72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I-2014 do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố ngày 21-3, quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, tăng 48.000 người so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ cao đẳng cao gấp 4 lần, nhóm trình độ đại học trở lên cao gấp 3 lần tỷ lệ đối tượng thất nghiệp khác.
Thị trường lao động Việt Nam đang dư thừa và không đồng đều
Cung không gặp cầu
Ông Nguyễn Bá Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2013, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đã cải thiện so với năm 2012 nhưng chưa có tác động mạnh đến khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm chưa được cải thiện. Tính riêng quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Trong đó, ngoại trừ tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ giảm, còn lại tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng cao.
Cụ thể, ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với IV-2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần, nghĩa là có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%.
Video đang HOT
Điểm đáng chú ý là trong nhóm thất nghiệp, số lao động bị thất nghiệp dài hạn từ một năm trở lên chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 44,2%, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2012. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%. Ông Nguyễn Bá Thắng phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này.
Triển vọng 2014
Theo dự báo của bản tin cập nhật thị trường lao động quý I-2014 do Viện Khoa học lao động và xã hội – Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổng cục Thống kê thực hiện, năm 2014, lực lượng lao động của nước ta sẽ đạt 54,87 triệu người. Trong đó, lao động qua đào tạo sẽ tăng nhanh hơn theo xu thế phát triển và đòi hỏi của nền kinh tế. Ngược lại, lao động không có chuyên môn kỹ thuật và lao động làm nghề giản đơn sẽ giảm. Khả năng tạo việc làm của nền kinh tế sẽ tốt hơn so với năm 2013, nhất là ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Tuy nhiên, cơ hội tìm kiếm việc làm của những lao động có trình độ cao chắc chắn vẫn rất khó khăn và dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên cũng như tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong năm 2014 sẽ duy trì mức ổn định, không cải thiện.
Ông Nguyễn Bá Thắng cho biết, cơ cấu việc làm đang chuyển dịch theo hướng tích cực.
Qua khảo sát trong quý IV-2013, việc làm trong ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 45,8% tổng cơ cấu việc làm (giảm 1 điểm %), ngược lại việc làm trong ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm 2012. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này khiến nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao sẽ tăng lên.
Đặc biệt, trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng thì lao động có xu hướng chuyển dịch sang khu vực cá thể, hộ gia đình và hình thức tự làm việc đã tăng mạnh. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực cá thể, hộ gia đình quý IV-2013 là 77,15%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 đến 77,05%. Tỷ lệ lao động tự tạo việc làm là 62,14%, cao hơn quý IV-2012 là 61,81%. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ khuyến khích các mô hình kinh tế cá thể, tự tạo việc làm như vậy và xem đây là một hướng đi cần thiết để người lao động tự kiếm việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.
Theo ANTD
Năm 2014: Quốc hội quyết mức tăng trưởng GDP 5,8%
Sáng nay (11-11), với 421/430 đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 với mức tăng trưởng GDP là 5,8%.
Theo nghị quyết, trong hai năm 2014-2015, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành tăng tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung xử lý những hạn chế, yếu kém, nhất là ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý cơ bản nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý các công trình xây dựng dở dang; Tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Chỉ tiêu cho năm 2014: GDP tăng khoảng 5,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt; Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2014 - 2015 khoảng 6%/năm; giá tiêu dùng tăng khoảng 7%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 31 - 32% GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10%/năm; giải quyết việc làm cho 3,0 - 3,2 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5% - 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 42%.
Về mục tiêu năm 2014, Quốc hội xác định, trọng tâm năm tới là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm tới cụ thể như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;
Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%.
Nghị quyết đã nêu lên 7 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn... Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật, trước hết là về tổ chức bộ máy nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp sửa đổi. Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản dưới luật và tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực thi... Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; trợ giúp xã hội đối với người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công. Chỉ đạo tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Rà soát tổng thể chính sách giảm nghèo để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững...
Theo ANTD
Sợ bị phạt, lao động hết hạn về nước tăng mạnh Bắt đầu từ 10-3, thời hạn miễn xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng đối với những lao động Việt Nam đang làm việc, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ kết thúc. Trong 2 tháng qua, sau khi Chính phủ gia hạn thời điểm xử phạt, rất đông lao động đang làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài đã...