70% các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã: Cách nào ngăn?
‘ Tàn sát, giết hại, ăn thịt động vật hoang dã không phải là hành vi văn minh. Đã có nhiều người chết do ăn thịt động vật hoang dã’.
Đây là chia sẻ ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) với VietNamNet về nạn săn bắt, giết hại và ăn thịt động vật hoang dã của một cộng đồng người dân Việt Nam hiện nay.
ĐBQH Nguyễn Huy Thái
Theo nghiên cứu từ các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế, Việt Nam là điểm đến số 1 thế giới của các loại sừng tê giác, các bộ phận của hổ, ngà voi, vẩy tê tê. Còn theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ năm 2018 đến năm 2019, ở Việt Nam có 1.504 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. The đánh giá của các cơ quan chức năng tình trạng săn bắt, buôn bán, giết hại động vật hoang dã đang diễn ra khá phổ biến. Theo ông vì sao có tình trạng này? Phải chăng, nguyên nhân là do nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân?
ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Vì có nhu cầu và có nguồn cung cấp. Tập quán dân mình thích thụ hưởng, đãi đằng nhau bằng những món ngon, vật lạ. Thịt thú rừng cũng chính là nằm trong “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” ấy. Có một điều lạ, cấm, nhưng vẫn ráng cho có để mà đãi đằng nhau, là lại càng thể hiện cái “tấm chân tình”.
Xưa khác, giờ khác. Xưa, đất rộng, người thưa, thiên nhiên khoáng đạt, môi trường chưa ô nhiễm nhiều, muông thú sinh sôi nảy nở, các phương tiện săn bắt thô sơ, quán xá chưa nhiều,… tập quán ấy tồn tại đã đành. Nay, tuy đã ban hành một số biện pháp nhưng chưa triệt để; và điều quan trọng là nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa theo kịp, chưa ngang mức đòi hỏi.
Bên cạnh, do có nhu cầu nên có “nguồn” cung cấp; vẫn còn có những người bất chấp tất cả chỉ để thu được lợi nhuận.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc săn bắt, buôn bán, giết hại động vật hoang dã không chỉ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái mà người tiêu dùng những loại động vật này cũng đối diện nhiều nguy cơ mắc bệnh? Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Video đang HOT
ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Tôi hoàn toàn đồng tình. Tàn sát, giết hại, ăn thịt động vật hoang dã không phải là một hành vi văn minh.
Đã có nhiều người chết do ăn thịt động vật hoang dã. Mặc dù chưa có một công bố chính thức nào về mối liên hệ giữa động vật hoang dã và virus COVID-19, nhưng các văn bản của Bộ Y tế đều đã có trích dẫn các công bố báo cáo chi tiết về dịch COVID-19 của WHO khẳng định SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật hoang dã.
Trong khi, như đã nói, tập quán lâu nay ở nước ta là thích ăn thịt thú rừng, và đi kèm theo đó là tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển thú rừng diễn ra ở nhiều nơi…
Tình trạng ăn thịt thú rừng vẫn khá phổ biến ở nước ta
Từ những thực tế nêu trên, theo ông có cần thiết phải chặt nguồn cung tức là cấm triệt để việc buôn bán, giết mổ động vật hoang dã giống như một số nước đã thực hiện hay không?
ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Gần đây, Trung Quốc ban lệnh cấm khẩn cấp và “toàn diện” việc buôn bán, tiêu thụ động vạt hoang dã, hoạt động được cho là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) bùng phát.
Ở Việt Nam, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị cần ban hành khung pháp lí thống nhất, hoàn chỉnh về động vật hoang dã và mục tiêu cấp bách về hành động cần được thực thi khẩn trương nhằm ngăn chặn, nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã trong bối cảnh tình hình y tế, sức khỏe cộng đồng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Cá nhân tôi, đồng tình ý kiến kiến nghị cần phải có những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt ngay việc săn bắn, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã, nhằm cắt đứt nguồn lây truyền các virus, vi trùng, kí sinh trùng gây hại đến sức khỏe con người. Còn với nguồn dược liệu khai thác từ động vật hoang dã, nhằm chiết xuất những biệt dược bảo vệ sức khỏe con người, cần có những qui định riêng.
Xin cảm ơn ông!
70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Trường hợp tiêu biểu là đại dịch SARS năm 2003 được xác định có nguồn gốc từ loài dơi móng ngựa và lây truyền sang các loài động vật hoang dã khác, và trở thành nỗi kinh hoàng đối với loài người. Tương tự như thế, virus đậu mùa được các nhà khoa học khám phá có nguồn gốc từ một loài khỉ ở châu Phi, phát tán do sự săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Bệnh dại từ dơi, xuất hiện ở vùng Amazon khi nạn phá rừng, mở đường, săn bắt động vật diễn ra tại nơi đây. Virus Marburg ở châu Âu bắt đầu lan truyền từ các nhân viên bị nhiễm bệnh phòng thí nghiệm Polio khi họ tiến hành thí nghiệm khoa học trên loài khỉ xanh châu Phi,…
Và hiện nay, chúng ta đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, cũng có nguyên nhân từ động vật hoang dã.
Các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật hoang dã không chỉ lây truyền trong quá trình tiếp xúc trực tiếp khi săn bắt, vận chuyển và buôn bán, mà còn gây bệnh với những người tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.
Khám phá ra bản chất của coronavirus chủng mới
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Scripps (Hoa Kỳ) Kristian Andersen, cũng như một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, đã đi đến kết luận rằng coronavirus SARS-CoV-2 phát sinh do sự tiến hóa tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine. Các nhà khoa học khẳng định rằng kết quả phân tích các dữ liệu công khai về trình tự bộ gen SARS-CoV-2 và các virus liên quan không phát hiện bằng chứng cho thấy virus này được tạo ra trong phòng thí nghiệm hoặc được tổ hợp theo phương cách khác.
"Khi so sánh dữ liệu về trình tự bộ gen đối với các chủng coronavirus đã biết, chúng ta có thể xác định chắc chắn rằng SARS-CoV-2 phát sinh do kết quả của các quá trình tự nhiên", chuyên gia sinh học tiến hóa Kristian Andersen cho biết
Các chuyên gia sinh học đã thu thập dữ liệu về các gen mã hóa liên kết protein - các cấu trúc giúp virus bám vào tế bào và xâm nhập vào bên trong nó.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng miền liên kết thụ thể (Receptor-binding domain, RBD) đã tiến hóa một cách tự lập và không thể được hình thành bằng phương pháp nhân tạo. Họ cũng xác định rằng cơ chất của SARS-CoV-2 khác biệt đáng kể so với các loại virus đã biết trước đây ở người.
Dựa trên kết quả phân tích trình tự bộ gen, các nhà khoa học đã kết luận rằng rất có thể nguồn gốc hình thành SARS-CoV-2 tuân theo một trong hai khả năng như sau:
Theo khả năng đầu tiên, virus phát triển đến trạng thái gây bệnh như hiện nay do chọn lọc tự nhiên từ vật chủ không phải là người, sau đó truyền sang người.
Khả năng thứ hai giả định rằng phiên bản virus không gây bệnh truyền từ động vật sang người và sau đó tiến hóa trong cơ thể người đến trạng thái gây bệnh như hiện nay.
M.P
Theo Sputnik
[Infographics] Dịch nCoV: Tìm hiểu về bệnh truyền nhiễm nhóm A Chính phủ đã ra quyết định công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam; tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 1/2/2020 đã ký Quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới...