bầu tổng thống tại New York, ngày 8/11. Ảnh: AFP.
Trên thực tế, quá trình chuyển giao quyền lực đã bắt đầu ngay lập tức, ngay sau khi bà Hillary Clinton gọi điện chúc mừng đối thủ.
Video đang HOT
Nhìn chung, điều này được thực hiện trong vài giờ sau khi các khu vực bỏ phiếu đóng cửa và hầu hết các kết quả đã rõ ràng, trừ khi có yêu cầu kiểm phiếu lại hoặc người thua cuộc tố cáo có vi phạm trong hoạt động bỏ phiếu (như việc ông Trump đã nói sẽ thực hiện nếu thua).
Obama cũng không rảnh
Theo thuật ngữ chính trị, tổng thống đương nhiệm, Barack Obama, được gọi là “vịt què” (lame duck). Ông có nhiệm vụ nhanh chóng mời người kế nhiệm của mình đến tham quan Nhà Trắng. Thông thường, cuộc dạo chơi này thân thiện đến đâu còn tùy thuộc vào sắc thái chính trị của người được bầu.
Mặc dù vậy, ông Obama cũng chưa được nhàn rỗi. Ông sẽ ở lại trong phòng Bầu dục sau ngày bầu cử và có 73 ngày để hoàn thành danh sách những việc cần làm khi còn là tổng thống.
Vị tổng thống Mỹ thứ 44 có thể sẽ cố gắng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hoàn thành việc đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo. Thượng viện cũng sẽ đưa ra quyết định về Merrick Garland, người mà ông Obama đề cử cho Tòa án tối cao vào tháng 3.
Tổng thống Obama có 73 ngày để hoàn thành công việc trước khi chính thức rời Nhà Trắng. Ảnh: Getty.
Vào ngày 20/1/2017, Donald Trump, tổng thống kế tiếp của Mỹ sẽ tuyên thệ nhậm chức ở trước điện Capitol.
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức, cam kết trung thành với Hiến pháp Mỹ đồng thời nhận lấy danh dự và trách nhiệm của một tổng thống. Tân tổng thống sẽ đọc diễn văn nhậm chức, sau đó dùng bữa trưa do quốc hội tổ chức và diễu hành trên Đại lộ Pennsylvania để tới Nhà Trắng.
Obama từng nhiệt tình chỉ trích Trump có trí tuệ và tính khí không thích hợp để kế nhiệm ông tại phòng Bầu dục. Giờ đây, ông buộc phải chào đón người kế nhiệm này trong buổi sáng ngày Nhậm chức vào đầu năm sau và nhìn ông Trump đọc lời tuyên thệ.
Trong khi các nghi lễ đang diễn ra, nhân viên tại Nhà Trắng sẽ bận rộn di chuyển đồ đạc của chính quyền Obama để chuẩn bị cư gia và văn phòng cho những người chủ mới của họ.
Sau một loạt sự kiện trang trọng, ông trùm bất động sản cuối cùng sẽ định cư trong căn nhà mới và nhận công việc mới với tư cách là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Từ giờ cho đến lúc đó, quãng thời gian hơn 2 tháng này sẽ là một khoảng trống đáng sợ với nước Mỹ. Ở Syria hay bất cứ nơi nào khác, người ta có thể lợi dụng sự bất ổn về thể chế của giai đoạn này, khi Barack Obama không có quyền điều hành hoàn toàn hợp pháp, còn Donald Trump vẫn chưa chính thức có quyền can thiệp vào công việc của chính phủ.
Theo Zing News
Trump Obama trước cuộc gặp "khó xử" ngày 10/11 tại Nhà Trắng
Từ trước đến nay, ông Obama và ông Trump gần như chưa bao giờ có liên lạc trực tiếp...
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama sẽ có một cuộc gặp "khó xử" với Tổng thống đắc cử Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 10/11, đánh dấu bước công khai đầu tiên tiến tới chuyển giao quyền lực sau khi vị doanh nhân Cộng hòa bất ngờ thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11.
Theo hãng tin Reuters, từ trước đến nay, ông Obama và ông Trump gần như chưa bao giờ có liên lạc trực tiếp. Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã khuấy đảo những nghi ngờ về nơi sinh của ông Obama và thề sẽ đảo ngược các thành tựu chính sách chủ chốt của ông Obama sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2017.
Trong khi đó, ông Obama đã có nhiều nỗ lực vận động tranh cử cho bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump. Ông Obama luôn nói rằng ông Trump không phù hợp, không có đủ phẩm chất và năng lực để trở thành Tổng thống.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục vào lúc 11h trưa theo giờ Washington, ông Trump và ông Obama có thể sẽ cố gắng gác lại những chuyện đó, ít nhất là trước ống kính camera. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng sẽ có cuộc gặp riêng với bà Melania Trump, phu nhân của ông Trump, tại nơi ở riêng của gia đình Tổng thống tại Nhà Trắng.
Phát biểu ngày 9/11, ông Obama nói rằng cho dù có những khác biệt lớn với ông Trump, ông sẽ tiếp bước cựu Tổng thống Cộng hòa George W. Bush vào năm 2008 đảm bảo sự chuyển giao quyền lực êm ái cho vị tỷ phú địa ốc New York.
"Cách đây 8 năm, Tổng thống Bush và tôi cũng có một vài khác biệt lớn, nhưng đội ngũ của Tổng thống Bush không thể chuyên nghiệp hơn hay tử tế hơn trong việc đảm bảo chúng tôi có một sự chuyển giao êm ái", ông Obama nói. "Bởi vậy, tôi đã hướng dẫn đội ngũ của tôi làm theo tấm gương đội ngũ Tổng thống Bush".
Trong ngày 9/11, ông Trump tập trung họp bàn với các trợ lý về vấn đề chuyển giao quyền lực. Các cuộc họp kín diễn ra tại cao ốc Trump Tower ở New York.
Sau khi nhậm chức, ông Trump được cho là sẽ gặp nhiều thuận lợi từ việc Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong cả Thượng viện và Hạ viện. Vị thế này sẽ giúp ông dễ dàng thực thi các chủ trương, chính sách của mình và bãi bỏ những chính sách của ông Obama mà ông không ưa, như chương trình Obamacare, thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay sự tham gia của Mỹ vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu Paris.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói ông Obama sẽ trao đổi với ông Trump về lợi ích của những chính sách này trong cuộc gặp giữa hai người.
"Một truyền thống giữa các Tổng thống sắp chuyển giao quyền lực là đảm bảo sự tiếp tục của một số chính sách. Tôi không chắc điều đó có diễn ra trong trường hợp này không", ông Earnest nói.
Sau chiến thắng, Trump tuyên bố sẽ nỗ lực hàn gắn mối chia rẽ gây ra bởi cuộc đua khốc liệt vào Nhà Trắng. Về phần mình, bà Clinton kêu gọi người ủng hộ nên có cái nhìn cởi mở hơn với Trump, trong khi ông Obama nói ông dành sự cổ vũ cho người kế nhiệm.
Theo Vneconomy
Tổng thống Obama chúc mừng và mời ông Trump thăm Nhà Trắng Ngay khi kết quả công bố cho thấy ứng viên Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện để chúc mừng người kế nhiệm và mời ông thăm Nhà Trắng để đàm đạo vào ngày mai 10/11. Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Reuters) Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh...